Theo dữ liệu mới nhất của công ty tư vấn hàng hải Clarksons Research, 6 tháng đầu năm 2025, Trung Quốc vẫn là bên nhận hợp đồng đóng tàu thương mại nhiều nhất thế giới, nhưng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tổng số lượng đơn hàng tính theo trọng tải, mà các doanh nghiệp ở đất nước tỷ dân nhận được là 26,3 triệu tấn, giảm tới 68%.
Hàn Quốc vẫn ở vị trí thứ 2, với tổng trọng tải đơn hàng 14,2 triệu tấn, giảm 7%. Điều này nghĩa là xứ kim chi đang thu hẹp khoảng cách với vị trí số 1.
Tính theo % số lượng đơn hàng, 6 tháng đầu năm Trung Quốc giành được 56%, giảm so với 75% cùng kỳ năm trước. Ngược lại, Hàn Quốc tăng từ 14% lên 30%.
Lý do sụt giảm của Trung Quốc, đến từ những biện pháp hạn chế của Hoa Kỳ cũng như sự giảm chung toàn cầu.
Ông Han Ning, giám đốc chi nhánh Singapore của SHIPBID chia sẻ: “Nhiều chủ tàu lo ngại các biện pháp hạn chế của Hoa Kỳ với ngành đóng tàu Trung Quốc, nên chủ động thích ứng.”
Năm nay, Nhà Trắng có nhiều biện pháp hạn chế với ngành đóng tàu Trung Quốc, nhằm vực dậy lĩnh vực này tại quê nhà.
Tháng 4.2025, ông Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức phí cập cảng cao, với bất kỳ tàu nào do Trung Quốc sở hữu, vận hành hoặc đóng mới. Hoa Kỳ cũng đánh thuế cao với thiết bị do Trung Quốc sản xuất được xưởng đóng tàu nội địa sử dụng, như cần cẩu.
Các đe dọa đã gây ra phản ứng dữ dội và tác động đến thị trường. Theo ông Han, nhiều xưởng đóng tàu ở Trung Quốc chứng kiến thị phần sửa chữa và bảo dưỡng tàu giảm. Thị phần của Trung Quốc trong sửa chữa bảo dưỡng tàu chở dầu thô siêu lớn đạt trung bình 70% trong giai đoạn 2021 – 2024, đã giảm xuống còn 50% trong 6 tháng đầu năm nay.
Theo ông Ralph Leszczynski, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của tập đoàn vận tải biển Banchero Costa, sụt giảm theo chu kỳ toàn cầu cũng là động lực giảm thị phần các hãng Trung Quốc. Giai đoạn 2021 – 2024, đơn hàng mà Hàn Quốc và Nhật Bản không thể xử lý, thường sẽ tràn sang Trung Quốc do có chính sách về vốn và chi phí linh động hơn. Ngoài ra, hiện nhiều chủ tàu ưu tiên Nhật Bản và Hàn Quốc, do tàu đóng ở đây khi trở nên cũ dễ bán lại.
Theo Clarksons Research, tàu do Trung Quốc đóng hiện chiếm 23% tổng lượng tàu thương mại đang hoạt động trên toàn cầu.
Nỗ lực phục hồi ngành đóng tàu của Hoa Kỳ, được nhiều người ca ngợi là tạo cơ hội cho Hàn Quốc. Trong lúc năng lực đóng tàu thương mại của Hoa Kỳ gần như bằng 0, các hãng Hàn Quốc ngày càng hiện diện tại xứ cờ hoa.
Hyundai Heavy Industries (HHI) và Hanwha Ocean, 2 công ty đóng tàu lớn nhất Hàn Quốc, đã ký nhiều hợp đồng bảo dưỡng và sửa chữa cho hải quân Hoa Kỳ từ năm 2024.
Tháng 4.2025, HHI ký hợp tác với Huntington Ingalls Industries, nhà đóng tàu quân sự lớn nhất Hoa Kỳ.
Bất chấp căng thẳng thương mại đang diễn ra, thời gian qua Hàn Quốc và Hoa Kỳ tăng cường hợp tác đặc biệt trong lĩnh vực đóng tàu. Tổng thống Lee Jae-myung đặt mục tiêu đưa xứ kim chi trở thành cường quốc hàng hải dẫn đầu thế giới không chỉ ở lĩnh vực đóng tàu.
(Biên dịch: NVP)
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/don-hang-dong-tau-do-ve-trung-quoc-co-xu-huong-giam)
11 tháng trước
Ba điểm đến lý tưởng cho du lịch nha khoa3 tháng trước
Ông Trump kiên định với mức thuế áp đặt lên hàng hóa EU6 tháng trước
Ông Trump đề cập lợi ích khi Mỹ và Canada sáp nhập