Danh sách thường niên lần thứ 18 về các anh hùng từ thiện châu Á gồm 15 nhà hảo tâm đã có những đóng góp đáng kể và thực hiện cam kết với các mục tiêu từ thiện của họ trong suốt năm qua.
Một số cá nhân trong danh sách năm nay đã chọn chuyển tiền hoặc cổ phần của công ty vào quỹ gia đình để hỗ trợ các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và trao quyền cho phụ nữ. Điển hình là tỉ phú Ấn Độ Abhishek Lodha, người đã chuyển nhượng 180 triệu cổ phiếu (trị giá 2,5 tỷ USD) của Công ty bất động sản niêm yết Macrotech Developers cho Quỹ Từ thiện Lodha vào tháng trước.
Cũng tại Ấn Độ, hai anh em tỉ phú Sudhir và Samir Mehta đã cam kết đóng góp 50 tỉ rupee (595 triệu USD) cho Quỹ UNM của gia đình. Số tiền này sẽ được trao đi trong vòng năm năm, tập trung vào các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, sinh thái và nghệ thuật.
Những người khác đang tiếp tục đền đáp xã hội và quyên góp cho trường cũ của mình. Đồng sáng lập và chủ tịch Xiaomi, Lei Jun (Lôi Quân), cam kết quyên góp 1,3 tỉ nhân dân tệ (182 triệu USD) cho Đại học Vũ Hán, nơi ông từng nhận học bổng khi là sinh viên. Tương tự, tỉ phú Hàn Quốc Michael Kim đã quyên góp 25 triệu USD để thành lập Viện Nghiên cứu Đạo đức và Lãnh đạo tại Đại học Haverford ở Pennsylvania, trong khi tỉ phú Daniel Tsai của Đài Loan (Trung Quốc) đóng góp 30 triệu USD cho trường luật của Đại học Georgetown.
Giáo dục là lĩnh vực được các nhà từ thiện ưa chuộng nhất. Trong đó, nổi bật là Solina Chau của Hong Kong (Trung Quốc) và Eduardo Saverin của Singapore, hai trong số chín gương mặt mới trong danh sách năm nay.
15 cái tên không xếp hạng trong danh sách này, được lựa chọn dựa trên những đóng góp từ thiện đáng kể trong năm qua, đã thực hiện các khoản quyên góp lớn từ tài sản cá nhân của họ. Danh sách không tính đến các hoạt động từ thiện của doanh nghiệp, trừ khi công ty đó thuộc sở hữu tư nhân và cá nhân đó là cổ đông lớn chiếm đa số.
Abhishek Lodha cùng gia đình đã chuyển giao 180 triệu cổ phiếu của Công ty bất động sản niêm yết Macrotech Developers vào Quỹ Từ thiện Lodha hồi đầu tháng 11.2024. Số cổ phiếu này, chiếm một phần tư trong 72% cổ phần của gia đình, được định giá 209 tỉ rupee (2,5 tỷ USD) vào ngày chuyển nhượng. Thu nhập cổ tức của số cổ phiếu này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động từ thiện trong bốn lĩnh vực: trao quyền cho phụ nữ, hỗ trợ trẻ em, môi trường và quảng bá văn hóa Ấn Độ.
Quỹ Lodha, hoạt động từ năm 2013, hiện triển khai các chương trình khuyến khích phụ nữ tham gia lực lượng lao động và nuôi dưỡng những tài năng trẻ xuất sắc nhất Ấn Độ thông qua Lodha Genius Programme, tổ chức chuyên cung cấp các lớp học và dịch vụ cố vấn. Vào cuối tháng 10.2024, Lodha đã chia sẻ chi tiết về khoản quyên góp này, gọi đó là “đóng góp khiêm tốn của gia đình cho sự phát triển của quốc gia.”
Cha của Abhishek, ông Mangal Prabhat Lodha, 78 tuổi, sáng lập Lodha Developers (nay là Macrotech) vào năm 1980 và là một chính trị gia thuộc Đảng Bharatiya Janata cầm quyền. Ông hiện sở hữu khối tài sản ước tính 11,2 tỷ USD.
Lôi Quân, đồng sáng lập Xiaomi, đang thực hiện các hành động đền đáp xã hội. Cuối năm ngoái, ông quyên tặng 1,3 tỉ nhân dân tệ (182 triệu USD) cho trường cũ của mình là Đại học Vũ Hán, nhân kỷ niệm 130 năm thành lập trường. Vị tỉ phú 54 tuổi, tài sản ước tính 23,2 tỷ USD, cho biết số tiền này sẽ được sử dụng vào các nghiên cứu trong lĩnh vực toán học, vật lý và khoa học máy tính, cũng như hỗ trợ các sinh viên tài năng. Theo đại diện nhà trường, đây là khoản quyên góp lớn nhất từ trước đến nay của một cựu sinh viên và cũng là khoản tiền mặt lớn nhất mà một cá nhân từng tặng cho một trường đại học ở Trung Quốc.
Năm 1991, Lôi Quân tốt nghiệp cử nhân khoa học máy tính tại Đại học Vũ Hán. Theo thông tin từ trang web của trường, ông đã nhận được suất học bổng lớn nhất thời đó trị giá 2.000 nhân dân tệ (khoảng 376 USD theo tỉ giá lúc bấy giờ). “Tôi muốn trả lại gấp 10 lần, 100 lần hoặc thậm chí 10.000 lần,” ông tâm sự.
“Hi vọng rằng qua nỗ lực nhỏ bé của mình, tôi có thể giúp trường tạo dựng một tương lai rực rỡ hơn và góp phần đào tạo ra những kỹ sư, nhà khoa học và doanh nhân công nghệ xuất sắc hơn nữa cho Trung Quốc,” ông nói thêm. Trước đó, Lôi Quân từng quyên góp khoảng 130 triệu nhân dân tệ cho trường. Số tiền này được sử dụng để tài trợ học bổng, nâng cao chất lượng giảng dạy và xây dựng một tòa nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo.
Quỹ từ thiện do Melanie Perkins và chồng cô, Cliff Obrecht—hai trong ba nhà đồng sáng lập kỳ lân phần mềm thiết kế Canva của Úc—đã quyên góp 32 triệu đô la Úc (21 triệu USD) từ giữa năm 2022 đến cuối năm 2023. Trong đó, Quỹ Canva đã trao tặng 23 triệu đô la Úc (14,95 triệu USD) cho GiveDirectly, tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ những người sống trong cảnh nghèo đói cùng cực thông qua hình thức chuyển tiền mặt không điều kiện và hoạt động tại các quốc gia như Kenya, Malawi cùng Uganda. Quỹ Canva cho biết khoản đóng góp này có thể giúp đỡ hơn 64.000 người đang cần hỗ trợ.
Ngoài ra, quỹ còn tài trợ 7,4 triệu đô la Úc (4,81 triệu USD) cho một chương trình thí điểm, nhằm giúp 400.000 học sinh tại khu vực miền Nam châu Phi và Ấn Độ cải thiện giáo dục, phá vỡ vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Canva được thành lập năm 2013 và ba năm sau Melanie Perkins đã lọt vào danh sách 30 Under 30 của Forbes châu Á. Năm 2021, Perkins và Obrecht, cặp đôi gặp nhau thời sinh viên tại Đại học Tây Úc, đã ký cam kết Giving Pledge, hứa sẽ quyên góp phần lớn tài sản của mình trong suốt cuộc đời. Gần nhất, Canva được định giá 32 tỷ USD trong một giao dịch cổ phần thứ cấp vào tháng 10.2024.
Tháng 10.2024, Tadashi Yanai, nhà sáng lập thương hiệu thời trang nhanh đình đám Uniqlo, đã cam kết tài trợ 31 triệu USD để hỗ trợ nghiên cứu về Nhân văn học Nhật Bản tại Đại học California, Los Angeles (UCLA). Theo thông tin từ trường, đây là khoản tài trợ lớn nhất từ xưa đến nay dành cho khoa Nhân văn học và cũng nối tiếp các khoản đóng góp trước đây của Yanai, bao gồm 25 triệu USD vào năm 2020.
Số tiền này sẽ được phân bổ cho dự án Sáng kiến Yanai nhằm toàn cầu hóa Nhân văn học Nhật Bản, được Yanai khởi xướng vào năm 2014 với khoản tài trợ ban đầu 2,5 triệu USD cho UCLA. Đây là chương trình hợp tác giữa UCLA và trường cũ của Yanai, Đại học Waseda ở Tokyo.
“Tôi tự hào khi được hỗ trợ hoạt động nghiên cứu Nhân văn học Nhật Bản tại UCLA và trên toàn thế giới,” Yanai chia sẻ trong một thông cáo trên trang web của trường. “Nhân văn học và nghệ thuật làm nên con người chúng ta, giúp chúng ta kết nối và quan tâm đến nhau.”
Hiện tại, Tadashi Yanai là người giàu nhất Nhật Bản với khối tài sản ước tính 48,6 tỷ USD, đồng sở hữu cùng gia đình.
Tháng 10 vừa qua, tỉ phú ngành khai khoáng người Úc Andrew Forrest và vợ Nicola đã tăng cường cam kết hỗ trợ nhân đạo tại khu vực Trung Đông thông qua tổ chức Minderoo Foundation. Tổ chức này sẽ quyên góp năm triệu USD cho World Central Kitchen và năm triệu USD khác cho Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc để cung cấp thực phẩm hỗ trợ giải quyết nạn đói tại Gaza.
Ngoài ra, Minderoo còn tài trợ hai triệu đô la Úc (1,3 triệu USD) để giúp đỡ người dân tị nạn tại Lebanon, cung cấp dịch vụ y tế, thuốc men và các vật phẩm cứu trợ. Trước đó, vào tháng 2.2024, Minderoo cũng cam kết năm triệu USD để hỗ trợ gỡ bỏ bom mìn tại Ukraine.
“Phần lớn các loại bom mìn này nằm trên những vùng đất nông nghiệp màu mỡ. Sự hiện diện kéo dài của chúng gây cản trở đầu tư, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và đe dọa tính mạng con người,” bà Nicola cho biết.
Các khoản quyên góp mới nhất tiếp nối số tiền 225 triệu đô la Úc (140 triệu USD) mà Minderoo đã phân bổ trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6.2023 để hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương, thúc đẩy bình đẳng giới và bảo tồn đa dạng sinh học biển.
Hai vợ chồng Forrest, tuyên bố ly thân vào năm ngoái, đã thông báo trong tháng 10 rằng họ sẽ rời vị trí đồng chủ tịch của tổ chức mà họ đồng sáng lập năm 2001, nhưng vẫn giữ vai trò giám đốc không điều hành. Andrew, sáng lập Fortescue Metals Group năm 2003, cùng gia đình sở hữu khối tài sản ước tính 15,1 tỷ USD.
Trong năm qua, ông Lý Gia Thành, tỉ phú giàu nhất Hong Kong (Trung Quốc), tiếp tục đóng góp cho các hoạt động liên quan đến y tế. Tháng 8.2024, Quỹ Li Ka Shing Foundation của ông đã tài trợ hai thiết bị điều trị ung thư gan, một cho Đại học Hong Kong (University of Hong Kong) và một cho Đại học Trung Quốc tại Hong Kong (Chinese University of Hong Kong), với cam kết sáu triệu USD tài trợ chi phí điều trị cho 20 bệnh nhân và đào tạo nhân viên y tế. Phương pháp điều trị không xâm lấn này sử dụng sóng siêu âm để hóa lỏng và tiêu diệt các tế bào ung thư.
Đầu năm nay, quỹ này đã quyên góp 11 triệu bảng Anh (14 triệu USD) để tái phát triển tòa nhà của Viện Ung thư giai đoạn đầu tại Đại học Cambridge và xây dựng các cơ sở nghiên cứu tiên tiến. Trước đó, hồi tháng 2.2024, quỹ còn tài trợ 15 triệu USD cho Đại học Stanford ở Mỹ để hỗ trợ chương trình ươm mầm khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học sức khỏe và công nghệ, cũng như nghiên cứu các liệu pháp điều trị bệnh miễn dịch và bệnh di truyền về thần kinh. Thành lập quỹ từ năm 1980, ông Lý Gia Thành đã đóng góp hơn 30 tỷ USD Hong Kong (3,9 tỷ USD), chủ yếu vào giáo dục và y tế.
Tháng 3.2024, hai anh em tỉ phú Sudhir và Samir Mehta cam kết quyên góp 50 tỉ rupee (595 triệu USD) cho quỹ UNM Foundation của gia đình mình, để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của người cha quá cố Uttambhai Nathalal Mehta – nhà sáng lập Tập đoàn Torrent Group năm 1959.
Khoản tài trợ sẽ được phân bổ trong vòng năm năm, tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường và nghệ thuật. Ngoài ra, quỹ này sẽ tài trợ xây dựng các trung tâm nhi khoa và bệnh viện nhi tại Uttar Pradesh, cùng một trung tâm phục hồi chức năng thần kinh và trường đại học y khoa tại Gujarat.
Cam kết này được truyền cảm hứng từ những thử thách trong cuộc đời nhà sáng lập Torrent, gồm nghèo đói, thất bại trong kinh doanh, bệnh ung thư và tim mạch, cũng như các vấn đề sức khỏe tâm thần do tác dụng phụ của thuốc. Ông đã vượt qua tất cả và ở tuổi 48, thành công với nỗ lực thứ hai: thành lập doanh nghiệp dược phẩm.
“Cuộc đời phi thường của ông như ngọn hải đăng soi sáng niềm hi vọng,” theo tuyên bố từ tập đoàn. Tập đoàn Torrent hiện hoạt động trong các lĩnh vực dược phẩm, năng lượng và khí tự nhiên. Hai anh em nhà Mehta đứng thứ 16 trong danh sách 100 người giàu nhất Ấn Độ năm nay với khối tài sản 16,3 tỷ USD.
Tháng 9.2024, Eduardo Saverin và vợ Elaine đã quyên góp 20 triệu đô la Singapore (15 triệu USD) cho Trường Quốc tế Mỹ tại Singapore (SAS) – khoản quyên góp lớn nhất trong lịch sử 68 năm của trường. Số tiền này sẽ được phân bổ cho các phòng thí nghiệm STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), một chương trình học tiếng Trung, các khu vui chơi và một trường tiểu học mới đang trong quá trình xây dựng.
SAS là một trong những trường quốc tế đầu tiên tại Singapore, hiện có 4.000 học sinh với khuôn viên rộng 14,5 héc ta. “Eduardo và Elaine có niềm đam mê thúc đẩy giáo dục STEM và trí tuệ nhân tạo (AI) cho giới trẻ,” theo tuyên bố trong email từ quỹ Elaine and Eduardo Saverin Foundation. “Họ hi vọng hoạt động giáo dục này sẽ truyền cảm hứng để giải quyết những nhu cầu còn bỏ ngỏ trên toàn cầu, bao gồm y tế, sức khỏe tâm thần, phát triển bền vững và hỗ trợ các cộng đồng thiệt thòi.”
Saverin, người gốc Brazil, đã sống tại Singapore từ năm 2009 và từ bỏ quốc tịch Mỹ năm 2011 trước khi Facebook (nay là Meta Platforms) lên sàn. Hiện ông điều hành Công ty đầu tư B Capital và phần lớn tài sản của ông đến từ số cổ phần nhỏ trong Meta.
Tháng 5.2023, tỉ phú Mark Dunajtschik thông báo sẽ hiến tặng toàn bộ tài sản của mình cho Quỹ Nikau, một tổ chức phi lợi nhuận tại New Zealand. Tổ chức này sẽ vận hành một quỹ mang tên ông để hỗ trợ những người khuyết tật thể chất và trí tuệ.
“Sau khi gây dựng gia sản tại Wellington và sống phần lớn cuộc đời tại đây, Mark Dunajtschik muốn đảm bảo rằng tài sản của mình sẽ tiếp tục mang lại lợi ích lâu dài cho khu vực này,” quỹ từ thiện cho biết trong một bài đăng vài tháng sau.
Dunajtschik chia sẻ: “Tôi tin rằng có thể khai thác được lợi ích tối đa từ một khoản quyên góp lớn khi thực hiện thông qua một quỹ vĩnh viễn.” Quy mô tài sản của ông không được tiết lộ, nhưng được xem là “một trong những khoản hiến tặng lớn nhất tại New Zealand.”
Tháng 12.2022, ông được phong tước hiệp sĩ vì những đóng góp trong kinh doanh và từ thiện, bao gồm khoản quyên góp 50 triệu đô la New Zealand (30 triệu USD) cho bệnh viện nhi 50 giường tại Wellington.
Từ tháng 9-11.2024, nữ doanh nhân đầu tư mạo hiểm Solina Chau, thông qua quỹ H.S. Chau Foundation, đã trao tặng 3.300 đô la Hong Kong (424 USD) tiền mặt cho mỗi nữ sinh trung học (hơn 18.000 em) để hỗ trợ chi phí thi đại học năm tới.
Trước đó, vào tháng 4.2024, quỹ cũng đã cam kết 60 triệu đô la Hong Kong (7,7 triệu USD) cho sáng kiến này sau khi chính phủ tuyên bố chấm dứt việc miễn lệ phí thi vẫn được áp dụng suốt năm năm qua.
Ngoài ra, vào tháng 2.2024, quỹ này đã tài trợ một triệu đô la Singapore (744.000 USD) cho SingHealth – tổ chức y tế công lớn nhất Singapore – để trợ cấp chi phí điều trị ung thư chất lượng cao cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Từ khi thành lập vào năm 1996, quỹ H.S. Chau đã quyên góp hơn 1,5 tỉ đô la Hong Kong (193 triệu USD) để hỗ trợ giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ. Là nhà đầu tư mạo hiểm lâu năm, Chau cũng là giám đốc tại Li Ka Shing Foundation.
Năm ngoái, tỉ phú Daniel Tsai đã quyên góp 30 triệu USD cho trường luật của Đại học Georgetown, trường cũ của ông, nhằm hỗ trợ việc mở rộng cơ sở của trường tại Washington, D.C. Đây là khoản tài trợ lớn nhất từ trước đến nay dành cho trường, nơi ông nhận bằng thạc sĩ luật vào năm 1979. Số tiền này sẽ được sử dụng để xây dựng một trung tâm pháp lý mới trị giá 100 triệu USD mang tên Daniel Tsai Hall.
Tòa nhà rộng 1,8 hécta sẽ bao gồm một phòng xử án giả định với 75 chỗ ngồi và từ một số vị trí bên trong trung tâm này có thể nhìn thấy tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ. “Tôi biết vị trí đặt trường có tầm quan trọng lớn như thế nào,” ông Tsai phát biểu khi công bố khoản tài trợ. “Tôi đã chọn học ở đó vì đó là thủ đô của nước Mỹ, nơi lý tưởng nhất để nghiên cứu luật, rất gần nơi soạn thảo ra các điều luật.”
Năm 2020, ông Tsai đã tặng 600.000 USD để tài trợ học bổng cho các sinh viên từ Đài Loan (Trung Quốc) theo học tại trường này.
“Lãnh đạo không có đạo đức giống như một cơ thể không có linh hồn,” tỉ phú đầu tư cổ phần tư nhân Michael Kim phát biểu vào tháng 4.2024 khi công bố khoản quyên góp 25 triệu USD để thành lập Viện Điều tra Đạo đức và Lãnh đạo tại Trường Haverford College ở Pennsylvania, nơi ông từng học. Đây là một trong những khoản tài trợ lớn nhất trong lịch sử 191 năm của trường, được dùng để xây dựng một tòa nhà mới, tài trợ lương cho các giáo sư và hỗ trợ phát triển chương trình giảng dạy.
“Học viện mới, với cách tiếp cận liên ngành và sự gắn kết quốc tế, sẽ tiên phong trong việc suy nghĩ và thực hành hoạt động lãnh đạo dựa trên đạo đức trong cộng đồng toàn cầu,” ông Kim cho biết. Ông tốt nghiệp Haverford năm 1985 với bằng cử nhân tiếng Anh.
Ông Kim đã quyên góp rất nhiều cho mục tiêu giáo dục. Năm 2021, ông tài trợ hơn 25 triệu USD cho chính quyền Seoul để xây dựng một thư viện công cộng mới tại thủ đô Hàn Quốc. Năm 2018, ông tặng bảy triệu USD để tài trợ lương giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard. Năm 2007, ông sáng lập Quỹ Học bổng MBK, cung cấp hỗ trợ tài chính dựa trên nhu cầu cho các sinh viên đại học tại Hàn Quốc.
Tháng 10.2024, Manuel Villar, chủ tịch Công ty bất động sản Vista Land & Lifescapes có trụ sở tại Manila, đã quyên góp 615 triệu peso (10,4 triệu USD) xây dựng một nhà thờ và trường học trong khu dân cư Provence, cách Manila khoảng 40km về phía bắc.
Theo Vista Land, khoản tài trợ cho Giáo hội Công giáo địa phương bao gồm 1,2 hécta đất, trị giá 613 triệu peso, và phần còn lại bằng tiền mặt. Nhà thờ, tọa lạc tại thành phố Malolos, có diện tích 500m2 và sức chứa khoảng 320 người. Trong khi kế hoạch xây dựng trường học kế bên vẫn đang được hoàn thiện, lễ khởi công nhà thờ đã được tổ chức vào tháng 11.2024.
“Tôi luôn tin rằng cộng đồng sẽ phát triển mạnh mẽ khi đức tin và giáo dục là trung tâm,” Villar chia sẻ qua email công ty.
Năm 2019, Manuel Villar đã tặng hơn hai héc ta đất cho Trường Công giáo Saint Jude tại Manila và quyên góp năm héc ta đất cho Đại học Philippines, ngôi trường ông từng theo học, với tổng giá trị tám tỉ peso (136,8 triệu USD). Ông cũng đóng góp xây dựng các cơ sở mới tại bốn trường học ở Philippines.
Với khối tài sản ước tính 17,3 tỷ USD, Manuel Villar hiện là người giàu nhất tại Philippines.
Là cựu nhân viên công tác xã hội, Liz Greive đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận Share My Super tại Auckland vào năm 2019, giúp phá vỡ vòng luẩn quẩn của đói nghèo ở New Zealand, nơi có tỉ lệ khoảng một trên tám trẻ em gặp khó khăn về vật chất, theo báo cáo của chính phủ.
Tổ chức này hoạt động bằng cách tạo điều kiện cho những người cao tuổi không sống dựa vào khoản trợ cấp hưu trí có thể chuyển một phần hoặc toàn bộ số tiền đó cho 11 tổ chức từ thiện hỗ trợ trẻ em và gia đình. Bà Greive cũng tự bỏ tiền túi để chi trả phí vận hành nhằm đảm bảo toàn bộ số tiền quyên góp sẽ được chuyển đến người nhận.
Cuối năm ngoái, bà đã tài trợ 10 triệu đô la New Zealand (5,9 triệu USD) cho một quỹ tín thác để chi trả phí vận hành, nâng tổng số đóng góp của bà lên hơn 13 triệu đô la New Zealand (7,3 triệu USD). Tính đến nay, Share My Super đã huy động được hơn hai triệu đô la New Zealand (1,1 triệu USD) cho các tổ chức từ thiện, mang đến “sự hỗ trợ để mọi trẻ em có thể phát triển,” như bà chia sẻ qua email.
Tài sản của Liz Greive xuất phát từ các khoản đầu tư trước đây, bao gồm thương hiệu thời trang nam Barkers và Công ty du lịch Flight Centre New Zealand.
Tháng 10, Raamdeo Agrawal và Motilal Oswal, hai nhà sáng lập tỉ phú của Công ty Motilal Oswal Financial Services, mỗi người đã chuyển 212.000 cổ phiếu vào Quỹ Motilal Oswal Foundation – tổ chức được thành lập năm 2011 để thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) và từ thiện cá nhân.
Số cổ phiếu, trị giá 398 triệu rupee (4,8 triệu USD) vào ngày chuyển nhượng, sẽ được sử dụng để xây dựng các Trung tâm kiến thức Motilal Oswal, bao gồm thư viện và đơn vị nghiên cứu tại Viện Công nghệ Ấn Độ và Viện Quản lý Ấn Độ, cả hai đều đặt tại Mumbai. Quỹ cũng sẽ tài trợ xây dựng ký túc xá nữ Agrawal-Oswal tại Đại học Plaksha ở Mohali, Punjab.
Tháng 7.2023, Agrawal và Oswal cam kết quyên góp 5% cổ phần tại Motilal Oswal cho các mục đích từ thiện, tập trung vào giáo dục, y tế và phát triển nông thôn, bắt đầu tại bang Chhattisgarh – quê hương của Agrawal, Rajasthan – quê hương của Oswal, và Maharashtra – nơi họ gặp nhau. Sắp tới, họ có kế hoạch tài trợ xây dựng một trường đại học và bệnh viện mới tại Mumbai hoặc gần đó. “Chúng tôi đang học cách cho đi,” Raamdeo Agrawal chia sẻ. “Đó là một quá trình học hỏi lớn lao.”
Phóng viên: Jonathan Burgos, Shu-Ching Jean Chen, Gloria Haraito, John Kang, Zinnia Lee, Anuradha Raghunathan, James Simms, Yue Wang, Jennifer Wells và Ardian Wibisono — Minh họa: Oriana Fenwick cho Forbes Asia
Biên dịch: Quỳnh Anh
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/doanh-nhan-tu-thien-chau-a-2024)
5 tháng trước
“Bí quyết trường thọ” của tỉ phú Úc Harry Triguboff