Định chế tài chính của Mỹ, Citi, công bố đã đạt thỏa thuận bán lại toàn bộ mảng ngân hàng cá nhân ở bốn thị trường bao gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Thái Lan cho tập đoàn UOB.
Thỏa thuận nói trên bao gồm các hoạt động kinh doanh bán lẻ và thẻ tín dụng của Citi tại cả bốn thị trường. Citi sẽ tập trung nguồn lực cho mảng khách hàng doanh nghiệp trên toàn cầu, bao gồm Việt Nam.
“Thỏa thuận bao gồm việc hỗ trợ 5000 nhân sự Citi làm việc trong khối ngân hàng cá nhân sẽ chuyển sang UOB sau khi thương vụ hoàn tất. UOB sẽ trả Citi khoản tiền tương đương tài sản ròng của mảng kinh doanh được mua lại này cộng thêm 690 triệu USD,” theo thông cáo phát đi sáng 14.1.
Hồi tháng 4.2021, Citi cũng đã thông báo rút khỏi 13 thị trường bán lẻ ở châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu, Trung Đông và châu Phi trong một kế hoạch tái cấu trúc để tập trung nguồn lực vào mảng khách hàng doanh nghiệp.
Sau khi hoàn tất giao dịch bán khối ngân hàng cá nhân, định chế tài chính Mỹ dự kiến thu về khoảng 1,2 tỉ USD vốn chủ sở hữu đã phân bổ và khoản tăng thêm 200 triệu USD. Trước đó việc rút khỏi 13 thị trường bán lẻ cũng giúp Citi thu về khoảng 7 tỉ USD vốn chủ sở hữu đã phân bổ cho mảng kinh doanh này.
Ông Peter Babej, tổng giám đốc Citi châu Á – Thái Bình Dương cho biết thỏa thuận với UOB – tổ chức tài chính với văn hóa doanh nghiệp vững chãi và những tham vọng bao trùm khu vực “sẽ là mái nhà lâu dài” cho các nhân viên của họ sau chia tách.
“Việc tập trung đầu tư nhiều hơn nữa vào những lĩnh vực chiến lược khác bao gồm khối ngân hàng doanh nghiệp trải rộng khắp châu Á – Thái Bình Dương sẽ mang lại hiệu quả tối ưu hơn cho Citi,” ông nói.
Cách đây hai tuần, Citi đã bổ nhiệm ông Ramachandran A.S. làm tổng giám đốc Citi Việt Nam. Tân tổng giám đốc có 27 năm kinh nghiệm trong khối khách hàng doanh nghiệp của Citi, ông từng làm việc tại London phụ trách toàn cầu khối khách hàng là các công ty đa quốc gia tại các thị trường mới nổi. Ông cũng làm việc tại Singapore, phụ trách các khách hàng đa quốc gia lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương.
UOB là một trong những tập đoàn hàng đầu tại châu Á, năm 1993 tập đoàn này mở văn phòng đại diện ngân hàng UOB tại Việt Nam và năm 1995 trở thành ngân hàng Singapore đầu tiên thành lập chi nhánh tại TP.HCM. Ngân hàng UOB Việt Nam chính thức thành lập năm 2018, cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân và doanh nghiệp cho cả khách hàng Việt Nam và quốc tế.
Citi mở chi nhánh tại Việt Nam từ trước 1975, đến năm 1993 quay lại thiết lập văn phòng đại diện ở Hà Nội và năm 1994 trở thành định chế tài chính Mỹ đầu tiên được cấp phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Hà Nội với đầy đủ các dịch vụ, chi nhánh thứ hai mở tại TP.HCM năm 1998.
Trước thông báo này, định chế tài chính Mỹ hoạt động tại Việt Nam với 900 nhân viên, cung cấp các dịch vụ như ngân hàng doanh nghiệp và đầu tư, quản lý dòng tiền và thanh toán quốc tế, ngân hàng thương mại, ngân hàng bán lẻ, chứng khoán và các dịch vụ giao dịch khác.
Đọc thêm:
Citi bổ nhiệm tân tổng giám đốc tại Việt Nam
Citigroup sẽ sa thải nhân viên chưa tiêm vaccine vào cuối tháng 1
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/citi-ban-khoi-ngan-hang-ca-nhan-tai-viet-nam-cho-tap-doan-uob)
1 năm trước
Ngân hàng UOB đẩy mạnh đầu tư trong năm 20231 năm trước
1 năm trước