Công nghệ

Chuyện gì xảy ra sau khi một số mẫu đồng hồ Apple bị cấm nhập vào Hoa Kỳ?

Lệnh cấm nhập khẩu một số mẫu đồng hồ Apple vi phạm bản quyền sáng chế vào Hoa Kỳ của ủy ban Thương mại Quốc tế có thể giúp công ty công nghệ y tế Masimo đạt được thỏa thuận với gã khổng lồ công nghệ sau cuộc chiến bằng sáng chế kéo dài nhiều năm.

Share
this:

Cuối tháng 10, ủy ban Thương mại Quốc tế ban hành lệnh cấm nhập khẩu một số mẫu đồng hồ Apple vào Hoa Kỳ, mang lại chiến thắng lớn cho nhà sản xuất thiết bị y tế Masimo trong cuộc chiến bằng sáng chế kéo dài nhiều năm với công ty có giá trị nhất thế giới.

Đây là quân cờ quan trọng trong cuộc thương lượng đối với Joe Kiani, nhà sáng lập kiêm CEO Masimo. Ông cho biết công ty chi tới 65 triệu USD cho vụ kiện liên quan đến bằng sáng chế và bí mật thương mại đang diễn ra với Apple về cảm biến đo nồng độ oxy trong máu được sử dụng trong đồng hồ thông minh và thiết bị theo dõi sức khỏe cao cấp.

Masimo kiện Apple với cáo buộc vi phạm bằng sáng chế xoay quanh cảm biến đo nồng độ oxy trong máu. Cảm biến này đã được giới thiệu trong Series 6 vào năm 2020. Ảnh: Apple/ Forbes

Phán quyết của ủy ban cho rằng Apple vi phạm hai bằng sáng chế của Masimo liên quan đến cảm biến đo nồng độ oxy trong máu. Vì vậy, ủy ban cấm nhập khẩu một số đồng hồ có cảm biến này vào Hoa Kỳ. Cảm biến đó được giới thiệu lần đầu trong Apple Watch Series 6 vào năm 2020.

Ủy ban cũng yêu cầu cửa hàng ngừng bán các sản phẩm vi phạm trong nước. Tổng thống sẽ xét duyệt lệnh cấm nhập khẩu trong vòng 60 ngày. Nếu chính quyền Biden không phủ quyết thì lệnh cấm dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 25.12.

Apple cho biết công ty dự định kháng cáo này. Hiện lệnh cấm chưa tác động đến doanh số bán đồng hồ Apple.

Kiani nói với Forbes rằng ông hi vọng quyết định của ủy ban “có thể đẩy nhanh mọi việc” cũng như hối thúc Apple đồng ý thỏa thuận dàn xếp với đối thủ có vốn hóa 4,2 tỉ USD. Nhưng ông sẽ không chấp nhận tấm séc 2,7 ngàn tỉ USD cho thỏa thuận cấp phép để Apple tiếp tục bán sản phẩm chứa cảm biến đo nồng độ oxy trong máu.

Ông muốn công nghệ của Masimo được tích hợp vào đồng hồ Apple, hay công ty sẽ hợp tác với Apple để cải tiến công nghệ với mục đích xây dựng danh tiếng.

Theo hồ sơ gửi đến cơ quan quản lý, Kiani đã gặp Apple vào năm 2013 để thảo luận về khả năng đưa cảm biến theo dõi sức khỏe vào các phiên bản mới của đồng hồ Apple. Từ sau cuộc gặp đó, ông kiện Apple tuyển dụng nhân viên của Masimo, đánh cắp bí mật thương mại cũng như vi phạm bằng sáng chế của công ty. Apple phủ nhận tất cả cáo buộc này.

Nhưng nếu Apple không thể thuyết phục chính quyền Biden phủ quyết trong hai tháng tới, lệnh cấm sẽ có hiệu lực cho dù công ty kháng cáo lên tòa án liên bang.

“Masimo sai lầm khi cố gắng ngăn chặn một sản phẩm có thể cứu được mạng sống đến tay hàng triệu người tiêu dùng ở Hoa Kỳ thông qua ủy ban Thương mại Quốc tế trong khi công ty phát triển đồng hồ dựa vào mẫu sao chép của Apple,” phát ngôn viên Fred Sainz cho biết.

“Đây là một vấn đề lớn đối với Masimo vì Apple sẽ không dễ dàng bỏ qua,” John Presper, cố vấn tại Foster, Murphy, Altman & Nickel, nói. Ông không liên quan đến vụ kiện nhưng đại diện cho khách hàng trước ủy ban.

“Masimo đang ở thế mạnh hơn nhiều,” ông nói, bởi vì Apple không thuyết phục được hội đồng Xét xử và Kháng cáo vô hiệu hóa các bằng sáng chế của Masimo liên quan đến tranh chấp này.

Động thái này diễn ra khi Masimo nỗ lực thâm nhập thị trường công nghệ tiêu dùng, bao gồm bán đồng hồ tích hợp khả năng đo nồng độ oxy trong máu. Phố Wall không chấp nhận sự thay đổi này.

Trước đây, Masimo tập trung vào thị trường chính bán công nghệ cho các hệ thống y tế lớn với biên lợi nhuận cao hơn bán công nghệ tiêu dùng thông thường. Hiện vốn hóa của Masimo chỉ bằng 1/4 so với mức đỉnh cao hơn 16 tỉ USD vào năm 2021.

Joe Kiani, nhà sáng lập Masimo, chụp ảnh tại trụ sở của Masimo, Irvine, CA, 9/9/22. Ảnh: Ethan Pines/ Forbes Collection

Kiani vào danh sách tỉ phú thế giới hồi năm 2022. Forbes ước tính hiện ông sở hữu khối tài sản khoảng 840 triệu USD. Kiani từ chối bình luận thêm về khối tài sản của ông, nhưng chỉ nói rằng “con số đó ít hơn so với trước đây.”

Presper cho biết tổng thống hiếm khi phủ quyết lệnh cấm của ủy ban Thương mại Quốc tế. Tuy nhiên, vào năm 2013, tổng thống Barack Obama đã ban hành quyết định hủy lệnh cấm Apple bán các mẫu iPhone, iPad đời cũ tại Hoa Kỳ được ủy ban đưa ra trong cuộc chiến với Samsung.

Theo bài phân tích đăng trên Cornell Journal of Law and Public Policy, trước đó, tổng thống dưới thời chính quyền Reagan và Carter cũng từng can thiệp vào phán quyết của ủy ban.

Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm ủy ban đưa ra lệnh cấm nhập khẩu liên quan đến đồng hồ Apple. Phán quyết trước đó có liên quan đến AliveCor tại Mountain View, công ty sử dụng trí tuệ nhân tạo và cảm biến để theo dõi nhịp tim.

Vào tháng 12.2022, ủy ban đưa ra lệnh cấm nhập khẩu đồng hồ Apple vì vi phạm bằng sáng chế của AliveCor. Tổng thống Joe Biden từ chối can thiệp, nhưng lệnh cấm bị tạm dừng vì Apple cố gắng vô hiệu hóa các bằng sáng chế. Apple và AliveCor đều nộp đơn kháng cáo lên tòa án liên bang.

Priya Abani, CEO của startup trị giá 850 triệu USD, nói với Forbes rằng trường hợp của AliveCor “đại diện cho các công ty nhỏ và mọi sự đổi mới trong tương lai có nguy cơ bị gã khổng lồ ngăn chặn.”

Presper cho biết đồng hồ Apple có thể tiếp tục được bán trong thời gian chờ tổng thống phán quyết. Ngoài ra, ủy ban không bắt Apple phải trả trái phiếu như trong một số trường hợp. Theo ông, có một giải pháp thay thế khác để đạt được thỏa thuận dàn xếp. Apple cũng có thể vô hiệu hóa chức năng đo nồng độ oxy trong máu hoặc thiết kế lại để không vi phạm bằng sáng chế của Masimo.

Ủy ban đã hỏi Apple “làm thế nào để loại bỏ dễ dàng” các tính năng vi phạm khỏi đồng hồ và liệu công ty có đồng ý thiết kế lại vào đầu năm nay hay không. Nhóm pháp lý của Apple phản hồi: “Apple chưa nghĩ đến việc thiết kế lại” trước khi ủy ban đưa ra phán quyết cuối cùng. Phát ngôn viên của Apple không trả lời yêu cầu bình luận thêm.

Kiani cho biết ông cũng sẽ “ổn” nếu Apple chọn giải pháp thiết kế lại chứ không phải chấp nhận thỏa thuận dàn xếp. “Không phải mọi thứ đều liên quan đến lợi ích tài chính,” ông nói. Tuy nhiên, ông nhanh chóng làm rõ rằng công ty vẫn sẽ theo đuổi giải pháp tài chính tại tòa án liên bang để bù đắp những tổn thất của Masimo do vi phạm trước đó.

Horace Dediu, nhà sáng lập và chuyên gia phân tích công nghệ tại Asymco, cho biết ông tin rằng một thỏa thuận dàn xếp có thể đạt được trong cuộc chiến bằng sáng chế. Theo ông, các công ty công nghệ khổng lồ thường không muốn thiết kế lại. Có thể có một bản sửa lỗi phần mềm để vô hiệu hóa chức năng này nhưng việc thay đổi phần cứng sẽ mất nhiều năm.

“Bạn không muốn thương lượng ở tòa án. Bạn không muốn đàm phán thông qua ủy ban, nhưng đôi khi bạn buộc phải làm vậy vì các bên đều quá cố thủ,” Dediu nói.

Nhưng vụ việc này giúp hiểu rõ được điểm quan trọng trong câu hỏi về chiến lược lớn hơn của Apple: công ty muốn bán sản phẩm chăm sóc sức khỏe đã được chứng nhận hay gắn bó với sản phẩm tiêu dùng? Dediu biết rất rõ câu trả lời: Apple không muốn bị tất cả quy định rắc rối xung quanh thiết bị y tế ràng buộc nên sẽ vẫn tập trung vào công nghệ tiêu dùng.

“Đồng hồ không chỉ có nhiều chức năng mà còn phải có kiểu dáng đẹp,” Dediu nói. “Tất nhiên mọi người sẽ thích đồng hồ có thêm chức năng theo dõi sức khỏe, nhưng họ quyết định mua đồng hồ Apple “vì chúng đẹp.”

Vụ Masimo kiện Apple với cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại đã kết thúc hồi tháng 5 nhưng bồi thẩm đoàn vẫn chưa thống nhất được phán quyết trong vụ kiện. Dự kiến vụ kiện ​​sẽ được xét xử lại ở California vào tháng 10.2024.

Sau khi Masimo khởi kiện, Apple kiện lại Masimo với cáo buộc vi phạm bằng sáng chế liên quan đến đồng hồ Apple ở Delaware. Masimo phản tố đồng thời cáo buộc Apple độc quyền. “Tôi nghĩ thiệt hại sẽ rất lớn,” Kiani nói.

Nhưng việc kiện liên quan đến bằng sáng chế rất tốn kém cũng như mất thời gian. Với kinh nghiệm từng đạt được thỏa thuận dàn xếp trị giá khoảng 1,1 tỉ USD trong vụ kiện Nellcor (một bộ phận của Medtronic) và Philips vi phạm bằng sáng chế, Kiani cho biết cuộc chiến trên có thể kéo dài sáu hoặc bảy năm. “Tôi nghĩ chỉ cần cổ đông kiên nhẫn thì họ sẽ nhận được khoản bù đắp xứng đáng,” ông nói thêm.

Biên dịch: Gia Nhi

———————–

Xem thêm:

Apple tiết lộ nâng cấp quan trọng trong Apple Watch Series 8
Apple đang nghiên cứu phát triển đồng hồ đo đường huyết

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/chuyen-gi-xay-ra-sau-khi-mot-so-mau-dong-ho-apple-bi-cam-nhap-vao-hoa-ky)