Doanh nhân

Cách Aspeed Technology kiểm soát tốc độ trong cơn khan hiếm chip toàn cầu

2 năm trước
Tác giả Tuyết Ân

Bất chấp tình trạng thiếu hụt chip trên toàn cầu, Chris Lin đang tìm cách tiếp tục thúc đẩy công ty công nghệ Aspeed của mình phát triển hơn nữa.

Share
this:

Tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu khiến các công ty chuyên về chip nổi tiếng như Aspeed Technology (trụ sở tại Đài Loan) rơi vào khó khăn. Cũng giống như các công ty khác có hoạt động kinh doanh liên quan mật thiết đến chip, doanh số bán hàng của Aspeed Technology bị hạn chế do thiếu mặt hàng quan trọng này. Chris Lin, 60 tuổi, người sáng lập kiêm chủ tịch Aspeed cho biết: “Doanh thu phụ thuộc vào nguồn cung ứng chứ không phụ thuộc vào khách hàng.”

Cùng chung tình trạng với các nhà sản xuất chip danh tiếng khác, Aspeed phụ thuộc vào các công ty gia công thiết bị bán dẫn như Taiwan Semiconductor (TSMC) trong việc sản xuất các chip do hãng thiết kế. Cho đến nay, đó là một chiến lược hiệu quả. Sự tăng trưởng vượt bậc và lợi nhuận liên tục đã đưa công ty vào danh sách Các công ty tốt nhất dưới một tỉ đô la Mỹ của Forbes Asia trong bảy năm liên tiếp tính đến năm 2020 – là công ty duy nhất trong danh sách có chuỗi thành tích không bị gián đoạn như thế.

14% cổ phần của Lin trong công ty trị giá 10,2 tỉ Đài tệ (367,2 triệu đô la Mỹ). “Chúng tôi đang bước sang năm thứ 17 và thành tích chưa bao giờ bị thụt lùi,” ông cho biết. “Đà tăng trưởng chưa bao giờ ngừng lại.” COURTESY of Aspeed Technology

Năm ngoái, doanh thu tăng 23% lên 3,1 tỉ Đài tệ (111 triệu đô la Mỹ) và lợi nhuận ròng tăng 21% lên một tỉ Đài tệ (36 triệu đô la Mỹ). Doanh thu và lợi nhuận tăng gấp ba lần kể từ năm 2014. Thành công đó đẩy giá cổ phiếu tăng 410% trong vòng năm năm qua (và tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái). 14% cổ phần của Lin trong công ty trị giá 10,2 tỉ Đài tệ (367,2 triệu đô la Mỹ). “Chúng tôi đang bước sang năm thứ 17 và thành tích chưa bao giờ bị thụt lùi,” ông cho biết. “Đà tăng trưởng chưa bao giờ ngừng lại.”

Thành công của Aspeed hiện nay chủ yếu nhờ vị trí thống trị trong ngành, là nhà sản xuất chip quan trọng nhưng ít người biết đến, được gọi là BMC (Baseboard Management Controller – Vi điều khiển nhúng trong bo mạch chủ để quản lý giao diện tương tác giữa phần mềm quản lý hệ thống và nền tảng phần cứng). Theo công ty nghiên cứu Counterpoint Research có trụ sở tại Đài Bắc, năm ngoái, Aspeed chiếm 64% thị phần chip này trên toàn cầu. BMC nằm bên trong bo mạch chủ của mọi thứ, từ máy chủ đến thiết bị lưu trữ và giúp quản trị viên CNTT kiểm tra xem máy và mạng của họ có bị quá nhiệt hoặc gặp phải các vấn đề khác hay không.

Tuy nhiên, năm 2021 là một năm đầy thách thức. Lin cho biết: “Tình hình khá nghiêm trọng. Năng lực sản xuất bị hạn chế gây ảnh hưởng nặng nề đến các đơn đặt hàng của Aspeed. Trong quý đầu tiên, tăng trưởng tổng doanh thu giảm còn 2,5% so với mức 33% của một năm trước đó. Tuy nhiên, Aspeed đã công bố doanh thu hằng quý cao thứ hai từ trước đến nay, 751 triệu Đài tệ (27 triệu đô la Mỹ), vào cuối tháng 3.2021.

Người phát ngôn của công ty cho biết: “Chúng tôi đã thông báo trước với khách hàng về việc điều chỉnh mọi nhu cầu và năng suất. Tác động ngắn hạn không quá lớn.” Thành công ban đầu của Đài Loan trong việc ngăn chặn đại dịch cũng giúp các văn phòng của Aspeed duy trì hoạt động và tập trung giao hàng kịp thời cho khách hàng.

Người phát ngôn cho biết Aspeed sẽ khắc phục tình trạng thiếu hụt thông qua “hợp tác lâu dài” với các nhà cung cấp, trong đó có TSMC. “Năng lực sản xuất tấm bán dẫn được thỏa thuận trước với các nhà cung cấp,” vì vậy Aspeed đã hợp tác chặt chẽ với khách hàng cùng hệ thống cung ứng từ đầu đến cuối, để sớm có chuẩn bị khi xuất hiện tình trạng thiếu hụt.

Một yếu tố khác là việc Lin tập trung sản xuất chip cho máy chủ. Theo ông, những con chip này có tỉ suất lợi nhuận cao hơn so với những con chip dành cho thị trường phổ thông hơn như điện thoại thông minh, nhờ đó có thể bảo vệ lợi nhuận ngay cả khi doanh số bán hàng giảm sút.

Lin cho biết, trọng tâm này cũng giúp Aspeed giữ được khách hàng của mình và có thêm nguồn doanh thu lớn từ các khách hàng có trụ sở tại Đài Loan và Hoa Kỳ. Mặc dù Aspeed từ chối tiết lộ tên khách hàng, nhưng nhà phân tích Brady Wang ở chi nhánh Đài Bắc của công ty Counterpoint Research cho biết trong số các khách hàng chính của Aspeed có công ty công nghệ Đài Loan Quanta Computer.

Thiết kế chip chuyên biệt không phải là lĩnh vực không rủi ro. Sean Su, nhà tư vấn công nghệ độc lập tại Đài Loan, cho biết các công ty tập trung vào máy chủ như Aspeed có thể thất bại trước đối thủ cạnh tranh chuyên về bộ vi xử lý công suất thấp cho nhiều loại thiết bị. Nhưng ông thừa nhận thị trường ngách của công ty chuyên sâu về phần cứng cho trung tâm dữ liệu và máy chủ, giúp Aspeed nổi bật trên thị trường.

Thành công của Aspeed hiện nay chủ yếu nhờ vào vị trí thống trị trong ngành, là nhà sản xuất chip quan trọng nhưng ít người biết đến, được gọi là BMC.

Lin lớn lên ở vùng nông thôn Đài Trung. Ông tin rằng giáo viên dạy toán lớp bảy của mình là người đã tạo nền móng tương lai cho ông trong ngành kỹ thuật. “Văn phòng của cô luôn mở và bạn có thể đến trò chuyện với cô,” ông kể. “Cô là người có ảnh hưởng chính đến tôi. Cô quan tâm đến chúng tôi.” Sau đó, ông lấy bằng kỹ sư điện tại ĐH Thanh Hoa của Đài Loan và bằng thạc sĩ cùng lĩnh vực tại ĐH Đài Loan nổi tiếng. Ông cũng lấy bằng EMBA từ ĐH Giao thông của Đài Loan.

Sau đó, ông đảm nhiệm vai trò quản lý tại công ty thiết kế chip Đài Loan Silicon Integrated Systems và công ty XGI Technology phân tách từ công ty này, trong giai đoạn 1993-2003. Năm 2004, Lin cùng nhóm bạn thành lập Aspeed với số vốn 45 triệu Đài tệ (1,6 triệu đô la Mỹ).

Trong nhóm tám người ban đầu có cựu đồng nghiệp tại Silicon Integrated Systems, Luke Chen, hiện là phó giám đốc kinh doanh. Với những nhà đầu tư từ giai đoạn đầu như Intel Capital, Aspeed niêm yết năm 2012.

Lin cho biết, một trong những lợi thế của Aspeed là khả năng thu hút và giữ chân nhân tài cũng như duy trì sự tập trung chuyên biệt. Theo sở Giao dịch Chứng khoán Đài Loan, năm ngoái Aspeed xếp thứ 14 về mức lương thưởng trong số các công ty đại chúng. Lin cho biết, công ty có lực lượng lao động tinh gọn, chủ yếu được lựa chọn cẩn thận nhờ sự hỗ trợ từ các nhà tuyển dụng, vẫn duy trì giờ làm việc bình thường trong một ngành nổi tiếng với chuyện làm thêm giờ. Ông cho biết chỉ có 25 nhân viên rời công ty kể từ khi thành lập.

Theo ông, công ty theo cấu trúc phẳng (không có hoặc rất ít cấp quản lý cấp trung) và văn phòng mở – giống cách làm ưa thích của cô giáo dạy toán cho ông – cũng là yếu tố giúp giữ chân mọi người. Công ty có thiết kế không gian mở rộng rãi trên mặt bằng duy nhất để tránh thể hiện sự phân cấp và các kỹ sư có thể báo cáo trực tiếp với bốn phó chủ tịch.

Ông nói: “Số lượng nhân viên không nhiều, vì vậy chúng tôi có thể trả lương xứng đáng cho họ. Có ít hơn 100 nhân viên thì bạn không cần phải tổ chức các cuộc họp quá trang trọng.” Lực lượng lao động trung thành như thế giúp công ty phát triển mạnh hơn nhờ việc khai thác các xu hướng chuyên biệt mới nhất trong công nghệ, nhanh chóng thiết kế chip theo nhu cầu của khách hàng.

Mặc dù Lin thừa nhận rằng việc chuyên sâu vào một thị trường hạn hẹp sẽ có những rủi ro, nhưng ông hi vọng sẽ phát sinh nhiều nhu cầu hơn đối với thiết bị hỗ trợ điện toán đám mây và phần cứng dựa trên AI. Ông cũng có kế hoạch tận dụng sự bùng nổ của điện toán biên – xử lý tính toán dữ liệu được thực hiện gần nguồn dữ liệu để cải thiện thời gian phản hồi và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng – nhưng không tiết lộ chi tiết.

Hiện tại, ông đang chú trọng đến các chip dành cho hội nghị truyền hình. Lin cho biết, với sự phát triển bùng nổ của Zoom, Aspeed rất phù hợp để phục vụ phân khúc hấp dẫn này, bởi vì công nghệ đó là phần mở rộng của những gì công ty đang thiết kế. Lin nói: “Đôi khi, bạn có thể cưỡi sóng nếu bạn ở trên đỉnh ngọn sóng. Bạn có thể tận hưởng đà tăng trưởng đó.”


Tựa theo bản in: Kiểm soát tốc độ, tạp chí Forbes Việt Nam số tháng 8 & 9.2021