Công nghệ xanh

Các cựu kỹ sư SpaceX phát triển tàu điện chở hàng tự hành

Share
this:

Parallel Systems, công ty của những cựu kỹ sư SpaceX đã phát triển nguyên mẫu cho đoàn tàu điện để vận tải hàng hóa.

Những đoàn tàu vận tải hàng hóa chạy bằng động cơ diesel theo chặng đường dài, với thùng hàng cồng kềnh dọc khắp nước Mỹ có thể trở thành dĩ vãng với sự xuất hiện của Parallel Systems. Công ty tại Los Angeles cho rằng tương lai của ngành vận tải hàng hóa nằm ở những đoàn tàu tự hành, sẽ nâng cao công suất so với các tuyến đường sắt hiện hữu.

Được thành lập bởi bộ ba cựu kỹ sư của SpaceX gồm CEO Matt Soule, Parallel Systems mang ý tưởng về đoàn tàu không phát thải, nhỏ hơn và linh hoạt với sức kéo không quá 50 toa tàu, hoạt động với tần suất cao hơn so với các đoàn tàu truyền thống kéo đến 150 toa tàu, đã thu hút những công ty vốn mạo hiểm công nghệ, gồm Anthos Capital, Congruent Ventures, Riot Ventures và Embark Ventures.

CEO Matt Soule (giữa) và đội ngũ nhân sự của Parallel Systems. Ảnh: Parallel Systems

Với khoản tài trợ từ các công ty trên và những nhà đầu tư khác, Parallel Systems đã huy động 49,6 triệu USD để cải tiến các nguyên mẫu và phần mềm của đoàn tàu mang tính tương lai. Qua đó, chuyển đổi thêm vận chuyển hàng hóa từ xe tải.

“Đường sắt sử dụng năng lượng hiệu quả hơn nhiều so với xe tải. Mặc dù vận tải đường sắt hiện nay là loại đầu máy chạy bằng dầu diesel, nhưng đã cho thấy hiệu quả về trung hòa khí carbon để chuyển sang đường sắt. Những gì chúng tôi đặc biệt tập trung là cố gắng mở ra thị trường mà đường sắt có thể tiếp cận, đồng thời cải thiện hơn nữa tình trạng phát thải carbon qua việc điện hóa,” Soule chia sẻ với Forbes.

Những công ty từ Tesla của Elon Musk cho đến Daimler, Cummins, Huyndai, Volvo, General Motors và Nikola đều tham gia vào cuộc đua thương mại hóa xe đầu kéo vận hành bằng pin và khí hydro không sử dụng ống pô, nhằm thúc đẩy việc cắt giảm khí thải carbon và dầu diesel độc hại từ xe tải.

Theo Soule, tuyến đường sắt vận tải dài 225,3km nằm dọc khắp nước Mỹ hiện nay có lợi thế hơn đường cao tốc, khi có thể chịu nhiều trọng tải hơn mức giới hạn 32 tấn cho một xe tải vận chất đầy kiện hàng.

Parallel Systems nhận định hệ thống đường sắt dài tại Mỹ có thể trở nên hiệu quả hơn nữa khi sử dụng đoàn tàu điện nhỏ gọn và vận hành tự động. Ảnh: Parallel Systems.

Các pin lớn có thể đặt khắp các toa tàu thay vì chỉ tập trung vào một toa. Thêm vào đó, việc đoàn tàu lăn bằng bánh xe thép trên đường ray không cần quá nhiều năng lượng để di chuyển như xe tải vận hành trên đường cao tốc, nên Parallel có thể sử dụng loại pin rẻ và ít tiêu hao năng lượng hơn so với dung lượng cần thiết cho những xe tải bán điện của Tesla hay Nikola.

Hơn nữa, Soule ước tính hệ thống pin cần thiết thúc đẩy một trong những đoàn tàu Parallel lên đến 804km/một lần sạc có kích cỡ chỉ bằng khoảng 1/4 mẫu pin Tesla đang dùng cho xe tải điện cùng một quãng đường. Đây là ưu thế khác của tàu vận tải điện so với xe tải.

Đoàn tàu của Parallel có thể đưa vào vận hành trong hệ thống đường sắt vận tải hiện nay, nhờ ứng dụng công nghệ của hệ thống điều khiển tàu tích cực (PTC) trên toàn tuyến đường sắt vận chuyển hành khách và hàng hóa tại Mỹ. Việc này sẽ ngăn các vụ va chạm giữa đoàn tàu, sự cố trật bánh do chạy quá tốc độ hoặc khi chuyển đường ray sai vị trí.

Việc thương mại hóa công nghệ của Parallel Systems sẽ phụ thuộc vào tuyến đường ray công ty hợp tác, với cấp phép từ cơ quan Quản trị Đường sắt Liên bang (FRA) sau khi hoàn tất đợt kiểm ra mở rộng và chứng nhận an toàn.

Sau khi thành lập vào đầu năm 2020, Parallel đã huy động 3,6 triệu USD từ vọng hạt giống và thảo luận về công nghệ với những công ty đường sắt vận tải lớn. Tuy vậy, Soule từ chối tiết lộ nếu có bất kỳ khoản đầu tư nào trong vòng gọi vốn Series A.

Nguyên mẫu của loại tàu điện được Parallel Systems phát triển. Ảnh: Parallel Systems

Công ty đang thử nghiệm nguyên mẫu trên một đoạn đường sắt tư nhân và sẽ sẵn sàng đánh giá phiên bản tiếp theo được trang bị hệ thống tự hành với camera tự phát triển trong nhiều tuần tới.

Matt Soule cùng hai nhà đồng sáng lập, Ben Stabler và john Howard từng là kỹ sư điện tử hàng không cho SpaceX của Elon Musk trước khi khởi nghiệp. Trong khi chuyển đổi từ hàng không vũ trụ sang đường sắt vận tải hàng hóa là một điều ấn tượng, việc này mở ra cơ hội giảm lượng lớn khí thải carbon từ hoạt động vận chuyển.

Matt Soule, Stabler và Howard nhận định họ đã có được cơ hội lớn, khi Mỹ có hệ thống đường ray vận tải hàng hóa dài nhất thế giới. Tuy vậy, chỉ dưới 3% số tuyến hiện nay được tận dụng, theo Parallel.

“Chúng tôi đã nhìn thấy được cơ hội trong việc đem đến rất nhiều loại công nghệ hiện đại như xe điện, xe tự hành vào ngành công nghiệp này, với lợi thế về sử dụng năng lượng hiệu quả và tạo sự ảnh hưởng hơn nữa,” Soule cho biết.

Biên dịch: Minh Tuấn

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/cac-cuu-ky-su-spacex-phat-trien-tau-dien-cho-hang-tu-hanh)