Sau khi tăng vọt vào năm 2021, tổng tài sản của 50 người giàu nhất Hàn Quốc đã giảm 17% trong năm nay.
Mặc dù nền kinh tế mạnh về xuất khẩu của Hàn Quốc tăng trưởng 4% vào năm 2021, nhưng thị trường chứng khoán của nước này lại là thị trường kém thứ hai châu Á trong 12 tháng qua, chỉ hơn Hong Kong. Chỉ số Kospi chuẩn giảm 13% kể từ khi Forbes tính toán giá trị tài sản lần cuối vào tháng 5.2021, vì lãi suất tăng và các nhà đầu tư rút lui.
Do đó, tổng tài sản của 50 người giàu nhất là 130 tỉ đô la Mỹ, giảm so với 156 tỉ đô la Mỹ của năm ngoái. Lần đầu tiên sau một thập niên, không có tỉ phú nào trong số 50 người giàu nhất có tài sản hơn 10 tỉ đô la Mỹ.
Tỉ phú tự thân Kim Beom-su, người sáng lập Kakao, lần đầu tiên đứng đầu danh sách với 9,6 tỉ đô la Mỹ. Jay Y. Lee của Samsung vẫn giữ vị trí thứ hai với 9,2 tỉ đô la Mỹ, mặc dù tài sản của ông cũng giảm. Lần đầu tiên đứng ở vị trí thứ ba là tỉ phú cổ phần tư nhân Michael Kim, người tăng giá nhiều nhất trong năm nay cả về tỉ lệ phần trăm và đô la. Kim đã tăng hơn gấp đôi giá trị tài sản ròng của mình lên 7,7 tỉ đô la Mỹ sau khi công ty Dyal Capital Partners có trụ sở tại New York mua lại cổ phần thiểu số trong công ty tư nhân MBK Partners với mức định giá gần chín tỉ đô la Mỹ.
Người đứng đầu năm ngoái, Seo Jung-jin, xuống vị trí thứ tư với 6,9 tỉ đô la Mỹ, giảm 5,6 tỉ đô la Mỹ – tương đương 45%. Giá cổ phiếu nhà sản xuất thuốc Celltrion của ông đã giảm do nỗi thất vọng vì phương pháp điều trị bằng kháng thể COVID-19 của họ vẫn chưa có sự phê chuẩn của Hoa Kỳ.
Bom Kim, người sáng lập Coupang, đạt mức tăng nhiều nhất vào năm ngoái sau thương vụ IPO bom tấn của công ty vào tháng 3.2021, chứng kiến giá trị tài sản ròng của mình giảm nhiều nhất tính theo tỉ lệ phần trăm. Do sự thua lỗ của công ty thương mại điện tử niêm yết trên sàn New York, khối tài sản của ông giảm một nửa xuống còn 3,2 tỉ đô la Mỹ. Sinh viên bỏ học tại trường Kinh doanh Harvard đứng ở vị trí thứ 14, giảm bảy bậc so với năm ngoái.
Bảy gương mặt mới năm nay bao gồm ba nhà sáng lập công ty khởi nghiệp: Lee Seung-gun của kỳ lân fintech Viva Republica (số 36), đồng sáng lập Song Chi-hyung của Dunamu (số 9) và Kim Hyoung-nyon (số 22), người điều hành Upbit, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất Hàn Quốc.
Yoo Jung-hyun có mặt trong danh sách sau cái chết đột ngột của chồng bà, Kim Jung-ju, vào tháng 2.2022 ở tuổi 54. 14% cổ phần của Yoo trong công ty trò chơi trực tuyến khổng lồ Nexon, mà bà hỗ trợ Kim thành lập vào năm 1994, trước đó được tính gộp với cổ phần của người chồng quá cố, và phần tài sản của ông vẫn chưa được giải quyết.
Anh em Cho Hyun-sang (số 44) và Cho Hyun-joon (số 47) của tập đoàn công nghiệp Hyosung Group là hai người quay lại danh sách. Cổ phiếu Hyosung Advanced Materials, công ty con sản xuất sợi carbon sử dụng trong xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro, đã tăng cao vì các nhà đầu tư lạc quan với tương lai của những chiếc xe không phát thải.
Nhân vật đáng chú ý trong số chín người rời khỏi danh sách năm nay là Koo Bon-joon của gia tộc LG, người đã quyên góp một phần cổ phiếu LG của mình cho ba quỹ từ thiện và chuyển một phần cổ phần của mình trong công ty LX Holdings cho các con. Hạn mức lọt vào danh sách năm nay là 950 triệu đô la Mỹ, tăng nhẹ so với mức 940 triệu đô la Mỹ vào năm 2021.
KIM BEOM-SU: Tâm điểm chú ý
Câu chuyện tay trắng làm giàu của Kim Beom-su, người sáng lập Kakao, đã lật sang một chương gây xôn xao khác. Ông đứng đầu danh sách năm nay với giá trị tài sản ròng 9,6 tỉ đô la Mỹ, giảm 9% kể từ lần tính toán tài sản gần đây nhất của Forbes. Vào tháng 3.2022, người đàn ông 56 tuổi tuyên bố từ chức chủ tịch công ty sau những tranh cãi ảnh hưởng đến cổ phiếu, khi đại dịch thúc đẩy nhu cầu đối với các dịch vụ công nghệ và xã hội của Kakao.
Lợi nhuận ròng tăng gần 850% lên 1,6 ngàn tỉ won (1,3 tỉ đô la Mỹ) vào năm 2021 so với một năm trước đó, nhờ doanh số tăng 48% lên 6,1 ngàn tỉ won. Kakao sánh cùng các tập đoàn tài phiệt của Hàn Quốc với tư cách là công ty đại chúng lớn thứ sáu ở Hàn Quốc, với vốn hóa thị trường 34 tỉ đô la Mỹ. Doanh nhân tự thân này ra mắt ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Hàn Quốc vào năm 2010, sau đó mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh khác bao gồm thanh toán, ngân hàng, game và gọi xe công nghệ.
Hồi tháng 9.2021, cơ quan quản lý chống độc quyền của Hàn Quốc tiến hành cuộc điều tra đối với Kim và công ty holding K Cube của ông vì có khả năng vi phạm nguyên tắc thương mại công bằng.
Ba tháng sau, có thông tin rằng các nhà chức trách đang điều tra cáo buộc của một nhóm công dân về việc Kim trốn thuế 740 triệu đô la Mỹ. Vào thời điểm đó, Kakao phủ nhận, tuyên bố rằng các cáo buộc là “vô căn cứ” và vào tháng 3.2022, cơ quan thuế quốc gia của Hàn Quốc đã bác bỏ thông tin này. Công ty không trả lời yêu cầu bình luận.
Giữa những lo ngại về áp lực pháp lý ngày càng cao, Kakao hoãn niêm yết đơn vị fintech Kakao Pay cho đến tháng 1.2021, khi công ty này huy động được 1,3 tỉ đô la Mỹ và đẩy lùi vô thời hạn đợt IPO của ứng dụng gọi taxi Kakao Mobility. Vào tháng 3.2022, Kim ký cam kết Giving Pledge hiến tặng hơn một nửa tài sản của mình cho xã hội. Ông cho biết dự định tập trung vào việc mở rộng kinh doanh toàn cầu của Kakao. —Catherine Wang
Xe điện: Tiếp năng lượng
Khi thế giới tăng tốc chuyển hướng sang các phương tiện ít phát thải carbon, Hàn Quốc vẫn luôn theo đúng xu hướng. Theo báo cáo vào tháng 2.2022 của công ty SNE Research tại Seoul, khoảng 30% pin của xe điện (EV) trên thế giới do ba trong số các tập đoàn gia tộc lớn nhất của Hàn Quốc sản xuất.
Dẫn đầu các doanh nghiệp khổng lồ này là LG Energy Solution, đơn vị pin EV của LG, với chủ tịch kiêm CEO Koo Kwang-mo có giá trị tài sản 1,75 tỉ đô la Mỹ. Hồi tháng 1.2022, đơn vị này có đợt IPO lớn nhất Hàn Quốc, huy động được 10,7 tỉ đô la Mỹ. SNE cho biết họ là nhà sản xuất pin EV lớn thứ hai thế giới với 20% thị phần, sau công ty Contemporary Amperex Technology của tỉ phú Trung Quốc Robin Zeng, chiếm 33% thị phần.
Samsung SDI, đơn vị pin thuộc tập đoàn Samsung của Jay Y. Lee, tham gia thị trường pin EV vào những năm 2010. Các nhà máy của họ chiếm khoảng 5% thị phần, có trụ sở tại Trung Quốc, Hungary và Hàn Quốc. Lee có khối tài sản 9,2 tỉ đô la Mỹ. Một gương mặt mới trong ngành là SK On, đơn vị pin EV thuộc tập đoàn SK của Chey Tae-won. SK On tách khỏi công ty mẹ SK Innovation tháng 9.2021. 6% thị phần của SK On đến từ việc cung cấp sản phẩm cho các nhà sản xuất ô tô như Ford và Volkswagen. Giá trị tài sản ròng của Chey là 2,4 tỉ đô la Mỹ.
Hỗ trợ sự mở rộng của ba tập đoàn tài phiệt này là chiến lược quốc gia “K-Battery” của chính phủ Hàn Quốc. Tháng 7.2021, tổng thống Moon Jae-in công bố kế hoạch đưa Hàn Quốc trở thành nhà sản xuất pin EV hàng đầu thế giới vào năm 2030. LG, Samsung và SK cam kết đầu tư tổng cộng 35 tỉ đô la Mỹ vào cơ sở vật chất và R&D, đổi lại sẽ được cắt giảm thuế lên tới 50% và các quyền lợi khác. LG Energy Solution cho biết họ sẽ đầu tư 21 tỉ đô la Mỹ.
Sự thúc đẩy được đưa ra vào thời điểm xe điện đang trở thành trọng tâm của các nhà sản xuất ô tô toàn cầu và được các chính phủ chú ý. Dự thảo luật của liên minh châu Âu sẽ cấm các loại xe mới không chạy điện vào năm 2035 và tổng thống Joe Biden muốn chính phủ Hoa Kỳ ngừng mua xe không chạy điện vào năm đó. Theo báo cáo tháng 1.2022 từ Gartner, dự kiến sẽ có sáu triệu chiếc EV được xuất xưởng trên thế giới trong năm nay và 36 triệu chiếc vào năm 2030.
Richard Kim, phó giám đốc chuỗi cung ứng và công nghệ ô tô tại S&P Global, cho biết sẽ rất khó để các công ty Hàn Quốc chiếm lấy vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất pin EV từ các nhà sản xuất Trung Quốc vốn từ lâu đã được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp tích cực và các hình thức hỗ trợ khác của chính phủ. Ông nói các tập đoàn tài phiệt có thể tận dụng sự hiệp lực trong nghiên cứu và phát triển. Kim nói: “Các công ty Hàn Quốc đã tích lũy được kiến thức về sản xuất viên pin. Họ có thể tự mình phát triển công nghệ và bồi đắp mối quan hệ với các nhà sản xuất thiết bị gốc, đó sẽ là vũ khí mạnh để phát triển.”
LG Energy Solution, Samsung SDI và SK On đang chạy đua để phát triển các giải pháp thay thế cho pin lithium-ion, tiêu chuẩn hiện tại cho xe điện. Theo phân tích của UBS vào năm ngoái, nhu cầu xe điện có thể vượt xa nguồn cung cấp lithium của thế giới vào năm 2025 – vấn đề chuỗi cung ứng này có thể đã trở nên trầm trọng hơn khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra, tác động tới nguồn cung cấp kim loại chính. Vào tháng 3.2022, Samsung SDI bắt đầu xây dựng dây chuyền sản xuất thử nghiệm cho pin thể rắn đầu tiên của Hàn Quốc, mục tiêu của chính phủ là thương mại hóa loại pin này vào năm 2027, trong khi SK On bắt đầu nghiên cứu về pin gốc sulfur.
Bất chấp những khó khăn, các nhà đầu tư vẫn lạc quan về tương lai của pin EV, đặc biệt là trong các ứng dụng mới. Cổ phiếu của Chunbo, công ty sản xuất các thành phần điện phân cho pin EV, tăng giá mạnh trong năm qua, biến người sáng lập Lee Sang-ryul trở thành tỉ phú. Ông góp mặt trong danh sách này với giá trị tài sản ròng 1,4 tỉ đô la Mỹ. —Catherine Wang
SONG CHI-HYUNG & KIM HYOUNG-NYON: Tỉ phú tiền mã hóa
Các tỉ phú tiền mã hóa đầu tiên của Hàn Quốc, Song Chi-hyung và Kim Hyoung-nyon, xuất hiện trong danh sách sau khi giá trị của công ty mà họ đồng sáng lập tăng gấp 21 lần trong vòng chưa đầy một năm.
Dunamu, nhà điều hành sàn giao dịch tiền mã hóa Upbit lớn nhất đất nước, chứng kiến giá trị công ty tăng vọt lên 17 tỉ đô la Mỹ sau khi Hybe, công ty quản lý ban nhạc K-pop nổi tiếng BTS, mua lại 2,5% cổ phần với giá khoảng 400 triệu đô la Mỹ vào tháng 11.
Cú nhảy vọt này đưa Song, chủ tịch 43 tuổi của Dunamu và Kim, 46 tuổi, phó chủ tịch điều hành, vào câu lạc bộ tỉ phú với giá trị tài sản ròng lần lượt là 3,7 tỉ đô la Mỹ và 1,95 tỉ đô la Mỹ.
Hybe, do tỉ phú Bang Si-hyuk (đứng thứ 12 với giá trị tài sản ròng 3,3 tỉ đô la Mỹ) thành lập, và Dunamu đang hợp lực để bán các thẻ ảnh kỹ thuật số của BTS dưới dạng NFT. NFT, những món đồ sưu tầm kỹ thuật số được xác thực bằng công nghệ blockchain, trở nên phổ biến hơn trong năm qua, khi các thương hiệu và người nổi tiếng đều nhảy vào cuộc. Theo nền tảng phân tích DappRadar, ngành công nghiệp non trẻ này tạo ra 25,5 tỉ đô la Mỹ giao dịch vào năm 2021, gấp 185 lần so với bốn năm trước đó cộng lại.
Ra mắt năm 2012, Dunamu hoạt động trong cả lĩnh vực tiền mã hóa lẫn nền tảng giao dịch chứng khoán truyền thống. Sàn giao dịch tiền mã hóa Upbit của công ty là một trong bốn sàn giao dịch tiền mã hóa tồn tại được sau đợt chính phủ Hàn Quốc siết chặt các quy định, dẫn đến việc đóng cửa gần 40 sàn giao dịch vào tháng 9.2021 vì không đáp ứng các quy tắc mới bao gồm việc hợp tác với một ngân hàng địa phương để hạn chế tài khoản cho người dùng có tên thật.
Theo CoinGecko, Upbit đã xử lý gần 6,1 tỉ đô la Mỹ giao dịch giao ngay (spot trade) tài sản kỹ thuật số trong khoảng thời gian 24 giờ kể từ ngày 29.3.2022, cao thứ hai sau công ty dẫn đầu toàn cầu Binance. —Zinnia Lee