Bùng nổ làn sóng khởi nghiệp mới, điều chưa từng thấy trong nhiều thập niên qua.
Tỉ lệ thất nghiệp cao, sức mạnh của Internet và nguồn vốn mới từ các công ty công nghệ tài chính (fintech) đang dẫn đến sự bùng nổ làn sóng khởi nghiệp mới, điều chưa từng thấy trong nhiều thập niên qua. Và Hoa Kỳ sẽ không bao giờ quay trở lại giai đoạn kinh doanh như trước nữa.
Tại sảnh chờ có sàn bê tông xám nhẵn bóng ở không gian làm việc chung Firebrand Collective dành cho phụ nữ ở khu công nghiệp West Bottoms, thành phố Kansas, Jackie Nguyễn, 32 tuổi, đang pha cà phê latte với bạch đậu khấu và vải thiều trong xe cà phê di động sặc sỡ của cô. Một chiếc đầu rồng khổng lồ phủ lên xe “Cafe Cà Phê”.
Chiếc xe này phục vụ cà phê đá “Hella Good Lattes” và “Saigon” cho khoảng 200 khách mỗi ngày, doanh thu khoảng 30 ngàn đô la Mỹ mỗi tháng.
Jackie Nguyễn, người lần đầu kinh doanh, cho biết: “Chuyện này vừa điên rồ mà cũng tuyệt diệu. Việc kinh doanh duy nhất mà tôi biết trước đây là chương trình giải trí.”
Trước đại dịch hơn một năm trước, Jackie Nguyễn là diễn viên nhạc kịch với gần hai mươi năm kinh nghiệm. Cô từng có thu nhập khoảng 90 ngàn đô la Mỹ mỗi năm nhờ các chuyến lưu diễn của vở nhạc kịch Miss Sài Gòn. Ngày 15.3.2020, cô biểu diễn tại Fort Myers, Florida. Hôm sau, đèn sân khấu Broadway phụt tắt.
Jackie Nguyễn kể: “Tôi không có nhà, xe hay khoản tiết kiệm đáng kể nào.” Từ Long Island, Queens, cô chuyển đến thành phố Kansas, đầu tư 10 ngàn đô la Mỹ từ tiền tiết kiệm ít ỏi của mình và thêm 13 ngàn đô la Mỹ từ nền tảng gọi vốn cộng đồng Kickstarter (nhờ có 4.000 người theo dõi cô trên Instagram). Cô sẽ không bao giờ quay lại sân khấu Broadway. Cô nói: “Là nữ diễn viên, sự nghiệp của tôi luôn phụ thuộc vào người khác. Giờ tôi tự lựa chọn và biết mình muốn làm gì.”
Jackie Nguyễn là một trong hơn bốn triệu người đang thúc đẩy kinh doanh bùng nổ chưa từng có ở Hoa Kỳ. Đại dịch gây ra tỉ lệ thất nghiệp cao chưa từng thấy kể từ sau cuộc Đại suy thoái, sự thay đổi vĩnh viễn về cách chúng ta sống và làm việc, lối tiếp cận với các nguồn vốn mới thông qua công ty fintech, công nghệ giá rẻ trở nên phổ biến và tinh thần quyết tâm kiên định. Người Mỹ đang đặt cược vào bản thân và đẩy nhanh thành lập các công ty mới với tốc độ chưa từng có.
Mỗi cuộc suy thoái đều mang lại cơ hội thành công lớn cho công ty khởi nghiệp. Mọi người vẫn hiểu là nhu cầu sẽ sản sinh ra phát minh. Nhưng lần này khác. Đại dịch COVID-19 vô cùng khủng khiếp xét về quy mô và tốc độ. Tác động của nó lên các doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ cũng sẽ như vậy.
Năm 2020, theo cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ, hơn 4,3 triệu người nộp đơn đăng ký kinh doanh mới, cao hơn gần 840 ngàn người so với năm 2019 – tăng 25%. Đó là khác biệt rõ rệt so với cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008, khi đó số lượng đơn đăng ký mới giảm 8%.
John Lettieri, đồng sáng lập kiêm CEO của tổ chức Economic Innovation Group, cho biết: “Điều này làm bạn ngạc nhiên và chú ý. Đây không phải là kết cục mà nhiều người mường tượng về giai đoạn cuối của lần khủng hoảng này.”
Số công ty khởi nghiệp mới có khả năng thuê nhân viên cũng tăng lên. Được IRS đánh giá là các doanh nghiệp “có khả năng tạo việc làm cao,” số lượng công ty tiềm năng này tăng 15% trong năm 2020. “Trong thời kỳ Đại suy thoái năm 2008, các doanh nghiệp sử dụng lao động mới giảm gần 230 ngàn so với năm trước đó,” Lettieri nói. “Trong cuộc khủng hoảng COVID-19, con số này đã tăng hơn 200 ngàn – kết quả phản ánh xu hướng.”
Số doanh nghiệp tạo việc làm tăng vọt đáng kể nhất là ở những nơi xa các trung tâm ven biển đắt đỏ. Khu vực miền Nam rộng lớn đang dẫn đầu xu hướng, tăng thêm hàng ngàn doanh nghiệp khắp Georgia, Mississippi, Alabama và Louisiana.
Để nêu bật đặc điểm của thế hệ doanh nhân đa dạng sắp phát triển lớn mạnh này, Forbes công bố danh sách Next 1000, quy tụ những người sáng lập các doanh nghiệp nhỏ do bạn đọc đề cử trên khắp nước Mỹ, với mức gọi vốn và doanh thu dưới 10 triệu đô la Mỹ. Những doanh nghiệp này đang thúc đẩy nền kinh tế, tạo việc làm cho hơn 30 triệu người Mỹ.
Làn sóng bùng nổ khởi nghiệp tiếp tục kéo dài đến năm 2021. Vào tháng 2.2021, có gần 430 ngàn đơn đăng ký kinh doanh mới, tăng 40% so với tháng 2.2020, là tháng cuối cùng trước khi đại dịch đóng băng nền kinh tế toàn cầu. Khi thế giới hoạt động kinh doanh trở lại, nhiều nhà sáng lập mới như Jackie Nguyễn sẽ không trở lại nghề cũ.
Một tháng sau khi phong tỏa toàn quốc, 22 triệu người Mỹ mất việc. Tỉ lệ thất nghiệp gần 15% – cao thứ hai trong 100 năm qua, chỉ sau Đại suy thoái.
Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các ngành liên quan đến trải nghiệm như nhà hàng, bán lẻ, du lịch, Hollywood, thể thao và các sự kiện trực tiếp khác. Gần 40% số người mất việc thuộc các ngành du lịch và khách sạn, theo nghiên cứu của hiệp hội Lữ hành Hoa Kỳ. Đến giữa tháng 4.2020, mảng nhà hàng và bán lẻ, mỗi lĩnh vực đã mất khoảng 2,5 triệu việc làm.
Những người may mắn giữ được việc bắt đầu chấp nhận thực tế mới gắn với làm việc từ xa và trường học trực tuyến.
Sau khi đại dịch lấy đi công việc chụp ảnh cưới của Jade Adams, cô chuyển sang say mê trồng cây trong nhà, thu thập hơn 200 loại cây kỳ lạ như các cây kiểng lá Alocasia và Philodendron Pink Princess. Khi căn hộ tràn ngập cây, cô bắt đầu bán cây trên Facebook và đến tháng 7.2020, cô kiếm được 15 ngàn đô la Mỹ nhờ bán cây tại cửa hàng thời vụ ở Central Collective, không gian tổ chức sự kiện tại Knoxville, Tennessee.
Tháng 10 năm ngoái, Adams, 23 tuổi, đầu tư toàn bộ số tiền tiết kiệm 20 ngàn đô la Mỹ mở cửa hàng vật lý Oglewood Avenue. Cô lấy lại được tiền vốn trong vài ngày. Cô nói: “Thị trường cây kiểng đã bùng nổ trong đại dịch. Có nhiều người ở nhà hơn và họ cố gắng mang không gian ngoài trời vào trong nhà.”
Adams, thu nhập khoảng 48 ngàn đô la Mỹ mỗi năm khi chụp ảnh cưới, đã thu về 265 ngàn đô la Mỹ tính từ tháng 10.2020. Cô sử dụng Instagram để chia sẻ hình ảnh cây kiểng của mình và hướng dẫn chăm sóc cây cho 15 ngàn người theo dõi. Tháng 1.2021, cô quay và đăng tải chương trình Houseplants 101 trên Handmade, kênh YouTube có 630 ngàn người theo dõi của HGTV. Adams gia này sẽ không sớm quay lại nghề cũ. Cô nói: “Lý do là giờ tôi kiếm được quá nhiều tiền.”
Nếu sự hủy hoại kinh tế của đại dịch COVID tạo ra nhu cầu kinh doanh cho hàng triệu người Mỹ, thì công nghệ lại cung cấp các công cụ. Hệ thống truyền thông bằng video phát triển rộng rãi, mạng xã hội, thương mại điện tử, điện toán đám mây và các trang web DIY giúp mọi người dễ dàng thành lập công ty tại gia và tiếp cận thị trường khắp thế giới.
Lettieri của tổ chức Economic Innovation Group cho biết: “Nền kinh tế Internet đã trở nên phổ biến và gắn liền với mọi khía cạnh của nền kinh tế của chúng ta. Bạn có cơ hội làm những công việc từ xa mà cách đây mười năm là không thể.”
Shopify, công ty phần mềm có vốn hóa thị trường 150 tỉ đô la Mỹ cho phép các doanh nghiệp nhỏ bán hàng trực tuyến, đã chứng kiến số cửa hàng mới tăng gần 80% vào năm 2020. Gã khổng lồ thanh toán kỹ thuật số Pay-Pal có số tài khoản doanh nghiệp tăng 40% so với cùng kỳ.
Theo khảo sát của Salesforce, 70% công ty khởi nghiệp mới là công ty công nghệ hoặc kỹ thuật số ngay từ đầu. Trong khi đó, một loạt các công ty cho vay trực tuyến đang cung cấp nhiều lựa chọn vay tiền mặt hơn cho các nhà sáng lập. Năm 2020, công ty cho vay kinh doanh Lendio đã hoàn tất hơn 100 ngàn khoản vay không thuộc mô hình cho vay PPP dành cho doanh nghiệp nhỏ – tăng 500% so với năm trước.
Loren Padelford, trưởng bộ phận bán hàng và tiếp thị toàn cầu của Shopify, cho biết: “Hàng loạt công nghệ mới đã dỡ bỏ rào cản gia nhập thị trường. Bạn có thể thành lập công ty chỉ sau một đêm và bán hàng đi khắp thế giới.”
Công nghệ cho phép mọi người làm việc từ mọi nơi. Tháng 6.2020, Matt Redler, cư dân Tampa, đồng sáng lập công ty phần mềm Panther để giúp các doanh nghiệp thuê lập trình viên và nhà thiết kế từ khắp nơi trên thế giới. Trước đại dịch, Redler, 23 tuổi, thuê lập trình viên ở nước ngoài để thiết kế trang web đặt chỗ cho các đầu bếp riêng. COVID khiến mọi người không còn nhu cầu sử dụng dịch vụ đó, nhưng Redler nhanh chóng chuyển đổi. Anh cho rằng xu hướng làm việc từ xa sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn đối với lao động nước ngoài giá rẻ. Anh nói: “Các công ty tiếp cận được nguồn nhân tài toàn cầu sẽ có lợi thế tốt hơn để phát triển vượt trội trong thập niên tới.”
Các đợt phong tỏa vì COVID đã cho thấy hầu hết nhân viên có thể làm việc hiệu quả mà không cần đến văn phòng – và hàng triệu người sẽ không bao giờ quay trở lại văn phòng như trước nữa. Một nghiên cứu hồi tháng ba của trường Kinh doanh Harvard cho thấy hơn 25% nhân viên văn phòng hi vọng sẽ được tiếp tục làm việc tại nhà.
Năm 2018, Maisha Burt đã ra mắt Workchew, góp mặt trong danh sách Next 1000 của Forbes, để chuyển đổi các khách sạn, quán bar và nhà hàng thành không gian làm việc chung vào ban ngày, thời điểm những nơi này không hoạt động. Burt, 46 tuổi, nảy sinh ý tưởng này khi đang làm tư vấn cho chính phủ. Bà nói: “Tôi rất khó làm việc ở nhà. Tôi cần chỗ nào đó lai trộn giữa quán cà phê, vốn chứa nhiều yếu tố bất ngờ, và WeWork, vốn quá đắt đỏ.”
Trước đại dịch, Burt nhắm đến khách hàng cá nhân, nhưng sau đại dịch, bà chuyển sang khách hàng doanh nghiệp khi các nhà tuyển dụng tìm cách giảm diện tích văn phòng – và các nhân viên trở nên mệt mỏi khi phải làm việc ở các gian bếp và các phòng nhỏ chuyển đổi công năng. “Chúng tôi đang mường tượng lại không gian làm việc chung trông như thế nào, chi phí và cảm giác như thế nào,” Burt nói. “Với đối tác, chúng tôi kiếm tiền từ không gian chưa được sử dụng hết công năng của họ.”
Tháng 3.2021, Burt huy động được 2,5 triệu đô la Mỹ từ Harlem Capital Partners, Techstars Ventures, đồng sáng lập Chris Maguire của Etsy và đồng sáng lập Kathryn Petralia của Kabbage. Có tiền mặt, Burt đang mở rộng Workchew đến 17 thành phố gồm New York, Detroit, Seattle và San Francisco. Bà nói: “Chúng tôi đang vận hành hết tốc độ.”
Bà không phải là trường hợp duy nhất. Hàng triệu người Mỹ đang rời sự nghiệp cũ để bắt đầu kinh doanh. Đó là điểm sáng trong cuộc khủng hoảng COVID tàn khốc và bi thảm. Những năm 1930, giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng từ Đại suy thoái cũng đã mang lại cho chúng ta sự xuất hiện của truyền hình, các hãng hàng không thương mại và máy điều hòa nhiệt độ. Cũng giống như tổng thống Franklin Roosevelt đã phát động chế độ An sinh xã hội và Bảo hiểm tiền gửi liên bang, tổng thống Biden đang đề xuất mở rộng quy mô các chương trình của chính phủ liên bang.
Các công ty khổng lồ như Microsoft, Genentech, Vanguard và Home Depot nổi lên từ tình trạng lạm phát kèm suy thoái những năm 1970. Cuộc suy thoái năm 2008 tàn phá ngành tài chính và thị trường nhà ở, nhưng cũng cho ra đời các công ty như Instagram, Uber, Airbnb, WhatsApp và Slack.
COVID-19 tạo ra hơn bốn triệu doanh nghiệp mới. Những người sáng lập đó sẽ không quay lại sự nghiệp cũ. Dan Wang, phó giáo sư kinh doanh ĐH Columbia, cho biết: “Chúng ta có thể thấy sự hồi sinh của xã hội và kinh tế giống như giai đoạn tăng trưởng kinh tế bùng nổ những năm 1920 (được gọi là The Roaring Twenties) diễn ra sau Thế chiến thứ nhất và dịch cúm năm 1918. Chẳng phải là ảo tưởng gì khi cho rằng chúng ta sẽ chứng kiến loạt ý tưởng mới bùng nổ.”
Biên dịch: Quỳnh Anh
(*) Theo Forbes Việt Nam số 95, phát hành tháng 7.2021.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/bung-no-lan-song-khoi-nghiep-moi)
2 năm trước
Phượng Hoàng Xanh vào tâm dịch3 năm trước
Người xây chuỗi cung lạnh ABACooltrans