Sau thành công đầu tiên trong việc cung cấp chip dùng để khai thác bitcoin, AIchip tiếp tục tăng trưởng nhờ vào chip dành cho AI.
Alchip Technologies ở Đài Loan dẫn đầu hai xu hướng công nghệ bùng nổ trong thập niên qua: tiền mã hóa và trí tuệ nhân tạo. Công ty tập trung thiết kế và bán chip hiệu suất cao được dùng trong cả hai lĩnh vực.
Được thành lập vào năm 2003, công ty âm thầm nỗ lực bán chip cho các công ty điện tử tiêu dùng ở Nhật Bản như Sony và Panasonic để sử dụng trong máy ảnh kỹ thuật số, TV và máy chơi game.
Đó là một hoạt động kinh doanh ổn định nhưng có biên lợi nhuận thấp đối với công ty do kỹ sư điện Johnny Shen và kỹ sư máy tính Kinying Kwan đồng sáng lập. Cả hai đều ở Đài Loan.
Khi đó, cơn sốt tiền mã hóa và bitcoin xuất hiện. Alchip phát triển chip 16 nanomet (nanomet thể hiện mật độ bóng bán dẫn trên một con chip) có hiệu suất cao nhưng tiết kiệm năng lượng. Chip này rất lý tưởng để khai thác bitcoin cùng với các loại tiền mã hóa khác vào năm 2015, ngay khi giá bitcoin tăng từ khoảng 300 USD lên mức cao nhất hơn 14.000 USD hồi cuối năm 2017.
Doanh thu tăng vọt khi nhu cầu sử dụng máy tính để khai thác tiền mã hóa bùng nổ trên khắp thế giới. Không giống như chip trước đây, chip mới được thiết kế phức tạp nhưng có thể mang về khoản lợi nhuận cao hơn.
Trong khi vẫn phục vụ khách hàng ở Nhật Bản và những người khai thác tiền mã hóa, Alchip cũng bắt đầu mở rộng sang thị trường Trung Quốc đại lục và Hoa Kỳ, giúp thúc đẩy tăng trưởng khi bong bóng bitcoin xuất hiện vào năm 2018.
“Một số công ty ở Nhật Bản như Sony và Yamaha vẫn đóng góp doanh thu lớn,” chủ tịch kiêm CEO Shen, 52 tuổi, cho biết trong cuộc phỏng trực tuyến.
Doanh thu của Alchip tăng liên tiếp trong 5 năm nhờ vào nhu cầu ngày càng cao do các sản phẩm và ứng dụng mới, gần đây nhất là AI, sử dụng chip tiên tiến. Vào năm 2022, công ty thu về 460 triệu USD, tăng 24% so với năm 2021, trong khi lợi nhuận ròng đạt 77 triệu USD, tăng 23% so với 2021.
Gần một nửa doanh thu trong năm 2022 đến từ thiết kế chip AI. Những mảng đóng góp khác gồm điện tử tiêu dùng. Cổ phiếu của công ty tăng 288% từ đầu năm 2020 đến năm 2022, và tăng thêm 160% kể từ đầu năm nay khi nhà đầu tư đổ xô vào cổ phiếu của những công ty phát triển ứng dụng AI.
“Chọn đúng thị trường, có thành tích tốt và sự linh hoạt trong việc chỉ định tài nguyên thiết kế là một số yếu tố chính giúp công ty có thể tiếp tục tăng trưởng,” Shen nói.
Hai nhà đồng sáng lập có chuyên môn cao. Shen dành hơn hai thập niên để trau dồi kỹ năng trong lĩnh vực quản lý và kinh doanh chip tích hợp. Trước khi gia nhập vào Alchip, ông từng làm việc cho Altius Solutions, do Kwan, hiện là chủ tịch của Alchip, thành lập.
Shen tốt nghiệp đại học California, Los Angeles, với bằng cử nhân chuyên ngành kỹ thuật điện tử. Kwan tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật máy tính của đại học Illinois. Ông ở lại Altius sau khi công ty sáp nhập với hãng cung cấp phần mềm Simplex Solutions tại California vào năm 2001. Một năm sau, công ty chip Cadence Design Systems của Hoa Kỳ mua lại công ty sáp nhập này với giá 300 triệu USD.
Khi Alchip nghiên cứu sâu về thiết kế chip tiên tiến hơn, chip 7nm hoặc thấp hơn, Alchip cũng tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hoạt động kinh doanh vốn có nhiều rào cản để gia nhập, với độ phức tạp và chi phí ngày càng tăng trong việc phát triển những chip như vậy.
Công ty hiện không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp, có lẽ chỉ có năm công ty sản xuất các sản phẩm tương tự, chẳng hạn như Global Unichip ở Trung Quốc đại lục và Marvell Technology tại Hoa Kỳ.
Doanh thu từ chip 7nm hoặc thấp hơn đóng góp 68% doanh thu của Alchip vào năm 2022. Để vượt qua đối thủ, Alchip đầu tư khoảng 69 triệu USD vào nghiên cứu và phát triển trong năm 2021 và 2022.
Theo Alan Priestley, chuyên gia phân tích của công ty nghiên cứu Gartner, rào cản gia nhập phân khúc hàng đầu rất cao khi chip ngày càng nhỏ hơn. Đối với các ứng dụng nâng cao như AI, một công ty hiện có thể chi khoảng 350 triệu USD để phát triển con chip phù hợp, trong khi chip cho ứng dụng đơn giản như đồ chơi có thể chỉ tốn 10 triệu USD.
“Việc phát triển những thiết kế chip như vậy có thể tốn nhiều tài nguyên và đầy thách thức,” Priestley nói.
Trong quá trình tăng trưởng, không phải lúc nào công ty cũng gặp thuận lợi. Công ty mất một khoản doanh thu khi một trong những khách hàng lớn nhất, Tianjin Phytium Information Technology ở Trung Quốc, gặp khó khăn trong hoạt động tại thị trường Mỹ. Sau thông tin đó, giá cổ phiếu của Alchip giảm 50% trong năm ngày, thổi bay khoảng 460 triệu USD giá trị thị trường. Ngay lập tức Alchip ngừng nhận đơn đặt hàng mới từ Phytium và từ đó tìm kiếm khách hàng khác để bù đắp cho doanh thu bị mất này.
Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn còn, buộc Alchip phải rời thị trường Trung Quốc đại lục, một trong những thị trường lớn nhất của hãng.
“Một số khách hàng Hoa Kỳ yêu cầu chúng tôi không sử dụng tài nguyên của Trung Quốc đại lục. Vì vậy, chúng tôi tăng cường dùng tài nguyên ở Nhật Bản và Đài Loan. Chúng tôi cũng bắt đầu xây dựng công ty con ở Đông Nam Á,” Shen nói.
Trong năm 2022, Hoa Kỳ chiếm khoảng 40% doanh thu của Alchip, tăng 14% so với năm 2021. Trung Quốc là nước đóng góp doanh thu lớn thứ hai với 27%, tiếp theo là Nhật Bản với 14% và Đài Loan với 10%.
Công ty bắt đầu hoạt động ở Bắc Mỹ vào tháng 10.2019 và gần đây chuyển đến một địa điểm lớn hơn ở San Jose, California, để đáp ứng nhu cầu thị trường gia tăng vào năm 2022. Shen dự đoán rằng thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đóng góp doanh thu lớn nhất cho công ty trong vòng 3 đến 5 năm tới nhờ vào lĩnh vực AI, với tỉ lệ có thể lên đến 80%. Ông cảm thấy công ty sẽ phát triển chậm lại ở Trung Quốc do những căng thẳng chính trị đang diễn ra.
Chip của Alchip được gọi là ASIC, chip chuyên dùng cho từng ứng dụng cụ thể. Theo báo cáo gần đây của Allied Market Research, giá trị thị trường ASIC toàn cầu đạt 15 tỉ USD vào năm 2018. Dự kiến thị trường này sẽ đạt giá trị 28 tỉ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 9% trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2026.
Shen cũng lên kế hoạch mở rộng hoạt động trong lĩnh vực ô tô, với các chip được sử dụng trong xe điện tự hành cho thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc. Mảng kinh doanh ô tô dự kiến sẽ đóng góp tới hai con số vào doanh thu của công ty trong năm nay.
Chuyên gia phân tích Priestley cho biết sự phổ biến của các phương tiện tự hành sẽ thúc đẩy nhu cầu về chip chuyên dụng cho AI. “Đến năm 2027, hơn 20% xe mới sẽ được trang bị chip chuyên dụng này, tăng so với mức gần 5% vào năm 2022,” ông nói.
Alchip dự đoán rằng doanh thu sẽ tăng theo tỉ lệ phần trăm hai con số trong năm nay nhờ nhu cầu tăng do công nghệ AI bùng nổ.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào công nghệ hàng đầu. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng mở rộng quan hệ đối tác với các nhà cung cấp lớn. Hoạt động trọng tâm của công ty hướng vào dịch vụ thiết kế và sẽ không bao giờ tạo ra những sản phẩm cạnh tranh với khách hàng của mình,” Shen nói.
Biên dịch: Gia Nhi
———————-
Xem thêm:
Cortical labs huy động vốn phát triển chip xử lý AI thế hệ mới
Tỉ phú Gordon Tang đề xuất mua lại cổ phần để sở hữu toàn bộ Chip Eng Seng
Tỉ phú Warren Buffett chi hơn 4 tỉ USD mua cổ phần hãng chip TSMC
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/alchip-o-dai-loan-tao-ra-chip-chuyen-dung-dap-ung-nhu-cau-cua-ai)
10 tháng trước
Game độc quyền trên Xbox sẽ có trên các nền tảng của đối thủ