Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy xuất khẩu Việt Nam giảm tốc khi các thị trường nhập khẩu lớn bị tác động bởi tình hình lạm phát.
Báo cáo ngành sản xuất Việt Nam do S&P Global công bố hôm nay, 1.11, nhận định đã có những dấu hiệu cho thấy sự giảm tốc khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng yếu nhất trong hơn một năm, kéo theo sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng tăng chậm lại. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 10 còn 50,6 điểm, giảm hơn 2 điểm so với tháng trước.
S&P Global phân tích, tổng số lượng đơn đặt hàng mới chỉ tăng nhẹ, mức thấp nhất kể từ tháng 10.2021. Ở những nơi số lượng đơn đặt hàng mới tăng, nguyên nhân được cho là do nhu cầu tăng, do cạnh tranh giá cả và nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới.
Các nhà sản xuất tiếp tục gia tăng sản xuất vào đầu quý cuối của năm để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng nhưng tốc độ tăng đã chậm lại và là mức thấp của ba tháng. Sản lượng tăng được ghi nhận ở tất cả các lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản.
Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm đã khiến hoạt động mua hàng hóa đầu vào tăng không đáng kể và tốc độ tạo việc làm thì thấp nhất kể từ tháng 7.
“Dữ liệu chỉ số PMI tháng 10 cho thấy những dấu hiệu đầu tiên rằng tình trạng yếu kém của nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng tại các nhà sản xuất của Việt Nam, khi cả số đơn đặt hàng mới và xuất khẩu đều tăng với tốc độ yếu nhất trong 13 tháng”, Andrew Harker, giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nhận định trong báo cáo.
Dữ liệu xuất khẩu hàng hóa theo thống kê của Tổng cục Hải quan cũng chỉ ra những dấu hiệu tương tự. Tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10.2022 đạt 14,1 tỉ USD, giảm 17,5% (tương ứng giảm 2,99 tỉ USD) so với nửa cuối tháng 9 trước đó. Các nhóm hàng giảm có thể kể như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (giảm 1,35 tỉ USD, tương ứng 41,4%); hàng dệt may (giảm 240 triệu USD, tức 15,8%); giày dép (giảm 125 triệu USD, tức 12,1%)…
Xu hướng giảm tốc đã xuất hiện từ tháng trước khi trị giá xuất khẩu giảm 14,6% so với tháng 8 (tương đương giảm 5,1 tỉ USD), chỉ đạt 29,8 tỉ USD. Hầu hết các nhóm hàng đều suy giảm, trong đó mạnh nhất là dệt may giảm 1,28 tỉ USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 1,1 tỉ USD; giày dép các loại giảm 502 triệu USD…
Theo hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), sản lượng xuất khẩu cá tra trong tháng 9 vẫn cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021 nhưng là mức thấp nhất kể từ đầu năm. Xu hướng này diễn ra ở tất cả các thị trường nhập khẩu chính, từ Mỹ, EU đến Trung Quốc.
“Dường như, lạm phát và sự mất giá tiền tệ tại nhiều thị trường nhập khẩu đã đến giai đoạn ngấm sâu và ảnh hưởng nặng nề đối với tầng lớp người tiêu thụ có mức thu nhập trung bình hoặc thấp, khiến họ phải cân nhắc, tính toán kỹ trong chi tiêu. Đây là thời điểm lạm phát làm giảm nhu cầu đối với cả các mặt hàng thực phẩm có giá vừa phải như cá tra, vốn phù hợp với túi tiền của đại đa số người bình dân các nước,” thông tin trên website của Vasep viết.
Xem thêm:
Cổ phiếu Tesla bốc hơi gần 5,5% sau báo cáo doanh thu quý 3 dưới kỳ vọng
Hyundai mở nhà máy xe điện công suất nửa triệu chiếc/năm ở Georgia, Mỹ
4 nguyên tắc của đại sứ thương hiệu – ca sĩ Tóc Tiên
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/xuat-khau-va-don-hang-moi-tang-truong-yeu-nhat-trong-13-thang)
1 năm trước
2 năm trước
Thương mại 11 tháng vượt cả năm 20203 năm trước
Thương mại 10 tháng lần đầu vượt mốc 500 tỉ USD3 năm trước
Nền kinh tế nhập siêu 2 tỉ USD trong chín tháng