Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết dân số nước này đạt 1,41175 tỉ người vào thời điểm cuối năm 2022, giảm 850.000 người so với năm trước.
Lần đầu tiên dân số Trung Quốc giảm vào năm 2022 tính trong nhiều thập niên, theo cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố hôm 17.1. Sự thay đổi này báo hiệu cuộc khủng hoảng nhân khẩu học sắp xảy ra có thể gây ra những hậu quả sâu rộng cho Bắc Kinh bất chấp những nỗ lực của chính quyền nhằm gia tăng dân số.
Cơ quan thống kê cũng cho biết có khoảng 9,56 triệu ca sinh được ghi nhận và 10,4 triệu ca tử vong.
Tỉ lệ sinh của Trung Quốc giảm xuống còn 6,77 ca sinh/1.000 người trong năm 2022, giảm so với tỉ lệ 7,52 trong năm trước và là mức thấp nhất từ khi cục bắt đầu ghi nhận cách đây hơn 70 năm.
Bắc Kinh cũng ghi nhận tỉ lệ tử vong cao nhất kể từ giữa những năm 1970, tăng lên 7,37 người tử vong/1.000 người so với 7,18 vào năm 2021.
Các số liệu chỉ bao gồm cư dân Trung Quốc đại lục và không tính cư dân nước ngoài, đánh dấu lần đầu tiên dân số Trung Quốc giảm tính từ những năm đầu 1960, sau khi một loạt chính sách kinh tế khốc liệt được gọi là Đại nhảy vọt (Great Leap Forward) do nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông thực hiện giai đoạn đó đã gây nên nạn đói lớn nhất trong lịch sử hiện đại.
Trung Quốc ghi nhận một số trường hợp tử vong do COVID-19 trong ba năm qua — Bắc Kinh bị cáo buộc báo cáo không đầy đủ về mức độ bùng phát — nhưng các quan chức cho biết những căng thẳng liên quan đến đại dịch góp phần làm giảm tỉ lệ sinh cũng như kết hôn.
Dữ liệu dân số báo hiệu một thời điểm lịch sử và quan trọng đối với Trung Quốc, cũng là khởi đầu của giai đoạn suy giảm nhân khẩu học được dự đoán sẽ kéo dài. Sự suy giảm này không gây bất ngờ vì tỉ lệ sinh đã giảm trong nhiều năm qua.
Tỉ lệ này sẽ tiếp tục giảm bất chấp việc chính quyền đưa ra hàng loạt chính sách khuyến khích người dân sinh con trước những lo ngại ngày càng lớn về những thách thức kinh tế lẫn xã hội khi quốc gia tỉ dân phải đối mặt với già hóa dân số cũng như quy mô lực lượng lao động ngày càng bị thu hẹp. Dù trước đó đây lại là yếu tố quan trọng đưa Trung Quốc thành cường quốc thế giới.
Các chính sách giúp mở rộng khả năng tiếp cận phương pháp điều trị sinh sản, giảm tỉ lệ phá thai và loại bỏ chính sách một con vốn cấm các cặp vợ chồng có nhiều hơn một con cho dù trường hợp nào. Bắc Kinh sau đó đã cho phép tăng số lượng con được sinh với mỗi cặp vợ chồng từ hai đến ba để cố gắng tăng tỉ lệ sinh của quốc gia.
Chính sách một con kéo dài nhiều thập niên, áp đặt các hình phạt khắc nghiệt đối với những người vi phạm, chi phí sinh hoạt tăng cao và thái độ thay đổi, tất cả đã góp phần vào sự suy giảm chung nhưng chính quyền không thành công khi thực hiện chính sách tăng tỉ lệ sinh này.
Những hạn chế nghiêm ngặt của chính sách zero COVID cũng đẩy nhanh tốc độ suy giảm tỉ lệ sinh. Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cũng đang giảm, thấp hơn 4 triệu vào năm 2022, Financial Times trích dẫn lời của giám đốc cục thống kê Kang Yi.
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, Ấn Độ, với dân số hơn 1,4 tỉ người, dự kiến sẽ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong năm nay. Cả hai hiện có số dân gấp khoảng bốn lần so với Hoa Kỳ, hiện là quốc gia đông dân thứ ba thế giới.
Liên Hiệp Quốc dự tính dân số Trung Quốc sẽ giảm mạnh trong suốt thế kỷ này và sẽ chỉ còn gần một nửa so với quy mô hiện tại vào năm 2100. Mặc dù vậy, các mô hình dự đoán nước này sẽ vẫn là quốc gia đông dân nhất thế giới, đứng sau Ấn Độ.
Ý nghĩa của chính sách một con kéo dài ba thập niên rưỡi không chỉ làm giảm tỉ lệ sinh. Chính sách này cũng góp phần gây ra tình trạng mất cân bằng giới đáng kể khiến Trung Quốc có nhiều nam giới hơn, theo thông tin Mara Hvistendahl ghi lại trong bộ phim tài liệu Unnatural Selection (Lựa chọn không tự nhiên).
Những giới hạn nghiêm ngặt về việc chỉ có một con đã xung đột với văn hóa ưa chuộng con trai phổ biến, dẫn đến tình trạng xét nghiệm giới tính trước khi sinh rồi sau đó phá thai khi không sinh được con có giới tính như mong muốn. Hồi năm 2022, cục thống kê Trung Quốc cho biết cứ 100 nữ thì có khoảng 105 nam.
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
Dân số thế giới sẽ vượt mốc 8 tỉ người vào tháng 11
Giấc mơ nền kinh tế trị giá 10 ngàn tỉ USD của Ấn Độ có nguy cơ trở thành ác mộng
1 năm trước
Giá trị cổ phiếu của Starbucks giảm hơn 3%5 tháng trước
Meituan ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực