Tỉ phú Morris Chang ghi nhận giá trị tài sản giảm còn 2,3 tỉ đô la Mỹ, khi TSMC đối mặt với khó khăn chung trong ngành chip bán dẫn.
Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), do tỉ phú Morris Chang thành lập, đang có nhiều hướng đi trong kinh doanh khi nước Mỹ muốn hạn chế khả năng tiếp cận vi xử lý tân tiến của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Vào tháng 12.2022, TSMC, một trong những nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới, thông báo sẽ xây dựng nhà máy thứ hai ở Phoenix, Arizona, Mỹ với tổng vốn đầu tư tăng gấp ba lần lên 40 tỉ đô la Mỹ, trở thành một trong những khoản vốn FDI lớn nhất lịch sử nước Mỹ. Sự kiện công bố có sự tham dự của Morris Chang và tổng thống Joe Biden. Trong thông cáo báo chí, CEO Apple Tim Cook ca ngợi nhà máy mới của TSMC là “dấu mốc quan trọng cho hoạt động sản xuất tân tiến tại Mỹ.” Ông cho biết Apple sẽ là khách hàng lớn nhất của TSMC tại nhà máy mới ở Phoenix.
Khi khánh thành vào hai năm 2024 và 2026, hai nhà máy tại Phoenix sẽ đưa TSMC đến gần hơn tới Apple, nguồn doanh thu lớn nhất của công ty, bên cạnh hai khách hàng quan trọng khác là Broadcom và AMD.
Theo các nhà phân tích, nhà máy dự kiến sẽ sản xuất 600.000 đĩa bán dẫn/năm, thấp hơn 5% so với năng suất hằng năm theo dự báo. Thị trường Bắc Mỹ đóng góp 68% tổng doanh thu của TSMC trong năm 2022. TSMC cũng đang xây dựng cơ sở sản xuất vi xử lý tại Kumamoto, Nhật Bản với mục tiêu vận hành vào năm 2024.
Trong năm 2022, TSMC đạt doanh thu 2.300 tỉ Tân Đài tệ (75,9 tỉ đô la Mỹ), tăng trưởng 43% và lợi nhuận thuần tăng 70% lên hơn 1.000 Tân Đài tệ (32 tỉ đô la Mỹ).
Ngược lại, giá cổ phiếu theo chỉ số Taipei giảm 9% trong một năm qua do lãi suất cho vay trên thế giới tăng cao, ảnh hưởng đến nhóm cổ phiếu công nghệ.
Căng thẳng địa chính trị cũng khiến các nhà đầu tư, bao gồm cả Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffet, giảm cổ phần trong TSMC, phải cân nhắc về việc rót vốn.
Chia sẻ tại một sự kiện diễn ra ở Đài Bắc trong tháng 3 này, Morris Chang cho biết tuy ông ủng hộ nỗ lực của Mỹ trong việc làm chậm quá trình phát triển chip và công nghệ tiên tiến của Trung Quốc, song dời nhà máy sản xuất vi xử lý bán dẫn từ châu Á sang Mỹ sẽ làm chi phí tăng cao. Morris Chang ghi nhận giá trị tài sản giảm xuống còn 2,3 tỉ đô la Mỹ, xếp hạng 24 trong danh sách 50 người giàu nhất Đài Loan năm 2023.
Được xem như “cha đẻ” của ngành công nghiệp chip Đài Loan, Morris Chang thành lập TSMC vào năm 1987. Theo TSMC, ông Chang rời khỏi vai trò chủ tịch vào năm 2018 và không còn tham gia các hoạt động kinh doanh của công ty.
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ti-phu-morris-chang-doi-mat-voi-kho-khan-cua-nganh-chip-ban-dan)
11 tháng trước
Chủ tịch tập đoàn TSMC Mark Liu nghỉ hưu6 ngày trước
Nhà sáng lập TSMC từng muốn CEO Nvidia kế nhiệm mình3 năm trước
Intel Products Việt Nam: Bảo chứng đầu tư