Công ty khởi nghiệp Thunes đề ra mục tiêu phá vỡ vị thế dẫn đầu của SWIFT về thanh toán xuyên biên giới trong tương lai.
Sau bảy năm giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong việc thanh toán xuyên biên giới, giờ đây Thunes – công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Singapore đề ra mục tiêu lớn lao hơn là “phá vỡ” vị thế dẫn đầu của SWIFT, mạng lưới tài chính quốc tế hàng đầu thế giới.
“Đó sẽ là điều tuyệt vời nếu trong 10 đến 15 năm nữa, thủ quỹ và giám đốc tài chính (CFO) của các doanh nghiệp kết nối với Thunes để chuyển tiền thay vì SWIFT,” Peter De Caluwe, CEO của Thunes, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.
Thunes có lý do để tự tin về tham vọng của mình. Trong hai tháng qua, Thunes đã huy động thành công 72 triệu USD từ các nhà đầu tư gồm tập đoàn thanh toán kỹ thuật số Visa, quỹ đầu tư trực thuộc chính phủ Singapore EDBI, quỹ đầu tư Endeavor Catalyst đặt tại Mỹ (hậu thuẫn tài chính cho Bukalapak, cũng như hai kỳ lân công nghệ Carro và eFishery) và quỹ phòng hộ Anh Marshall Wace. Hoàn tất vào tháng 7.2023, vòng gọi vốn Series C đã nâng tổng số vốn Thunes nhận về lên 202 triệu USD và định giá công ty ở mức 900 triệu USD.
Khác với SWIFT, chỉ kết nối với hệ thống ngân hàng, Thunes cho phép các doanh nghiệp thực hiện thanh toán đến 132 quốc gia qua bốn tỉ tài khoản ngân hàng và ba tỉ ví điện tử. Nhiều thị trường của Thunes là các nền kinh tế mới nổi nhưng tỉ lệ người dân không có tài khoản ngân hàng cao, gồm Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Nigeria và Pakistan.
Thunes đã phát triển cơ sở hạ tầng riêng phục vụ cho việc chuyển tiền, với công ty cho biết có thể tiết kiệm tới 90% chi phí so với hệ thống của SWIFT và xử lý phần lớn giao dịch trong vòng 30 phút. Thunes có các khách hàng lớn gồm PayPal – doanh nghiệp hàng đầu thị trường Fintech, gã khổng lồ lĩnh vực gọi xe và giao hàng Đông Nam Á Grab, ngân hàng thương mại Dubai và M-Pesa, một trong những nền tảng thanh toán di động phổ biến nhất tại châu Phi.
“Thunes nổi lên như một tên tuổi đang phát triển nhanh chóng và dẫn dắt thị trường thanh toán xuyên biên giới cho các doanh nghiệp. Công ty cũng có vai trò như nền tảng thanh toán cơ bản cho những công ty lớn trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi. Hơn hết, Thunes được thành lập tại Singapore và công ty sẽ tiếp tục giai đoạn phát triển tiếp theo từ quốc gia này. Chúng tôi cho rằng đây là lý do hợp lý để EDBI đầu tư vào công ty này,” Paul Ng, CEO của EDBI, cho biết.
Với nguồn vốn mới, Thunes sẽ tăng cường sự hiện diện tại Trung Quốc, thị trường thanh toán di động lớn nhất thế giới. Hồi tháng 11.2023, Thunes đã hợp tác với Tencent để cho phép người dùng trên siêu ứng dụng nổi tiếng của tập đoàn công nghệ này là WeChat thực hiện giao dịch chuyển tiền.
Sau khi thành lập công ty con ở Trung Quốc trong thời gian gần đây, Thunes đang tiến hành thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động và tăng gấp đôi đội ngũ nhân sự tại quốc gia này.
“Trung Quốc có lẽ là nhà cung cấp lớn nhất thế giới cho toàn bộ mọi thứ, từ thiết bị điện tử cho đến hàng hóa và dịch vụ. Quốc gia này có rất nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử kinh doanh ở cấp độ toàn cầu. Do vậy, bất kỳ hoạt động kinh doanh nào tại Trung Quốc sẽ lớn hơn rất nhiều so với các quốc gia khác. Chúng tôi kỳ vọng công ty sẽ có quá trình tăng trưởng mạnh mẽ tại Trung Quốc,” De Caluwe cho biết.
Tuy vậy, giá trị giao dịch trên Thunes hiện chỉ rất thấp so với SWIFT. Tính đến tháng 6.2023, tổng số lượng giao dịch của Thunes đạt 50 tỉ USD kể từ khi công ty thành lập vào năm 2016. Năm 2019, Thunes tách ra hoạt động độc lập từ công ty thanh toán Singapore TransferTo.
Con số này thua xa so với số lượng giao dịch mỗi ngày có giá trị hàng ngàn tỉ đô la Mỹ thực hiện trên SWIFT. Thunes hiện hỗ trợ thanh toán quốc tế và thanh toán thu nhờ cho gần 700 doanh nghiệp, trong khi hệ thống SWIFT được 11.500 định chế tài chính sử dụng.
Theo một báo cáo của EY đưa ra hồi năm 2022, tổng số lượng thanh toán xuyên biên giới sẽ đạt giá trị 200 ngàn tỉ USD vào năm 2027, với giao dịch mua bán hàng hóa B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) chiếm phần lớn thị phần. Trích dẫn dữ liệu từ Juniper Research có trụ sở tại Anh, báo cáo này cũng lưu ý thanh toán ví điện tử sẽ vượt ngưỡng 10 ngàn tỉ USD vào năm 2025.
Peter De Caluwe kỳ vọng Thunes sẽ đạt giá trị giao dịch từ 20-25 tỉ USD trong vòng 12 tháng nữa, và tổng giá trị giao dịch hằng năm sẽ có mức tăng trưởng từ 50-75%/năm trong một thập niên tới. De Caluwe cho biết Thunes hiện vẫn chưa có lợi nhuận, khi công ty tập trung vào mở rộng quy mô nhân sự tại 10 chi nhánh ở châu phi, châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.
“Thị trường thanh toán xuyên biên giới có quy mô vô cùng lớn và chúng tôi chỉ mới bắt đầu. Vì vậy, chúng tôi cần phải tiếp tục xây dựng quy trình, công nghệ và khả năng mở rộng quy mô vững chắc. Điều này sẽ giúp công ty thu hút khách hàng mới,” De Caluwe cho biết.
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/thunes-dat-tham-vong-tro-thanh-giai-phap-thay-the-swift)