Việt Nam vừa trở thành quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới với tổng giá trị xuất khẩu hàng may mặc đạt 29 tỉ USD trong năm 2020, theo báo cáo thống kê thương mại thế giới 2021 do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa công bố.
Năm 2010 Việt Nam giữ 2,9% thị phần hàng may mặc toàn cầu, mức tăng trung bình mỗi năm 11% trong giai đoạn 2010-2020, đã đưa thị phần hiện nay lên 6,4%.
Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam vượt qua Bangladesh – quốc gia hiện đứng thứ tư trong danh sách 10 nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới, với giá trị xuất khẩu 28 tỉ USD năm 2020.
Trong cùng giai đoạn 2010-2020, tăng trưởng trung bình năm của Việt Nam là Bangladesh là 11% và 7%. Năm 2019, mức tăng trưởng của Việt Nam từ 15% của năm trước giảm xuống còn 7%, trong khi Bangladesh từ mức tăng 13% xuống 0%. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam và Bangladesh năm 2020 đều giảm, lần lượt 7% và 15% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến các đơn hàng từ phương Tây phải hủy hoặc hoãn, theo báo cáo WTO.
Ngoài Bangladesh, Ấn Độ cũng tụt một hạng khi Thổ Nhĩ Kỳ vươn lên thành nhà xuất khẩu lớn thứ năm toàn cầu. Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu xuất khẩu hàng may mặc toàn cầu với kim ngạch 142 tỉ USD, chiếm 31,6% thị phần, liên minh châu Âu (EU) và khu vực ngoài EU, lần lượt nắm 27,9% và 8,4% thị phần.
Kết thúc 7 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đạt 18,6 tỉ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ, là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ tư của VN. Dù vậy, làn sóng Covid-19 lần thứ tư đang tác động nặng nề đến chuỗi sản xuất, làm thiếu hụt lao động, các chi phí tăng cao.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho biết toàn ngành hiện chỉ vận hành được 10-15% công suất. Với giả thiết dịch bệnh được kiểm soát từ tháng 8 để khôi phục sản xuất, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dệt may năm nay chỉ đạt khoảng 32 tỉ USD, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 39 tỉ USD.
3 năm trước
Vốn FDI vào Việt Nam giảm tháng thứ 3 liên tiếp3 năm trước
Hãng gọi xe Grab lỗ gần 1 tỉ USD3 năm trước
Thương mại 10 tháng lần đầu vượt mốc 500 tỉ USD