Kinh doanh

Tây Ban Nha phạt Amazon và Apple 218 triệu USD

Ủy ban Cạnh tranh và Thị trường quốc gia ở Tây Ban Nha phạt Amazon và Apple tổng cộng 218 triệu USD sau khi cơ quan giám sát chống độc quyền này cho biết cả hai công ty thông đồng với nhau để hạn chế các bên thứ ba bán thiết bị điện tử đồng thời đẩy giá sản phẩm của Apple lên cao.

Share
this:

Cơ quan cho biết vào năm 2018, hai công ty đã ký kết thỏa thuận hạn chế các bên thứ ba bán sản phẩm Apple quảng cáo trên Amazon. Ngoài ra, thỏa thuận cũng không cho phép đối thủ quảng cáo những thiết bị điện tử cạnh tranh trên nền tảng thương mại này cho khách hàng sử dụng sản phẩm Apple. Thỏa thuận đã hạn chế sự cạnh tranh tự do.

Theo cơ quan, hệ quả là 90% các bên thứ ba bán sản phẩm của Apple buộc rời khỏi nền tảng Amazon. Reuters đưa tin thỏa thuận trên giúp đẩy giá bán trực tuyến sản phẩm của Apple tăng cao.

Một người đàn ông đang xem trang chủ Amazon.com trên iPad vào ngày 24.10.2017. Ảnh: Jaap Arriens/ Nurphoto Via Getty Images/ Forbes

Amazon nói với Forbes rằng thật ra khách hàng được hưởng lợi từ thỏa thuận giữa công ty với Apple khi danh mục sản phẩm như iPhone, AirPods, iPad và đồng hồ Apple được bán trên nền tảng tăng hơn gấp đôi trong bốn năm qua. Bên cạnh đó, Apple nói với Reuters rằng cả hai công ty ký kết thỏa thuận này để hạn chế bán hàng giả trên nền tảng thương mại điện tử.

Cơ quan phạt Apple 143,6 triệu EUR (161 triệu USD) và Amazon 50,5 triệu EUR (56,7 triệu USD).

Phát ngôn viên của Amazon ở Tây Ban Nha cho biết công ty dự định kháng cáo quyết định xử phạt này. Còn đại diện của Apple không phản hồi yêu cầu bình luận của Forbes.

Đây không phải là lần đầu tiên Apple và Amazon cùng bị các cơ quan giám sát chống độc quyền ở Hoa Kỳ và châu Âu khởi kiện cũng như xử phạt. Hồi tháng trước, một thẩm phán liên bang ở Seattle cho biết Amazon và Apple sẽ phải đối mặt với vụ kiện chống độc quyền cáo buộc cả hai công ty thổi phồng giá bán iPhone và iPad trên Amazon.

Vào năm 2021, cơ quan giám sát cạnh tranh Ý phạt cả hai công ty vì một thỏa thuận tương tự hạn chế một vài bên thứ ba bán sản phẩm của Apple và Beats.

Các cơ quan quản lý cạnh tranh trên toàn thế giới giám sát chặt những công ty công nghệ lớn có vị trí thống lĩnh thị trường. Chẳng hạn như, ủy ban Thương mại liên bang (FTC) đã chặn thương vụ sáp nhập giữa Microsoft và công ty phát triển trò chơi điện tử Activision Blizzard trước khi thẩm phán liên bang cho phép cả hai công ty tiến hành vào tuần trước. Trong khi đó, cơ quan giám sát chống độc quyền của Vương quốc Anh vẫn đang xem xét thỏa thuận này.

FTC cũng thực hiện một vụ kiện chống độc quyền khác đối với Meta. Cơ quan cáo buộc công ty có “hành vi cạnh tranh không lành mạnh” kể từ khi lần lượt mua lại Instagram và WhatsApp vào năm 2012 và 2014.

Trong những năm gần đây, cơ quan giám sát quyền riêng tư của Luxembourg cũng phạt Amazon 746 triệu EUR (844 triệu USD) vì vi phạm luật bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu và cáo buộc Amazon sử dụng dữ liệu thu thập từ các bên bán thứ ba để cạnh tranh lại với họ.

Đầu năm nay, Ý tiến hành điều tra Apple cho cáo buộc ép các bên thứ ba phát triển ứng dụng phải tuân thủ chính sách quyền riêng tư nghiêm ngặt hơn so với chính sách công ty đang áp dụng.

Hiện vốn hóa thị trường của Apple đạt mức 3,02 ngàn tỉ USD. Apple trở thành công ty duy nhất trên thế giới có giá trị 3 ngàn tỉ USD trong lịch sử. Amazon có giá trị thị trường 1,37 ngàn tỉ USD.

Biên dịch: Gia Nhi

———————

Xem thêm:

Giá cổ phiếu của Apple chạm ngưỡng cao nhất lịch sử
Apple báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 vượt dự báo
EU chấp thuận thương vụ mua lại Activision của Microsoft
Cổ phiếu Activision Blizzard tăng 11% do có khả năng sáp nhập với Microsoft
Amazon ra mắt nền tảng AI phục vụ cho doanh nghiệp

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/tay-ban-nha-phat-amazon-va-apple-218-trieu-usd)