Kinh doanh

Rafaela Aponte là nữ tỉ phú tự thân giàu nhất thế giới ngành vận tải

Thành quả từ việc phát triển MSC giúp Rafaela Aponte trở thành nữ tỉ phú tự thân giàu nhất thế giới với giá trị tài sản 31,2 tỉ đô la Mỹ.

Share
this:

Rafaela Aponte, 78 tuổi, nữ tỉ phú ngành vận tải và chồng Gianluigi có khối tài sản chung tăng thêm 46 tỉ USD trong năm 2022. Qua đó, giúp bà trở thành nữ tỉ phú có thứ hạng cao nhất lịch sử bảng xếp hạng tỉ phú toàn cầu của Forbes.

Tháng 1.2022, ngành vận tải toàn cầu đón nhận bước ngoặt mang tính lịch sử trong bối cảnh xuất hiện tình trạng tắc nghẽn container tại hai cảng tàu nhộn nhịp nhất nước Mỹ là Long Beach và Los Angeles ở California. Đó là khi công ty Vận tải biển Địa Trung Hải (MSC) từ Thụy Sĩ, một trong những doanh nghiệp vận tải container lớn nhất thế giới tính theo khối lượng vận chuyển, đã hoàn tất việc mua lại doanh nghiệp khổng lồ ngành vận tải Đan Mạch A.P. Moller-Maersk.

Theo chuyên trang về dữ liệu vận tải Alphaliner, MSC vận hành một đội thuyền có khả năng vận chuyển hơn 4,8 triệu thùng container từ trụ sở chính đặt tại Geneva, Thụy Sĩ. Tuy không công bố chính thức báo cáo tài chính, song chuyên gia về lĩnh vực vận tải John McCown ước tính công ty đạt hơn 28 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022, cao hơn Maersk. Khác với đối thủ cạnh tranh từ Đan Mạch, MSC là công ty tư nhân thuộc sở hữu của vợ chồng Gianluigi and Rafaela Aponte.

Kể từ năm 2019, vợ chồng nhà Aponte đã hưởng thành quả từ xu hướng vận tải bùng nổ từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, giúp nhiều tập đoàn vận tải trên thế giới thu về thêm hàng tỉ đô la Mỹ. Khối tài sản của cả hai gần như đến từ MSC, cũng sở hữu MSC Cruises cung cấp dịch vụ du thuyền du lịch, Medlog kinh doanh dịch vụ vận tải nội địa và đơn vị vận hành cảng tàu container Terminal Investment Limited.

Chân dung bà Rafaela Aponte-Diamant, nữ tỉ phú tự thân giàu nhất thế giới. Ảnh: Agency People Image/Sipa/Newscom.

Theo ước tính của Forbes, Gianluigi và Rafaela mỗi người sở hữu khối tài sản 31,2 tỉ đô la Mỹ, tăng từ 8,4 tỉ đô la Mỹ/người vào năm 2022. Điều này đưa Rafaela, đồng sáng lập MSC với chồng vào năm 1970, thành nữ tỉ phú tự thân giàu nhất thế giới từ 50% cổ phần trong công ty. Bà cũng là nữ tỉ phú có thứ hạng cao nhất lịch sử bảng xếp hạng tỉ phú của Forbes, xếp hạng 43 trong danh sách năm 2023.

Thế giới chỉ có 96 nữ tỉ phú tự thân, một vài cái tên như Rafaela Aponte gây dựng sự nghiệp cùng chồng hoặc anh em. Còn tài sản của 241 nữ tỉ phú khác trong danh sách tỉ phú toàn cầu đến từ việc thừa hưởng cổ phần. Số lượng nữ tỉ phú tự thân chỉ chiếm 3,6% trong nhóm tỉ phú toàn cầu, song cao gấp đôi so với hàng chục năm trước đó.

Vợ chồng Aponte lần đầu gặp nhau trong một chuyến du thuyền đến hòn đảo Capri, Ý vào nhưng năm 1960. Khi ấy, Gianluigi là thuyền trưởng phà chở khách du lịch từ thành phố cảng Naples – gần thị trấn nhỏ Sant’Agnello, nơi ông sinh ra – đến các khu nghỉ dưỡng nằm trên những hòn đảo gần đó. Còn Rafaela là con gái của một doanh nhân ngành ngân hàng người Israel sinh sống và làm việc tại Thụy Sĩ. Cả hai sớm gặp lại nhau tại Geneva, và Gianluigi chuyển sang công việc nhân viên môi giới cho một ngân hàng của Thụy Sĩ.

Đến năm 1970, Gianluigi nghỉ việc ở ngân hàng và hai vợ chồng vay khoản tiền 200.000 đô la Mỹ để mua con tàu đầu tiên, một tàu chở hàng nhỏ đặt tên là Patricia. Cũng trong năm đó, hai người thành lập MSC với trụ sở đặt tại Geneva, phát triển từ việc mua lại tàu cũ và hướng tới các tuyến vận chuyển có ít hoạt động giao thương hơn, như từ Châu Âu đến Châu Phi. Họ đặt tên cho con tàu thứ hai là Rafaela và đến năm 1979 sở hữu 17 chiếc tàu.

Nhiều năm sau, MSC phát triển thành một trong những doanh nghiệp vận tải hàng đầu thế giới. Vào năm 1988, MSC mở rộng quy mô sang mảng du thuyền sau khi mua lại hãng tàu Monterey và thành lập MSC Cruises. Đây là khoản đầu tư mang lại thành quả, khi MSC Cruises hiện nằm trong số những công ty du lịch du thuyền lớn nhất thị trường, cạnh tranh với ba đối thủ gồm Carnival, Royal Caribbean và Norwegian.

Trong cùng năm, công ty thành lập Medlog – đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải nội địa. Năm 2000, MSC mạo hiểm đầu tư vào các cảng container, thành lập Terminal Investment Limited. Trong những năm 2010, công ty mở rộng sang hoạt động phà chở khách ở Địa Trung Hải.

Rafaela Aponte và chồng Gianluigi. Ảnh: Agency People Image/Sipa/Newscom.

Khi giá cước vận tải container tăng mạnh từ năm 2020-2022, khiến chi phí hoạt động của MSC tăng cao, vợ chồng nhà sáng lập bắt đầu sử dụng khoản tiền mặt còn dư để thực hiện một số thương vụ mua lại. Tháng 6.2021, MSC đầu tư 1,6 tỉ đô la Mỹ vào 10% cổ phần của Terminal Investments Limited, hai năm sau khi bán số ít cổ phần cho một quỹ đầu tư quốc gia của Singapore. Vào tháng 9.2021, công ty mua lại 74% cổ phần trong công ty logistics Brazil Log-In Logistica, theo thỏa thuận trị giá 314 triệu đô la Mỹ.

Ba tháng sau, công ty đạt thỏa thuận lớn nhất trong nhiều năm qua khi đưa ra mức giá 6,4 tỉ đô la Mỹ để thâu tóm các hoạt động vận tải và logistics ở châu Phi của tập đoàn Pháp Bolloré Group, do tỷ phú Vincent Bolloré đứng đầu. Thỏa thuận này chốt lại vào tháng 12.2022, khi MSC bỏ ra số tiền 6 tỉ đô la Mỹ để nhận được sự đồng ý từ Bolloré Africa Logistics.

Sau hơn 50 năm kể từ khi thành lập MSC, vợ chồng nhà Aponte vẫn kiểm soát chặt chẽ công ty. Trong đó, Gianluigi và Rafaela là hai cổ đông duy nhất, chia đều 50% cổ phần cho mỗi người. Gianluigi là giám đốc điều hành và con trai Diego đảm nhiệm vị trí chủ tịch. Còn Rafaela giữ vai trò trong ban lãnh đạo và phụ trách mảng trang trí nội thất cho du thuyền.

Theo Dominique Denat, người đã cho vợ chồng nhà Aponte vay tiền để mua con tàu đầu tiên vào năm 1970, mặc dù không có vị trí chính thức trong MSC, nhưng Rafaela vẫn là nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển của công ty.

“Bà ấy là một người có tính cách rất mạnh mẽ,” Dominique Denat chia sẻ với tờ Le Matin của Thụy Sĩ vào năm 2022.

Biên dịch: Minh Tuấn

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/rafaela-aponte-la-nu-ti-phu-tu-than-giau-nhat-the-gioi-nganh-van-tai)