Khoảng trống giữa sàn thương mại điện tử với các nhãn hàng là cơ hội cho OnPoint thực hiện trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thương mại điện tử (e-commerce enabler).
Trong tầng trệt văn phòng hơn 500 m2 tại quận 1, TP.HCM, khoảng 40 nhân viên chăm sóc khách hàng của công ty hỗ trợ thương mại điện tử OnPoint đang tất bật tư vấn từ xa cho người mua hàng trên cả bốn sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam là Tiki, Lazada, Shopee và Sendo. Họ tư vấn về hàng trăm nhãn hàng từ sữa, tã, mỹ phẩm cho đến đồ gia dụng, điện tử… Giai đoạn cao điểm vào các ngày hội mua sắm trực tuyến, đội này có thể được tăng cường lên đến 200 người.
Đội ngũ còn lại hơn 200 nhân sự của OnPoint làm việc ở một tầng khác cùng tòa nhà. “Nhân viên các sàn thương mại điện tử khó thể hiểu rõ từng sản phẩm, từng nhãn hàng như những nhân viên chuyên tư vấn của chúng tôi”, Trần Vũ Quang, sáng lập và giám đốc điều hành OnPoint nói với Forbes Việt Nam. Quang lý giải, các trung tâm thương mại cho thuê mặt bằng nhằm kéo càng nhiều khách hàng và nhãn hàng càng tốt.
Các sàn thương mại điện tử cũng tương tự, về cơ bản họ quản lý sàn chứ không vận hành gian hàng. OnPoint len vào khoảng trống này bằng cách cung cấp dịch vụ quản lý và vận hành gian hàng cho các nhãn hàng. Chỉ vào một màn hình trong phòng họp, Quang nói: “Chúng tôi bán từ thỏi son cho đến tivi.”
Mỗi sàn thương mại điện tử có đối tượng người dùng, mức phí gian hàng, sản phẩm trên sàn, cách thức hỗ trợ bán hàng hay giải pháp quảng bá, tăng trưởng doanh thu khác nhau. Tuy nhiên tăng doanh số và quảng bá thương hiệu luôn là thách thức với nhiều nhãn hàng chưa có kinh nghiệm trên kênh trực tuyến. OnPoint cung cấp giải pháp hỗ trợ: phân phối, dịch vụ và phần mềm quản lý.
Năm 2020, ở giai đoạn cao điểm dịch bệnh COVID-19 từ tháng hai đến tháng tư, thương mại điện tử trở thành kênh chủ yếu người tiêu dùng tiếp cận nhiều hàng hóa và dịch vụ. Ngay thời điểm đó, OnPoint công bố gọi vốn thành công series A với tám triệu đô la Mỹ từ quỹ Kiwoom Investment (Hàn Quốc) và quỹ đầu tư Tăng trưởng Việt Nam DAIWA-SSIAM II.
Con số này nâng tổng vốn OnPoint gọi được đến nay lên 10 triệu đô la Mỹ. Họ dành 20% trong nguồn vốn 8 triệu đô la Mỹ để đổi mới công nghệ hoặc đầu tư vào các công ty nhỏ. Không nêu con số doanh thu cụ thể, Quang cho biết quý 1 năm nay tăng trưởng 70% so với cùng kỳ năm trước, dự kiến quý 2 này “bắt đầu có lợi nhuận”.
Đứng phía sau các nhãn hàng để cung cấp dịch vụ hỗ trợ B2B2C, công ty khởi nghiệp hơn bốn năm tuổi đang hợp tác với hơn 100 nhãn hàng thuộc các nhóm sản phẩm làm đẹp – chăm sóc sức khỏe, đồ mẹ và bé, điện tử – gia dụng và thời trang, trong đó có nhiều nhãn hàng của L’Oréal, Shiseido, Unicharm, P&G, Unilever, Nestlé, Samsung, Watsons, CJ Foods, Fonterra, Kimberly-Clark, Bosch… 95% các nhãn hàng trực tiếp làm việc với OnPoint, không qua kênh phân phối trung gian. Kỷ lục đơn hàng trong ngày của OnPoint được xác lập vào ngày hội mua sắm trực tuyến 11.11.2020 với 100 ngàn đơn hàng, theo số liệu tự công bố.
Đại dịch COVID-19 đã tăng cơ hội cho ngành thương mại điện tử năm 2020 với mức tăng trưởng 18%, đạt quy mô 11,8 tỉ đô la Mỹ, ước chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước, theo cục Thương mại điện tử và Kinh tế số. Báo cáo của Google, Temasek và Bain&Company về thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2019 dự báo đến năm 2025, quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 43 tỉ đô la Mỹ và đứng thứ ba trong khối ASEAN.
Các e-commerce enabler như OnPoint là thế hệ công ty thứ hai, xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên các công ty nền tảng kinh doanh trực tuyến thế hệ thứ nhất tại Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… Một công ty e-commerce enabler mang lại giá trị khi có chuyên môn về lĩnh vực trực tuyến, am hiểu đặc thù các sàn thương mại điện tử, ngành hàng, sản phẩm, các kênh bán hàng và người mua hàng trên từng kênh.
Tại Việt Nam có khoảng chục công ty đang cung cấp dịch vụ tương tự. Thống kê của Lazada về số lượng đối tác e-commerce enabler của sàn này còn có những cái tên khác là Synagie, Eroc, UrbanFox, AAD, DKSH, Intrepid, Jet Commerce, Ecomeasy, N-Squared E-commerce, Lameco và EP. Chương trình “Lazada Partner” ra mắt cuối năm ngoái cũng là chương trình chính thức đầu tiên tại Việt Nam giới thiệu về các công ty e-commerce enabler. Khi đó, OnPoint nằm trong tốp ba “Lazada Partner”, cùng với Synagie và Eroc.
Hồi quý 3.2020, CJ Foods chọn OnPoint làm đối tác đầu tiên đưa nhãn hàng thực phẩm chức năng lên cả bốn sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam. Nestlé Việt Nam hồi tháng ba cũng hợp tác cùng OnPoint để vận hành các gian hàng Nestlé chính hãng trên Lazada và Sendo. “Việc chọn đối tác cùng đi lâu dài rất quan trọng nếu muốn phát triển thương mại điện tử bài bản,” ông Trần Huỳnh Minh Nhân, quản lý tiếp thị kênh thương mại điện tử của Nestlé Việt Nam cho hay.
OnPoint được Trần Vũ Quang và Lê Xuân Long sáng lập năm 2017. Cả hai đều là các cựu giám đốc bộ phận tại Lazada. Công ty được thành lập song song ở cả Singapore và Việt Nam, với OnPoint Holdings ở Singapore là công ty mẹ. Sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng trong gia đình có cha mẹ đều là bác sĩ, Quang nói anh sớm được truyền cảm hứng để luôn nghĩ cách giải quyết vấn đề. “Cùng là sốt, cùng là đau bụng, nhưng nguyên nhân khác nhau, phải chẩn bệnh đúng thì mới chữa khỏi.” Nhưng phải làm sao để “cứu chữa” và tạo tác động đến nhiều người hơn?
Trước khi lập OnPoint, Quang làm tư vấn quản lý ở McKinsey hơn hai năm, rồi làm giám đốc thương mại của Lazada từ 2013-2017. “Tiếp tục chọn lĩnh vực thương mại điện tử vì sở thích ở những thị trường tăng trưởng cao, có nhiều cơ hội được trao quyền làm cái mới,” Quang nói.
E-commerce enabler được xem là một thị trường ngách tiềm năng trong thương mại điện tử. “OnPoint là một đội mạnh, hoạt động trong lĩnh vực e-commerce enabler tiềm năng. Các sàn thương mại điện tử hoạt động luôn cần đến các đơn vị trung gian, họ hỗ trợ các chủ hàng tích hợp cùng lúc với nhiều sàn,” ông Ngô Anh Ngọc, nhà sáng lập, giám đốc điều hành công ty tư vấn Babuki nhận định.
Ông Ngô Hoàng Gia Khánh, phó tổng giám đốc Tiki, từng ví các tay chơi trong ngành ngách này giống như những đơn vị cung cấp “cuốc xẻng” cho những “người đào vàng” là các doanh nghiệp dùng nhiều nguồn lực để đánh chiếm thị trường lớn.
Tuy nhiên, vì phụ thuộc vào các sàn nền tảng nên các e-commerce enabler phải liên tục nâng cấp giải pháp để duy trì năng lực hỗ trợ. Còn Quang cho biết, thử thách lớn nhất không ở công nghệ mà là thu hút được nhân tài phù hợp, am hiểu ngành nghề.
Hiện giải pháp của OnPoint chủ yếu nhắm đến các nhãn hàng lớn chứ chưa tiếp cận các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm hơn 90% doanh nghiệp tại Việt Nam. Ông Ngô Anh Ngọc nhìn nhận xu hướng phát triển của các công ty e-commerce enabler là khởi đầu bằng hợp tác với nhãn hàng lớn để xây dựng hệ thống đáp ứng cho từng nhãn hàng. Sau đó mới đến giai đoạn chuẩn hóa các giải pháp và tự động hóa để giảm nhân lực vận hành và tư vấn. Khi chi phí được tối ưu, giá thành giảm mới có thể cung cấp giải pháp hợp túi tiền các doanh nghiệp nhỏ.
Quang cho biết OnPoint lên kế hoạch gọi vốn vòng series B khoảng 20 triệu đô la Mỹ, kỳ vọng ngay cuối năm nay, để đầu tư mạnh hơn cho công nghệ, mua lại hoặc sáp nhập các công ty nhỏ khác.
Nếu cách đây vài năm khi nhắc đến thương mại điện tử, người ta chỉ nghĩ đến các sàn thương mại điện tử (market place) nhưng khái niệm này nay đã mở rộng đến “social commerce”.
Cách làm nội dung, tiêu thụ nội dung cũng đã thay đổi khi các nhãn hàng lên mạng xã hội không chỉ làm thương hiệu mà còn bán hàng. “OnPoint vừa làm vừa học, đúc kết để ra quy trình ngày càng tối ưu hơn, nhưng phải luôn làm mới mình, nếu không sẽ chết dần,” anh nói.
Xem thêm
Đưa truyền hình lên mạng xã hội chinh phục streamer
GoStudent huy động 340 triệu USD để tiến vào thị trường Mỹ
Nền tảng thương mại xã hội ON nhận triệu đô đầu tư hạt giống
————————-
* Bản in theo tạp chí theo Forbes Việt Nam số 94, chuyên đề Dấu chân tỉ phú ở Việt Nam, phát hành tháng 5.2021
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/onpoint-dung-sau-nhan-hang)