Tài sản của những tỉ phú của Nga đã tăng trở lại trong khi đó các ông trùm của Hoa Kỳ mất 200 tỉ USD trong tổng giá trị tài sản ròng. Đây là bảng phân tích về những người giàu nhất thế giới theo từng quốc gia và vùng lãnh thổ của năm nay.
Những người cực kỳ giàu có ở khắp mọi nơi. 2.640 tỉ phú trong danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2023 của Forbes đến từ 77 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trên thế giới, tăng so với 75 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trong năm ngoái.
Hai quốc gia mới lọt vào danh sách là Panama và Armenia, trong đó mỗi quốc gia có thêm một tỉ phú: Stanley Motta, người Panama sở hữu danh mục đầu tư vào các công ty Mỹ Latinh bao gồm ngân hàng Banco General ở Panama, cùng với Ruben Vardanyan, chính trị gia và chủ ngân hàng đầu tư người Armenia, tạo ra khối tài sản ở Nga trong những năm 1990 (và năm ngoái đã từ bỏ quốc tịch Nga). Ông quay trở lại sau khi rớt khỏi danh sách năm 2022.
Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu danh sách quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều tỉ phú nhất thế giới, với 735 người – con số giống như năm ngoái. Mặc dù có gần 50 tỉ phú Mỹ, trong đó có Kanye West và Sam Bankman-Fried, rớt khỏi danh sách cùng với hàng chục người khác đã qua đời, nhưng năm nay hơn 60 người Mỹ lọt vào danh sách lần đầu tiên, trong đó có LeBron James và Tiger Woods.
Hoa Kỳ không còn có tỉ phú giàu nhất thế giới – ông trùm hàng xa xỉ Bernard Arnault, người Pháp, đã vượt qua Elon Musk để đoạt danh hiệu này – nhưng trong số 25 người giàu nhất thế giới, 17 tỉ phú đó ở Hoa Kỳ. Tổng tài sản của các tỉ phú Mỹ trị giá 4.500 tỉ USD, giảm so với 4.700 tỉ USD vào năm ngoái do thị trường suy thoái, nhiều startup “kỳ lân” tỉ đô phá sản và lãi suất tăng cao ám ảnh các nhà đầu tư.
Trung Quốc tự hào đứng vị trí thứ 2 trong danh sách, với 495 tỉ phú (không tính tỉ phú ở Hong Kong và Macau) có tổng giá trị tài sản ròng 1.670 tỉ USD. Nhìn chung, các tỉ phú này cũng chứng kiến khối tài sản giảm trong một năm qua – vào năm 2022, Trung Quốc có 539 tỉ phú với tổng tài sản trị giá 1.960 tỉ USD.
Trung Quốc theo đuổi chính sách Zero-COVID cùng với quá trình chuyển đổi mạnh mẽ của nền kinh tế hậu đại dịch đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đồng thời ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc gặp khủng hoảng, do dư thừa nguồn cung bất động sản sau nhiều thập niên phát triển không ngừng, cũng ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Trung Quốc.
Đáng chú ý là những tỉ phú rớt khỏi danh sách, bao gồm ông trùm thuốc lá điện tử Xiong Shaoming và Zhao Weiguo, chủ tịch của Tsinghua Unigroup, một doanh nghiệp bán dẫn do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn. Zhao “không còn xuất hiện” trước công chúng vào giữa năm 2022 và bị buộc tội tham nhũng vào tháng 3.2023.
Ấn Độ vẫn là quốc gia có nhiều tỉ phú thứ ba, với 169 người, cũng trải qua một năm đầy biến động. Quốc gia này có thêm ba tỉ phú mới lọt vào danh sách, nhưng tổng tài sản trị giá 675 tỉ USD của các tỉ phú Ấn Độ trong năm 2022 giảm hơn 75 tỉ USD trong năm nay.
Nguyên nhân lớn nhất cho sự sụt giảm đó có thể do một trong những vụ sụp đổ tài sản lớn nhất trong lịch sử: giá trị tài sản ròng của Gautam Adani, chủ tịch của Adani Group đang gặp khó khăn, hiện chỉ còn 47,2 tỉ USD, giảm nhiều số với 90 tỉ USD vào năm ngoái, theo danh sách năm 2023 của Forbes sau khi bị cáo buộc gian lận và thao túng thị trường chứng khoán khiến cổ phiếu của 10 công ty niêm yết thuộc Adani Group sụt giảm (Adani phủ nhận các cáo buộc).
Kể từ năm ngoái, giá trị tài sản ròng của ông giảm mạnh gần 43 tỉ USD, chiếm hơn một nửa mức suy giảm giá trị tài sản của các tỉ phú ở Ấn Độ.
Trong khi đó, Đức một lần nữa vẫn giữ vị trí thứ 4 trong danh sách, với 126 tỉ phú, giảm so với 134 tỉ phú vào năm ngoái. Đáng chú ý những người rớt khỏi danh sách bao gồm Joachim Ante, đồng sáng lập công ty trò chơi Unity Software, và ba người thừa kế của công ty vật liệu xây dựng khổng lồ Knauf Gips KG. Người giàu nhất nước Đức là Dieter Schwarz (giá trị tài sản ròng ước tính: 42,9 tỉ USD), chủ sở hữu của tập đoàn bán lẻ với chuỗi siêu thị giảm giá khổng lồ Schwarz Group, mang về doanh thu hằng năm hơn 140 tỉ USD.
Mặc dù xung đột cùng với lệnh trừng phạt của phương Tây, các tỉ phú Nga vẫn kiếm được nhiều hơn so với các tỉ phú khác trong danh sách người giàu nhất thế giới trong năm nay. Nga có 105 tỉ phú trong năm nay với tổng tài sản ròng trị giá 474 tỉ USD, tăng so với 83 người sở hữu tổng tài sản trị giá 320 tỉ USD vào năm ngoái.
Tại sao số lượng tỉ phú ở Nga cũng như tổng giá trị tài sản ròng lại tăng cao đến như vậy? Thứ nhất, các nhà tài phiệt Nga hầu hết kiếm lại được giá trị tài sản đã mất. Trong số 105 tỉ phú ở Nga được Forbes thống kê, 25 người trong số họ quay trở lại danh sách– nghĩa là họ đã rớt khỏi danh sách năm ngoái sau khi lọt vào danh sách trong năm trước đó. (Năm 2021, Nga có 117 tỉ phú, sở hữu giá trị tài sản ròng tổng cộng 584 tỉ USD.)
Đó là bởi vì năm ngoái, khi Forbes hoàn thiện danh sách năm 2022, thị trường Nga bị đóng băng đồng thời dự đoán của nhà phân tích đối với các công ty Nga không khả quan. Một năm sau đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây tác động mạnh đến nền kinh tế Nga, nhưng giá hàng hóa toàn cầu tăng cao – phần lớn do cuộc xung đột cùng với các lệnh trừng phạt của phương Tây – thúc đẩy doanh thu cho một số công ty Nga.
Người hưởng lợi nhiều nhất là người giàu nhất nước Nga, ông trùm phân bón Andrey Melnichenko, sở hữu khối tài sản ước tính 25,2 tỉ USD – tăng từ 11,1 tỉ USD vào năm ngoái – nhờ công ty phân bón khổng lồ EuroChem của ông và giá phân bón tăng vọt do cuộc xung đột. Những tỉ phú khác kiếm lại tài sản đã mất bao gồm ông trùm dầu mỏ Vagit Alekperov (tăng 10 tỉ USD), ông trùm thép Alexey Mordashov (tăng 7,7 tỉ USD), và ông trùm niken Vladimir Potanin (tăng 6,4 tỉ USD).
(Giá trị tài sản ròng tính đến ngày 10.3.2023)
#1. Hoa Kỳ
735 tỉ phú (cũng 735 tỉ phú trong năm ngoái)
Tổng giá trị tài sản ròng: 4.500 tỉ USD (giảm 200 tỉ USD)
Người giàu nhất: Elon Musk, giá trị tài sản ròng: 180 tỉ USD
#2. Trung Quốc
495 tỉ phú (so với 539 tỉ phú trong năm ngoái)
Tổng giá trị tài sản ròng: 1.670 tỉ USD (giảm 300 tỉ USD)
Người giàu nhất: Zhong Shanshan, giá trị tài sản ròng: 68 tỉ USD
#3. Ấn Độ
169 tỉ phú (so với 166 tỉ phú trong năm ngoái)
Tổng giá trị tài sản ròng: 675 tỉ USD (giảm 75 tỉ USD)
Người giàu nhất: Mukesh Ambani, giá trị tài sản ròng: 83,4 tỉ USD
#4. Đức
126 tỉ phú (so với 134 tỉ phú trong năm ngoái)
Tổng giá trị tài sản ròng: 585 tỉ USD (giảm 23 tỉ USD)
Người giàu nhất: Dieter Schwarz, giá trị tài sản ròng: 42,9 tỉ USD
#5. Nga
105 tỉ phú (so với 83 tỉ phú trong năm ngoái)
Tổng giá trị tài sản ròng: 474 tỉ USD (tăng 154 tỉ USD)
Người giàu nhất: Andrey Melnichenko, giá trị tài sản ròng: 25,2 tỉ USD
#6. Hong Kong
66 tỉ phú (so với 67 tỉ phú trong năm ngoái)
Tổng giá trị tài sản ròng: 350 tỉ USD (giảm 33 tỉ USD)
Người giàu nhất: Li Ka-shing, giá trị tài sản ròng: 38 tỉ USD
#7. Italy
64 tỉ phú (so với 52 tỉ phú trong năm ngoái)
Tổng giá trị tài sản ròng: 216 tỉ USD (tăng 21 tỉ USD)
Người giàu nhất: Giovanni Ferrero, giá trị tài sản ròng: 38,9 tỉ USD
#số 8. Canada
63 tỉ phú (so với 64 tỉ phú trong năm ngoái)
Tổng giá trị tài sản ròng: 245 tỉ USD (giảm 63 tỉ USD)
Người giàu nhất: David Thomson & gia đình, giá trị tài sản ròng: 54,4 tỉ USD
#9. Đài Loan (cùng giữ vị trí số 9)
52 tỉ phú (so với 51 tỉ phú trong năm ngoái)
Tổng giá trị tài sản ròng: 136 tỉ USD (giảm 15 tỉ USD)
Người giàu nhất: Lin Shu-hong, Zhang Congyuan (giá trị tài sản ròng của mỗi tỉ phú: 7,8 tỉ USD)
#9. Vương quốc Anh
52 tỉ phú (so với 50 tỉ phú trong năm ngoái)
Tổng giá trị tài sản ròng: 202 tỉ USD (tăng 2 tỉ USD)
Người giàu nhất: James Ratcliffe, giá trị tài sản ròng: 22,9 tỉ USD
#10. Brazil
51 tỉ phú (so với 62 tỉ phú trong năm ngoái)
Tổng giá trị tài sản ròng: 160 tỉ USD (giảm 27 tỉ USD)
Người giàu nhất: Vicky Safra, giá trị tài sản ròng: 16,7 tỉ USD
Biên dịch: Gia Nhi
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nhung-quoc-gia-va-vung-lanh-tho-co-nhieu-ti-phu-nhat-nguoi-giau-nhat-trong-nam-2023)
1 năm trước
Ấn Độ sẽ cấm xuất khẩu đường