Intuitive Machines ở Houston đang hi vọng trở thành công ty tư nhân đầu tiên phóng tàu vũ trụ thực hiện sứ mệnh đáp xuống bề mặt mặt trăng trong tháng 2.
Intuitive Machines dự kiến sẽ tiến hành nhiệm vụ IM-1 vào ngày 15.2. Nếu phóng thành công, Intuitive Machines sẽ trở thành công ty tư nhân đầu tiên đưa tàu đổ bộ lên bề mặt mặt trăng.
Trước đó, Astrobotic Technology ở Hoa Kỳ, Ispace của Nhật Bản, SpaceIL ở Israel đã phóng tàu đổ bộ nhưng thất bại.
Intuitive Machines là một trong những công ty được tỉ phú đầu tư mà cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) đang hợp tác để khám phá mặt trăng, giảm chi phí của cơ quan và thúc đẩy kinh tế vũ trụ phát triển theo kế hoạch thực hiện những sứ mệnh lên mặt trăng, sao Hỏa và các hành tinh khác.
NASA đang hợp tác với 14 công ty ở Hoa Kỳ để giúp đưa thiết bị khoa học và công nghệ lên bề mặt mặt trăng trong chương trình Artemis nhằm đưa con người trở lại mặt trăng.
Chín công ty đầu tiên tham gia chương trình Dịch vụ tải trọng mặt trăng thương mại (CLPS) của NASA vào năm 2018, bao gồm Astrobotic Technology tại Pittsburgh với sứ mệnh phóng tàu Peregrine lên mặt trăng. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ phóng tàu đổ bộ lên mặt trăng trong hơn 50 năm nhưng không thành công do rò rỉ nhiên liệu.
Đợt phóng tiếp theo trong chương trình dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15.2. Intuitive Machines ở Houston sẽ thực hiện đợt phóng này. Kamal “Kam” Ghaffarian đồng sáng lập kiêm chủ tịch hội đồng quản trị của công ty. Ông sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 2,3 tỉ USD kiếm được từ các dự án liên quan đến vũ trụ.
Cặp vợ chồng tỉ phú Eren và Fatih Ozmen (lần lượt sở hữu khối tài sản 3,4 tỉ USD và 3,3 tỉ USD) đã thành lập, hiện điều hành Sierra Nevada Corporation, một trong năm công ty tham gia vào chương trình này hồi năm 2019, tuy nhiên Sierra vẫn chưa nhận được hợp đồng CLPS.
SpaceX của Elon Musk cũng tham gia vào năm 2019 và vẫn chưa có hợp đồng CLPS mặc dù công ty đã ký các thỏa thuận có giá trị với NASA. Ngoài ra, công nghệ tên lửa tái sử dụng của công ty đang được dùng để thực hiện những sứ mệnh CLPS khác như IM-1 của Intuitive Machines.
Công ty vũ trụ Blue Origin của Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, cũng tham gia chương trình này vào năm 2019. Công ty vẫn đang bắt kịp SpaceX. Giống như SpaceX của Elon Musk, Blue Origin cũng chưa nhận được hợp đồng CLPS nhưng có những hợp đồng béo bở với NASA để thực hiện công việc khác.
Các công ty tham gia CLPS đều có thể đấu thầu để được ký hợp đồng với NASA. Đến nay, cơ quan đã ký 10 hợp đồng với những công ty đưa vật liệu lên mặt trăng. Astrobotic Technology ký được 2 hợp đồng và Intuitive Machines có 3 hợp đồng. Hai công ty này sẽ thực hiện sứ mệnh theo hợp đồng vào năm 2024.
Firefly Aerospace tại Texas đã có 2 hợp đồng giao hàng và dự kiến sẽ thực hiện sứ mệnh đầu tiên vào năm 2024. Theo kế hoạch, công ty sẽ phóng tàu đổ bộ Blue Ghost đáp xuống lưu vực Mare Crisium trên mặt trăng.
Nhiệm vụ Blue Ghost 2 dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2026 để đưa vật liệu của NASA đến bề mặt che khuất của mặt trăng và vệ tinh liên lạc vào quỹ đạo mặt trăng.
Draper tại Massachusetts cũng chuẩn bị phóng tàu bay tới bề mặt che khuất của mặt trăng và dự kiến sẽ đáp xuống lưu vực Schrödinger vào năm 2025.
Cả hai sứ mệnh CLPS còn lại đã bị hủy bỏ sau khi NASA ký hợp đồng. Trong đó, một hợp đồng được ký với Masten Space Systems nhưng do công ty gặp khó khăn trong việc duy trì ngân sách cho dự án nên phải đóng cửa và tuyên bố phá sản.
Hợp đồng còn lại được ký với Orbit Beyond tại New Jersey nhưng NASA đã chấm dứt thỏa thuận này sau khi công ty cho biết không thể thực hiện sứ mệnh theo lịch trình. Công ty vẫn có thể đấu thầu để thực hiện công việc khác cho chương trình trong thời gian tới.
Ngoài ra, chương trình còn có sự tham gia của nhiều công ty lớn trong ngành như Lockheed Martin Space, Ceres Robotics, Deep Space Systems và Tyvak Nano-Satellite Systems.
Moon Express tại Florida, do Naveen Jain đồng sáng lập, cũng là một trong những công ty đầu tiên đấu thầu để được ký hợp đồng với NASA. Năm 2016, Moon Express trở thành công ty đầu tiên được chính phủ Hoa Kỳ cấp phép cho tàu đổ bộ đáp xuống mặt trăng để khai thác nước và khoáng chất.
Việc đưa các thứ ra khỏi trái đất rất tốn kém và đầy rủi ro. Trước kia, chính phủ gần như độc quyền trong việc phóng tàu đổ bộ lên mặt trăng và những nơi xa hơn. Chỉ có 5 quốc gia – Hoa Kỳ, Liên Xô, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản – phóng thành công tàu đổ bộ lên mặt trăng.
Trong đó, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản gần đây mới thực hiện được nhiệm vụ này. Trung Quốc phóng tàu đổ bộ đầu tiên lên mặt trăng hồi năm 2013. Ấn Độ thực hiện nhiệm vụ trên vào năm 2023. Nhật Bản đã đáp tàu đổ bộ xuống mặt trăng trong tháng 1.
Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân thông qua các chương trình như CLPS, NASA hi vọng thúc đẩy kinh tế vũ trụ phát triển, và giảm chi phí. Cơ quan này cho biết các công ty tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch đưa phi hành gia lên mặt trăng để xây dựng căn cứ thực hiện các hoạt động khám phá thêm sao Hỏa và những hành tinh khác.
Ngoài những công ty tham gia chương trình CLPS, còn có công ty của các cá nhân giàu có khác như Virgin Galactic của Richard Branson (tài sản 2,9 tỉ USD), công ty Vast của doanh nhân hàng không vũ trụ Robert Bigelow và nhà tiên phong về tiền mã hóa Jed McCaleb (sở hữu khối tài sản 2,7 tỉ USD). Vast lên kế hoạch đưa trạm vũ trụ tư nhân đầu tiên lên quỹ đạo.
Robert Bigelow và Jed McCaleb đang gầy dựng tài sản cũng như mở rộng đế chế kinh doanh ra ngoài trái đất.
Giá trị tối đa của các hợp đồng CLPS mà NASA ký với những công ty trên để thực hiện nhiệm vụ đến năm 2028 đạt 2,6 tỉ USD. NASA cho biết cơ quan khuyến khích các công ty thực hiện thêm dịch vụ vận chuyển thương mại bên cạnh hợp đồng họ đã ký.
Ngoài thiết bị của NASA, Astrobotic Technology còn mang theo hài cốt và DNA trong sứ mệnh.
Tàu đổ bộ Odysseus của Intuitive Machines sẽ mang theo một loạt tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Jeff Koons thuộc dự án tiền mã hóa NFT.
Biên dịch: Gia Nhi
———————-
Xem thêm:
Nhật Bản thành lập quỹ 6,6 tỉ USD để phát triển ngành công nghiệp vũ trụ
Amazon phóng thành công vệ tinh thử nghiệm vào vũ trụ
“Thời phục hưng” của hàng không vũ trụ
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nhieu-ti-phu-hop-tac-voi-nasa-thuc-hien-su-menh-kham-pha-mat-trang)