Da là một trong những chất liệu phát thải ra lượng khí carbon cao nhất được sử dụng trong ngành thời trang, vì vậy các thương hiệu đang tìm giải pháp thay thế để đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Các giải pháp thay thế làm từ thực vật, bao gồm vật liệu được làm chủ yếu từ phế phẩm như dứa, nho và táo hư, đã thu hút sự chú ý như một số giải pháp sáng tạo cho vấn đề này.
Nhưng những giải pháp này cũng bị chỉ trích vì thường sử dụng lớp phủ polyurethane để tăng độ bền và không phân hủy sinh học.
Tại triển lãm thương mại lớn nhất về nguồn cung ứng vật liệu có trách nhiệm Future Fabrics Expo diễn ra tại London hồi tháng 6 và sẽ được tổ chức ở New York vào tháng 11, nhiều giải pháp về da được đưa ra.
Mỗi công ty tham gia đều được kiểm tra kỹ lưỡng để đánh giá xem có đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững của triển lãm hay không. Ngoài ra, các lựa chọn thay thế được tạo ra từ thực vật lẫn động vật cũng đều xem xét.
Da động vật vẫn còn được quảng cáo là chất liệu khá phổ biến trong ngành thời trang bên cạnh da thuần chay. Nina Marenzi, CEO của The Sustainable Angle, nhà tổ chức Future Fabrics Expo, cho biết: “Chúng ta đang tìm nhiều lựa chọn thay thế khác nhau vì không có giải pháp nào có thể dùng cho tất cả vấn đề.”
“Chúng tôi phải đa dạng hóa danh mục sợi vì đó là một trong những vấn đề lớn nhất mà chúng tôi gặp phải vào lúc này. Vấn đề này chủ yếu liên quan đến da, sợi truyền thống và polyester. Vì vậy, rất hữu ích trong thời điểm này khi có vô số lựa chọn thay thế,” bà nói thêm.
Dùng nhiều loại da khác nhau cũng là cách làm thông minh. Thương hiệu thời trang Ganni ở Đan Mạch cấm sử dụng da nguyên chất trong các sản phẩm kể từ đầu năm 2024 sau khi nhận thấy đây là chất liệu phát thải lượng khí carbon cao nhất.
Hồi tháng 2, hãng đã ra mắt sản phẩm giày dép sử dụng chất liệu Pélinova của Recyc, một trong những công ty tham gia triển lãm Future Fabrics Expo.
Pélinova là chất liệu được tạo ra từ sự kết hợp giữa da phế liệu và vải sinh học lyocell do Lenzing sản xuất, đứng đầu trên thế giới về tính bền vững mà tập đoàn này tuyên bố có lượng khí thải carbon thấp hơn 10% so với da thông thường và có giá rẻ hơn ít nhất 30% so với các loại da khác ở châu Âu.
Tuy nhiên, Ganni không chỉ sử dụng chất liệu của Recyc mà còn dùng các giải pháp thay thế da làm từ thực vật và vi khuẩn.
Lauren Bartley, giám đốc bền vững tại Ganni giải thích: “Chúng tôi có nền tảng Fabrics of the Future để thử nghiệm không ngừng những cải tiến về các loại vải mới và nỗ lực dùng chất liệu này để tạo ra sản phẩm.”
“Điều rất quan trọng là chúng tôi phải mở rộng nguồn cung chất liệu thay thế da. Hiện chúng tôi có nhiều đối tác là các startup cung cấp nhỏ nhưng họ cần nguồn đầu tư và cam kết bao tiêu đầu ra từ các thương hiệu để mở rộng quy mô và thương mại hóa. Vì vậy, chúng tôi buộc phải tăng cường rót vốn vào những sáng kiến đổi mới để đảm bảo sự thành công.”
Năm ngoái, công ty sản xuất vật liệu sinh học Bolt Threads đã tuyên bố ngừng sản xuất chất liệu giả da từ nấm Mylo mặc dù các hãng thời trang lớn như Kering, Adidas và Stella McCartney là những khách hàng sử dụng chất liệu của công ty.
Vậy chất liệu giả da làm từ thực vật hay da động vật phát thải lượng carbon thấp là lựa chọn tốt nhất? Câu trả lời phụ thuộc vào người dùng. Các thương hiệu sẽ quan tâm đến sở thích của người dùng để lựa chọn giải pháp nào là tốt nhất.
Chất liệu giả da làm từ thực vật có ưu điểm là không gây ra đau đớn tàn nhẫn cho động vật, đây là điều được một số thương hiệu và người dùng quan tâm. Ngoài ra, chất liệu này rất độc đáo và mới lạ.
Tuy nhiên, đặc biệt trong lĩnh vực xa xỉ phẩm, các loại da thông thường vẫn là yếu tố quyết định chất lượng. Những loại da động vật đặc biệt vẫn được yêu thích và bán với giá cao hơn.
Thương hiệu đồng hồ cao cấp Oris của Thụy Sĩ đã sử dụng da hươu có nguồn gốc bền vững cho dây đeo đồng hồ kể từ năm 2017. Thương hiệu coi mối quan hệ hợp tác với nhà cung cấp Cervo Volante là một cơ hội kể câu chuyện về tính bền vững.
Rolf Studer, đồng CEO của Oris, cho biết: “Khách hàng của chúng tôi dường như thực sự rất thích câu chuyện về những dây đeo này và họ cũng nhìn thấy chất lượng khi đeo chiếc đồng hồ đó. Chúng tôi nhận được rất nhiều yêu cầu cung cấp thêm thông tin vì mọi người muốn tìm hiểu sâu hơn về câu chuyện của Cervo Volante và sự hợp tác của chúng tôi.”
Ở Thụy Sĩ, quần thể hươu đỏ hoang dã bị tiêu diệt để ngăn chặn chúng phá hoại rừng, mùa màng và tai nạn xe hơi. Trước khi Cervo Volante thành lập vào năm 2016, da hươu không được tận dụng. Giờ đây, công ty tái sử dụng khoảng 1.800 đến 2.500 tấm da mỗi năm để làm chất liệu sản xuất giày và phụ kiện.
Oris hiện không dùng sản phẩm thay thế da làm từ thực vật do thương hiệu nghĩ những chất liệu này không đảm bảo chất lượng hoặc tính bền vững.
Đối với cả nhà cung cấp da động vật và chất liệu giả da từ thực vật, họ phải quan tâm đến chất thải trong quá trình sản xuất.
Sản xuất quá nhiều thịt bò là tác nhân đáng kể gây ra biến đổi khí hậu. Nhiều nghiên cứu khoa học đều chỉ ra sản xuất 1kg thịt bò sẽ sinh ra 99,5kg khí CO2. Vì vậy, giảm chăn nuôi bò là điều cần thiết để giải quyết khủng hoảng khí hậu.
Một gian hàng nổi tiếng khác tại Future Fabrics Expo là ICTYOS, nhà sản xuất và cung cấp chất liệu làm từ da cá có trụ sở tại Pháp. Công ty cung cấp chất liệu này đến nhiều khách hàng bao gồm Alexander McQueen và Zadig & Voltaire. Đồng sáng lập Emmanuel Fourault cho biết: “Chúng ta ăn cá và thịt, thường hay bỏ da nên hai loại da này có thể tái sử dụng.”
Fourault cho biết ở châu Âu, 500.000 tấn da cá bị lãng phí mỗi năm. “Khi chúng tôi nói đây là da cá, điều đầu tiên mọi người làm là họ ngửi chất liệu này. Khi họ ngửi không có mùi cá, họ mới công nhận chất liệu tốt.”
ICTYOS sản xuất cả da trơn và có hoa văn vảy, điều này giúp chất liệu thu hút sự chú ý của các thương hiệu sử dụng da động vật. Công ty cũng đã phát triển một cách để liên kết các tấm da lại với nhau thành những miếng lớn mà không cần khâu.
Trong lĩnh vực sản xuất chất liệu giả da từ thực vật, nhiều sáng kiến đổi mới cũng đang được triển khai. Nhiều nhà sản xuất hiện có thể cung cấp các giải pháp không chứa nhựa.
Mặc dù có nhiều lựa chọn nhưng các thương hiệu vẫn phải đối mặt với sự đánh đổi khó khăn khi phải cân bằng giữa chi phí, chất lượng và các yếu tố tác động đến môi trường và xã hội khác nhau tùy thuộc vào chất liệu.
Merenzi đề cập rằng nhiều người ăn chay nhận ra rằng họ không thể tránh sử dụng túi và giày làm từ da động vật do giá cả, vì vậy họ phải thỏa hiệp trong cuộc sống. Các thương hiệu cũng phải làm điều tương tự như vậy.
Merenzi nói: “Có thể chưa có giải pháp hoàn hảo nhất nhưng cần thiết có những sự cải tiến. Giờ đây, có rất nhiều lựa chọn khác nhau cho các thương hiệu.”
Theo bà, các thương hiệu hãy hiểu mức tác động của chuỗi cung ứng hiện tại và hình thành quan hệ đối tác lâu dài để giúp nhà cung cấp hiện hữu chuyển đổi sang hoạt động phát triển bền vững cũng như hỗ trợ những nhà cung ứng mới, sáng tạo mở rộng quy mô.
Biên dịch: Gia Nhi
————————————
Xem thêm:
U30 Forbes Việt Nam 2022: Chloe Uyên Trần với giấc mơ thời trang bền vững
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nhieu-giai-phap-giup-chat-lieu-da-giam-phat-thai-carbon)
1 năm trước
CEO Marco Bizzarri rời Gucci4 tháng trước
Thời trang cao cấp gặp khó trong nửa đầu năm 2024