Forbes ước tính Jet Li, nhà đồng sáng lập của J&T Express sở hữu khối tài sản ròng 1,3 tỉ USD.
Jet Li (48 tuổi), nhà đồng sáng lập J&T Express – thương hiệu chuyển phát nhanh của Indonesia đang tích cực mở rộng tại thị trường Trung Quốc, đã trở thành tỉ phú khi công ty này chuẩn bị phát hành công khai lần đầu (IPO) ở Hong Kong.
Hôm 16.6, J&T Express đã nộp hồ sơ IPO, trong đó hé lộ Jet Li sở hữu 11,5% cổ phần. Dựa trên giá trị sở hữu và số tiền thu về từ những đợt bán cổ phần trước đó của J&T Express, Forbes ước tính ông Li sở hữu khối tài sản ròng 1,3 tỉ USD.
Người phát ngôn của J&T Express từ chối đưa ra bình luận về thông tin trên. J&T Express không đưa ra con số cụ thể muốn huy động trong đợt IPO.
Theo Bloomberg News, công ty có kế hoạch niêm yết số cổ phiếu với mức định giá 1 tỉ USD và có thể tiến hành ngay trong năm 2023. Thành lập vào năm 2015, J&T Express từng có gần 10 lần huy động tài chính từ nhóm nhà đầu tư có uy tín và tình hình tài chính vững chắc gồm Boyu Capital, Hillhouse Capital, Temasek và Tencent.
Trong lúc này, Jet Li đã xây dựng một chiến lược kinh doanh mới, bao gồm kế hoạch được gọi là “regional sponsors” (tạm dịch: nhà tài trợ khu vực) từ kinh nghiệm hơn 15 năm làm việc tại hãng sản xuất điện thoại Trung Quốc OPPO. Theo bản cáo bạch của J&T Express, Jet Li, cử nhân ngành marketing tại đại học Khoa học và Công nghệ Bắc Kinh (USTB), từng phụ trách mở rộng thương hiệu OPPO trên toàn cầu tại các thị trường gồm Indonesia, Malaysia, Nhật Bản và Singapore.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, trong thời gian làm việc cho OPPO, Jet Li đã nhìn ra cơ hội từ lĩnh vực logistics khi ông không hài lòng với tốc độ giao hàng chậm chạp của các công ty vận chuyển ở Indonesia. Thời gian sau, Jet Li tách ra thành lập công ty riêng với sự trợ giúp từ CEO của OPPO Tony Chen.
Vợ của Tony Chen, Liang Xiaojing là cổ đông trực tiếp trong J&T Express với số cổ phần trị giá 500 triệu USD. Cả hai vợ chồng Tony Chen hiện không còn nằm trong ban lãnh đạo J&T Express.
J&T Express giao một phần công việc cho hơn 100 giám đốc khu vực, yêu cầu thực hiện danh sách dài các nhiệm vụ gồm vận chuyển, triển khai dịch vụ khách sạn, tiếp nhận đơn hàng cũng như làm việc với những đơn vị chuyển phát nhanh nội địa.
Công ty cho phép các giám đốc khu vực phát triển chiến lược địa phương hóa và thường đưa ra những lợi ích về vốn chủ sở hữu để tạo động lực. Trong bản cáo bạch, J&T Express cho biết mô hình này giúp công ty giảm thiểu chi phí bỏ ra và gia tăng thị phần nhanh chóng.
Theo dữ liệu của Frost & Sullivan được trích dẫn trong bản báo cáo, J&T Express là công ty chuyển phát nhanh hàng đầu Đông Nam Á, nắm 22,5% thị phần tính theo số lượng bưu kiện. Công ty có các khách hàng gồm Lazada, Tokopedia và Shopee tại Đông Nam Á, theo bản cáo bạch.
Tuy vậy, Đông Nam Á chưa phải nguồn doanh thu lớn nhất của J&T Express khi khu vực này đóng góp chỉ 32,8% trong tổng doanh số 7,3 tỉ USD của năm 2022. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc mang lại 4,1 tỉ USD (56,4%). Những thị trường mới như Mỹ La-tinh và Trung Đông đóng góp 10,8% còn lại.
Kenny Ng, nhà chiến lược về chứng khoán làm việc tại Hong Kong của Everbright Securities International, nhận định các nhà đầu tư chắc chắn sẽ theo dõi sát sao quá trình phát triển của J&T Express tại Trung Quốc vì triển vọng tăng trưởng ở Đông Nam Á có thể đã hết dư địa. J&T Express, tên tiếng Trung là “Jitsu” có nghĩa “thỏ thần tốc,” bắt đầu mở rộng tại Trung Quốc từ năm 2020.
Năm 2021, J&T Express đầu tư 1,1 tỉ USD mua lại Best Express China, sau đó thâu tóm Fengwang Information từ tập đoàn vận chuyển S. F. Holding của tỉ phú Wang Wei với mức giá khoảng 170 triệu USD vào tháng 5.2023.
Các thương vụ mua lại trên, cộng với chiến lược khuyến mãi bao gồm giảm phí vận chuyển, giúp J&T Express có 10,9% thị phần tại Trung Quốc tính theo số lượng bưu kiện, theo dữ liệu của Frost & Sullivan được trích dẫn trong bản cáo bạch. Gã khổng lồ ngành thương mại điện tử Alibaba và Pinduoduo nằm trong số các khách hàng của J&T Express tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, trái ngược với Đông Nam Á, hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc vẫn chưa mang lại lợi nhuận và báo lỗ. Nhưng nhờ có sự thay đổi trong giá trị của tài sản tài chính, công ty con của J&T Express vẫn thu về lợi nhuận 1,6 tỉ USD trong năm 2022. Nếu không tính đến thay đổi này, công ty sẽ thua lỗ ở mức 1,4 tỉ USD.
“So với những công ty vận chuyển khác, J&T Express vẫn đang tăng trưởng nhanh, và đó là một lợi thế. Nhưng ở thị trường Trung Quốc, công ty sẵn sàng hi sinh lợi nhuận để tăng thị phần. Trong tương lai, việc công ty có thể nâng giá và quản lý hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn để thu về lợi nhuận hay không là yếu tố quan trọng,” Kenny Ng cho biết.
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nha-dong-sang-lap-jt-express-tro-thanh-ti-phu)