Thị Trường

Nguyên nhân thiếu hụt nhân sự ngành du lịch, khách sạn sau mở cửa

2 năm trước
Tác giả Bảo Trung

Share
this:

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết: “Sau 4 tháng mở cửa, toàn ngành phục vụ 71,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, đón 733.400 lượt khách du lịch quốc tế, tổng thu đạt 316.000 tỉ đồng. Nhiều trung tâm du lịch kín khách, công suất sử dụng buồng phòng đạt 90 – 95%.”

Tuy nhiên đối lập với du lịch phục hồi, Việt Nam đang chứng kiến sự thất thoát nhân lực ngành du lịch chưa từng có trong lịch sử. Dù hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch đã hoạt động bình thường với hơn 34.000 cơ sở và 70.000 buồng, nhưng số lao động trong cơ sở lưu trú du lịch mới được hơn 30.000 người.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2020 có tới gần 60% số lao động ngành du lịch phải nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng hoặc tạm nghỉ việc. Năm 2021, chỉ có 25% số lao động làm đủ thời gian, 30% phải nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, 35% tạm nghỉ việc, 10% làm việc cầm chừng.

Bà Huỳnh Mỹ Linh, giám đốc chiến lược nhân tài và văn hóa tập đoàn Accor Việt Nam lý giải tại tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực khách sạn trong bối cảnh hội nhập”: “Thực tế nguyên nhân không phải là do ngành du lịch, khách sạn kém hấp dẫn mà là do có một làn sóng tuyển dụng ồ ạt đã khiến nhân sự bị hỗn loạn, quá tải ở mọi nơi kể cả thủ tục nhà nước, đã khiến việc tuyển dụng bị ùn tắc”.

Ngoài ra hiện nay, việc các các công ty cạnh tranh nhân sự ngành khách sạn cũng xảy ra ồ ạt. Cơ hội quá lớn đã tạo ra làn sóng nhảy việc nhiều và khiến nhiều khách sạn thiếu người trầm trọng trong một khoảng thời gian.

Thứ ba chính là vấn đề tiền lương. Nhiều người cho rằng ngành du lịch, khách sạn có thu nhập còn thấp hơn so với nhiều ngành hiện nay. Nên sau khi đã tìm được việc trong dịch Covid-19, lượng nhân sự quay trở lại cũng ít đi. Chưa kể tới việc thực tập sinh trong ngành du lịch, khách sàn đôi khi còn không được trả lương khiến nhiều người nản.

Về vấn đề này, Bà Linh cho biết: “Ngành du lịch, khách sạn là một ngành mà một bạn có thể lên vị trí quản lý rất nhanh, chỉ 4 – 5 năm. So với các ngành khác thì tiền lương của du lịch, khách sạn sẽ tăng tiến nhanh hơn. Nhiều người chưa nhận thức đúng nên cho rằng ngành này thu nhập không tốt.”.

Cuối cùng chính là định hướng của gia đình còn chưa đúng. Nhiều khoa đào tạo du lịch, khách sạn trong nhiều trường không thể tuyển đủ sinh viên do gia đình chưa xác định rõ các kỹ năng mà một sinh viên ngành này được đào tạo. Nhân sự của ngành khách sạn, do được đào tạo chuyên về dịch vụ và con người, có thể làm được rất nhiều ngành khác như điều dưỡng, ngân hàng, bán hàng… cơ hội rất lớn.

Bà Mỹ Linh nói thêm, bản thân Accor Việt Nam trong tháng 3/2022, khi bắt đầu mở cửa, thiếu tới 50% nhân sự. Nhưng dần dần, số lượng nhân sự đã được cải thiện. Trong tháng 5, Accor Việt Nam chỉ còn thiếu 30% và tới cuối tháng 7 con số chỉ giảm xuống 10%. Nguồn nhân lực của ngành du lịch, khách sạn đã dần quay trở lại, nếu công ty có đãi ngộ và danh tiếng đủ tốt thì việc lấp chỗ trống cũng sẽ dễ dàng hơn.