Doanh nghiệp

Microsoft gửi đề xuất mới để Anh chấp thuận thương vụ mua lại Activision Blizzard

1 năm trước
Tác giả Robert Hart

Ngày 22.8, Microsoft gửi đề xuất mới để mua Activision Blizzard nhằm xoa dịu những lo ngại của CMA ở Anh, cơ quan quản lý toàn cầu duy nhất chưa chấp thuận thương vụ trị giá 69 tỉ USD này.

Share
this:

Nếu Microsoft nhận được sự chấp thuận từ cơ quan quản lý ở Anh thì đây sẽ là thương vụ lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp game. Theo đề xuất mới, Microsoft cho biết công ty sẽ bán quyền chơi game trên nền tảng đám mây cho đối thủ Ubisoft của Pháp.

Trong đề xuất, chủ tịch Brad Smith của Microsoft cho biết đó chính là “điểm khác” so với đề nghị đã bị cơ quan Cạnh tranh và Quản lý thị trường của Anh (CMA) từ chối trước đó.

Thỏa thuận này sẽ kéo dài 15 năm. Theo đó, Ubisoft sẽ mua lại quyền chơi tất cả game trên máy tính cá nhân cũng như máy chơi game ở thời điểm hiện tại và trong tương lai từ nhà phát triển ngoài khu vực Kinh tế châu Âu. Trong đó, có một số tựa game nhượng quyền lớn nhất thế giới như Call Of Duty, Overwatch và World of Warcraft.

Một quảng cáo cho trò chơi điện tử ‘Call of Duty’ do Activision Blizzard sản xuất. Ảnh: The Associated Press/ Forbes

Smith cho biết theo đề xuất mới, Microsoft sẽ không độc quyền phát hành game của Activision trên dịch vụ đám mây của riêng tập đoàn hoặc kiểm soát độc quyền các điều khoản cấp phép cho những đối thủ. Ông còn nói thêm rằng Ubisoft sẽ có “cơ hội duy nhất để kiếm lợi nhuận từ việc phân phối trò chơi” thông qua đám mây.

Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 22.8, CMA xác nhận rằng cơ quan không chấp thuận đề xuất ban đầu của Microsoft với lý do cần “bảo vệ sự đổi mới cũng như lựa chọn trò chơi trên đám mây” để có thể chơi trò chơi mà không cần tải xuống giống như cách xem các nội dung phát trực tuyến từ những nền tảng như Netflix và Spotify.

Sarah Cardell, giám đốc điều hành của CMA, thừa nhận đề xuất mới “khác với những gì đã được đưa ra” trước đó đồng thời cho biết cơ quan quản lý của Anh sẽ xem xét đề xuất mới này.

“Điều này không có nghĩa là cơ quan sẽ chấp thuận,” Cardell nói đồng thời nhấn mạnh rằng mục tiêu cơ quan quản lý nhắm đến là đảm bảo những lợi ích từ sự cạnh tranh hiệu quả và công khai cho thị trường game trên đám mây đang phát triển.

CMA cho biết cơ quan sẽ hoàn tất việc xem xét và đưa ra quyết định cho đề xuất này trước ngày 18.10, thời hạn theo quy định pháp luật.

Hồi đầu năm 2022, Microsoft đã công bố kế hoạch mua lại Activision với giá khoảng 69 tỉ USD. Đây là một thỏa thuận có thể lớn nhất trong lịch sử ngành game. Ban đầu, Sony, hãng sản xuất máy trò chơi PlayStation và cũng là đối thủ của Microsoft trong ngành, muốn ngăn thương vụ sáp nhập này vì lo ngại Microsoft sẽ độc quyền trò chơi Call of Duty trên nền tảng riêng của tập đoàn.   

Kể từ đó, Microsoft chuyển sang hợp tác với các đối thủ trong ngành game như Nintendo và Sony thông qua các thỏa thuận cấp phép đồng thời lôi kéo những đối thủ trong ngành cung cấp dịch vụ đám mây Nvidia và Boosteroid đứng về phía công ty để hỗ trợ thương vụ mua lại này.

Microsoft đồng ý tiếp tục phát hành Call of Duty trên PlayStation trong thời gian 10 năm và ra mắt serie này trên Nintendo Switch. Vì vậy, thẩm phán liên bang chấp thuận cho tập đoàn mua lại Activision.

Ngoài ra, những cam kết chia sẻ nội dung với các đối thủ cạnh tranh làm dịu đi mối lo ngại của cơ quan quản lý ở châu Âu nên họ đã chấp thuận thương vụ này hồi tháng 5. CMA là rào cản lớn cuối cùng để hoàn tất thương vụ.

Sau khi những thông tin trên được công bố vào sáng ngày 22.8, giá cổ phiếu của Ubisoft tại Paris tăng gần 7%. Cổ phiếu của Microsoft và Activision lần lượt tăng 0,56% và 1,19% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa.

Biên dịch: Gia Nhi

———————-

Xem thêm:

Cổ phiếu Activision Blizzard tăng 11% do có khả năng sáp nhập với Microsoft
Microsoft báo cáo tổng doanh thu và lợi nhuận ròng cao kỷ lục

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/microsoft-gui-de-xuat-moi-de-anh-chap-thuan-thuong-vu-mua-lai-activision-blizzard)