Các cụ già sành mạng xã hội, game thủ thế hệ Z và Y chú trọng phong cách sống và các bà mẹ vừa chăm con vừa đi làm là lực lượng tiêu dùng mới thúc đẩy sức mua của thị trường Việt Nam trong 10 năm tới.
Cứ 2 hộ gia đình có mức thu nhập từ trung bình khá trở lên trên toàn cầu thì có 1 ở châu Á và cứ 2 giao dịch được thực hiện thì nhiều khả năng 1 nằm ở khu vực này, báo cáo vừa được Viện McKinsey Toàn cầu (MGI), đơn vị nghiên cứu kinh doanh và kinh tế của McKinsey & Company, công bố hôm nay, 22.9.
Như vậy người tiêu dùng châu Á dự báo chiếm một nửa sức tăng trưởng tiêu dùng toàn cầu trong thập niên tới, tương đương 10.000 tỉ USD. Việt Nam được nhận định sẽ nổi lên thành một điểm sáng trên bản đồ châu Á khi quy mô tiêu dùng có thể đạt 130 tỉ USD. Sức chi tiêu này nhờ lực đẩy từ tầng lớp tiêu dùng có mức chi tiêu cao hơn 11 USD/ngày xét theo sức mua tương đương tăng lên.
Theo đó, ước tính đến năm 2030, có tới 75% dân số Việt Nam có thể thuộc tầng lớp này so với thời điểm hiện tại ở 40%, so với năm 2000 còn ở dưới 10%. Tỷ lệ dân số có mức chi tiêu cao hơn 30 USD/ngày xét theo ngang giá sức mua cũng được dự báo có thể tăng từ dưới 5% như hiện tại lên gần 20% ở năm 2030.
Báo cáo phân tích tầng lớp tiêu dùng tại Việt Nam đang có những chuyển đổi do sự thay đổi của nhân khẩu học và hành vi. Cụ thể, quy mô gia đình thu hẹp khi số lượng gia đình 1 thành viên gia tăng đang kéo theo sự thay đổi về hành vi mua sắm. Hiện tại, 11% hộ gia đình người Việt là gia đình 1 người.
Điểm đáng chú ý khác là đối tượng người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) đang trở thành một trong lực lượng tiêu dùng chính. Quy mô của nhóm này dự kiến sẽ tăng nhanh gấp đôi so với mức tăng chung của dân số.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng ngày có trách nhiệm hơn với hệ sinh thái, mua sắm hàng hóa đã qua sử dụng, quan tâm đến các thương hiệu châu Á…
Với bối cảnh này, các chuyên gia McKensey khuyến nghị, đã đến lúc các doanh nghiệp vẽ lại bản đồ tăng trưởng tiêu thụ của Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Theo đó, doanh nghiệp nên nhận diện các góc độ tăng trưởng mới phù hợp với hoạt động kinh doanh, cân nhắc áp dụng mô hình hoạt động cách linh hoạt, gồm những quyết định tái phân bổ nguồn lực, xây dựng mạng lưới và quan hệ đối tác…
Ông Matthieu Francois, giám đốc hợp danh McKinsey Việt Nam nhận định, thị trường tiêu dùng Việt Nam đã có đà tăng trưởng mạnh mẽ trong một thời gian và hiện đang trở nên phức tạp hơn. Tầng lớp tiêu dùng đang đa dạng hóa về địa lý khi số hộ gia đình phong lưu tăng tại các thành phố nhỏ và có thêm nhiều phân khúc mới nổi lên như những công dân thế hệ số, hay nhóm người tiêu dùng cao tuổi.
“Khi đối tượng người tiêu dùng Việt Nam trở nên đa dạng hơn với nhiều đòi hỏi cao hơn, các doanh nghiệp cần nâng tầm chiến lược kênh, phân bổ marketing và tính linh hoạt xét trên bình diện tổng thể”, ông nói trong thông cáo.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/luc-luong-tieu-dung-moi-thuc-day-suc-mua-cua-viet-nam)