Việc các nền tảng thương mại điện tử lớn như Shopee và Lazada thiết lập nhiều mối quan hệ hợp tác và chú trọng phát triển các dịch vụ logistics nội bộ đã dẫn đến áp lực giá đối với các nhà cung cấp dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh và bưu chính, ông Trường Bùi – tổng giám đốc Roland Berger Việt Nam – nhận định.
Trong báo cáo mới đây về thị trường logistics chặng cuối (last mile) tại Đông Nam Á, ông Trường Bùi – tổng giám đốc Roland Berger Việt Nam – nhận định bước chuyển đổi của thị trường logistics chặng cuối sẽ được dẫn dắt bởi sự phát triển nhanh chóng của thị trường thương mại điện tử, tốc độ đô thị hóa và mức thu nhập tăng của người tiêu dùng. Những động lực này thúc đẩy nhu cầu cao hơn đối với các giải pháp giao hàng tận nơi.
Việc các quốc gia trong khu vực đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đưa ra các biện pháp quản lý nhằm hỗ trợ lĩnh vực thương mại điện tử đã thúc đẩy nhu cầu đối với các dịch vụ này. Mặt khác, mặc dù có những tín hiệu phát triển tích cực về mặt thị trường, các công ty chuyển phát nhanh đang bị suy giảm tỉ suất lợi nhuận gộp do một vài nguyên nhân sau.
Một là, thương mại điện tử, một lĩnh vực đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của thị trường giao nhận chuyển phát nhanh và bưu chính (CEP), được dự báo sẽ giảm tốc do sự phục hồi của của thị trường offline kể từ năm 2022.
Hai là, việc các nền tảng thương mại điện tử lớn như Shopee và Lazada thiết lập nhiều mối quan hệ hợp tác và chú trọng phát triển các dịch vụ logistics nội bộ đã dẫn đến áp lực giá đối với các nhà cung cấp dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh và bưu chính.
Bên cạnh đó, thị trường giao nhận, chuyển phát nhanh và bưu chính ở Đông Nam Á có khả năng phải đối mặt với một cuộc chiến giá cả khốc liệt tương tự như những gì Trung Quốc đã trải qua trong những năm gần đây, điều này có thể gây ra tác động gián tiếp lên thị trường.
Tổng giám đốc Roland Berger Việt Nam nhận định tương lai cho thị trường logistics chặng cuối ở Đông Nam Á sẽ chứng kiến việc mở rộng các ứng dụng tiên tiến như tủ khóa thông minh để giao nhận hàng, phân tích xu hướng để dự đoán nhu cầu và tăng cường các tuyến giao hàng, và cuối cùng là sự kết hợp của máy bay không người lái và phương tiện tự động trong giao hàng.
Thách thức hiện tại là cần xác định đối thủ cạnh tranh nào có thể duy trì tỉ suất lợi nhuận phù hợp, thực hiện chuyển đổi các khoản đầu tư thành khoản tiết kiệm chi phí phù hợp và vững vàng trong cuộc chiến giá cả đang diễn ra.
“Sự thay đổi về nhu cầu và động lực của thị trường đang khiến các công ty trong ngành phải suy nghĩ lại về các dịch vụ cung cấp – mở rộng hoạt động trong toàn bộ chuỗi giá trị là một xu hướng chung,” ông Trường Bùi cho biết.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/logistics-chang-cuoi-o-dong-nam-a-khi-shopee-lazada-gay-ap-luc-gia-len-cac-cong-ty-chuyen-phat)
3 năm trước
Chính thức ra mắt Hiệp hội Logistics TP.HCM