CEO của NXP Semiconductors, Kurt Sievers, nhận định về cuộc khủng hoảng chip hiện nay.
Khi ngành công nghiệp bán dẫn bước vào giữa năm 2022, nhu cầu tiếp tục vượt xa nguồn cung, trong bối cảnh vai trò của chính phủ trong toàn ngành và cách mà các nhà cung ứng hợp tác với khách hàng đang thay đổi nhanh chóng, Kurt Sievers – CEO của NXP Semiconductors chia sẻ góc nhìn của mình tại hội chợ công nghệ thường niên lớn nhất Đài Loan hôm 24.5.
Trong hơn hai năm qua, ngành công nghiệp bán dẫn đã gặp “tương đối khó khăn,” lãnh đạo của NXP – một trong những nhà cung cấp chip lớn nhất thế giới có trụ sở tại Eindhoven, Hà Lan – nhận định.
Đặc biệt là ngành ô tô đang trong quá trình chuyển đổi từ động cơ đốt trong truyền thống hướng sang xe điện (EV).
“Sau khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát trên toàn thế giới vào đầu năm 2020, nhu cầu dành cho vật liệu bán dẫn chứng kiến tốc độ tăng trưởng chưa từng có tiền lệ. Tôi gọi đó là bùng nổ về nhu cầu,” Sievers cho biết.
Theo nhận định từ Sievers, đợt gia tăng này một phần do công nghệ điện toán biên được đẩy mạnh, cho phép khả năng xử lý ngày càng gần với nguồn phát sinh dữ liệu – chẳng hạn như các thiết bị kết nối với IoT – với mục đích xử lý một cách nhanh chóng.
“Nhu cầu dành cho vật liệu bán dẫn trên toàn thế giới vượt xa nguồn cung hiện có trong ngành công nghiệp này,” ông cho biết.
NXP, hợp tác với các doanh nghiệp tại Đài Loan bao gồm Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSMC), đang hưởng lợi từ nhu cầu tăng cao. Vào ngày 2.5, NXP – tiền thân là Philips Semiconductor – cho biết lợi nhuận thuần trong giai đoạn ba tháng đến ngày 3.4, tăng từ 353 triệu USD trong năm 2021 lên 657 triệu USD; doanh thu tăng thêm 22%, đạt 3,13 tỉ USD.
Trong đó, doanh thu từ mảng tự động chiếm khoảng 50% tổng doanh thu, với 1,55 tỉ USD và tăng 27% so với ba tháng đầu năm 2021.
Việc kinh doanh của NXP tăng trưởng trùng khớp với dự báo về tốc độ tăng trưởng chung trong thị trường chip toàn cầu năm 2022. Doanh thu của ngành bán dẫn toàn cầu trong năm 2022 dược dự báo đạt tổng cộng 676 tỉ USD, tăng 13,6% so với năm 2021, theo dự báo trong tháng 4.2022 từ công ty nghiên cứu Gartner.
Việc ứng dụng tự động hóa sẽ tiếp tục ghi nhận tình hình thắt chặt nguồn cung linh kiện điện tử kéo dài đến năm 2023, Gartner cho biết.
Kurt Sievers chia sẻ tại Computex, một trong những hội chợ công nghệ quan trọng nhất châu Á. Vai trò của Đài Loan trong ngành công nghiệp chip đã được nhấn mạnh với tình hình thiếu hụt nguồn cung vào thời điểm đại dịch COVID-19, cũng như căng thẳng địa chính trị leo thang và xung đột vũ trang gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc đại lục.
Việc sản xuất của ngành công nghiệp ô tô tại Trung Quốc – thị trường xe hơi lớn nhất thế giới – trong tháng 4.2022 giảm hơn 40% sản lượng so với đầu năm 2021 do các đợt phong tỏa phòng COVID-19 tại Thượng Hải cũng như tình hình thiếu hụt chip, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của các hãng sản xuất xe của quốc gia tỉ dân, gồm NIO, XPeng và Li Auto.
Sau hai năm tổ chức trực tuyến trong bối cảnh đại dịch COVID-19 toàn cầu, Computex lần này mở cửa cho khách tham dự trực tiếp từ ngày 24-27.5 tại Đài Loan. Các diễn giả khác bao gồm chủ tịch và CEO của AMD Lisa Su và David Moore – giám đốc chiến lược của Micron, bên cạnh những nhà lãnh đạo từ Nvidia, Microsoft và Texas Instruments.
“Một chi tiết về tình hình thắt chặt nguồn cung của thị trường chip là nhiều chính phủ nay mới nhận ra tầm quan trọng của vật liệu bán dẫn cho gần như bất kỳ thứ gì gắn liền với quá trình chuyển đổi số của thế giới.
Vì lẽ đó, tổng thống Joe Biden xem vật liệu bán dẫn là yếu tố quan trọng cho cơ sở hạ tầng trọng yếu của nước Mỹ,” Sievers cho biết.
“Tất cả đều vì lợi ích công, nhưng cũng vì cả năng lực sản xuất và đổi mới hoạt động R&D cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Một động thái tuyệt vời, xét đến việc tương lai của lĩnh vực này tác động đến thế giới,” ông cho biết.
“Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi chưa từng chứng kiến thời điềm ta đã nhanh chóng tiến gần đến quan hệ hợp tác chiến lược với khách hàng để thực sự đổi mới trong vòng 5 đến 10 năm tới, không phải cho hai quý tiếp theo,” Sievers cho biết.
Ông đưa ra ví dụ về mối quan hệ hợp tác cung cấp của NXP với Volkswagen. “Chúng ta đều biết sứ mệnh cao cả của Volkswagen là chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang xe điện. Toàn bộ công ty đang chuyển dịch.”
NXP là đối tác cho hệ thống quản lý pin điện tử trên toàn xe điện của Volkswagen, cũng như cung cấp chip cho Ford và nhiều công ty khác, ông cho biết.
“Thị trường bán dẫn đã phát triển qua nhiều chu kỳ, và các giai đoạn này được hỗ trợ và khai mở từ quá trình phát triển ứng dụng quy mô lớn của những điều mới,” nhà lãnh đạo nhiều năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp chip cho biết.
“Giai đoạn năm 2000-2010, đó thực sự là về laptop và video game. Từ năm 2010-2020 xoay quanh smartphone, máy tính bảng và sự phát triển từ các trung tâm dữ liệu đám mây. Tôi cho rằng trong vòng 1 thập kỷ tới, từ năm 2020-2030, đó sẽ là điện toán biên và ứng dụng công nghệ này trong đời sống của chúng ta, bổ trợ cho khả năng của nền tảng đám mây,” ông cho biết.
“Mọi người luôn muốn có con số. Theo một số nhà nghiên cứu, sẽ có khoảng 75 tỉ thiết bị được kết nối với IoT vào năm 2025. Tôi cho rằng họ chỉ nói ra điều này, vì bạn có thể dễ dàng nhớ hai chữ số 75 và 25. Còn hiện tại thì ta đều không biết được, có thể số thiết bị đã đạt mốc 24, có lẽ chỉ dừng ở 26 thiết bị. Thực tế, đây là sự bùng nổ từ góc nhìn về tốc độ tăng trưởng,” ông cho biết.
NXP đặt văn phòng tại 18 thành phố và có hơn 7.000 nhân viên ở khắp Đại Trung Hoa, theo trang web của công ty. Các khách hàng tại Trung Quốc đại lục bao gồm hãng sản xuất smartphone Xiaomi.
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/lanh-dao-doanh-nghiep-cung-cap-chip-lon-hang-dau-the-gioi-nhan-dinh-ve-tinh-hinh-chip-toan-cau)
1 năm trước
Điểm đến du lịch xinh đẹp ở châu Á2 tháng trước
Phát triển ngành bán dẫn: Cơ hội và thách thức2 tháng trước
Quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam: Những cơ hội mới6 tháng trước
Singapore đón nhận dự án nhà máy bán dẫn mới2 năm trước
Số ca tử vong do COVID-19 ở Đài Loan cao kỷ lục