25 năm tuổi nghề của kỹ sư IT Trần Phúc Hồng gắn với TMA Solutions, trở thành thế hệ lãnh đạo kế tiếp, thúc đẩy đầu tư sáng tạo tại công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam.
Giám đốc điều hành TMA Innovation Trần Phúc Hồng có bảng tên số 980015, nghĩa là nhân viên thứ 15 gia nhập công ty năm 1998, khoảng nửa năm sau khi công ty Giải pháp phần mềm Tường Minh (TMA Solutions) thành lập.
Chỉ tay lên bản đồ quy hoạch treo ở hành lang công ty, ông giới thiệu chi tiết với Forbes Việt Nam về Công viên Sáng tạo TMA ở Bình Định (TMA Innovation Park). TMA xếp công viên này thành Lab 8, nơi có trung tâm Phát triển Phần mềm, xưởng Phần mềm, trung tâm R&D, trung tâm Khoa học dữ liệu và Học viện Công nghệ cùng các khu hoạt động khác với tổng diện tích hơn 15 héc ta.
Lab 8 đi vào hoạt động từ năm 2022, đến nay đã thu hút khoảng 700 kỹ sư IT trong nước, du học sinh và cả chuyên gia người nước ngoài về làm việc. Cùng với khoảng 400 kỹ sư FPT làm việc ở tòa nhà thuê của TMA, đưa nơi đây thành “thành phố nhỏ” sôi động giữa thung lũng ở Ghềnh Ráng, nơi có khung cảnh thơ mộng hòa quyện giữa biển và núi, nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 15km.
“Đâu dễ quy tụ được cả ngàn kỹ sư về đây làm việc! TMA đã phải chuẩn bị 5-10 năm trước và hoàn thành ngay trong đại dịch,” phó tổng giám đốc phát triển kinh doanh tập đoàn TMA kiêm giám đốc điều hành TMA Innovation cho biết.
TMA hiện là nhà phát triển các giải pháp và dịch vụ công nghệ phần mềm với hơn 4.000 kỹ sư tại bảy chi nhánh trong nước và sáu chi nhánh ở nước ngoài. Tháng 10.1997, TMA Solutions được thành lập. Vài tháng sau, Hồng trong nhóm kỹ sư đầu tiên từ đại học Bách khoa được TMA tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp, trở thành một trong những nhân sự thâm niên nhất của TMA hiện nay.
Theo ông Hồng, 26 năm qua hàng chục ngàn kỹ sư công nghệ đầu quân cho TMA, sau đó dịch chuyển công việc, TMA trở thành một trong những cái nôi ươm mầm cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam: “Người từ TMA hiện có mặt khắp các công ty trong và ngoài nước, lập công ty riêng cũng nhiều, mới bước nửa chân ra ngoài đã có công ty khác nhận với chế độ rất tốt vì khâu tuyển chọn và đào tạo có tiếng trong ngành.”
Ông lý giải sự gắn bó lâu dài của mình: “Đó là sự phù hợp cá nhân, được trao cơ hội thử sức với cái mới mà không lo toan tài chính, không sợ thất bại, được đi đó đi đây học hỏi nhiều điều thú vị mà không phải người làm kỹ thuật nào cũng có được.”
TMA cung cấp cho khách hàng quốc tế những giải pháp ứng dụng các công nghệ mới về khoa học dữ liệu (data science), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), IoT, Blockchain… trong nhiều lĩnh vực, nằm trong nhóm các công ty có năng lực công nghệ hàng đầu Việt Nam.
Tại Lab 6 nằm ở công viên Phần mềm Quang Trung, Innovation Center do ông Hồng điều hành chia làm ba trung tâm giải pháp chính: AI Center, Healthtech Center và Smart Device Center. Họ đang thực hiện hàng chục dự án R&D về các giải pháp phần mềm cho mạng 5G, xe tự hành, robot, các công nghệ tự động…
Ba sản phẩm đã “tốt nghiệp” từ lab này ra thị trường là giải pháp tòa nhà thông minh T-Building – sản phẩm đưa TMA vào tốp 10 doanh nghiệp AI và IoT, ứng dụng quản lý các tòa nhà thông minh và an toàn cấp cứu, cứu nạn; mCare, một nền tảng tự động thu thập các chỉ số sức khỏe qua thiết bị thông minh kết nối đa dạng các lĩnh vực khác trong hệ sinh thái theo dõi sức khỏe từ xa; trung tâm IoT tích hợp hàng loạt giải pháp từ dự án phần mềm tới phần cứng để cung cấp các thiết theo dõi thông tin và điều khiển từ xa.
TMA Solutions xuất phát từ nhà gia công, phát triển và cung cấp giải pháp cho các thị trường quốc tế. Những năm gần đây TMA cung cấp giải pháp cho các khách hàng, đối tác trong nước như Viettel, SAMCO, Vinhomes, Dutch Lady, Emart (Thiso), Hưng Thịnh, Tân Thanh Container…
Nhưng TMA thật sự nổi lên trong nước khi ứng dụng theo dõi sức khỏe và nhận diện gương mặt được nhiều nơi dùng trong đại dịch. Bộ Ngoại giao đã sử dụng giải pháp TMA để kiểm soát nhờ đa dạng nhận diện, có thể dùng thẻ, vân tay, nhận diện gương mặt, phân biệt thẻ xanh, thẻ vàng, kể cả người đeo khẩu trang…
Ông Hồng cho rằng y tế số Việt Nam vẫn còn cần giải quyết rất nhiều điểm nghẽn để phát triển. Tham vọng của TMA là dùng công nghệ để cải thiện việc chăm sóc sức khỏe cho người lớn tuổi với chi phí thấp. Họ đã đầu tư lớn trong bốn năm qua dù chưa đặt nặng doanh thu nhưng mục tiêu là “đầu tư lớn và lâu dài, vừa phục vụ cộng đồng vừa mở ra thị trường mới.”
Sinh năm 1975, Trần Phúc Hồng bắt đầu làm việc ở TMA trong vai trò kỹ sư lập trình. Năm tháng sau, Hồng là một trong những kỹ sư trẻ đầu tiên được TMA đưa sang Mỹ làm dự án, nhờ có bằng C Anh văn so với đa số sinh viên tốt nghiệp thời đó đạt chứng chỉ B. Một năm sau trở về nước, Hồng trở thành nhóm trưởng dự án web, cũng là kỹ sư duy nhất trong công ty có chuyên môn về công nghệ web khi đó.
Năm 2004, ông cũng là người hiếm hoi tốt nghiệp MBA ngành quản lý công nghiệp trong công ty toàn dân kỹ thuật, ông Hồng được giao trọng trách thành lập phòng phát triển kinh doanh. Việc phát triển kinh doanh giúp một kỹ sư quản lý dự án tiếp xúc với nhiều đối tác khi TMA làm việc với khách hàng từ hơn 30 quốc gia, thường là những lãnh đạo có kinh nghiệm từ các ngành công nghiệp và các thị trường khác nhau. “Điều đó mang lại sự mới mẻ thú vị mỗi ngày, được học hỏi rất nhiều, đưa một người làm kỹ thuật vốn ít giao tiếp như tôi đến những ngưỡng phát triển mới,” ông Hồng nói.
Chủ tịch TMA Nguyễn Hữu Lệ khen cộng sự của mình là người “quý hiếm”, “tài năng, nhiệt huyết và không ngại khó, nhưng quan trọng nhất là người đáng tin cậy, khi đã giao việc thì yên tâm không cần để ý tới nữa.” Sự gắn bó của nhiều thành viên từ ngày đầu như Hồng tại công ty gia đình như TMA khiến nhiều người đặt câu hỏi họ có phải là con cháu hay có cổ phần trong doanh nghiệp. Ông Lệ nói, “không bà con cũng chẳng cổ phần nhưng mình quý trọng, phải lo đủ để các cộng sự không lăn tăn, an tâm lo chuyên môn mà không sợ bị thua thiệt.”
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ nay đã ngoài 70, cho biết ngày trước sáng lập công ty với nhiệt huyết mang kinh nghiệm từ nước ngoài trở về “đưa Việt Nam lên bản đồ gia công phần mềm thế giới”. Nhưng vị thế của các công ty phần mềm Việt Nam như TMA ngày nay đã khác, ở tầm khu vực, thực hiện những dự án lớn và phức tạp với những công nghệ mới nhất và cạnh tranh trên toàn cầu. Ông nói: “Từ mười năm trước TMA đã đưa tầm nhìn trở thành công ty công nghệ dẫn đầu châu Á (Asia Leading Technology Company), hiện được trao vào tay những lãnh đạo trẻ kế tiếp như Trần Phúc Hồng.”
Năm 2009, từ một chuyến công tác Singapore, ông Hồng nhận thấy ứng dụng mobile trong doanh nghiệp đã phổ biến rộng rãi, nên đề nghị công ty lập trung tâm phát triển ứng dụng và được chấp nhận “chỉ sau chưa đầy 20 phút trình bày”. Họ được cấp nguyên một tầng của tòa văn phòng để mở Mobile Center.
Trung tâm ra đời đón đầu làn sóng 3G ở Việt Nam với rất nhiều sản phẩm, khi ra nước ngoài thuyết phục khách hàng dễ dàng, nhưng mang đi chào các công ty trong nước có nơi gọi “mobile ở Việt Nam là game”. Ý tưởng sớm này cũng bị “việt vị”, việc thương mại hóa không đạt được như kỳ vọng.
Năm 2015, ông Hồng tiếp tục đề nghị thành lập Innovation Center như vườn ươm ý tưởng công nghệ và thương mại hóa sản phẩm, cũng được chấp thuận chỉ sau 15 phút trình bày. Dù các dự án khác thất bại, công ty vẫn sẵn sàng đầu tư cho các ý tưởng mới, theo ông Hồng, TMA học từ Silicon Valley, tức là nhà đầu tư vẫn tiếp tục đầu tư cho những người thất bại khi khởi nghiệp, thay vì đầu tư cho người chưa từng biết thất bại là gì.
Cam kết của TMA “Đã làm thì có thành công có thất bại, nếu thất bại về mặt kinh doanh vẫn thu về được kinh nghiệm và giá trị công nghệ, đào tạo được đội ngũ giỏi” đã giúp nhiều nhân viên như ông Hồng sẵn sàng đề xuất ý tưởng mới, tạo ra môi trường cho những người đam mê kỹ thuật cảm thấy thoải mái theo đuổi nghiên cứu.
TMA cam kết dành 5% doanh thu cho khâu R&D tại Innovation Center do ông Hồng điều hành, cũng tương đương với 5% nhân sự hằng năm (khoảng 150-200 người), có thể “chiêu hiền” từ bên ngoài hoặc từ khắp các lab của tập đoàn. Ông Hồng không cho biết con số cụ thể, nhưng trong cuộc phỏng vấn với Forbes Việt Nam năm 2014, chủ tịch Nguyễn Hữu Lệ cho biết doanh thu TMA hơn 30 triệu đô la Mỹ. Tỉ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm mới đây được ông xác nhận “trên 15%”, như vậy, tương đương với quy mô doanh thu hiện tại gấp hơn ba lần năm 2014.
Đội ngũ 4.000 nhân sự ở TMA đa số là những kỹ sư trẻ, theo ông Hồng, quan trọng nhất của văn hóa gắn kết nằm ở kỹ năng của những trưởng bộ phận. Mỗi trưởng bộ phận (director) quản lý tương đương một công ty nhỏ khoảng 100 người; giám đốc cấp cao (senior director) quản lý tương đương một công ty quy mô vừa khoảng 500 người.
Toàn công ty có gần ba chục đội bóng đá, bóng bàn, cờ vua, cờ tướng… đấu giải hằng năm. Giải đấu TMA Futsal League 2023 vừa khởi tranh ngày 25.3 chia làm 3 League A, B, C cùng những thương vụ “mua bán chuyển nhượng cầu thủ”, thay màu áo trở thành niềm vui cho giới trẻ vốn mỗi ngày gắn với màn hình máy tính.
Một trong những thành công mang tính cộng đồng của Trần Phúc Hồng là tập hợp hơn 50 đối tác bao gồm các startup cùng tham gia vào hệ sinh thái sản phẩm kết nối trên thị trường. Ông Hồng không chỉ đóng góp cho chính công ty mà nhiều năm nay tham gia vào cộng đồng công nghệ thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ông là thành viên sáng lập Liên minh Công nghệ số Việt Nam (VNITO), tư vấn cho chương trình đổi mới sáng tạo của TP.HCM và đóng góp ý tưởng cho Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (VINASA) trong chương trình “Go Global” đưa sản phẩm công nghệ Việt Nam ra thế giới.
“Công nghệ thay đổi nhanh chóng, ChatGPT đang kích hoạt thị trường AI sang ngưỡng mới. Ai sẽ thắng trên thị trường công nghệ toàn cầu chúng ta chưa biết nhưng việc ứng dụng công nghệ AI, tự động hóa đang tạo nên hiệu ứng tích cực cho các công ty Việt Nam cơ hội vươn lên,” ông Hồng nói.
Theo Forbes Việt Nam số 116, tháng 4.2023
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ky-su-it-tran-phuc-hong-dan-dat-sang-tao-o-tma)
3 năm trước
Intel Products Việt Nam: Bảo chứng đầu tư1 năm trước
Microsoft đầu tư 10 tỉ USD vào ChatGPT