Tồn kho lớn và triển vọng từ nhà máy Dung Quất 2 dự kiến được đưa vào vận hành trong năm nay, Hòa Phát là doanh nghiệp được hưởng lợi lớn sau khi Bộ Công thương áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc.
Ngày 21.2, Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định số 460 ⁄QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc là từ 19,38-27,83%.
Trong khi đó, thép HRC nhập từ Ấn Độ được miễn trừ do tỷ lệ nhập khẩu bị điều tra từ Ấn Độ ở mức không đáng kể (dưới 3%). Theo quyết định, mức thuế này sẽ có hiệu lực sau 15 ngày kể từ khi ban hành và áp dụng trong vòng 120 ngày.
Dữ liệu WiChart cho thấy Việt Nam nhập khẩu sắt thép các loại từ Trung Quốc ngày càng nhiều sau đại dịch COVID-2021. Theo số liệu hải quan được Cục Phòng vệ Thương mại trích dẫn, lượng nhập khẩu thép cán nóng trong năm 2024 đã đạt 12,6 triệu tấn tăng hơn 33% so với năm 2023.
Đặc biệt, sau khi Bộ Công thương ra quyết định khởi xướng điều tra vụ việc này từ tháng 7.2024, lượng nhập khẩu thép cán nóng từ Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng một cách đáng kể. Do vậy, Bộ Công thương đã xem xét áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời nhằm ngăn chặn lượng nhập khẩu thép cán nóng gia tăng nhanh có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước trong thời gian tới.
Trong buổi chia sẻ Café Cùng Chứng, Hồ Hữu Tuấn Hiếu, chuyên gia chiến lược đầu tư của Trung tâm Phân tích và Tư Vấn Đầu Tư SSI, cho biết trong năm 2024, giá thép của Trung Quốc thấp hơn giá thép trung bình của Việt Nam khoảng 7-8% nên mức thuế 19,38-27,83% là đủ để giảm bớt áp lực rất nhiều từ thép Trung Quốc.
Theo ông Hiếu, đây là thông tin tốt cho các doanh nghiệp lớn sản xuất HRC trong nước như Formosa Hà Tĩnh và Hòa Phát. Đối với Hòa Phát, áp lực từ thép HRC nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2024 rất lớn. Theo số liệu SSI cập nhật, bốn quý liên tiếp Hòa Phát suy giảm sản lượng HRC trong bối cảnh tất cả mặt hàng khác của Hòa Phát có mức tăng trưởng dương.
HRC và thép xây dựng là hai động lực quan trọng nhất trong cấu phần tăng trưởng của Hòa Phát nên sự suy giảm HRC cũng khiến cho doanh nghiệp này gặp khó tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận theo quý.
Hòa Phát hiện có khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 với quy mô gần 400ha, công suất sản xuất 5,6 triệu tấn/năm, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nguồn cung HRC nội địa. Công ty của tỷ phú Trần Đình Long đang tiếp tục mở rộng với khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 để nâng tổng công suất HRC lên 8,6 triệu tấn/năm.
Ông Hiếu cho rằng khi có một hàng rào thuế quan đối với sản phẩm này, giảm bớt áp lực giá rẻ thì sẽ đảm bảo triển vọng tiêu thụ HRC của Hòa Phát tốt hơn. Trong tương lai, những sản phẩm của nhà máy Dung Quất 2 sẽ đảm bảo Hòa Phát tăng trưởng sản lượng tốt, ít nhất 25-30%.
Khi loại bỏ được một trong những đối thủ quan trọng là Trung Quốc trong câu chuyện bán phá giá thì quy mô sản xuất của thị trường Việt Nam hiện không đủ đáp ứng nhu cầu, theo ông Hiếu.
Về số liệu tiêu thụ HRC trong nước, nhìn lại 2-3 năm trước, khoảng 12-13 triệu tấn. Những năm vừa qua, con số trung bình tiêu thụ hằng năm ở mức 14 triệu tấn.
Trong khi đó, tổng nguồn cung HRC trong nước hiện tại là 10,6 triệu tấn/năm. Formosa Hà Tĩnh (FHS) cung cấp khoảng 5 triệu tấn/năm, sản phẩm chủ yếu phục vụ các khách hàng lớn trong ngành ô tô, cơ khí chế tạo. Công ty có kế hoạch mở rộng nhưng chưa rõ mốc thời gian cụ thể.
Năm 2024 là năm đặc biệt, mức tiêu thụ năm ngoái lên đến 17 triệu tấn, cao hơn so với các năm do trước khi áp thuế tạm thời đối với HRC, hầu hết doanh nghiệp tằng cường tích trữ HRC giá rẻ của Trung Quốc để có thể đối phó ngắn hạn đối với biện pháp thuế.
Nếu trong tương lai xảy ra tình trạng thiếu hụt HRC thì các doanh nghiệp có thể nhập khẩu từ các quốc gia khác như Indonesia và Malaysia để giúp giảm bớt thiệt hại.
Bên cạnh câu chuyện hưởng lợi của Hòa Phát, liệu doanh nghiệp hạ nguồn Hoa Sen, Nam Kim sử dụng HRC là sản phẩm đầu vào có bị ảnh hưởng tiêu cực của việc áp thuế tạm thời trên hay không? Theo ông Hiếu, “chắc chắn là có” vì Hoa Sen là đơn vị liên tiếp có nhiều văn bản phản đối về việc áp thuế này.
“Tuy nhiên, mục tiêu của thuế chống bán phá giá là tạo ra môi trường cạnh tranh sòng phẳng khi các doanh nghiệp bị chịu áp thuế có hành vi bán dưới giá thành sản xuất, tạo ra cuộc chơi không công bằng. Vì vậy, loại bỏ những yếu tố này tạo ra môi trường công bằng hơn,” ông Hiếu nhận định.
Trong ngắn hạn, chưa nhìn thấy tác động quá mạnh ngay cả trong quý 1 vì áp thuế tạm thời được công bố từ ngày 21.2 và hiệu lực sau 15 ngày kể từ khi ban hành. Điều đó có nghĩa là gần hết tháng 3 mới nhìn thấy được mức ảnh hưởng. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã tích trữ hàng hóa trước khi áp thuế nên hàng tồn kho giá rẻ này sẽ có lợi cho ngắn hạn.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu các công ty đã phản ánh sớm. Phiên giao dịch ngày 24.2.2025, cổ phiếu của Hòa Phát tăng 4,73%, khớp lệnh hơn 73 triệu cổ phiếu, thanh khoản cao nhất kể từ ngày 28.2 năm ngoái. Tương tự, cổ phiếu Nam Kim và Hoa Sen cũng hưởng ứng với mức tăng gần 2,5% và gần 2%.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/hoa-phat-huong-loi-lon-tu-thue-chong-ban-pha-gia-tam-thoi)
3 tháng trước
Thuế của ông Trump có lợi cho ngành bán dẫn Hoa Kỳ?3 tháng trước
Ông Trump sẽ áp thuế hàng Trung Quốc thấp hơn đề xuất?