Lần đầu tiên trong năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam suy giảm mạnh khi một số ngành quan trọng bị gián đoạn chuỗi cung ứng và đứt gãy sản xuất.
Dữ liệu theo báo cáo “Vietnam At A Glance” tháng 9.2021 do HSBC thực hiện phát hành hôm nay 10.9, cho thấy mức ảnh hưởng tiêu cực nhất trong hai ngành da giày và dệt may. “Sự sụt giảm của hai ngành này là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu tháng 8 giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái,” báo cáo chỉ ra.
Hàng loạt tỉnh thành Đông Nam bộ phải siết chặt giãn cách xã hội, các nhà máy bị hạn chế hoạt động theo điều kiện “3 tại chỗ” hoặc phải ngừng sản xuất. Khu vực này lại là đầu mối gia công xuất khẩu quan trọng nên chịu ảnh hưởng nặng: 88/112 nhà máy của Nike tại Việt Nam đặt tại Đông Nam bộ chịu trách nhiệm sản xuất đến 50% sản phẩm giày dép nhãn hiệu Nike. Tương tự, Adidas cũng gặp khó khăn khi gần 30% sản lượng toàn cầu của hãng được sản xuất tại Việt Nam.
Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia sản xuất hàng dệt may lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc đại lục và Bangladesh. Thị phần của ngành da giày Việt Nam cũng chiếm đến 15% toàn cầu, tăng gấp đôi trong vòng 10 năm trở lại đây. Báo cáo cho rằng, tình hình này sẽ ảnh hưởng đến các thị trường lớn như châu Âu và Mỹ khi sắp vào mùa lễ hội cuối năm, đặc biệt Mỹ là nước chiếm gần một nửa lượng hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam.
Tương tự, xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử trong tháng 8 cũng giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy vậy mức sụt giảm xuất khẩu tháng 8 đã được kéo lại một phần nhờ xuất khẩu điện thoại ổn định, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này nhờ các cụm công nghiệp điện tử của Samsung nằm ở miền Bắc đã dần trở lại hoạt động bình thường sau đợt bùng dịch hồi tháng 5.
Báo cáo cũng chỉ ra Apple và Google là hai trong số các hãng đã phải trì hoãn việc dời chuỗi cung ứng sang Việt Nam. “Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian tới. Các điều kiện nền tảng của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do COVID-19”, HSBC nhận định trong báo cáo.
Kịch bản phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang phụ thuộc phần nhiều vào khả năng đạt được tỷ lệ phủ rộng tiêm chủng vaccine COVID-19. Báo cáo ước tính Việt Nam sẽ có tổng cộng 112 triệu liều vaccine vào cuối năm nay, đủ để tiêm cho hơn 56% dân số. “Việc tăng tốc tiêm phòng là cơ hội để Việt Nam lấy lại lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài,” theo quan điểm của HSBC.
1 năm trước
Bán lẻ hiện đại: Bán sự hài lòng3 năm trước
5 dự báo quan trọng về an ninh mạng 20223 năm trước
Thương mại 11 tháng vượt cả năm 20202 tháng trước
Phát triển ngành bán dẫn: Cơ hội và thách thức