Doanh nhân

Gia đình kinh doanh Việt Nam: Tiếng nói thế hệ kế nghiệp

1 năm trước
Forbes Việt Nam

Với các gia đình kinh doanh đã bước vào giai đoạn chuyển giao, phải giải quyết các bài toán khó: Thế hệ kế thừa sẵn sàng tiếp nối? Thế hệ sáng lập chuyển giao đến đâu? Sự khác biệt giữa các thế hệ được giải quyết ra sao?

Share
this:




Ngược dòng thời gian, kinh doanh gia đình Việt Nam xuất hiện từ rất sớm nhưng bị đứt gãy vì các biến động lịch sử và thời cuộc. Từ năm 1986, nền kinh tế nhiều thành phần được thừa nhận nhưng các quan điểm về kinh tế tư nhân chỉ thực sự rõ ràng hơn từ Đại hội VII diễn ra vào tháng 6.1991.

Kinh tế tư nhân chính thức được xem là một thành phần kinh tế độc lập, có tiềm năng phát triển và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Nhưng trong vòng hơn 30 năm qua, kinh tế tư nhân gặp nhiều thử thách, từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 đến các biến động trong nước.

Kinh tế tư nhân tại Việt Nam chỉ thực sự cất cánh sau cột mốc năm 2006 khi Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thị trường chứng khoán thăng hoa, việc huy động vốn trong nước và quốc tế dễ dàng, mở ra cơ hội phát triển cho nhiều công ty tư nhân như Vingroup, Masan Group, Techcombank, Hòa Phát, VietJet…

Ngược lại, nhiều công ty vẫn giữ mô hình kinh doanh gia đình như Tân Hiệp Phát, Minh Long, Kymdan, Biti’s… để tận dụng các ưu thế  về sự đồng thuận và mức độ tập trung cao, ra các quyết định nhanh, kịp thời trước các biến động của thị trường.

Với các gia đình kinh doanh có bề dày phát triển 30-40 năm, hiện đã bước vào giai đoạn chuyển giao hoặc lập lộ trình chuyển giao và giải quyết các bài toán khó: Thế hệ kế thừa sẵn sàng tiếp nối? Thế hệ sáng lập chuyển giao đến đâu? Sự khác biệt giữa các thế hệ được giải quyết ra sao?

Forbes Việt Nam có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Hoàng Yến – tổng giám đốc Mường Thanh Hospitality Group; bà Trần Uyên Phương – phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát và bà Vưu Lệ Quyên – tổng giám đốc Biti’s. (Ảnh dưới, từ trái sang)








Forbes Việt Nam: Thế hệ cùng trang lứa được đào tạo bài bản, được tự do chọn công việc yêu thích. Bạn quyết định về gánh vác công ty gia đình như thế nào?

Lê Thị Hoàng Yến: Tôi có năm năm tu nghiệp tại Anh và tốt nghiệp đại học Birmingham chuyên ngành tài chính ngân hàng. Nhưng khi về nước tôi đã quyết định nối nghiệp gia đình ở một lĩnh vực khác – du lịch dịch vụ và cụ thể là dịch vụ lưu trú. Quả thật, so với chuyên môn được đào tạo có nhiều điểm khác biệt.

Thế nhưng, sau quá trình tiếp cận, làm quen và chính thức tiếp nhận, đối với tôi đây lại chính là lĩnh vực mang tới cho mình nhiều cơ hội mới và nguồn năng lượng dồi dào để có thể phát huy tối đa khả năng của mình. Ngoài sự đam mê và yêu thích lĩnh vực du lịch khách sạn thì công việc này còn có ý nghĩa hết sức đặc biệt, đó là trách nhiệm của thế hệ kế cận với tương lai mà lớp trẻ như tôi cần phải đảm đương.

Do đó, dù biết sẽ có nhiều khó khăn áp lực nhưng tôi luôn có động lực để từng bước thích nghi, tiếp nhận quản lý và xây dựng chiến lược phát triển. Kiến thức đã được đào tạo bài bản cũng là nền tảng góp phần giúp tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng dốc toàn bộ tâm trí cho công việc để quản trị vững chắc hơn và khẳng định nỗ lực của bản thân.

Vưu Lệ Quyên: Từ nhỏ tôi đã rất yêu thích công việc gia đình. Được ba mẹ dẫn đến công ty mỗi dịp lễ, Tết trở thành một niềm tự hào. Tôi yêu quý các anh chị em đồng nghiệp và bạn bè của bố mẹ vì ở đó mình học hỏi được rất nhiều điều hay.

Nhìn những cô chú công nhân trên chuyền sản xuất đem lại cho tôi nhiều cảm hứng và sự tò mò, mong muốn sau này lớn lên sẽ giúp các cô chú cải thiện môi trường làm việc tốt hơn. Có thể nói là hệ sinh thái của Biti’s đủ rộng, đủ sâu và đủ hấp dẫn tôi. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư hóa ở Canada tôi đã không ngần ngại về đầu quân cho công ty gia đình.

Trần Uyên Phương: Tôi cũng đã tự tìm một số cơ hội cho bản thân tại Singapore, ba mẹ tôi chưa bao giờ có yêu cầu tôi về làm việc tại công ty gia đình. Tuy nhiên, tôi đã quyết định tham gia vào Tân Hiệp Phát để được học hỏi từ dự án ERP lần đầu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam trong mảng bia.

Tôi bắt đầu với vị trí thư ký cho giám đốc marketing, rồi tham gia vào nhiều dự án quan trọng và đã học hỏi rất nhiều từ đội ngũ của Tân Hiệp Phát, trong đó có những nhân sự nước ngoài đã từng làm quản lý ở các công ty sản xuất bia, nước giải khát lớn trên thế giới.

Là CEO nhưng ba tôi không dành sẵn cho chúng tôi một vị trí tại Tân Hiệp Phát. Dù được đào tạo bài bản, tôi cũng không chấp nhận một vị trí nào dành sẵn nếu mình không xứng đáng, không yêu thích. Tôi yêu thích và tự lựa chọn công việc phù hợp với sở trường; Tân Hiệp Phát chấp nhận tôi vì ở vị trí đó tôi có thể đóng góp cho sự phát triển của công ty.

Forbes Việt Nam: Gia nhập công ty gia đình khi mô hình kinh doanh đã hình thành khuôn khổ, đã có chỗ đứng trên thương trường, theo bạn đó là thuận lợi hay áp lực?

Lê Thị Hoàng Yến: Nói chính xác thì đó là một trong những áp lực lớn khi tôi mới chân ướt chân ráo bước vào nghề. Khi ấy, tôi tròn 26 tuổi, đứng trên cương vị tổng giám đốc chuỗi khách sạn lớn nhất Việt Nam thời điểm đó không chỉ có áp lực từ khối công việc khổng lồ mà còn  vì sự kỳ vọng rất lớn của gia đình, đặc biệt là bố tôi.

Thế nhưng, thật may mắn bên cạnh những áp lực thì một mô hình đã được định hình cũng là thuận lợi lớn cho tôi giai đoạn đó. Lợi thế là mô hình kinh doanh của tập đoàn trong lĩnh vực tôi đảm đương đã có sự ổn định và hướng đi rõ nét. Định vị thương hiệu cũng như tầm nhìn chiến lược đã được thế hệ đi trước đặt nền móng.

Nhiệm vụ của tôi lúc này là chiến lược hóa theo từng giai đoạn cụ thể, định vị rõ nét hơn thương hiệu Mường Thanh – thương hiệu khách sạn của người Việt và do người Việt quản lý tới khách hàng, song song đó là phát triển, quản lý và duy trì chất lượng dịch vụ của toàn bộ hệ thống.

Để mỗi bước đi được chắc chắn, mỗi chiến lược đưa ra sát nhất với thị trường và thương hiệu mình xây dựng, tôi đã học tập và trải nghiệm thực tế qua từng vị trí tại chính hệ thống khách sạn Mường Thanh. Đến hôm nay, tôi tự hào đã từng bước tiếp quản và góp phần đưa con tàu của chúng tôi tiến lên theo một cách chuyên nghiệp nhất.

Vưu Lệ Quyên: Vừa có thuận lợi vừa có áp lực. Thuận lợi là hệ thống, mô hình kinh doanh đã có sẵn và mình không cần phải gầy dựng từ đầu. Tuy nhiên, áp lực lại rất lớn, làm sao làm mới mình hằng ngày hằng giờ, làm sao đổi mới, cải tiến để giúp công ty với hơn 10 ngàn người hoạt động hiệu quả và mỗi người trở nên hạnh phúc hơn? Đó luôn là câu hỏi thường trực trong đầu tôi.

Trần Uyên Phương: Tân Hiệp Phát có quá nhiều việc cần thực hiện để hiên thực hóa được tầm nhìn và sứ mệnh của nhà sáng lập, khát vọng doanh nghiệp Việt có vị thế trong khu vực.

Tôi không nghĩ đến thuận lợi hay áp lực, điều lớn nhất đối với chúng tôi là sự tự hào không bỏ cuộc và luôn nuôi dưỡng ngọn lửa khát vọng để tiếp tục phát triển, giữ vững vị thế trong một thị trường phát triển không ngừng.

Nền tảng quan trọng nhất mà tất cả chúng tôi được thừa hưởng là thế mạnh kỹ sư công nghệ của nhà sáng lập Tân Hiệp Phát và tư duy mong muốn đem đến sản phẩm chất lượng tốt với giá cả hợp lý nhất cho người tiêu dùng, các dòng sản phẩm  qua công nghệ Asceptic vẫn giữ được hương vị và dưỡng chất tối đa mà không cần dùng chất bảo quản.

Tôi tự hào khi gần ba thập niên qua, Tân Hiệp Phát đã vượt qua nhiều sóng gió và giữ vững được vị trí một trong những công ty dẫn đầu thị trường. Đội ngũ Tân Hiệp Phát vẫn sẽ nỗ lực tối đa với phương châm “hôm nay phải tốt hơn hôm qua nhưng sẽ không bằng ngày mai.”

—————————————-

Theo các số liệu thống kê, Việt Nam có khoảng 800 ngàn doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) chiếm khoảng 98%. Hầu hết trong số này là các công ty hoạt động theo mô hình gia đình, điều này có nghĩa năng lực quản trị và tiềm lực tài chính hạn chế, dễ bị tổn thương trước các biến động kinh tế như giai đoạn hiện nay.


—————————————



Forbes Việt Nam: Theo bạn, đâu là các khác biệt lớn nhất giữa hai thế hệ (của các bạn và phụ huynh)? Mỗi thế hệ có điểm mạnh và điểm yếu gì để bổ sung lẫn nhau?

Lê Thị Hoàng Yến: Tất nhiên mỗi thế hệ đều có quan điểm, suy nghĩ khác nhau, tuy nhiên trong gia đình tôi vấn đề này không có quá nhiều khác biệt, đặc biệt trong định hướng phát triển tập đoàn. Đôi khi chính sự khác biệt lại bổ sung cho nhau, giúp tôi nhìn nhận vấn đề  hoàn thiện hơn và để mỗi bước đi vững chắc hơn.

Tôi may mắn sinh ra và lớn lên trong sự giáo dục và tình yêu thương vô điều kiện của bố mẹ. Ngay từ nhỏ luôn được trau dồi về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của gia đình. Đặc biệt, đối với tôi bố không chỉ là người có công xây dựng lên một doanh nghiệp lớn có vị thế trên thị trường, mà ông còn là tấm gương để tôi ngưỡng mộ và học hỏi.

Ngay cả cách ông chuyển giao doanh nghiệp cho thế hệ kế cận cũng bao hàm nhiều bài học ý nghĩa. Ông không phải mẫu người “cầm tay chỉ việc”, luôn theo sát như cách thức truyền thống. Ông định hướng và truyền lửa tinh thần khởi nghiệp trong tôi và trao cơ hội để tôi tự triển khai, tự ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Ông đã dạy cho tôi bài học phải tự lập ngay từ khi mới bắt đầu.

Tuy nhiên bản thân ông luôn âm thầm khích lệ, động viên và thậm chí tạo ra những thử thách để tôi khám phá giới hạn bản thân, có lúc ông như một người thuyền trưởng bản lĩnh và nghiêm nghị, nhưng có lúc là một người bạn đồng hành. Chính sự đồng cảm trong định hướng chuyển giao đó giúp tôi tôi luyện bản thân, thành phiên bản tốt hơn của chính mình ở ngày hôm nay.

Vưu Lệ Quyên: Thế hệ ba mẹ tôi lớn lên trong chiến tranh, đi lên bằng con số 0 đúng nghĩa, phải nỗ lực rất nhiều, phấn đấu rất nhiều để xây dựng công ty, phục vụ cộng đồng và đất nước. Ba tôi luôn đặt tính kỷ luật lên hàng đầu, nghiêm khắc, gây áp lực để mọi người tiến bộ, công ty có hệ thống kỷ cương, vận hành chuyên nghiệp. Mẹ tôi thì tần tảo, siêng năng, kiên nhẫn, kỷ luật và sáng tạo để làm ra những sản phẩm chất lượng. Bà luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu và thường xuyên cải tiến công việc.

Thế hệ chúng tôi lớn lên trong thời bình, được học hành đào tạo bài bản ở nước ngoài, được tiếp cận công nghệ từ sớm, tiếp nhận nguồn kiến thức hiện đại, những tư tưởng tiến bộ nhưng kinh nghiệm và thực tiễn về thị trường, về xã hội, về cách đối nhân xử thế thì luôn phải học hỏi từ thế hệ đi trước.

Thế hệ chúng tôi luôn cố gắng đột phá, áp dụng công nghệ mới vào công việc và cũng là thế hệ dám chấp nhận những rủi ro đập đi xây lại để vươn lên. Vì vậy hai thế hệ luôn có thể bổ sung cho nhau để tạo thành một tập thể vững mạnh. Tôi luôn đặt nặng tính kế thừa và phát huy, làm mới trong công việc.

Trần Uyên Phương: Thông thường, với các công ty gia đình, mọi người quan tâm tới mối quan hệ của hai thế hệ này điều hành doanh nghiệp thế nào, nhưng tại Tân Hiệp Phát không có sự phân biệt thế hệ, mà bất cứ bạn ở vị trí nào, bạn đang làm việc và chứng minh được năng lực, bảo vệ được quan điểm triển khai công việc thành công, bạn được ghi nhận và hiệu quả công việc là điều duy nhất đội ngũ của Tân Hiệp Phát hướng đến.

Ham mê tìm hiểu cái mới, sử dụng công nghệ mới, hệ thống mới là điều nhóm trẻ có thế mạnh, nhưng sự thận trọng, đánh giá toàn diện, đủ các khía cạnh là thế mạnh của những người có kinh nghiệm.

Thực tế, tại Tân Hiệp Phát, ba tôi lớn tuổi nhưng luôn là người chủ động trong quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong kinh doanh. Ngược lại, rất nhiều nhân sự trẻ lại luôn cẩn trọng, chặt chẽ trong quản lý rủi ro, quản lý chất lượng sản phẩm.

Tôi luôn nhìn thấy ba tôi là một hình mẫu của sự ham học hỏi, một “chiến binh” làm việc không ngừng, luôn sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn. Ông là “nam châm” khiến tôi luôn hứng thú được làm việc cùng ba tôi.

Forbes Việt Nam: Trong công việc, nếu tồn tại khác biệt về quan điểm kinh doanh, quản trị giữa hai thế hệ, khác biệt đó được giải quyết ra sao?

Lê Thị Hoàng Yến: Tôi luôn tôn trọng và học hỏi quan điểm kinh doanh của người đứng đầu doanh nghiệp, của thế hệ sáng lập. Do đó, hầu như không có sự tồn tại khác biệt quá lớn về quan điểm kinh doanh, quản trị giữa hai thế hệ. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, quản trị không thể tránh khỏi những quan điểm trái chiều ngay tại thời điểm đó.

Để tìm được tiếng nói chung, tôi thường lắng nghe ý kiến của những người đi trước, đồng thời đưa ra quan điểm của mình, sau đó cùng thảo luận và phân tích tìm ra hướng giải quyết thỏa đáng nhất.

Như tôi chia sẻ ở trên, tôi cũng được hậu thuẫn tốt khi được đặt trong vị thế tự mình quyết định và chịu trách nhiệm, sao cho có lợi nhất cho doanh nghiệp nên cũng được sự ủng hộ lớn từ bố và các cô chú thế hệ đi trước, vì vậy sự khác biệt về quan điểm cũng dễ dung hòa hơn.

Vưu Lệ Quyên: Có một thực tế tại Biti’s là tôi luôn tôn trọng, lắng nghe các ý kiến, góc nhìn của các thế hệ, không chỉ thế hệ đi trước, không chỉ ba mẹ mình. Lắng nghe để thấu hiểu và cùng nhau đưa ra quyết định.

Thường khi có sự khác biệt thì mình luôn tổ chức một buổi họp để mọi người cùng chia sẻ những góc nhìn, bối cảnh của mình và nhìn vào những thực tế đó để đưa ra quyết định chung.

Có thể việc này sẽ mất chút thời gian nhưng sau đó là sự thấu hiểu, đồng thuận tuyệt đối để hành động. Những buổi họp này giúp mình học được rất nhiều điều và làm sáng rõ nhiều “điểm mù”.

Forbes Việt Nam: Một ngày nào đó thế hệ F1 sẽ tiếp quản toàn bộ sự nghiệp kinh doanh của gia đình. Những giá trị nào của công ty sẽ chắc chắn được bạn giữ lại và bạn muốn bổ sung những yếu tố nào?

Lê Thị Hoàng Yến: Tôi chưa nghĩ quá sâu đến vấn đề này, vẫn mong các thế hệ sẽ tiếp tục hỗ trợ, tư vấn thật lâu nữa, tuy nhiên dù tiếp nhận một phần hay toàn bộ thì tôi luôn tâm niệm những giá trị mà thế hệ trước xây dựng đã tạo thành nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp phát triển, chắc chắn tôi sẽ tiếp tục duy trì và phát triển tốt hơn nữa.

Cụ thể, với Mường Thanh, yếu tố con người làm trung tâm, chất lượng dịch vụ và các hoạt động hướng tới cộng đồng luôn là “ba đỉnh” định hình sự phát triển và xây dựng doanh nghiệp, tôi sẽ duy trì và cố gắng làm tốt hơn.

Tuy nhiên việc cập nhật các xu thế mới trong thời kỳ công nghệ phát triển như hiện nay cũng là một trong những định hướng tôi và ban lãnh đao tập đoàn hướng tới. Chúng tôi đã và đang số hóa doanh nghiệp trên nền tảng văn hóa riêng để hòa nhập nhưng vẫn giữ bản sắc riêng, tạo sự hứng thú mới mẻ cho khách hàng…

Vưu Lệ Quyên: Hiện tại tôi đã tiếp quản công ty ở năm thứ năm. Trong thời gian qua tôi cũng đã thay đổi rất nhiều về con người, hệ thống vận hành của công ty. Nếu hỏi giá trị nào của Biti’s đáng gìn giữ thì tôi giữ lại hầu như toàn bộ về sứ mệnh phục vụ, tính kỷ luật, chất lượng, chính trực, tinh thần đồng đội và cải tiến liên tục.

Tôi chỉ bổ sung thêm hai giá trị về hạnh phúc và hiệu quả. Và tôi có niềm vui khi tập thể đều đồng thuận và thực hành theo những giá trị đó. Thực ra, với bề dày phát triển qua 40 năm, tự thân Biti’s đã có những giá trị tốt đẹp đáng ngưỡng mộ, nhiệm vụ của tôi cần làm là khai quật nó và đem nó ra ánh sáng bằng những câu chuyện để cùng thực hành, cùng “tiếp bước tiến” những giá trị tốt đẹp đó.

Trần Uyên Phương: Người kế thừa Tân Hiệp Phát không nhất thiết là người trong gia đình mà phải là người có khả năng hiện thực tầm nhìn của nhà sáng lập là đưa Tân Hiệp Phát thành tập đoàn sản xuất đồ uống và thực phẩm hàng đầu châu Á.

Văn hóa và bộ giá trị cốt lõi là những quy trình quan trọng tạo nên sự bền vững tại Tân Hiệp Phát. Tôi và các cộng sự liên tục cải tiến, hoàn thiện, đánh giá và  đưa ra các chương trình ứng dụng trong công việc hàng ngày của công ty để giá trị cốt lõi, sứ mệnh, tầm nhìn là kim chỉ nam hành động cho mỗi con người Tân Hiệp Phát.

Bảy giá trị côt lõi chính là điều làm cho con người Tân Hiệp Phát trở nên khác biệt với các công ty khác. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn chấp nhận sự thay đổi, lắng nghe các ý kiến khác nhau, xem xét, đánh giá lại hoạt động của chính mình để cải tiến và hoàn thiện.

Forbes Việt Nam: Các công ty gia đình trên thế giới gặp thách thức đáng kể khi các nhà sáng lập chuyển giao kinh doanh cho thế hệ kế cận. Ở công ty bạn vấn đề này đã được quan tâm/chuẩn bị ra sao?

Lê Thị Hoàng Yến: Đúng là việc tiếp nhận tâm huyết cả đời của thế hệ sáng lập với chúng tôi luôn là áp lực, vừa ngọt ngào vừa vô cùng thử thách, tôi không rõ cụ thể các tập đoàn khác như thế nào nhưng với Mường Thanh, chúng tôi được học hỏi, tiếp nhận làm quen từ những vị trí, công việc nhỏ nhất và dần dần những triết lý, sự nhiệt huyết, tự hào cứ thấm dần vào chúng tôi như một sự hiển nhiên.

Chúng tôi không tâm niệm mình được tiếp nhận chuyển giao thì sẽ thách thức thế nào mà chỉ tâm niệm học hỏi, hoàn thiện bản thân ra sao để doanh nghiệp ngày một phát triển, đem đến thật nhiều giá trị cho cộng đồng, cho toàn thể nhân viên và sự phát triển của xã hội.

Vưu Lệ Quyên: Tôi biết ơn ba mẹ vì đã chuẩn bị cho mình từ rất sớm. Từ nhỏ ba tôi đã luôn dặn dò trách nhiệm đối với cộng đồng Biti’s, đối với các em trong gia đình như thế nào. Ông cũng thường xuyên kể chuyện về kinh doanh, về công ty.

Thật sự tuổi thơ của tôi có rất nhiều áp lực, nhưng đến một lúc nào đó tôi tự nhủ dù sao cũng phải gánh vác trách nhiệm thì mình sẽ sẵn sàng và tiếp cận trong tâm thế hạnh phúc. Nên với tôi mỗi ngày đều là một ngày mới với muôn vàn cơ hội học tập và phát triển.

Tôi cũng rất cảm ơn môi trường Biti’s, các cộng sự đã rèn giũa để tôi trưởng thành. 18 năm gắn bó tại Biti’s, tôi đã trải qua tất cả các phòng ban, tất cả các lĩnh vực công việc. Trong đó rất nhiều lĩnh vực tôi đã thiết lập lại hệ thống mới hoàn toàn cho Biti’s.

Tôi cảm thấy tự hào về thành quả đó và trân trọng cơ hội, thử thách được hoàn thiện bản thân, được phục vụ và đem lại giá trị cho mọi người.

Tôi nghĩ kế nghiệp luôn cần có tính kế thừa, phát huy, sáng tạo và làm mới trong mọi việc. Đó cũng chính là lý do để kỷ niệm 40 năm thành lập, vào cuối năm 2022, Biti’s đã cho ra đời dự án nghệ thuật “Tiếp bước tiến” nhằm nâng cao tinh thần này và cũng như là một bước đệm tôn vinh các bước tiến của kinh tế.

Dự án nghệ thuật “Tiếp bước tiến” đã được nhiều bạn trẻ quan tâm và tham gia, đó cũng là một điều khích lệ khá lớn cho sự tiếp bước, phát huy và chuyển giao thế hệ.

Trần Uyên Phương: Đây đúng thật sự là một bài toán không bao giờ đơn giản và một bài học trên toàn thế giới. Tân Hiệp Phát cũng đang bước vào hành trình này. Thế hệ kế cận, ứng viên kế thừa, nhân tài… đều là những chương trình nghe qua thì khá đơn giản nhưng triển khai thành công thì thật sự khó.

Nhìn lại Việt Nam, các doanh nghiệp có tuổi trên 25 năm chỉ đếm “trên đầu ngón tay”. Hiểu được các thách thức này nên gia đình tôi, cá nhân tôi và Tân Hiệp Phát đều phải nỗ lực từng ngày. Sứ mệnh của chúng tôi là đặt nền móng và liên tục xây dựng để có một “sản phẩm” đáng tự hào cho người Việt, là một tổ chức, một doanh nghiệp Việt vươn tầm thế giới.

Theo Forbes Việt Nam số 114, tháng 2.2023, Danh sách 20 doanh nghiệp gia đình hàng đầu Việt Nam

—————————–

Đọc thêm:
Forbes Việt Nam số 114: 20 Gia đình kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam
Phát triển doanh nghiệp gia đình: Cần chuyển hóa từ chất
Quyền lực mới: Đây là những phụ nữ tiềm năng trong năm 2023
Danh sách các công ty tư nhân lớn nhất nước Mỹ: Cargill trở lại vị trí số 1

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/gia-dinh-kinh-doanh-viet-nam-tieng-noi-the-he-ke-nghiep)