Doanh nhân

Generac phát triển mạnh từ sự cố sập lưới điện và thảm họa tự nhiên

Share
this:

Công ty sản xuất máy phát điện Generac đang có đà tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh nước Mỹ ghi nhận các sự kiện thời tiết cực đoan và sự cố sập mạng lưới điện.

Chưa hài lòng với thị phần 80% trong thị trường kinh doanh máy phát điện tại nhà, CEO Aaron Jagdfeld có những ý tưởng lớn về lưới điện siêu nhỏ (microgrid).

Ảnh: Benedict Redgrove chụp cho Forbes

Vào năm 2008, tình hình của Generac không khả quan. Nhiều năm trước đó, Generac với lịch sử 49 năm, chuyên sản xuất những máy phát điện vận hành bằng khí thiên nhiên, đã được công ty đầu tư CCMP Capital có trụ sở tại New York mua lại. CCMP đã cho công ty đặt tại Milwaukee (Mỹ), với doanh số bán hàng chỉ đạt 700 triệu USD, vay 1,4 tỉ USD để nắm 70% cổ phần từ nhà sáng lập Robert Kem (81 tuổi).

Nhưng đó là khoảng thời gian tồi tệ. Trong hai năm 2006 và 2007, chỉ có duy nhất một cơn bão (yếu tố lớn thúc đẩy doanh số máy phát điện) đổ bộ vào nước Mỹ. Theo sau đó là ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng nhà ở và suy thoái toàn cầu 2009, khiến Generac thâm hụt 30% thu nhập chưa tính mức chi trả nợ và các chi phí liên quan đến sáp nhập.

CCMP phải chi trả nhiều tiền hơn để ngăn nguy cơ vỡ nợ kỹ thuật và bổ nhiệm Aaron Jagdfeld, khi đó 33 tuổi, từ nhân viên kiểm toán thăng chức lên giám đốc tài chính (CFO), vào vị trị giám đốc điều hành (CEO).

Vị CEO trẻ tuổi khi ấy đã đưa ra giải pháp bất ngờ: trở nên quyết liệt hơn nữa. Sau khi mua một số khoản nợ với mức giá 50 cent Mỹ tính theo 1 USD, năm 2010, Jagdfeld đưa Generac lên sàn chứng khoán và thực hiện 25 thương vụ thâu tóm kể từ năm 2011. Đầu tiên, ông đầu tư vào các doanh nghiệp về thiết bị ngoại vi như truyền dẫn điện thoại di động và tháp đèn ngoài trời.

Sau đó, Jagdfeld thực hiện các thương vụ thâu tóm khác nhằm hiện thực hóa tầm nhìn về việc biến ngôi nhà thành nhà máy điện ảo tiết kiệm điện, không chỉ duy trì hoạt động cho đèn điện, lò sưởi và tủ lạnh khi sập mạng lưới điện, mà còn bán lại nguồn điện như một phần trong hệ thống lưới điện siêu nhỏ.

Nhu cầu dành cho những máy phát điện có giá bán 20.000 USD của Generac tăng cao, bên cạnh trợ giúp từ các sự kiện thời tiết cực đoan, mạng lưới điện quốc gia của Mỹ gặp sự cố hư hỏng và đại địch COVID-19, mà Jagdfeld nhận định đã biến ngôi nhà thành nơi trú ẩn an toàn. Khi các đối thủ cạnh tranh rơi vào khó khăn (Briggs & Stratton phá sản vào năm 2020) và thực hiện kế hoạch riêng, Generac hiện chiếm 80% thị phần thị trường máy phát điện dự phòng và có số đơn đặt hàng đang chờ phục vụ trong 6 tháng.

Những khối quay này là “trái tim” của máy phát điện trị giá 20.000 USD của Generac, với 1 lít, 2 xylanh và thiết bị làm mát. Ảnh: Benedict Redgrove chụp cho Forbes

Trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30.3, Generac đạt doanh số bán hàng 4,1 tỉ USD và lợi nhuận thuần 1,8 tỉ USD, tăng gấp đôi so với mức trước đại dịch COVID-19. Còn doanh số ngoài máy phát điện đóng góp 2o% vào doanh thu của công ty. Sau khi niêm yết với mức giá 13 USD/cổ phiếu, cổ phiếu của Generac đã trải qua đợt biến động lớn, giảm từ mức vô cùng cao 498 USD/cổ phiếu vào tháng 10.2021 xuống còn 250 USD/cổ phiếu như hiện nay. Tuy vậy, con số này vẫn cao hơn thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) 33 lần.

Khoản nợ ở mức có thể kiểm soát và chiếm 6% giá trị doanh nghiệp, thấp hơn 80% sau khi IPO (Aaron Jagdfeld nắm số cổ phần hiện có giá trị 150 triệu USD. Vào năm 2013, CCMP bán hết cổ phần trong Generac).

BỨC TRANG TOÀN CẢNH: NHÌN LẠI TÌNH HÌNH

Tình hình thời thiết đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Trong năm 2021, Mỹ chứng kiến 20 thảm họa về thời tiết có mức thiệt hại “hàng tỉ đô la Mỹ”, với phần lớn là những trận siêu bão và cơn bão lớn, cao gấp 10 lần so với năm 1981. Những sự cố này khiến nước Mỹ tiêu tốn gần 153 tỉ USD, hơn 48 lần so với 4 thập kỷ trước ngay cả khi đã điều chỉnh theo mức lạm phát.

Thay vì bán sản phẩm mà mọi người không bao giờ sử dụng đến và chỉ mua khi xảy ra sự cố sập lưới điện hoặc thảm họa tự nhiên, Aaron Jagdfeld muốn bắt đầu quảng bá về máy phát điện chạy bằng khí gas, năng lượng mặt trời và pin điện tử “độc lập về nguồn điện”, đều được tối ưu bằng phần mềm máy học giúp kiểm soát nhiệt độ và làm nguội với tập trung vào việc mang lại nguồn thu cho khách hàng. “Nền tảng AI sẽ giúp bạn tạo ra điện năng, và được vận chuyển cũng như tiêu thụ theo cái cách mà bạn chưa từng nghĩ tới.”

Biên dịch: Minh Tuấn

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/generac-phat-trien-manh-tu-su-co-sap-luoi-dien-va-tham-hoa-tu-nhien)