Doanh nghiệp

FV đầu tư 200 tỷ đồng cho hệ thống robot điều trị ung thư

13 giờ trước
Tác giả Minh Tâm

Ngoài 200 tỷ đồng đầu tư hệ thống robot điều trị ung thư, Bệnh viện FV cũng sẽ khởi công xây dựng tòa nhà mới, gia tăng năng lực khám chữa bệnh thêm 35%.

Tổng giám đốc Fv

Share
this:

Bệnh viện FV, thành viên của Tập đoàn Y tế Thomson (Singapore) công bố đầu tư hệ thống robot xạ phẫu CyberKnife S7 – thiết bị chuyên về điều trị ung thư từ nhà sản xuất Accuray (Mỹ). Với đầu tư này, FV là bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam và cũng như ở Đông Nam Á trang bị CyberKnife S7, theo tự bạch.

Lễ ký kết mua bán và chuyển giao công nghệ đã diễn ra vào ngày 6.5 vừa qua và FV sẽ chờ 18 tháng để thiết bị được sản xuất và đưa về Việt Nam.

Chia sẻ tại buổi họp báo công bố khoản đầu tư diễn ra hôm 7.5, bác sĩ Jean-Marcel Guillon – Tổng giám đốc Bệnh viện FV cho biết, giá chính thức của hệ thống này là 7,8 triệu USD, khoảng 200 tỷ đồng nhưng với quan hệ đối tác, FV được mua với giá thấp hơn con số này. Tuy nhiên, khoản đầu tư của FV không dừng lại ở thiết bị, nhân sự vận hành gồm đội ngũ bác sĩ, kỹ sư vật lý… mà còn cả tòa nhà sắp được xây dựng, trong đó có hầm chứa đạt các tiêu chuẩn về an toàn để đặt hệ thống robot “khổng lồ” này.

Dự kiến, toà nhà mới sẽ được khởi công vào cuối năm 2025 và sẽ hoàn thành trước khi thiết bị được đưa về Việt Nam để có thể điều trị cho bệnh nhân đầu tiên. Đồng thời, với tòa nhà này, FV cũng sẽ mở thêm các chuyên khoa mới, mở rộng các chuyên khoa đã có để nâng khả năng khám chữa bệnh thêm 35%.

Bác sĩ Jean-Marcel Guillon – Tổng giám đốc Bệnh viện FV trả lời câu hỏi tại họp báo công bố đầu tư hệ thống robot xạ phẫu diễn ra ngày 7.5.

Trả lời câu hỏi của Forbes Việt Nam về kế hoạch thu hồi vốn cho khoản đầu tư lớn này trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và Bệnh viện Tâm Anh vừa khởi công xây dựng cơ sở mới, tập trung vào điều trị ung thư gần FV, tổng giám đốc FV cho biết, xây dựng một trung tâm điều trị ung thư mất rất nhiều năm vì không chỉ cần không gian đầy đủ tiêu chuẩn, trang thiết bị mà còn là nhân sự, đào tạo nhân sự vận hành.

“Tôi đã nghe về việc thành lập nhiều trung tâm điều trị ung thư ở TP.HCM nhưng mọi thứ vẫn còn trên giấy. Điều trị ung thư là dịch vụ điều trị khó nhất,” bác sĩ nói thêm rằng hệ thống máy xạ phẫu CyberKnife S7 hiện không có “đối thủ” về công nghệ điều trị khi có thể xác định, tiêu diệt các tế bào ung thư rất nhỏ, ở vị trí khó và ở khắp các bộ phận trên cơ thể. Vì vậy, FV không lo về cạnh tranh.

Việc đầu tư hệ thống xạ phẫu CyberKnife S7 được lãnh đạo FV nhấn mạnh, là “quyết định dũng cảm” với số tiền lớn nhưng sẽ giúp trung tâm điều trị ung thư của FV có thể chữa trị thêm nhiều mặt bệnh, mở ra cơ hội tiếp cận phương pháp điều trị không xâm lấn, an toàn và chính xác hơn cho bệnh nhân Việt Nam. Đặc biệt, các bệnh nhân điều trị bằng máy xạ phẫu CyberKnife S7 cũng sẽ được bảo hiểm y tế chấp nhận chi trả, dự kiến khoảng 40 – 50% chi phí.

Đầu năm 2024, FV chính thức trở thành thành viên của Tập đoàn Y tế Thomson sau thương vụ M&A được xem lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam với trị giá hơn 381 triệu USD.

Khi công bố thương vụ tại Việt Nam, Tổng giám đốc FV tiết lộ kế hoạch xây dựng tòa nhà thứ ba với các trang thiết bị cho trung tâm ung thư (CyberKnife), trung tâm lọc máu, hỗ trợ sinh sản IVF và mở rộng các chuyên khoa như tim mạch, phẫu thuật hàm mặt.

Sau khi FV trở thành thành viên của Tập đoàn Y tế Thomson, FV vẫn giữ nguyên đội ngũ nhân sự quản lý, điều hành và các y bác sĩ và được công ty mẹ thúc đẩy việc hợp tác với đội ngũ chuyên gia y tế quốc tế, đặc biệt là các bác sĩ đến từ Singapore.

Thị trường y tế tư nhân tại Việt Nam trong thời gian qua chứng kiến nhiều chuyển động mới khi các nhà đầu tư liên tiếp công bố các khoản đầu tư mới để mở rộng quy mô. Hôm 17.4, hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh công bố triển khai xây dựng cơ sở mới điều trị đa khoa và ung bướu công nghệ cao quy mô 1.000 giường bệnh tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TP.HCM).

Trước đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH, đơn vị sở hữu chuỗi cơ sở khám chữa bệnh ở nhiều tỉnh phía Bắc và là một trong hai bệnh viên niêm yết trên sàn chứng khoán nhận vốn từ quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV). Các cổ đông ngoại đã đầu tư vào TNH trước đó cũng liên tục mua vào cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu. 

Đầu năm 2024, thị trường ghi nhận thương vụ đầu tư của Warburg Pincus vào chuỗi bệnh viện Xuyên Á. Giá trị thương vụ không được công bố chính thức nhưng Công ty Grant Thornton ước tính giao dịch này nằm trong khoảng 100-150 triệu USD dựa trên quy mô đầu tư trước đây của Warburg Pincus tại Việt Nam.

Thống kê của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, cả nước hiện có gần 400 bệnh viện và 40.000 phòng khám tư nhân. Đồng thời với các động thái mở rộng, các bệnh viện tư nhân cũng đầu tư trang thiết bị hiện đại, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để thực hiện phẫu thuật, điều trị bệnh.

Bộ Y tế ước tính người Việt chi khoảng 2 tỷ USD mỗi năm để ra nước ngoài chữa bệnh do thiếu dịch vụ y tế chất lượng cao trong nước. Con số này có thể tăng lên 3–4 tỷ USD trong vài năm tới, trích lời ông Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh đăng trên Vietnamnews.vn. Nguyên nhân là hầu hết bệnh viện công đều lạc hậu, quá tải, đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM – nơi tiếp nhận tới 60% bệnh nhân cả nước.

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/benh-vien-fv)