Foxconn thông báo dừng dự án liên doanh trị giá 19 tỉ USD với Vedanta, trước đó hợp tác để xây dựng nhà máy bán dẫn ở Ấn Độ.
Hon Hai Precision Industry (Đài Loan), còn được biết đến với tên thương mại Foxconn, thông báo rút khỏi liên doanh bán dẫn trị giá 19 tỉ USD với tập đoàn khai khoáng và kim loại Ấn Độ Vedanta. Trước đó, hai công ty này hợp tác để xây dựng nhà máy bán dẫn và sản xuất màn hình ở Ấn Độ.
Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm 10.7, Foxconn cho biết “Nhằm hướng tới những cơ hội phát triển đa dạng hơn, Foxconn đi đến quyết định sẽ không tiếp tục liên doanh với Vedanta với sự đồng thuận chung từ cả hai bên.”
Foxconn không đưa ra cụ thể về lý do đằng sau quyết định trên. Theo Times of India, Foxconn kết thúc quan hệ hợp tác với Vedanta do liên doanh này gặp khó khăn trong việc tìm ra công ty công nghệ để hợp tác sản xuất vi xử lý cho điện thoại di động.
Trong một tuyên bố hỏi đáp, Foxconn cho biết hai bên đã nhất trí dừng thỏa thuận hợp tác. Foxconn và Vedanta cùng nhận ra dự án liên doanh này phát triển chậm và có những khoảng cách lớn mà hai công ty không thể vượt qua một cách suôn sẻ.
Vào năm 2022, Foxconn – nhà sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu thế giới của tỉ phú Đài Loan Quách Đài Minh (Terry Gou) và Vedanta thuộc quyền sở hữu của doanh nhân Anil Agarwal đã thành lập liên doanh để xây dựng nhà máy bán dẫn và sản xuất màn hình. Trong đó, Vedanta nắm 60% cổ phần và 40% còn lại thuộc về Foxconn.
Foxconn cho biết trong hơn một năm qua, liên doanh này đã nỗ lực hợp tác để “hiện thực hóa ý tưởng bán dẫn tuyệt vời và đó là trải nghiệm hiệu quả có thể giúp hai công ty tiến về phía trước một cách mạnh mẽ trong tương lai.”
Sau khi kết thúc liên doanh, Foxconn sẽ thực hiện các thủ tục để gạch tên công ty này ra khỏi Vedanta Foxconn Semiconductors Ltd, tránh việc có thể gây nhầm lẫn cho các nhà đầu tư tiềm năng.
Trong thông cáo báo chí, Vedanta cho biết công ty “cam kết đầy đủ với dự án bán dẫn và đã liên hệ với các đối tác khác để lập cơ sở sản xuất bán dẫn đầu tiên của Ấn Độ.” Vedanta đã nỗ lực gấp đôi để triển khai tầm nhìn của thủ tướng Narendra Modi về lĩnh vực bán dẫn và giữ vững vai trò trụ cột trong việc tái định vị chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu của quốc gia Nam Á này.
Mặc dù việc liên doanh không thành công, Foxconn vẫn tự tin về định hướng phát triển vật liệu bán dẫn của Ấn Độ. “Foxconn cam kết tiếp tục đầu tư tại Ấn Độ và đồng hành cùng quốc gia này trong quá trình hình thành nên một hệ sinh thái sản xuất bán dẫn phát triển mạnh mẽ. Điều này sẽ cần rất nhiều thời gian. Foxconn tiến vào thị trường Ấn Độ từ năm 2006 và chúng tôi vẫn ở đây. Tập đoàn mong muốn góp phần phát triển ngành công nghệ bán dẫn còn non trẻ của Ấn Độ,” Foxconn cho biết hôm 11.7.
“Việc xây dựng nhà máy từ đầu tại khu vực đại lý mới là một thử thách, nhưng Foxconn cam kết đầu tư vào Ấn Độ. Chúng tôi đã nghiên cứu về thách thức như vậy kể từ những năm 1980. Foxconn chưa có dự định nào khác ngoài việc tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho tham vọng ‘Make In India’ của chính phủ Ấn Độ và đa dạng hóa quan hệ hợp tác với những doanh nghiệp địa phương để đáp ứng nhu cầu từ các cổ đông,” Foxconn cho biết.
Trong các bài đăng trên Twitter, bộ trưởng Nhà nước Ấn Độ phụ trách Điện tử và Công nghệ thông tin Rajeev Chandrasekhar cho rằng quyết định rút khỏi liên doanh với Vedanta của Foxconn không ảnh hưởng đến mục tiêu về bán dẫn mà Ấn Độ đề ra. Theo ông, điều này “cho phép hai công ty theo đuổi chiến lược hoạt động riêng biệt đối với vật liệu bán dẫn và thiết bị điện tử tại Ấn Độ.”
Xem thêm: Vedanta và Foxconn xây dựng nhà máy bán dẫn 20 tỉ USD
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/foxconn-dung-du-an-lien-doanh-19-ti-usd-voi-vedanta)
2 năm trước
Sea đóng cửa Shopee tại thị trường Ấn Độ3 tháng trước
Ultratech Cement tăng đầu tư vào mảng sản xuất xi măng