ForbesWomen

Danh sách Forbes Việt Nam: 10 nữ CEO thế hệ kế tiếp

2 tuần trước
Forbes Việt Nam

10 CEO nữ được chọn đáp ứng nhiều tiêu chí như tạo ra thay đổi tích cực, để lại dấu ấn cá nhân và có tinh thần lãnh đạo truyền cảm hứng.

Share
this:

Các tiến bộ về bình đẳng giới đã giúp phụ nữ phát huy được năng lực trong nhiều lĩnh vực ở xã hội Việt Nam. Họ trở thành lực lượng tạo ra ảnh hưởng tích cực đến mọi mặt của đời sống.

Danh sách 10 CEO nữ thế hệ kế tiếp do Forbes Việt Nam thực hiện năm 2024 ghi nhận các gương mặt CEO nữ nổi bật đang điều hành các công ty đang phát triển năng động.

Trưởng thành sau ngày Thống nhất đất nước, họ có cơ hội tiếp cận với tri thức và mang tư tưởng hội nhập, dần khẳng định được vai trò và dấu ấn cá nhân tại các công ty đang làm việc.

Trần Thị Lệ
Tuổi: 51 – CEO NutiFood

Hiện tại, với bốn nhà máy tại Bình Dương, Gia Lai, Hưng Yên và Hà Nam, NutiFood cung cấp danh mục sản phẩm đa dạng từ sữa bột, sữa nước, cà phê, kem…

Doanh thu hàng năm dao động 8.000-9.000 tỉ đồng. NutiFood thuộc nhóm các công ty sữa dẫn đầu thị trường và nằm ở top 3 dòng sản phẩm sữa bột.

Theo số liệu nghiên cứu thị trường Việt Nam do NielsenIQ công bố tháng 6.2024, Nutifood giữ top 1 thị phần mảng sữa bột pha sẵn cho trẻ em.

Xuất thân là bác sĩ, bà Lệ có nhiều cơ duyên gắn bó với NutiFood ngay từ những ngày đầu thành lập. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Tây Nguyên, năm 1998 bác sĩ Trần Thị Lệ về làm việc tại trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, sau đó là cơ sở Thực phẩm Đồng Tâm.

Ở tuổi 30, bà được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (tiền thân NutiFood).

Năm 2013, sau khi các cổ đông lớn NutiFood thoái vốn, bà cùng chồng – ông Nguyễn Thanh Hải, mua cổ phần chi phối kiểm soát công ty có lịch sử phát triển từ năm 1989.

Nhờ đổi mới kinh doanh và tiếp thị, doanh thu của NutiFood tăng 100% mỗi năm trong giai đoạn 2013-2016.

Nhằm phát triển bền vững, tạo chiều sâu và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hoạt động kinh doanh, NutiFood đã phát triển trang trại nuôi bò sữa tại Gia Lai; tiếp quản toàn bộ dự án nhà máy NutiFood Thụy Điển (vốn là dự án liên doanh với đối tác Thụy Điển); thành lập Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng NutiFood Thụy Điển (NNRIS), nhằm bắt kịp “tiến bộ khoa học trong lĩnh vực dinh dưỡng” trên thế giới.

Năm 2023, NutiFood đã mua cổ phần chi phối mảng kem của Kido.

Nguyễn Thị Hà
Tuổi: 41 – CEO VitaDairy

VitaDairy là công ty sữa tư nhân được thành lập năm 2005 nhưng chỉ gây chú ý trên thị trường từ năm 2019 đến nay.

Được thành lập bởi nhóm cổ đông sáng lập là bác sĩ làm việc trong lĩnh vực y tế, ban đầu sản phẩm công ty tập trung vào kênh bệnh viện với các dòng sữa dinh dưỡng chăm sóc người bệnh.

Gia nhập công ty năm 2009 với vị trí kế toán trưởng, năm 2018 khi công ty khuyết vị trí điều hành, Nguyễn Thị Hà được bổ nhiệm vị trí điều hành tạm thời trong khi công ty tìm kiếm một CEO phù hợp.

Nhờ sự cầu thị, ham học hỏi, am hiểu văn hóa nội bộ công ty và đặc biệt nhờ góc nhìn của một bà mẹ hai con, Nguyễn Thị Hà đã vạch ra chiến lược marketing sáng tạo, tổ chức xây dựng hệ thống kênh phân phối, đưa thương hiệu VitaDairy phát triển đột phá giai đoạn 2020 – 2023.

Theo AC Nielsen, cùng với Abbott và Vinamilk, VitaDairy nằm trong nhóm tốp ba thương hiệu sữa bột dinh dưỡng, chiếm thị phần lớn nhất tại thị trường Việt Nam. Doanh thu năm 2024 của công ty ước đạt 4.500 tỉ đồng.

Từ năm 2019, VitaDairy đã trở thành đối tác của Tập đoàn sữa non PanTheryx (Hoa Kỳ).

Vưu Lệ Quyên
Tuổi: 44 – CEO Biti’s

Vưu Lệ Quyên, con gái lớn của nhà sáng lập Biti’s, được bổ nhiệm làm tổng giám đốc công ty vào năm 2018.

Vưu Lệ Quyên có bằng cử nhân kỹ thuật hóa học, Đại học Toronto (Canada). Cô cũng sáng lập thương hiệu túi xách và giày dép Gosto.

Sau khi du học, Quyên trở về công ty gia đình làm việc từ năm 2003, cô trải qua các vị trí quản lý từ thấp đến cao và phụ trách nhiều dự án nội bộ.

Kế nghiệp và tiếp quản kinh doanh gia đình, Quyên tạo các thay đổi mang đến sự tươi mới cho thương hiệu có bề dày hơn 30 năm phát triển, điển hình như ra mắt dòng sản phẩm Biti’s Hunter, sau thời gian dài nghiên cứu, đầu tư khoảng năm triệu đô la Mỹ.

Song song, ban lãnh đạo công ty thường xuyên thực hiện các chiến dịch quảng cáo sản phẩm kết hợp với các nghệ sĩ trẻ hàng đầu Việt Nam, trong đó có Sơn Tùng M-TP.

Một số dấu ấn khác của nữ CEO sinh năm 1980 trong tổ chức như áp dụng công nghệ vào quản lý sản xuất và điều hành, mở rộng kênh phân phối vật lý các điểm bán; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đào tạo nhân viên làm việc – học tập hạnh phúc – đề cao giá trị tinh thần.

Biti’s là thương hiệu do ông Vưu Khải Thành và người bạn đời sáng lập năm 1982, sau đó được chuyển đổi thành Hợp tác xã mang tên Bình Tiên chuyên sản xuất dép cao su tại quận 6, TP.HCM.

Đầu thập niên 1990, sản phẩm Biti’s đã nổi tiếng trên toàn quốc và xuất khẩu đi nhiều quốc gia, ngày nay được nhận diện quen thuộc với slogan: “Nâng niu bàn chân Việt”. Doanh thu hằng năm của Biti’s hiện đạt trên 4.000 tỉ đồng.

Nguyễn My Lan
Tuổi: 52 – CEO AkzoNobel Việt Nam

Đảm trách vai trò CEO tại AkzoNobel Việt Nam ngay trong giai đoạn đại dịch, năm 2021, bà Lan tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu thị trường cho AkzoNobel – công ty đa quốc gia của Hà Lan chuyên sản xuất sơn và chất phủ hiệu suất cho cả ngành công nghiệp và dân dụng toàn cầu hoạt động tại hơn 150 quốc gia.

Năm 2023, bà Nguyễn My Lan tiếp tục phụ trách thị trường toàn khu vực Đông Nam Á và Úc – New Zealand cùng một số thị trường xuất khẩu, kiêm tổng giám đốc Decor AkzoNobel tại Việt Nam.

Đông Nam Á hiện là khu vực trọng điểm tăng trưởng của tập đoàn sơn 232 năm tuổi này. Để thực thi chiến lược này, văn phòng khu vực được chuyển từ Singapore về TP.HCM.

AkzoNobel là một trong những công ty hàng đầu trong ngành sơn trang trí về doanh số tại Việt Nam và dẫn đầu phân khúc cao cấp theo cả doanh thu và thị phần. AkzoNobel vận hành bốn nhà máy tại Việt Nam cùng đội ngũ nhân viên 1.400 người.

Trước khi gia nhập AkzoNobel, bà My Lan có 16 năm làm việc tại General Electric (GE) và là giám đốc điều hành đầu tiên của GE Việt Nam ngay sau khi Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam, sau đó là phó chủ tịch Tập đoàn GE trong khu vực.

Bà cũng từng làm việc tại Phòng Thương mại Hoa Kỳ của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam với vai trò chuyên viên tài chính và chuyên gia bảo hiểm trước khi gia nhập GE.

Bà My Lan tốt nghiệp MBA Đại học Công nghệ Paramount, cử nhân và thạc sĩ Luật Thương mại Quốc tế và Quản trị Kinh doanh – Đại học Kinh tế Quốc dân.

Nguyễn Thu Hằng
Tuổi: 40 – CEO Vinhomes

Bà Nguyễn Thu Hằng, đảm nhiệm “ghế nóng” tại Vinhomes vào năm 2022. Trong ba năm qua thị trường bất động sản Việt Nam bước vào chu kỳ điều chỉnh, gặp nhiều khó khăn nhưng bà Hằng cho thấy năng lực khi cùng tập thể lãnh đạo đưa công ty vượt qua những thách thức lớn của thị trường.

Duy trì vị thế nhà phát triển dự án bất động sản lớn nhất Việt Nam, năm 2023, Vinhomes đạt lợi nhuận sau thuế  33.371 tỉ đồng, xếp thứ hai thị trường chứng khoán. Bất chấp khó khăn về tín dụng, lãi suất cao và vướng mắc pháp lý, Vinhomes công  bố doanh thu cao nhất lịch sử, đạt gần 104 ngàn tỉ đồng.

Trong hai năm qua tổng tài sản của Vinhomes tăng thêm 200 ngàn tỉ đồng, vốn chủ sở hữu tăng từ 130 ngàn tỉ đồng lên 200 ngàn tỉ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế hơn 80 ngàn tỉ đồng.

Mô hình đại đô thị, một chiến lược trọng tâm của Vinhomes, đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của Vinhomes sẽ tiếp tục được triển khai trong những năm tới với dự án Vinhomes Global Gate (Vinhomes Cổ Loa), Vinhomes Royal Island (Vinhomes Vũ Yên)…

Bà Nguyễn Thu Hằng có 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, có chuyên môn sâu về kiểm toán, quản trị rủi ro và ngân hàng. Trước khi đảm nhiệm vị trí CEO tại Vinhomes, bà từng giữ các vị trí quản lý cấp cao tại VietinBank, bao gồm trưởng phòng quản lý rủi ro hoạt động, trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp và trưởng phòng thị trường vốn, và phó tổng giám đốc thường trực phụ trách vận hành tại Vinhomes.

CEO Vinhomes có bằng cử nhân Tài chính và kế toán từ Đại học New South Wales (Úc) và bằng thạc sĩ Kinh tế chuyên ngành ngân hàng và tài chính từ ESCP Europe & Paris Dauphine.

Đinh Thị Thúy
Tuổi: 48 – CEO công ty cổ phần Misa

Bà Đinh Thị Thúy bắt đầu sự nghiệp tại MISA ngay sau khi tốt nghiệp cử nhân kế toán Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội năm 1998.

Trong 26 năm gắn bó với công ty tròn 30 năm thành lập này, bà Thúy từ một nữ kế toán trở thành nữ CEO điều hành đội ngũ gần 3.000 nhân sự hiện tại với đông đảo lực lượng kỹ sư công nghệ thông tin.

Hiện tại, MISA là doanh nghiệp phần mềm có vị thế hàng đầu Việt Nam, chuyên cung cấp giải pháp quản trị doanh nghiệp với thế mạnh cốt lõi là tài chính kế toán – nơi bà Thúy phát huy được năng lực và tố chất nghề nghiệp.

Nhờ kiến thức chuyên môn về tài chính – kế toán, bà đảm nhận việc tư vấn về nghiệp vụ cho đội ngũ kỹ thuật phần mềm, và trở thành người giới thiệu, triển khai phần mềm đến khách hàng. Bà Thúy cũng trải qua nhiều nghiệp vụ khác nhau như tư vấn triển khai, quản lý chất lượng (QA), kiểm thử phần mềm… trước khi chuyển sang đảm trách kinh doanh.

Nữ CEO góp phần đưa MISA thành doanh nghiệp phần mềm hàng đầu trong cung cấp giải pháp cho khối doanh nghiệp SMEs và kinh doanh bán lẻ, nằm trong nhóm 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Số liệu tự bạch, phần mềm Misa có mặt tại hơn 10 ngàn xã phường và 55 ngàn đơn vị hành chính sự nghiệp, chiếm hơn 80% thị phần.

Bà Đinh Thị Thúy cũng tốt nghiệp thạc sĩ Kinh tế – Tài chính – Ngân hàng tại Học viện Tài chính.

Nguyễn Ngô Vi Tâm
Tuổi: 45 – CEO Vĩnh Hoàn

Nguyễn Ngô Vi Tâm được bổ nhiệm làm CEO của Vĩnh Hoàn vào năm 2016 sau 13 năm gắn bó với công ty. Vĩnh Hoàn hiện là nhà xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, liên tục duy trì vị trí số 1 từ năm 2009 đến nay.

Trong giai đoạn 2016-2023, doanh thu và lợi nhuận (sau thuế) của Vĩnh Hoàn đã tăng lần lượt 40% và 62%. Năm 2023, doanh thu Vĩnh Hoàn đạt trên 10 ngàn tỉ đồng.

CEO Vĩnh Hoàn có bằng cử nhân luật và thạc sĩ quản trị kinh doanh của trường Quản lý Maastricht (Hà Lan).

Làm việc cho văn phòng công ty luật YKVN, Vi Tâm hỗ trợ Vĩnh Hoàn giải quyết vụ kiện chống bán phá giá vào Hoa Kỳ giai đoạn 2002-2003. Chiếm được cảm tình của nhà sáng lập Vĩnh Hoàn Trương Thị Lệ Khanh, bà đầu quân cho công ty tư nhân này.

Bắt đầu với vị trí trưởng nhóm kinh doanh, bà đã thăng tiến qua nhiều vị trí, chứng minh được năng lực và sự tận tâm với công việc nên được chuyển giao vị trí điều hành khi 37 tuổi.

Ở vị trí điều hành, Vi Tâm cho biết đưa công ty hoạt động cân bằng giữa nhiều yếu tố: doanh nghiệp niêm yết có các cổ đông tổ chức nước ngoài và cổ đông nhỏ, tính chất và xuất phát điểm một công ty tư nhân, doanh nghiệp có tập thể nữ quản lý chiếm đa số, công ty nông nghiệp có địa bàn và vùng nguyên liệu trải rộng, trong khi đầu ra là thị trường nước ngoài có các tiêu chuẩn an toàn khắt khe…

Chủ tịch Vĩnh Hoàn, bà Trương Thị Lệ Khanh đánh giá cao CEO công ty vì sự chắc chắn, thận trọng và yêu cầu cao với công việc.

Nguyễn Quỳnh Trâm
Tuổi: 48 – CEO Microsoft Việt Nam

Bà Nguyễn Quỳnh Trâm lãnh đạo Microsoft Việt Nam từ năm 2022, là người chịu trách nhiệm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghệ và các ngành công nghiệp, đưa Microsoft tiếp cận tham vọng của Việt Nam trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.

Bà tập trung hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ đám mây, xây dựng khả năng phục hồi sau đại dịch và trao quyền cho các doanh nghiệp số và các công ty khởi nghiệp để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo.

Trước đó bà Trâm từng là giám đốc quốc gia phụ trách thị trường Việt Nam, Campuchia và Lào của Google APAC; phó tổng giám đốc và giám đốc điều hành FOX Networks Group; lãnh đạo Vietnamobile, VSTV – liên doanh đầu tiên giữa VTV và tập đoàn truyền hình trả tiền của Pháp Canal Plus, PayPal và Orange France.

Bà cũng từng là nhà nghiên cứu và viết dự án cho Việt Nam tại Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP).

Bà Trâm có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại trường Kinh doanh École Supérieure des Sciences Economiques et Commerciale (ESSEC Business School) sau khi tốt nghiệp trường Kinh tế, Đại học Erasmus Rotterdam.

Lê Quang Thục Quỳnh
Tuổi: 44 – CEO CTCP Quốc tế Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS)

Thành lập từ năm 1997, Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS) là một trong những hệ thống đào tạo ngoại ngữ lâu đời và quy mô nhất thị trường, với 86 cơ sở trên toàn quốc và đội ngũ hơn 3.100 giáo viên nước ngoài và Việt Nam.

Năm 2019, quỹ đầu tư Hồng Kông EQT Private Capital Asia (tên cũ: BPEA) đã mua lại phần cổ phần VUS từ nhà sáng lập Phạm Tấn Nghĩa.

Từ năm 2021, VUS dẫn đầu thị trường đào tạo tiếng Anh về doanh thu và lợi nhuận. Tỉ suất sinh lời của VUS giảm dần do tính cạnh tranh và phân mảnh của thị trường ngày càng cao, nhưng hiện vẫn còn trên 10%, thuộc nhóm tốt nhất.

Bà Lê Quang Thục Quỳnh sinh năm 1980, tốt nghiệp cử nhân ngoại thương Đại học Kinh tế TP.HCM.

Từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý cấp cao tại Saigon Co.op, bà Quỳnh gia nhập VUS từ năm 2016 với vai trò giám đốc vận hành và sau đó là vị trí tổng giám đốc năm 2017.

Dưới sự điều hành của bà Quỳnh, VUS có những cải tổ lớn nhằm tinh gọn tổ chức, mở rộng hệ thống và chuyển mình để tạo ra động lực tăng trưởng mới.

Nguyễn Đức Thạch Diễm
Tuổi: 51 – CEO Sacombank

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm được bổ nhiệm làm CEO Sacombank vào năm 2017 sau 15 năm gắn bó với ngân hàng tư nhân này.

Trong thời gian sáu năm ở cương vị điều hành, bà Diễm đã góp phần đưa nhà băng 32 năm tuổi giải quyết nợ xấu và các vấn đề tồn đọng.

Năm 2016, tỉ lệ nợ xấu của Sacombank lên tới 28,6% nhưng đến năm 2024, theo báo cáo tài chính quý 2 đã giảm xuống mức 2,15%. Lợi nhuận bán niên 2024 của Sacombank đạt 5.342 tỉ đồng, cao nhất so với cùng kỳ tính từ năm 2016.

Bà Diễm gia nhập Sacombank từ năm 2002, trải qua nhiều biến động thượng tầng của ngân hàng này và ba đời chủ tịch (ông Đặng Văn Thành, ông Kiều Hữu Dũng, ông Dương Công Minh…) bà được cất nhắc, trọng dụng nhờ tinh thần làm việc tận tụy, nguyên tắc làm việc chắc chắn, đặt sự phát triển của tổ chức lên cao nhất. Bà Diễm có phong cách quản lý sâu sát, nguyên tắc, kỷ luật.


Phương pháp

Để lập ra danh sách, đội ngũ nội dung của Forbes Việt Nam sàng lọc dữ liệu thô tại hàng trăm công ty, bao gồm công ty niêm yết, công ty tư nhân và doanh nghiệp FDI, nơi có các CEO nữ. Độ tuổi của CEO nữ trong danh sách từ 40–55, độ tuổi đạt độ chín trong sự nghiệp, không phân biệt kế nghiệp, kế thừa kinh doanh gia đình hay làm thuê chuyên nghiệp.
Các công ty được xem xét sâu hơn cần đáp ứng một số tiêu chí: kinh doanh có lãi, có vị thế trong ngành, đang tăng trưởng và mở rộng tích cực. Trong đó, chúng tôi xem xét kỹ đến doanh thu, lợi nhuận và tăng trưởng. Kế tiếp, chúng tôi xem xét thời gian làm việc của nữ CEO, với những người làm thuê chuyên nghiệp mới gia nhập công ty thời gian tối thiểu là hai năm và thời gian một năm nếu nữ CEO được cất nhắc từ nội bộ (thời gian làm việc tại công ty tối thiểu ba năm).
10 CEO nữ được chọn cần đáp ứng một số tiêu chí khác qua điều tra nội bộ: tạo ra thay đổi tích cực cho công ty, để lại dấu ấn cá nhân và có tinh thần lãnh đạo truyền cảm hứng giúp công ty thay đổi tích cực.

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/forbes-viet-nam-10-nu-ceo-the-he-ke-tiep)