Phân khúc du lịch cao cấp được đầu tư hướng đến phục vụ du khách
quốc tế. Nhưng trong giai đoạn vừa mở cửa du lịch quốc tế, nguồn khách nội địa vẫn là đối tượng ưu tiên.
Sau gần hai năm đóng cửa, ngành du lịch Việt Nam thử nghiệm đón những du khách quốc tế đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Campuchia vào cuối tháng 11.2021. Cùng thời điểm đó, tổng cục Du lịch Việt Nam triển khai chiến dịch truyền thông Sống trọn vẹn ở Việt Nam (Live fully in Vietnam), bước thử nghiệm để thu hút những khách quốc tế đã có hộ chiếu vaccine tới Việt Nam. Nhưng việc mở cửa toàn thị trường du lịch vẫn cần thời gian để hiện thực hóa, có thể phải cần tới 18 tháng để thị trường phục hồi về mức trước khi dịch bệnh bùng phát. Hiện các khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn tập trung phục vụ nhu cầu nội địa là chính.
Các nhà tổ chức cho biết chiến dịch Sống trọn vẹn ở Việt Nam sau ba tháng đã góp phần thu hút hơn 10 ngàn lượt du khách quốc tế theo chương trình thí điểm (đến hết tháng 2.2022).
Theo tổng cục Du lịch, trong quý 1.2022, gần 91 ngàn lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 89% so với cùng kỳ năm trước; khách nội địa đạt 26,1 triệu lượt, tăng mạnh so với con số 16,5 triệu của cùng kỳ 2021.
Sau giai đoạn thử nghiệm, từ ngày 15.3, Việt Nam mở cửa toàn bộ ngành du lịch, kỳ vọng khôi phục một trong những lĩnh vực bị tác động mạnh nhất do đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp lưu trú hào hứng đón nhận thông tin mới sau hai năm đại dịch đẩy các hoạt động kinh doanh của họ vào “những ngày buồn thê thảm.”
Trong đại dịch, nhiều nơi đóng cửa toàn bộ hoạt động, nhiều nơi tổ chức đào tạo nhân viên, lên các ý tưởng cải thiện trải nghiệm dịch vụ, tổ chức lớp yoga, đọc sách, thể thao để duy trì tinh thần và gắn kết nhân viên. Giờ đây, các cơ sở lưu trú cao cấp đang kỳ vọng lấy đà trở lại đón khách.
Họ chủ động thực hiện các chương trình tiếp thị với thị trường quốc tế, đồng thời tối ưu hóa các hoạt động để đáp ứng nhu cầu của khách trong nước.
Tại Phú Quốc, ông Adam Owen Riley, giám đốc phụ trách mảng nghỉ dưỡng của BIM Land, công ty thành viên BIM Group, cho Forbes Việt Nam biết bên cạnh InterContinental Phu Quoc Long Beach Resort hoạt động từ năm 2018, năm nay BIM Land đưa vào vận hành Regent Phu Quoc, Sailing Club Signature Resort Phu Quoc và Citadines Marina với 580 phòng tại Hạ Long. “Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng của BIM tại Phú Quốc và Hạ Long đã chuẩn bị đón khách trở lại,” ông cho biết qua email.
Tại InterContinental Phu Quoc Long Beach Resort, khi đại dịch bùng phát, đội ngũ ở đây ưu tiên việc tuyển dụng và đào tạo, tập trung cải tiến dịch vụ và chất lượng sản phẩm. Regent Phu Quoc, thương hiệu được BIM định vị “siêu xa xỉ” tập trung phát triển dịch vụ được cá nhân hóa, hướng đến nhu cầu của các gia đình, các nhóm bạn hoặc cặp đôi.
Còn tại Hạ Long, BIM Land vận hành Citadines Marina Halong, mô hình căn hộ dịch vụ có thương hiệu đầu tiên tại đây.
Theo quan sát của ông Adam, nhu cầu nghỉ dưỡng trong nước phục hồi từ quý 4.2021, đặc biệt phục hồi nhanh tại Phú Quốc. Tại Hạ Long, ông kỳ vọng sẽ phục hồi tốt từ quý 2.2022. Ước tính ít nhất 60% chỗ đặt trước tại các đơn vị này đến từ khách nội địa, trong khi khách quốc tế tăng dần từ quý 2.
Hai thị trường khách quốc tế gồm Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ phục hồi sớm hơn, tiếp theo là Mỹ và Úc. Riêng thị trường khách Trung Quốc phục hồi chậm hơn do nước này vẫn thực thi chính sách zero COVID.
Cũng tại Phú Quốc, New World Hotel and Resort Phu Quoc, khu nghỉ dưỡng và khách sạn hợp tác giữa tập đoàn Rosewood Hotels & Resorts (Hong Kong) và Sun Group đã mở cửa trở lại. Khai trương tháng 5.2021, khu nghỉ dưỡng này đóng cửa vì dịch và mở lại từ tháng 11.2021.
Tổng giám đốc Jai Kishan cho biết số lượng nhân sự đã tăng lên 275 người và hướng tới 350 người trong hai tháng tới. Trên diện tích 60 héc ta với 375 villa có hồ bơi, hiện khu này đang vận hành 200 villa và dự kiến sẽ vận hành được toàn bộ vào cuối năm nay.
Giữa tháng 3.2022, CBRE công bố báo cáo tiêu điểm ngành khách sạn, đánh giá du lịch Việt Nam “có triển vọng tích cực trong năm 2022” và chủ yếu vẫn sẽ dựa vào nhu cầu trong nước.
Tại TP.HCM và Hà Nội, đại dịch đã khiến nhiều dự án khách sạn 4 – 5 sao bị đình trệ. Tại Hà Nội, theo báo cáo của CBRE, năm 2021 chỉ có một khách sạn 5 sao mới là Capella Hanoi với 47 phòng; một số dự án thương hiệu quốc tế như Four Seasons, Wink, Dusit và Fairmont dự kiến hoàn thành cuối năm 2023. Trong khi đó, năm 2011 TP.HCM không có khách sạn tiêu chuẩn quốc tế khai trương mới nhưng nguồn cung mới sắp tới có Ritz Carlton, Mandarin Oriental, Hotel Indigo và Avani.
Ông Julian Wong, tổng giám đốc khách sạn Sheraton Saigon Hotel & Towers tại TP.HCM nhận định thị trường du lịch cho mục đích công việc sẽ hồi phục trước, trong khi du lịch nghỉ dưỡng và mảng du lịch kết hợp hội nghị (MICE) quốc tế sẽ hồi phục vào nửa cuối của năm nay. Tuy nhiên, ông dự báo cần tới khoảng 18 tháng để thị trường lưu trú phục hồi về mức trước dịch.
Nhiều nhân sự đã chuyển việc khiến ngành bị thiếu hụt người có kinh nghiệm, mặt khác hầu hết các dự án cải tạo hay đòi hỏi vốn lớn đều tạm ngưng nên trải nghiệm của khách hàng có thể bị ảnh hưởng. “Nhưng đây là thách thức ngắn hạn. Tôi tin vấn đề này sẽ được giải quyết nhanh khi ngành du lịch phục hồi,” ông Julian trao đổi với Forbes Việt Nam qua email.
Trước mắt, Sheraton Saigon Hotel & Towers cung cấp những chương trình staycation (nghỉ dưỡng tại chỗ, tại khách sạn gần nơi ở) để cải thiện dòng tiền, cũng như phát triển các chương trình ở dài ngày dành cho khách là các chuyên gia quốc tế đến Việt Nam. Sheraton Saigon cũng nâng cấp các gói nghỉ tại đây, kết hợp với trải nghiệm nghỉ dưỡng cho khách ngay trong khách sạn, bên cạnh phát triển một số dự án và sản phẩm để xây dựng thương hiệu với thị trường trong nước.
Còn Jai Kishan trong cuộc trao đổi trực tuyến với Forbes Việt Nam từ Phú Quốc tỏ ra lạc quan trước diễn biến thị trường. New World Hotel and Resort Phu Quoc đang thực hiện các chương trình tiếp thị cho các khách Úc, Mỹ thay vì từ Nga như trước.
“Làm thế nào để thu hút khách mới nếu không có thông điệp chủ động, mang lại trải nghiệm xuất sắc cho khách hàng? Các hoạt động (của các doanh nghiệp khách sạn nghỉ dưỡng) phải hướng tới mục tiêu gây dựng lòng trung thành, giúp cải thiện doanh thu, tăng thị phần. Đây vẫn là yếu tố mấu chốt cho bất kỳ một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng thành công nào,” tổng giám đốc của New World Hotel and Resort Phu Quoc nói.
(Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam tháng 4.2022, chuyển đề Phục hồi từ đại dịch.)
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/du-lich-nghi-duong-cao-cap-tai-viet-nam-tren-duong-hoi-phuc)
2 năm trước
1 năm trước
Đánh thức hoang sơ