Những doanh nhân ngày nay nhiều tham vọng hơn, những thách thức và cơ hội của thế giới ngày nay cũng lớn hơn rất nhiều và chỉ các doanh nhân mới giải quyết được những vấn đề này.
Tôi nhìn thấy thế giới đang có tám tỉ người, nhưng chỉ 800 triệu người có lối sống giàu có. Sự giàu có thể hiện trong giáo dục, nhà ở, đi lại, tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giải trí.
Nhưng cả tám tỉ người đều muốn có được lối sống giàu có này. Nếu làm theo cách cũ, chúng ta sẽ phá hủy hành tinh. Sẽ không có đủ thép, không có đủ xi măng hoặc đồng, không đủ bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ về ung thư, không đủ kỹ sư xây dựng.
Chọn bất kỳ yếu tố nào trong số này nhân lên 10 lần, tỉ lệ đó sẽ tăng lên thành 1.000%. Nhưng với đổi mới, tất cả đều trở thành có thể.
Đây là phần trích dẫn phát biểu của doanh nhân kiêm nhà đầu tư mạo hiểm của Hoa Kỳ, Vinod Khosla, người sáng lập và đứng đầu công ty đầu tư mạo hiểm của thung lũng Silicon Khosla Ventures. Khosla được biết đến trong các cộng đồng khởi nghiệp công nghệ là “Vnod” – cái tên đại diện cho thành công kéo dài bốn thập niên của ông.
Năm 1982, Khosla (người nhập cư từ Pune, Ấn Độ vào Hoa Kỳ) đã cùng ba người khác thành lập Sun Microsystems, công ty tiên phong về máy tính kết nối mạng. Sau đó, ông chuyển sang đầu tư. Thắng lợi ban đầu của ông là Juniper Networks năm 1996, hiện trở thành công ty doanh thu 5,6 tỉ đô la Mỹ.
Forbes chốt giá trị tài sản ròng hiện tại của Khosla ở mức 6,4 tỉ đô la Mỹ (cuối tháng 11.2023). Sự lạc quan của ông vô cùng mới mẻ: “Tôi hoàn toàn tin rằng những cuộc khủng hoảng mà chúng ta đã có sẽ dẫn đến 25 năm hiệu quả nhất cho các nhà đổi mới và doanh nhân.”
Khosla lập luận như sau: “Đầu tiên, hai sự kiện không may nhất trong vài năm qua, Ukraine và COVID-19, đã tạo ra các biến đổi chuyển tiếp là cơ hội lớn cho các nhà đổi mới. Thứ nhất, xung đột Nga–Ukraine đã khởi động quá trình chuyển đổi trong ngành năng lượng, vốn trước đây hầu như không có biến chuyển vì dẫu thế giới biết đây là điều phải làm nhưng chẳng ai sẵn lòng thay đổi.
Giờ đây, điều đó đã thay đổi đáng kể. Thứ hai, COVID-19 với tình trạng phong tỏa hoàn toàn ở Trung Quốc đã thuyết phục thế giới chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, tránh phụ thuộc vào nguồn duy nhất. Như vậy, đó là cơ hội lớn cho các nhà đổi mới. Chiếc chân kiềng thứ ba là đột phá trong AI. Đối với tôi, điều này hiển hiện khá rõ ràng trong năm năm qua khi đầu tư vào công ty OpenAI.”
Tôi mời ông lý giải nguyên nhân của quá trình tăng tốc khủng khiếp của AI thời điểm này. Khosla trả lời, có một bài báo năm 2017 của Google mang tiêu đề Attention Is All You Need (Sự chú ý là tất cả những gì bạn cần) phác thảo mô hình tính toán mới có tên Transformer, đã cải thiện triệt để AI và được tăng cường hơn nữa nhờ những tiến bộ trong sức mạnh tính toán. “Có thể khẳng định hai yếu tố kỹ thuật đó đã dẫn đến gia tăng nhanh chóng về năng lực, gây ngạc nhiên cho mọi người, kể cả tôi,” Khosla nhận định.
Khosla cho rằng khi AI ngày càng trở nên phổ biến, rẻ và mạnh hơn, nhân loại sẽ gặt hái những lợi ích khó tin. “Vì vậy, hình dung về thế giới tương lai là dịch vụ chuyên môn sẽ được miễn phí. Nghĩa là mọi người đều có thể có bác sĩ chăm sóc chính 24/7 gần như miễn phí. Mọi đứa trẻ đều có thể có gia sư riêng gần như miễn phí.”
Khosla nói thêm ông tin sẽ có 1 tỉ robot di chuyển bằng hai chân được tạo ra trong 25 năm tới, thay thế con người trong hầu hết các công việc không mong muốn, như làm việc trên dây chuyền lắp ráp, lặp lại một việc suốt tám giờ mỗi ngày trong 30 năm liên tiếp.
Tôi hỏi Khosla rằng các doanh nhân hiện nay có khác với những người mà ông đã hỗ trợ trong quá khứ không. Ông cho biết mình thấy các doanh nhân ngày nay có tham vọng hơn. Ông cũng lưu ý là những thách thức và cơ hội của thế giới ngày nay lớn hơn rất nhiều và chỉ các doanh nhân mới giải quyết được những vấn đề này.
Khosla chỉ ra rằng tất cả “sự đổi mới lớn” luôn đến từ các công ty khởi nghiệp chứ không phải các công ty lớn – chẳng hạn như, Bob Swanson tại Genentech đi tiên phong về công nghệ sinh học và cuộc cách mạng xe điện được khơi dậy từ Elon Musk của Tesla. Ông nói: “Suốt 40 năm tôi theo dõi, chưa có sự đổi mới lớn nào đến từ bất kỳ công ty lớn nào.”
Khosla kết thúc cuộc trò chuyện với hi vọng các doanh nhân sẽ tiếp nhận trọng trách tạo ra đổi mới. “Thế giới tốt hơn nhiều chỉ có thể thành hiện thực nếu các doanh nhân biến nó thành sự thật.” Hãy bắt tay vào để biến quá trình đó thành hiện thực.
————————————————-
Rich Karlgaard là biên tập viên tại Forbes. Là tác giả & nhà tương lai học, ông đã xuất bản một số cuốn sách, mới nhất là cuốn Late Bloomers, khám phá đột phá về ý nghĩa của việc trở thành tài năng nở muộn trong nền văn hóa bị ám ảnh bởi điểm SAT và thành công sớm. Truy cập: www.forbes.com/sites/richkarlgaard
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/doi-moi-de-hien-thuc-hoa)
11 tháng trước
San Francisco Ballet kết hợp AI vào vở ballet ‘Mere Mortals’3 năm trước
Bên trong phòng thử đồ công nghệ của Amazon2 năm trước
BEST Inc: Chuyển phát nhanh kiểu mới