Công nghệ xanh

Công nghệ và sáng tạo dẫn dắt doanh nghiệp phát triển bền vững

2 ngày trước
Tác giả Minh Tâm

Ở phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Sáng tạo và công nghệ: Lực đẩy kinh tế tương lai”, các diễn giả Hội thảo Phát triển bền vững 2025 của Forbes Việt Nam chia sẻ về những thực hành bền vững và lợi ích mà công nghệ mang đến trong quá trình phát triển bền vững.

Share
this:

Chia sẻ trong phiên thảo luận này gồm các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau gồm ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Điều hành Sản xuất kiêm Trưởng dự án Net Zero của Vinamilk; ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Mylan Group kiêm Tổng Giám đốc RYNAN Holdings JSC; và ông Phạm Văn Việt, Nhà sáng lập và Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean. Phiên thảo luận sẽ được điều phối bởi ông Phan Thanh Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Phát triển Kinh doanh Khối Doanh nghiệp FPT IS, Tập đoàn FPT.

Ông Phan Thanh Sơn, FPT: Thưa ông, những công nghệ nào đang đóng vai trò quan trọng cho quá trình hướng tới mục tiêu net zero của Vinamilk?

Ông Lê Hoàng Minh, Vinamilk: Hiện nay, Vinamilk đang có 3 đơn vị đạt trung hòa carbon là 2 nhà máy và 1 trang trại. Chúng tôi đã xác định được mục tiêu rõ ràng trong phát triển bền vững từ năm 2010 bên cạnh mục tiêu kinh doanh. Khi có mục tiêu như vậy thì chúng tôi tích hợp xuống nhà máy, trang trại. Từ đó tạo ra năng suất lao động cao hơn, tiết kiệm năng lượng hơn, tối ưu sử dụng nguyên vật liệu, giảm phát thải… Tất cả đã tạo ra kết quả, những gì tiết kiệm được quy đổi thành giảm phát thải CO2 tương đương. Bài học lớn nhất là tích hợp công nghệ sản xuất và năng lượng.

Ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc điều hành Sản xuất kiêm Trưởng dự án Net Zero, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)

Câu hỏi là công nghệ nào đóng góp nhiều nhất tại Vinamilk? Chúng tôi đang áp dụng khá nhiều công nghệ, mỗi công nghệ đều có những vai trò và hiệu quả nhất định trong chuỗi hoạt động. Ví dụ như nhà máy thông minh với công nghệ tự động hóa hoàn toàn của Tetra Pak giúp năng suất cao hơn 10 -20% so với các nhà máy khác và tiêu hao năng lượng ít hơn cũng chừng đó.

Ngoài ra chúng tôi áp dụng kho thông minh. Chúng tôi có 4 kho thông minh tại 4 nhà máy với trữ lượng 50.000 vị trí pallet, năng lượng vận hành giảm 70%, diện tích kho bằng 1/6 kho thông thường. Hay công nghệ xử ý nước thải tạo ra biogas tại trang trại: nước thải sau xử lý đạt chuẩn dùng tưới tiêu cho trang trại; khí metan tạo ra dùng để sấy cỏ, đun nước nóng, thanh trùng sữa.

Đồng thời, Vinamilk còn sử dụng năng lượng áp mái ở 13 trang trại, 11 nhà máy với tổng công suất 42 MWp, đáp ứng 15-20% nhu cầu sử dụng điện của các đơn vị… Tại các nhà máy của Vinamilk, năng lượng xanh đã thay thế 89% năng lượng có nguồn gốc hóa thạch.

Hiện nay, Vinamilk đã chuyển đổi số hoàn toàn trong hoạt động tài chính, sản xuất, cung ứng, nhà máy… Trong 1, 2 năm vừa rồi, lượng giấy giảm 95%.

Ông Phan Thanh Sơn, FPT: Thưa TS. Nguyễn Thanh Mỹ, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn ứng dụng công nghệ nhưng không dễ. Ông có gợi ý gì với các doanh nghiệp này?

Ông Nguyễn Thanh Mỹ, RYNAN Holdings JSC: Năm 2020, mọi người nói chuyện chuyển đổi số ngành tôm. Một kg tôm phát thải hơn gấp đôi 1kg thịt bò. Lần đầu tiên tôi coi người ta nuôi tôm thì thấy nuôi trật hết, về nhiều khía cạnh. Sử dụng tài nguyên phí phạm: 1 tấn tôm sử dụng 8.000 KWh điện, 9.000 – 10.000 m3 nước… Vì thế chúng tôi đưa công nghệ vào để nuôi tôm hiệu quả hơn: giúp giảm ¾ lượng điện, 4/5 lượng nước và tăng diện tích nuôi trên tổng diện tích đất. Chúng tôi cũng sử dụng vỏ tôm làm chất diệt khuẩn cho cây, gạch tôm lên men phân bón hữu cơ…

Sản xuất lúa gạo cũng vậy, chúng tôi có công nghệ để đo đạc và giảm phát thải CO2.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Mylan Group, Tổng giám đốc RYNAN Holdings JSC

Nhưng công nghệ phải do nhà nước làm trước, tức đầu tư hạ tầng. Hoặc các doanh nghiệp lớn mua công nghệ để sử dụng. Còn nông dân mình thì hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng. Doanh nghiệp công nghệ chúng tôi sống được là làm với nhà nước, làm với doanh nghiệp lớn chứ không thể lấy tiền từ nông dân.

Ông Phan Thanh Sơn, FPT: Ông có thể kể những bài học thú vị nhất từ những ngày đầu tiên ứng dụng công nghệ cho Việt Thắng Jean?

Ông Phạm Văn Việt, Việt Thắng Jean: Dệt may là ngành truyền thống. Năm 2010, chúng tôi họp với EU. Họ đưa ra tiêu chí ngành dệt may phải giảm 76% lao động hiện tại. Lúc đó chúng tôi rất hoang mang. Mình đã làm đủ thứ mà chỉ tăng năng suất 10 – 15%. Nhưng sau đó tôi nhờ họ tư vấn. Sau khi khảo sát, họ cho phương án là ứng dụng các công nghệ của Đức, Ý, Tây Ban Nha với việc sử dụng nguyên liệu xanh, tự nhiên; thực hiện tuần hoàn, tái chế… Mức đầu tư là 12 triệu USD cho dây chuyền 10.000 sản phẩm. Chúng tôi đã đắn đo đủ thứ nhưng rồi quyết định bán đất lấy tiền đầu tư vào năm 2012.

Sau dây chuyền may hiện đại, chúng tôi lắp thêm năng lượng áp mái, kho thông minh… Sau này thì ứng dụng 3D và AI cho thiết kế, công nghệ cắt lazer, công nghê ozone cân bằng màu tự nhiên… Tất cả giúp giảm chi phí, giá thành, giảm 85% lượng nước sử dụng, giảm 75% hóa chất, nước từ giặt xả được xử lý để tái sử dụng.

Quá trình đầu tư như vậy tốn kém nhưng giá bán vào EU tăng 15%. Phải mất 4 năm chúng tôi mới thu hồi vốn và đáp ứng toàn bộ tiêu chuẩn của họ. Không chỉ vậy người lao động rất thích, tỷ lệ ra – vào lao động ở Việt Thắng Jean chỉ 2%..

Ông Phan Thanh Sơn, FPT: Quay lại với ông Minh, những trụ cột công nghệ mới như AI và big data đã và đang tạo ra những bước nhảy vọt nào cho Vinamilk?

Ông Phan Thanh Sơn, Phó chủ tịch, Giám đốc phát triển kinh doanh, Khối Doanh nghiệp FPT IS, Tập đoàn FPT điều phối phiên thảo luận

Ông Lê Hoàng Minh, Vinamilk: Vinamilk đã từng bước ứng dụng AI trong các mảng hoạt động. Chúng tôi đã triển khai hệ thống phân tích dự đoán để quản lý hàng tồn kho. Ứng dụng AI để phân tích các dữ liệu lịch sử và các yếu tố bên ngoài khác để xác định hàng tồn kho tối ưu. Khi tồn kho ở mức hợp lý, mang lại nhiều kết quả tốt hơn và giúp quản lý nguồn lực tốt hơn. Dự báo chính xác hàng tồn kho thì mảng sản xuất lên kế hoạch sản xuất đúng sản lượng, đúng thời điểm để nhà máy tăng được năng suất, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm được nguyên vật liệu.

Chúng tôi cũng từng bước ứng dụng AI trong việc phân tích xuất tiêu hao năng lượng cho 1.000 đơn vị sản phẩm theo kích cỡ của bao bì. Việc này bắt đầu đem lại lợi ích là xác định được xuất tiêu hao năng lượng chính xác hơn và từ đó thấy được bức tranh sử dụng năng lượng của nhà máy, để có những hành động duy trì hay cải thiện quá trình sản xuất nhằm giảm thiểu tiêu hao năng lượng vô ích và tăng tiết kiệm năng lượng.

Những ứng dụng này không tạo ra nhảy vọt nhưng nó mang lại nhưng kết quả tich cực từ từ, từng chút một, giúp nhà máy giảm được chi phí sản xuất. Khi chi phí được tiết kiệm thì sẽ giảm giá thành, tăng lợi nhuận, tăng lợi thế cạnh tranh. Tiết kiệm là việc dễ làm nhất và mang hiệu quả cao nhất. Và những giá trị tiết kiệm điện, tiết kiệm bao bì… thì có thể được quy đổi sang lượng phát thải giảm là CO2 tương đương, giúp hành trình net zero của chúng tôi nhanh hơn.

Ông Phan Thanh Sơn, FPT: Với góc nhìn của nhà khoa học, một doanh nhân, ông nhận định thế nào về vai trò AI và IoT trong nông nghiệp để Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi thực phẩm toàn cầu?

Ông Nguyễn Thanh Mỹ, RYNAN Holdings JSC: Mô hình AI của chúng tôi giúp nhận diện 130 côn trùng có hại, lợi, vô hại hay nhờ dữ liệu viễn thám mà chúng tôi biết bây giờ ở Đồng bằng sông Cửu Long đang có bao nhiêu diện tích mới xuống giống, sắp gặt hay đẻ nhánh… Những dữ liệu này giúp doanh nghiệp phân bón, cung cấp dịch vụ gặt lúa biết thêm thông tin để ra quyết định đi bán sản phẩm. Ứng dụng AI hiện nay rất thực tế, không tôn nhiều tiền như mình nghĩ và đã nâng cấp thành AIoT (trí tuệ nhân tạo vạn vật).

Toàn cảnh phiên thảo luận thứ 2 tại Hội nghị Phát triển bền vững 2025

Ông Phan Thanh Sơn, FPT: Quý vị có lời khuyên, gợi ý nào cho doanh nghiệp về việc đầu tư cho công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh nhiều biến động và thách thức như hiện nay?

Ông Phạm Văn Việt, Việt Thắng Jean: Nói chuyển đổi xanh, tăng năng lực cạnh tranh thì quan trọng nhất là con người. Lúc đầu, chúng tôi phải thuê chuyên gia, mua 4 – 5 công nghệ nhưng không biết kết nối thế nào về quản trị. Lúng túng, mất một thời gian. Đây là thời cơ chuyển đổi và các doanh nghiệp phải đào tạo con người, nâng cấp bộ máy và đảm bảo cạnh tranh.

Trước đây, mỗi mẫu hàng chúng tôi mất 45 ngày, nay chỉ cần 4 giờ là có thể chuyển cho khách hàng xem và trong vòng 7 ngày là có thể sản xuất, bán thử trên thương mại điện tử. Lúc đầu rất nhiều khó khăn. Chúng tôi ứng dụng rất nhiều AI nhưng phải có thời gian cho nhân sự làm quen.

Ông Phạm Văn Việt, Nhà sáng lập và Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean

Ông Lê Hoàng Minh, Vinamilk: Các doanh nghiệp lớn đã theo định hướng phát triển bền vững với mô hình kinh tế tuần hoàn. Nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa còn ngập ngừng bước chân vào con đường này. Có lẽ nhiều doanh nghiệp đang nghĩ rằng làm phát triển bền vững là tăng chi phí. Nhưng không hẳn như thế. Chúng ta có thể làm từng bước nhỏ, chẳng hạn như tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng…, sau đó mới đặt những mục tiêu rõ ràng hơn.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ, RYNAN Holdings JSC: Tôi tập trung vào nông nghiệp. Đưa công nghệ mới vào không dễ nhưng có tiềm năng lớn vì đất nước mình là nước nông nghiệp. AI hay công nghệ số, người Việt Nam dư sức làm. Về trí tuệ chúng ta không sợ, chi phí cũng không nhiều, cơ sở dữ liệu cũng có sẵn hoặc có cách thu thập. Quan trọng là nhà nước có cơ chế mở hơn. Nghị định 57 và 193 mở ra những đướng hướng mới và hy vọng sẽ đem được công nghệ của người Việt mình vào ruộng đồng, nhiều ngành nghề hơn nữa.

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/cong-nghe-va-sang-tao-dan-dat-doanh-nghiep-phat-trien-ben-vung)