CEO Max Levchin của Affirm đã tìm ra cách thức làm mới dịch vụ mua trước trả sau cho người trẻ, tìm cách kết liễu thẻ tín dụng, nhờ đó trở thành tỉ phú.
Ngày 26.4.1986, Max Levchin, 10 tuổi, cùng gia đình sống tại Kiev, Ukraine – cách nhà máy hạt nhân Chernobyl 150km về hướng Nam. Dù chính quyền Xô viết cố che đậy quy mô của vụ thảm họa hạt nhân, mẹ của Levchin, vốn là nhà vật lý học, biết rõ những rủi ro phóng xạ và ngay lập tức gói ghém hành lý đưa Max và anh trai về sống với bà ngoại tại Crimea, cách đó gần 1.000 km. Năm năm sau, gia đình của Levchin chuyển đến Chicago với tư cách là những người tị nạn Hồi giáo chỉ với 700 đô la Mỹ trong tay. Khi ấy hệ thống đồng rúp đã sụp đổ, chính phủ giới hạn số tiền người dân có thể mang ra nước ngoài.
“Vài năm sau khi đến Mỹ, tôi có chiếc thẻ tín dụng đầu tiên và lập tức tiêu vượt mức, bởi không hề hay biết cách sử dụng công cụ quyền lực này,” Levchin nói ngày 13.1, tại lễ niêm yết của Affirm Holdings – công ty fintech chuyên cung cấp dịch vụ mua trước trả sau do ông đồng sáng lập và là CEO. Ngày hôm ấy, giá cổ phiếu công ty đã tăng gấp đôi lên 96 đô la Mỹ, đẩy giá trị công ty lên 24 tỉ đô la Mỹ và cổ phần của Levchin lên 2,5 tỉ đô la Mỹ.
Không mang giày, mặc quần thể thao ngắn và áo thun đen Affirm, Max Levchin trò chuyện với Forbes từ Big Island ở Hawaii, nơi ông sống cùng vợ và hai con từ kỳ nghỉ tháng 12. Cách ăn mặc là điều duy nhất không nổi trội ở doanh nhân khởi nghiệp liên tục này.
Là thần đồng toán học với quyết tâm vươn lên của một người nhập cư, Levchin đồng sáng lập PayPal, nền tảng cách mạng hóa việc thanh toán trực tuyến, ở tuổi 23. Các thương vụ đầu tư mạo hiểm của ông còn có Yelp – nơi ông giữ vị trí chủ tịch cho tới năm 2015, Slide – công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ đa phương tiện được Levchin bán cho Google với giá 182 triệu đô la Mỹ năm 2010 và Glow – ứng dụng theo dõi hỗ trợ sinh sản.
Ông cũng ám ảnh với chế độ đạp xe và tập thể hình – thứ giúp ông khác biệt so với những năm tháng còn nhỏ nhiều bệnh tật. Đây cũng là chủ đề cho bài viết gây kinh ngạc về Levchin trên tạp chí Men’s Fitness năm 2014.
Tuy vậy đến tuổi 45, Levchin mới trở thành tỉ phú. Những đồng sáng lập khác của PayPal đã từ lâu đạt được danh hiệu này. Gia tài của Elon Musk, Peter Thiel và Reid Hoffman ngày nay có tổng giá trị lên tới 190 tỉ đô la Mỹ.
Levchin cuối cùng cũng tham gia câu lạc bộ tỉ phú nhờ sự phát triển của thương mại trực tuyến trong thời đại dịch và tầm nhìn từ gần một thập niên trước. Nói về trải nghiệm đầu tiên với tín dụng, CEO của Affirm nói cách nghĩ có phần thận trọng của thế hệ Millennials ngày ấy về tín dụng, vốn được cho là xuất phát từ nỗi lo về cuộc Đại suy thoái và gánh nặng nợ đại học, chưa phải nguyên nhân khiến họ “dị ứng” với thẻ tín dụng và vay nợ tiêu dùng. Bản thân nợ, hay lãi suất cao, không phải là những yếu tố “xua đuổi” khách hàng, mà là các yếu tố như phí phạt thanh toán muộn, sự hiện diện gây tranh cãi của các ngân hàng lớn (dẫn đến phong trào Chiếm lấy phố Wall – Occupy Wall Street) và tình trạng các món nợ có thể dễ dàng gia tăng – đặc biệt là với những ai không hiểu cách lãi suất được tính cộng gộp trên tín dụng xoay vòng.
Lãi suất của Affirm không hề thấp: từ 0-30% một năm, tùy vào khả năng thanh toán của người vay và trợ cấp lãi suất của bên bán. Tuy vậy công ty không thu phí phạt thanh toán tín dụng trễ và hiện rõ tổng lãi suất người mua phải trả cho mỗi giao dịch. Thông thường họ phải trả khoản phí cố định trong ba đến 12 tháng, hoặc có thể lên tới bốn năm với các giao dịch lớn. Người tiêu dùng có thể ngay lập tức được vay để mua các sản phẩm đắt tiền thông qua Affirm, trong khi chỉ cần trả đủ phí thẻ tín dụng thường kỳ mỗi tháng.
Ngược lại, khi chủ sở hữu có số dư cộng dồn trong thẻ tín dụng xoay vòng, mỗi giao dịch mới, kể cả khi mua một cốc cà phê sữa giá bốn đô la Mỹ, cũng sẽ phát sinh lãi suất (khoảng 40% chủ sở hữu đều có số dư dồn lại trong thẻ.)
Vay tiêu dùng hấp dẫn khách hàng trẻ đến mức các nhãn hàng như Peloton, Mirror hay West Elm hiện cũng hỗ trợ trả góp không lãi suất thông qua Affirm. Các khoản trả góp bán lẻ chiếm tới một nửa doanh thu 596 triệu đô la Mỹ trong 12 tháng kết thúc ngày 30.9 của Affirm. Công ty chưa có lời, ghi nhận khoản lỗ 97 triệu đô la Mỹ cùng kỳ.
Tuy vậy đến nay các nhà đầu tư vẫn đang bỏ tiền mua tăng trưởng, và mua trước trả sau vẫn đang là phương thức thanh toán thương mại điện tử có tốc độ phát triển nhanh nhất hành tinh tính tới năm 2025, theo dự đoán của Worldplay. Affirm và các đối thủ như Klarna (Thuỵ Điển), Afterpay (Úc) đã đầu tư hơn 10 tỉ đô la Mỹ cho các giao dịch tại xứ sở cờ hoa năm 2020, tăng từ khoảng 100 triệu đô la Mỹ năm năm trước.
Trong khi đó, số dư dồn lại trong thẻ tín dụng tại Mỹ đang ngày càng giảm, giá trị các giao dịch trên thẻ vẫn đang thấp hơn mức trước đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trả góp giờ phải nhìn nhận ngành kinh doanh theo hướng khác. Chẳng hạn Afterpay không kiểm tra tín dụng khách hàng hay thu lãi suất, mà nhận 14% doanh thu từ phí phạt vì thanh toán trễ – điều mà Levchin rất ghét.
“Tôi đồng ý là khách hàng vẫn quá ngây thơ,” ông nói. Trong thư gửi các nhà đầu tư trước IPO của Affirm, Levchin hứa sẽ đẩy nhanh xóa sổ các công ty “bán các sản phẩm tài chính độc hại và thu lợi nhuận từ sai lầm của người tiêu dùng.” Cụ thể là mô hình thẻ tín dụng cho khách hàng vay để thực hiện các giao dịch giá trị cao mà không tính lãi suất, nhưng sau đó tính lãi thu sau khi khách thanh toán nợ trễ.
Levchin theo học khóa khoa học máy tính của đại học Illinois ở Urbana – Champaign vì chuyên viên tư vấn tại trường công của Levchin chưa từng nghe tới “MTI” – tên ngôi trường ông muốn ghi danh. (Levchin đã nhầm lẫn cái tên MIT khi xem một chương trình của Nga lúc còn nhỏ.)
Levchin từng khởi nghiệp và thất bại nhiều lần trong và sau khi tốt nghiệp trước khi chuyển đến Thung lũng Silicon, nơi ông khiến Thiel chú ý nhờ công trình mật mã học của mình. Tại PayPal, Levchin tạo ra cách chuyển tiền an toàn từ thiết bị này sang thiết bị khác và hỗ trợ thiết kế hệ thống giúp nhận diện lừa đảo. Khi PayPal lên sàn năm 2002, Levchin giữ chức giám đốc công nghệ. Công ty gọi vốn nhiều vòng và sáp nhập với startup X.com của Elon Musk.
Vài tháng sau, eBay mua PayPal với giá 1,5 tỉ đô la Mỹ, Levchin nhượng 2,2% cổ phần và bỏ túi 33 triệu đô la Mỹ. Ông cũng kiếm được khoản tiền tương đương từ Slide, công ty bị Google đóng cửa năm 2011 sau khi mua về được một năm.
Năm 2012, Levchin lên ý tưởng khởi nghiệp với vài người bạn. Alex Rampell, CEO đương nhiệm của công ty thanh toán TrialPay, lúc đó đã gợi ý về dịch vụ cho vay mua hàng trực tuyến bằng cách đo rủi ro dựa trên hồ sơ Facebook. Rampell, Levchin, đồng sáng lập Nathan Gettings của Palantir cùng doanh nhân Jeff Kaditz trở thành đồng sáng lập của Affirm và bắt tay vào xử lý thuật toán cho vay.
Năm 2014, khi nhóm đưa ra dịch vụ cho vay riêng cùng các sản phẩm tài chính khác, Levchin trở thành CEO. “Nếu muốn tạo ngân hàng, bạn cần có khả năng gọi được rất nhiều tiền. Về cơ bản, Max là doanh nhân có tiếng,” Kaditz nhận định. Giữa năm 2015, Affirm gọi được 325 triệu đô la Mỹ bằng công cụ nợ và cổ phần từ các nhà đầu tư Thiel và Lightspeed Venture Partners.
Affirm thời dịch COVID-19 bắt đầu tăng trưởng khi ký hợp đồng với các đối tác mới. Năm 2018, Affirm phát hành hai tỉ đô la Mỹ nợ và vẫn trong thời kỳ “đốt tiền”. Năm 2019, công ty gọi được 1,1 tỉ đô la Mỹ trả bằng công cụ nợ và cổ phần, và có trị giá 2,9 tỉ đô la Mỹ, theo PitchBook. “Bất cứ công ty nào cũng chật vật giai đoạn đầu để gọi vốn,” một nhà đầu tư mạo hiểm từng từ chối đầu tư vào Affirm nhận định. “Max tạo ra cỗ máy có cấu trúc chi phí đòi hỏi mức giá trị giao dịch rất cao để có thể hoạt động.”
Đại dịch giúp công ty đạt được giá trị giao dịch, nhưng vẫn chưa có lời. Từ tháng 11.2019 đến tháng 7.2020, số khách Mỹ vay tại Affirm tăng gần gấp đôi, lên 5,6 triệu người. Giá trị khoản vay trong 12 tháng kết thúc ngày 30.9 chạm mốc 5,3 tỉ đô la Mỹ, với sự trợ giúp lớn từ Peloton – công ty kinh doanh thiết bị đạp xe tại nhà có giá bán hơn 2.000 đô la Mỹ. Doanh nghiệp này chứng kiến doanh thu tăng gần gấp ba trong mùa hè so với năm trước. Trong quý ba, Peloton góp tới 30% doanh thu cho Affirm. Nếu không có khoản này, mức tăng trưởng của Affirm trong quý sẽ là 61%, thay vì 98%, theo tính toán của Bill Ryan, giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Compass Point.
Rõ ràng Affirm gặp thách thức chứng minh mình xứng đáng với mức vốn hóa 26 tỉ đô la Mỹ sau tám ngày IPO. Con số này cao gấp 44 lần so với doanh thu 12 tháng và tương ứng với giá trị của công ty công nghệ, không phải công ty cho vay hay công ty cung cấp dịch vụ thanh toán đã trưởng thành (Giá trị của PayPal chưa tới 12 lần doanh thu công ty.)
Để tăng trưởng, tháng bảy, khi ký hợp đồng cung cấp dịch vụ trả góp độc quyền cho các gian hàng Mỹ trên nền tảng bán hàng trực tuyến Shopify, Affirm để cho Shopify 5% khoản cổ phần đảm bảo hiện trị giá hai tỉ đô la Mỹ. Tháng 12, Affirm chi 264 triệu đô la Mỹ để mua công ty mua trước trả sau PayBright đến từ Canada.
Cạnh tranh có thể tăng áp lực lên khoản phí Affirm thu từ các gian hàng. Công ty thu xấp xỉ 6% trên doanh thu cho vay từ các nhà bán lẻ. Mức phí của các đối thủ như Afterpay là 4-5% và Klarna là 3-4%.
Các công ty chuyên cung cấp thẻ tín dụng phản công: JPMorgan Chase, Citi và nhiều doanh nghiệp khác bắt đầu mời khách chuyển đổi giao dịch lớn thành nhiều khoản trả góp riêng, cho phép cho vay các giao dịch này mà không phát sinh lãi suất khác trên thẻ. Vì vậy thị trường cho vay có thể thay đổi, cuối cùng đẩy lãi suất lên cao và có thể nâng cao tỉ lệ nợ xấu của Affirm (hiện tại thấp, ở mức 4%).
Sau cùng, cũng như mọi công ty fintech bắt đầu với một mảng trọng tâm, Affirm sẽ hướng tới lợi nhuận bằng cách bán nhiều dịch vụ tài chính hơn cho khách hàng trung thành tin tưởng vào tuyên ngôn minh bạch. Tháng sáu, công ty bắt đầu cung cấp các tài khoản tiết kiệm không giới hạn mức nạp tối thiểu, không chi phí phát sinh và lãi suất cao. Hiện Affirm sở hữu 1,2 tỉ đô la Mỹ tiền mặt từ IPO trong ngân hàng.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Có thể là một tấm thẻ tín dụng được thay đổi, thân thiện hơn với thế hệ Millennials.
Biên dịch: Quỳnh Anh
(*) Theo Forbes Việt Nam số 93, phát hành tháng 5.2021.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ceo-max-levchin-cua-affirm-tim-cach-ket-lieu-the-tin-dung)
11 tháng trước
11 tháng trước
1 năm trước
Điều tra của Forbes: “Ngày phán xét” của Fintech