Kim ngạch xuất khẩu ở nhiều mặt hàng tăng mạnh vào các tháng cuối năm đã giúp ngành thủy sản về đích năm 2021 và vượt chỉ tiêu năm đã đề ra.
Kết thúc năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản đạt trên 8,9 tỉ USD, tăng 6% so với năm 2020, số liệu vừa được hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) công bố. Con số này cũng vượt qua chỉ tiêu 8,8 tỉ USD đã đề ra và những khó khăn ở quý 3 khi hàng loạt nhà máy sụt giảm sản lượng vì sản xuất “ba tại chỗ” hoặc tạm ngưng hoạt động.
Xuất khẩu khởi sắc trở lại vào tháng 10 và tăng tốc mạnh mẽ trong hai tháng 11 và 12 với tỷ lệ tăng trưởng lần lượt 23% và 29%. Đặc biệt, trong tháng 12, kim ngạch xuất khẩu cả ngành đạt trên 940 triệu USD khi tất cả các sản phẩm chủ lực đều tăng mạnh 6-110%.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam. Doanh thu từ thị trường này hơn 2 tỉ USD trong năm 2021, tăng 26% so với năm 2020 và chiếm 23% tổng kim ngạch. Riêng trong tháng 12.2021, thị trường này tăng tới 32%, đạt 176 triệu USD.
Với mặt hàng cá tra, Mỹ là thị trường tăng trưởng mạnh cả về lượng và giá. Kết quả này là nhờ kinh tế hồi phục sau mở cửa, người dân trở lại thói quen ăn ở nhà hàng, du lịch… Đồng thời chuỗi logictics tắc nghẽn trước dịch làm tồn kho trong chuỗi cung ứng tại Mỹ nay đã được lưu thông.
Thị trường Trung Quốc dù hồi phục nhanh trong tháng 12, tăng 90% – đạt 170 triệu USD nhưng không đủ bù đắp cho việc sụt giảm mạnh từ tháng 3 đến tháng 10 nên giá trị cả năm chỉ đạt 1,17 tỉ USD. Trung Quốc hiện chiếm 13% tổng giá trị xuất khẩu, kế sau là thị trường EU (chiếm 12%) với hơ 1 tỉ USD và tăng 12% so với năm 2020. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng được ưu đãi từ hiệp định EVFTA.
Tôm vẫn là “át chủ bài” ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Theo ông Hồ Quốc Lực, chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN) thì “con tôm đã bơi về đích” với kim ngạch gần 3,9 tỉ USD sau nhiều tháng khó khăn vì dịch bệnh. Sóc Trăng là địa phương có tăng trưởng tốt nhất, trên 20% và lần đầu tiên vượt 1 tỉ USD để dẫn đầu cả nước.
Tại Sao Ta, sản lượng tôm chế biến cả năm 2021 đạt 22.790 tấn, lượng tiêu thụ đạt 18.370 tấn – tăng 12% và 7% so với năm 2020 mang lại doanh thu hợp nhất năm đạt 213 triệu USD, tăng 12% và lợi nhuận 280 tỉ đồng, tăng 15% – kết quả cao nhất trong lịch sử 26 năm hoạt động của công ty. Trong đó, mảng nuôi đạt thành tích tốt nhất trong 10 năm, bù đắp cho mảng chế biến thiệt hại vì chi phí thuê container rỗng xuất hàng đi châu Âu, Mỹ tăng nhiều lần.
“Ngành tôm duy trì được chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng, là nền tảng thuận lợi cho việc phục hồi năm 2022. Các doanh nghiệp cũng có cơ hội mở rộng quy mô, xây nhà máy mới khi có lượng lớn người lao động từ các thành phố lớn trở vế quê. Đây cũng là động lực để mảng nuôi tôm tăng trưởng,” ông Lực nhận định.
Trong báo cáo phát hành cuối năm 2021, công ty chứng khoán Phú Hưng đánh giá, ngành thủy sản có cơ hội trong năm 2022. Hiệp hội Các nhà sản xuất dịch vụ ăn uống quốc tế (IFMA) dự báo tăng trưởng ngành dịch vụ thực phẩm đạt 4,9% năm 2022. Chi tiêu thực phẩm tại phân khúc nhà hàng cũng được dự báo tăng 8%; tiêu dùng thực phẩm tại siêu thị sẽ tăng 7,8% – lên 38,8 tỉ USD. Đây là những chỉ dấu cho thấy cơ hội tăng trưởng xuất khẩu tôm, cá tra của Việt Nam vào Mỹ. Trong khi đó, với thị trường châu Âu, các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam đang có lợi thế hơn so với các đối thủ Ấn Độ và Ecuador nhờ hiệp định EVFTA.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đứng trước nhiều rủi ro như thiếu nguyên liệu để chế biến và tăng chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển đến thị trường xuất khẩu tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Vasep cho rằng, nhìn riêng ở mặt hàng cá tra thì năm 2022 có không ít thách thức. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc sẽ vẫn áp dụng chính sách “Zero Covid”, các biện pháp kiểm soát hàng nhập khẩu biên mậu lẫn chính ngạch sẽ càng siết chặt. Hệ quả là hàng hóa biên mậu đóng mở bấp bênh khi cá tra xuất khẩu chính ngạch phải gánh khó khăn do các tàu trung chuyển vào Trung Quốc qua Hong Kong bị tạm ngừng. “Ước tính chi phí cho một lô hàng nhập khẩu cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước”, ông Hòe đánh giá.
1 năm trước
Tài sản của nữ tỉ phú Dương Huệ Nghiên giảm 82%