Không thể đưa hãng hàng không Air Mekong quay trở lại bầu trời nhưng doanh nhân Đoàn Quốc Việt dẫn dắt BIM Group mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực mới, trong đó có năng lượng tái tạo.
Ngày hôm ấy, Hà Nội không khí ẩm ướt và âm u khi trời đổ mưa giông. Vài tháng trước doanh nhân có đam mê nhiếp ảnh này vừa đóng cửa hãng bay Air Mekong sau 29
tháng hoạt động để tái cơ cấu vì lý do thua lỗ. Giai đoạn này ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và ngân hàng 2011, mùa đông băng giá trên thị trường địa ốc kéo dài sang năm thứ ba, người mua thờ ơ, các chủ đầu tư trải qua những ngày tháng khó khăn nhất.
Nhưng giờ đây ở tuổi 66 doanh nhân này vẫn chưa nghỉ ngơi để theo đuổi đam mê riêng. Hãng bay biểu tượng Sếu đầu đỏ cuối cùng không cất cánh quay trở lại bầu trời nhưng các dự án bất động sản của BIM Group ngoài việc củng cố thêm tại Hà Nội và Hạ Long đã vươn ra nhiều địa phương khác. Hoạt động kinh doanh của tập đoàn cũng lấn sang lĩnh vực thương mại, dịch vụ và năng lượng tái tạo. “Tại Việt Nam, năng lượng tái tạo còn rất mới nhưng với cá nhân tôi thì không mới,” vị cựu cán bộ viện Năng lượng Việt Nam từ những năm 1970 mở đầu cuộc trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam qua Zoom từ đầu cầu Hà Nội.
Ngồi bên cạnh ông hôm ấy là Đoàn Quốc Huy, con thứ, 37 tuổi, phó chủ tịch tập đoàn, cánh tay phải. Là một trong những nhà đầu tư tư nhân lớn tham gia đầu tư vào năng lượng tái tạo, BIM Group tiếp cận lĩnh vực mới theo một hướng riêng, tích hợp với các mảng kinh doanh trước đây trong logic của một tiến sĩ vật lý.
Thành lập năm 1994 với dự án đầu tiên Hạ Long Plaza tại Quảng Ninh, hiện tại BIM Group là tập đoàn tư nhân đa ngành hoạt động trải rộng ở cả ba miền, tập trung ở bốn lĩnh vực chính: bất động sản, nông nghiệp và thực phẩm, dịch vụ và năng lượng tái tạo. Cuối năm 2020, quy mô tổng tài sản của BIM Group đạt 33 ngàn tỉ đồng, doanh thu đạt 7.657 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.061 tỉ đồng. Những năm qua, mảng kinh doanh địa ốc tạo ra doanh thu và lợi nhuận lớn nhất cho tập đoàn này. Năm 2020, BIM Group đứng thứ chín trong danh sách 10 nhà phát triển dự án bất động sản lớn nhất của Forbes Việt Nam dựa trên tiêu chí số lượng nguồn cung đưa ra thị trường giai đoạn 2014 – 2020.
Ngoài các dự án bất động sản dân dụng, BIM Group cũng đóng góp đáng kể cho hạ tầng du lịch Việt Nam khi họ đã đưa vào khai thác nhiều sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp tại các địa điểm du lịch nổi tiếng như Hạ Long và Phú Quốc. Đặc biệt, doanh nhân có khoảng 10 năm lăn lộn kinh doanh ở thị trường Đông Âu luôn chọn đồng hành cùng nhiều thương hiệu quốc tế trong các dự án nghỉ dưỡng, tiêu biểu trong số này có: Holiday Inn Vientiane (Lào), Park Hyatt Phú Quốc, Regent Phú Quốc, InterContinental Phú Quốc, Fraser Suites Hà Nội, Sailing Club Hạ Long.
Sản xuất muối là một mảng hoạt động khác của BIM Group có “số má” trên thị trường, khi chiếm 60-70% sản lượng muối công nghiệp của Việt Nam. Từ năm 2006, công ty bắt đầu sản xuất theo mô hình công nghiệp trên cánh đồng muối rộng 2.500 héc ta tại Ninh Thuận. Ông Việt, cựu sinh viên đại học Bách khoa Hà Nội áp dụng phương tiện cơ giới vào ngành sản xuất truyền thống để có thể cung cấp 350 ngàn tấn muối sạch mỗi năm.
Trong thủy sản, lĩnh vực kinh doanh quy mô lớn thứ hai của ông Việt khi quay về Việt Nam, BIM Group sở hữu diện tích nuôi trồng 1.600 héc ta tại Kiên Giang, công ty cung cấp 3.000 tấn tôm nguyên liệu mỗi năm, đầu vào cho các nhà chế biến lớn như Minh Phú. Ở Phú Quốc, BIM còn có trại tôm cung cấp 1,6 tỉ con tôm giống/năm cho nhu cầu nội bộ và các hộ nông dân trong vùng.
Tại Quảng Ninh, tập đoàn đang phát triển nhiều dự án bất động sản và du lịch, sau khi nghiên cứu sinh sản giống hàu Thái Bình Dương, BIM Group đang nuôi loại hải sản này trên diện tích 1.000 héc ta tại Vân Đồn. Trong lĩnh vực dịch vụ, ngoài việc đầu tư chuỗi phòng tập Elite Fitness và khu vui chơi Tini World ở các đô thị lớn năm 2017, BIM Group cũng hợp tác với tập đoàn bán lẻ Nhật Bản AEON xây dựng trung tâm thương mại AEON Hà Đông.
“Tôi là một trong những cán bộ đầu tiên của viện Năng lượng, nghiên cứu năng lượng tái tạo từ những năm 1977-1978 và sau này đi nghiên cứu sinh cũng về ngành năng lượng,” ông Việt trải lòng về duyên nợ của cá nhân ông “trở lại” với lĩnh vực năng lượng sau 40 năm. Tháng 10.2021, dù tình hình dịch bệnh leo thang căng thẳng khiến nhiều nhà đầu tư năng lượng không kịp đấu nối dự án điện gió hưởng giá FiT, BIM Group kịp đưa vào vận hành thương mại nhà máy điện gió công suất 88 MW tại Ninh Thuận. Dự án này được đầu tư 155 triệu đô la Mỹ, liên doanh giữa BIM Group và AC Energy, công ty năng lượng tái tạo lớn nhất khu vực Đông Nam Á – thành viên trực thuộc tập đoàn Ayala (Philippines) đang sở hữu các loại hình năng lượng tái tạo công suất đạt 5 GW.
Ước tính nhà máy điện gió của BIM cung cấp điện năng cho 50 ngàn hộ dân và góp phần giảm thiểu gần 300 tấn CO2 ra môi trường mỗi năm. Trước đó, hai năm 2019-2020, BIM Group đã đấu nối ba dự án năng lượng mặt trời tổng công suất 404 MW vào lưới điện quốc gia. Với gần 500 MW điện năng, BIM Group là một trong những nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo lớn nhất hiện nay và các dự án luôn đúng tiến độ. Bí quyết? “Trước khi đầu tư, BIM luôn chuẩn bị từ rất lâu,” ông Việt cho biết.
Để hiểu rõ làn sóng nhiều nhà đầu tư tư nhân, trong đó có BIM Group, đầu tư vào năng lượng tái tạo, nên lùi xa nhìn lại tổng thể vào bức tranh phát triển ngành năng lượng Việt Nam. Theo nghiên cứu của viện Năng lượng Viêt Nam, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế giai đoạn 2021- 2025 nhu cầu năng lượng Việt Nam dự báo tăng 8,5% với số vốn đầu tư trên 10 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.
Vào năm 2009, Việt Nam từng đặt kế hoạch phát triển điện hạt nhân tại Ninh Thuận nhưng khai tử dự án sau đó vì lý do kỹ thuật, sự an toàn và khó khăn thu xếp nguồn vốn. Kể từ đó, nguồn cung điện năng Việt Nam phát triển chỉ còn bốn loại hình: thủy điện, điện than, điện khí và năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối.)
Theo các số liệu khảo sát, tiềm năng khai thác thủy điện tại Việt Nam công suất đạt khoảng 25–38 GW (1 GW=1.000 MW), trong đó 60% tập trung ở miền Bắc, 27% ở miền Trung và 13% ở miền Nam với dự án tiêu biểu nhất là thủy điện Sơn La có công suất 2,4 GW. Tuy nhiên sau khi khai thác từ thập niên 1960 đến nay các dự án thủy điện lớn trên 100 MW đã xây dựng hết, các dự án thủy điện nhỏ còn lại nếu khai thác đóng góp sản lượng hạn chế cho nhu cầu năng lượng trong tương lai.
Năm 2016, Quy hoạch điện VII (sửa đổi) đã điều chỉnh tăng công suất năng lượng tái tạo từ 6% lên 10% vào năm 2030 so với Quy hoạch điện VII năm 2011. Tuy nhiên dù giảm tỉ trọng điện than từ 56,4% xuống còn 53,2% nhưng quy hoạch này tỏ ra lạc hậu, đi ngược với xu hướng cắt giảm mạnh mẽ của thế giới. Ước tính các nhà máy điện than là nguồn phát thải tạo ra 65% carbon gây ô nhiễm không khí và hiệu ứng nhà kính, bên cạnh các phương tiện giao thông. Trước khi COVID-19 bùng phát, chất lượng không khí Hà Nội và TP.HCM ở ngưỡng báo động trong nhiều thời điểm trong năm 2019 là minh chứng cho thực tế này.
“Tất cả chúng ta đều biết Việt Nam có tiềm năng năng lượng tái tạo rất lớn. Chúng ta có bờ biển dài, gió tốt, nắng tốt, đặc biệt từ miền Trung đến miền Nam,” ông Việt nói. Nằm gần xích đạo, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng mặt trời, đặc biệt ở miền Trung và miền Nam, khu vực có số giờ nắng trung bình từ 2.000 – 2.600 giờ/năm, cường độ bức xạ mặt trời trung bìnhhằng ngày đạt 5,9 kWh/m2, theo các số liệu khảo sát. Dù vậy, điện mặt trời tại Việt Nam chỉ có bước đột phá vào năm 2017 khi giá thành sản xuất tấm pin quang điện trên thế giới giảm mạnh, đồng thời Chính phủ ban hành quyết định 11/2017 / QĐ-TTg thí điểm mua điện mặt trời với mức giá 9,35 cent/kWh trong 20 năm tiếp theo với các dự án nối lưới điện trước ngày 30.6.2019.
Chất xúc tác nhanh chóng châm ngòi cho một làn sóng đầu tư ồ ạt vào năng lượng mặt trời với một loạt nhà đầu tư tư nhân trong nước xuất hiện như Trung Nam, BIM Group, TTC Energy, Bamboo Capital, Trường Thành, Phú Cường, Xuân Cầu… thu hút cả các nhà tư quốc tế như B.Grimm Power Public, AC Energy.
Năm 2019, điện mặt trời trên mặt đất tại Việt Nam bùng nổ với công suất lắp đặt đạt 5,3 GW từ cơ sở tích lũy năm 2018 chỉ là 106 MW. Chiếm 50% công suất lắp đặt mới khu vực Đông Nam Á, Việt Nam mau chóng vượt Thái Lan trở thành quốc gia dẫn đầu trong khối ASEAN đầu tư vào điện mặt trời, dù xứ chùa tháp từng có chính sách mua điện mặt trời 16-23 cent/ kWh.
Cuối năm 2020, điện mặt trời nóng hơn nữa khi các dự án điện mặt trời áp mái chốt thời điểm bán giá FiT, công suất lắp đặt tại Việt Nam nhảy vọt lên 16,5 GW, tương đương 25% tổng công suất nguồn. Con số này lớn như thế nào? Cần nhắc lại Quy hoạch điện VII sửa đổi năm 2016 vạch mục tiêu vào năm 2020 điện mặt trời có công suất lắp đặt 850 MW thì nay con số thực tế vượt 19 lần, gần đạt mục tiêu năm 2030! Các dự án điện mặt trời trên thế giới công suất lớn nhất cũng nằm trong khoảng 1,5 – 2 GW.
Trở lại với mảng năng lượng của BIM, đầu năm 2019, công ty đưa dự án điện mặt trời BIM 1 vào vận hành và sau đó lần lượt các dự án BIM 2, BIM 3 đi vào khai thác thương mại đúng tiến độ để hưởng giá FiT. Tuy nhiên, với điện mặt trời công đoạn sản xuất các tấm pin quang năng và xử lý tấm pin khi hết hạn, loại hình này không hoàn toàn “sạch” và “xanh” như phần lớn mọi người lầm tưởng.
Trong quá trình vận hành tấm pin tạo ra bức xạ nhiệt khiến môi trường xung quanh nóng lên. Các nhà đầu tư năng lượng thường xin đất phát triển dự án, ảnh hưởng đến môi trường nên đã xảy ra trường hợp tranh chấp, xung đột, thậm chí đổ máu giữa người dân và chủ đầu tư dự án. Với BIM Group, công ty lắp đặt các tấm quang năng trên các cánh đồng muối, hình thành tổ hợp sản xuất muối sạch – năng lượng lớn nhất Việt Nam, vì vậy ít ảnh hưởng trực tiếp đến môi sinh.
So sánh với điện than và điện khí, điện mặt trời có một điểm yếu khác ở tính chất không ổn định do quá trình khai thác phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố thời tiết. Hệ thống lưới điện quốc gia vốn được thiết kế cho các nguồn điện công suất lớn như thủy điện và nhiệt điện nên khi các dự án điện mặt trời công suất nhỏ phát triển ồ ạt khắp nơi ở Ninh Thuận và Bình Thuận, hạ tầng chưa theo kịp, các dự án xếp hàng chờ đấu nối vào hệ thống.
Với BIM, công ty xây dựng các trạm biến áp và đường dây 220kV chạy dài hơn 10km theo các cánh đồng muối thu gom, dẫn điện vào hệ thống lưới điện quốc gia. “Gốc rễ vấn đề của BIM khi làm năng lượng mặt trời và năng lượng gió là chúng tôi đầu tư song song vào hạ tầng. Điều này tương tự như chúng tôi xây dựng khu đô thị phải làm con đường dẫn vào,” Đoàn Quốc Huy nói.
Không chỉ được thiên nhiên ưu ái năng lượng mặt trời, Việt Nam còn có tiềm năng phát triển năng lượng gió. Với 3.000km đường bờ biển và vận tốc gió thổi từ 5,5 – 7,3m/giây, cơ quan Năng lượng Đan Mạch ước tính tiềm năng điện gió Việt Nam có thể lên tới 160 GW, thậm chí ngân hàng Thế giới ước tính con số lên đến 500 GW. Những con số này lớn như thế nào? Đức, quốc gia dẫn đầu về khai thác năng lượng gió hiện nay có tổng công suất gió lắp đặt khoảng 62 GW, trong đó có khoảng 8 GW ở ngoài khơi!
Tuy nhiên, điện gió phức tạp hơn điện mặt trời không chỉ ở góc độ tài chính và kỹ thuật. Theo báo cáo của McKinsey, một dự án điện mặt trời quy mô trung bình có thể hoàn thành trong nửa năm, nhưng dự án điện gió quy mô tương đương trong đất liền thường mất hai năm. Việc thi công các dự án điện gió có yêu cầu kỹ thuật thực hiện rất khác nhau tùy thuộc vào địa hình, khí hậu khu vực và thời tiết, trong khi các dự án điện mặt trời có thể chuẩn hóa mọi khâu. Dự án điện gió cũng có suất đầu tư cao hơn điện mặt trời từ 2-5 lần, khoảng 1,1-1,6 triệu đô la Mỹ/MW nếu thi công trên bờ và 2,2-2,5 triệu đô la Mỹ/MW với dự án gần bờ, tùy thuộc vào các thông số đầu vào như địa hình, giải pháp công nghệ, thiết bị cung ứng.
Vào thời điểm giãn cách xã hội, BIM Group nằm trong nhóm các nhà đầu tư hoàn thành dự án điện gió sau 11 tháng thi công kịp vận hành thương mại trước khi kết thúc thời hạn hưởng giá FiT. Ông Việt kể vài năm trước khi động thổ đã khảo sát kỹ lưỡng để tính toán hiệu quả kinh doanh. Công ty đặt cột đo gió và chạy các mô hình tính toán định lượng để tìm ra phương án đầu tư tối ưu: nếu các cột đặt cách xa nhau quá thì giảm hiệu quả đầu tư, nếu các cột gần nhau quá thì giảm hiệu quả khai thác.
Bước kế tiếp chọn nhà cung cấp thiết bị nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc lắp đặt, chi phí duy tu bảo dưỡng và khả năng khai thác sau này. “Định hướng của BIM ngay từ ban đầu làm theo chuẩn quốc tế cao nhất. Nếu mình làm mọi thứ theo chuẩn mực cao nhất thì mình tiếp cận được nguồn vốn tín dụng lãi suất rẻ. Thị trường có phần thưởng cho mình làm việc chuẩn chỉnh,” Đoàn Quốc Huy nói.
Với dự án điện gió, BIM chọn làm việc với các nhà cung ứng tốt nhất thế giới như General Electric, Vestas, Envision… Sáu tháng trước khi lắp đặt thiết bị đã được BIM tập kết ở công trình chuẩn bị cho việc thi công. Dịch bệnh nhưng công ty vẫn hoàn thành đúng tiến độ dự án. Ông Patrice Clausse, giám đốc vận hành của AC Energy nói: “Dự án đi vào vận hành thương mại trước thời hạn hưởng giá FiT, bất chấp thách thức từ dịch bệnh COVID-19. Nhà máy điện gió BIM là một trong số dự án năng lượng tái tạo đáng chú ý nhất tại Việt Nam mà chúng tôi tham gia phát triển.”
Trong danh sách 20 gia đình kinh doanh lớn nhất Việt Nam của Forbes Việt Nam năm 2014 và 2019 gia đình ông Việt đều có mặt. Nhà sáng lập BIM Group xuất phát điểm từ một nghiên cứu sinh tại Ba Lan, từ giữa thập niên 1980 tham gia kinh doanh hàng may mặc và máy tính tại Warszawa. Từ vốn tích lũy tại Đông Âu ông và người bạn đời, bà Khổng Thị Hiền, tiến sĩ tại viện Bách khoa Warszawa, phó chủ tịch tập đoàn hiện nay, đầu tư về Việt Nam xây dựng khách sạn tại Hạ Long rồi sau đó từng bước mở rộng ra lĩnh vực bất động sản và thủy sản.
Tập đoàn tư nhân này đang trong giai đoạn chuyển giao lãnh đạo sang thế hệ F1. Đoàn Quốc Huy, người có bằng MBA từ ĐH Stanford, phụ trách các hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng tài chính. Chị của Huy, Đoàn Thanh Mai, 39 tuổi, người có bằng MBA tài chính đại học UCLA phụ trách hoạt động du lịch, dịch vụ thương mại và marketing.
Giữa hai thế hệ một trưởng thành từ Đông Âu và một được đào tạo kinh doanh từ Hoa Kỳ có những quan điểm khác biệt trong công việc? “Bố tôi không làm thì thôi nhưng đã làm rất quyết liệt. Bao giờ ông cũng tìm mấu chốt nằm ở đâu và đơn giản hóa thủ tục để giải quyết vấn đề,” Huy nói. Theo anh, các nhà đầu tư năng lượng thường chú trọng quy mô công suất nhưng bố anh tiếp cận vấn đề theo logic của một nhà kỹ thuật: hạ tầng đấu nối, quy trình vận hành, linh kiện thiết bị rồi mới tới công suất và phương án kinh doanh.
Nhận xét về thế hệ F1, ông Việt nói: “Chuyển giao thế hệ là thực tế khách quan, tre già măng mọc. Các thế hệ sau được đào tạo bài bản, có tinh thần lao động nghiêm túc, chịu khó của gia đình. Người trẻ nhanh nhạy muốn nắm bắt cơ hội phát triển nhanh, thế hệ trước có kinh nghiệm nên có thể phản biện, bổ sung tạo ra sự phát triển bền vững.”
Trong tầm nhìn, BIM Group dự kiến bổ sung nâng công suất gấp 2-3 lần hiện nay bằng cách tích hợp phát triển năng lượng với việc nuôi trồng thủy sản tại Kiên Giang sau khi Quy hoạch điện VIII ban hành. Trong lĩnh vực lõi bất động sản, BIM tiếp tục phát triển các sản phẩm cao cấp hướng vào các tiêu chuẩn xanh, gắn với nghỉ dưỡng, yếu tố giúp BIM vừa huy động được 200 triệu đô la Mỹ trái phiếu xanh tại Singapore. Dự án bất động sản mới nhất Thuy Lũng Thanh Xuân, công ty phát triển tại Vĩnh Phúc trên diện tích 170 héc ta là các biệt thự đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cho khách hàng cao cấp.
Trong buổi phỏng vấn độc quyền với Forbes Việt Nam lần hiếm hoi ông Việt nói về lý do không quay lại ngành hàng không. Nhìn lại, ông nói Air Mekong đã trải qua thời điểm quá khó khăn khi giá nhiên liệu tăng cao, khách hàng lúc ấy chưa coi vận tải hàng không là phương tiện đi lại bình thường. Thực tế sau này thị trường cũng xuất hiện các nhà đầu tư mới và họ làm tốt. “Air Mekong làm khá nghiêm túc và bài bản. Thi thoảng vẫn nhớ, vẫn buồn nhưng đó là quyết định hợp lý với BIM. Câu chuyện đã qua, giờ chúng tôi tập trung vào công việc có thế mạnh,” ông Việt trải lòng.
“Air Mekong để lại các bài học và bài học còn tốt đến bây giờ. Khi làm năng lượng tái tạo chúng tôi nghiêm túc, theo chuẩn, theo quy trình, điều rút ra bài học từ Air Mekong,” ông nói.
Đọc thêm:
Forbes Việt Nam số 100: Phát triển năng lượng tái tạo
SolarBK: Khát vọng năng lượng mặt trời
Net-zero ở Việt Nam và vai trò của năng lượng tái tạo
Tỉ phú Ấn Độ Mukesh Ambani đầu tư 80 tỉ USD vào năng lượng xanh
Sách lược: Dean Solon thành tỉ phú năng lượng mặt trời nhờ cải tiến quy trình sản xuất
Theo Forbes Việt Nam số 100, chuyên đề “Phát triển năng lượng sạch”, tháng 12.2021
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/bim-don-lan-gio-moi)
3 tháng trước
Super Energy đặt cược vào ngành năng lượng Việt Nam2 năm trước
Gió thổi ngoài khơi