Tỉ phú, nhà đầu tư Mohamed Mansour chia sẻ những bài học của bản thân từ việc kinh doanh và thách thức đã trải qua.
Từ giàu có đến nghèo khó rồi gây dựng lại gia sản, cuộc đời của tỉ phú và nhà đầu tư người Ai Cập Mohamed Mansour đã trải qua những thăng trầm, kịch tính như tiểu thuyết thời Victoria ở Vương Quốc Anh.
Khi lên mười tuổi, Mohamed Mansour bị chấn thương rất nặng ở chân vì anh trai ông tông xe trúng. Mặc dù bác sĩ trưởng khoa đã khuyên nên cắt bỏ phần chân bị thương này, nhưng vị bác sĩ phẫu thuật cho ông đã từ chối làm điều đó. Sau phẫu thuật, Mohamed Mansour nằm yên trên giường trong ba năm, từng bước phục hồi và đi lại được.
Mohamed Mansour sinh ra trong một gia đình quý tộc và giàu có ở Ai Cập. Nhưng đến khi Mohamed Mansour theo học tại đại học Bang Bắc Carolina ở Mỹ, tổng thống Ai Cập khi đó là Gamal Abdel Nasser đã niêm phong tài sản của gia đình, bao gồm cả công ty sản xuất vải cotton, đẩy gia đình ông vào cảnh phá sản. Ở tuổi 18, Mansour phải thích nghi với cuộc sống mới, rời căn nhà rộng lớn và chuyển đến sinh sống ở nơi nhỏ hơn. Trong nửa năm, ông chỉ ăn bánh mì với trứng và làm công việc ở một nhà hàng với mức thu nhập tối thiểu để dành dụm tiền học hết đại học.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ở tuổi 20, Mohamed Mansour được chẩn đoán mắc ung thư thận, căn bệnh có tỉ lệ sống sót thấp vào thời điểm lúc bấy giờ. May mắn cho Mansour, ông đã khỏi bệnh sau khi phẫu thuật cắt phần thận bị tổn thương và xạ trị, và không còn mắc bệnh ung thư nào cho đến nay.
Thời gian sau, gia đình ông khôi phục việc kinh doanh vải cotton khi Ai Cập có tổng thống mới và thành lập công ty con về phân phối xe ô tô. Năm 28 tuổi, Mohamed Mansour và những người anh em trai tiếp quản việc kinh doanh của gia đình sau khi cha ông qua đời vào năm 1976. Đến những năm 1980, Mansour điều hành hoàn toàn hoạt động của công ty.
Dưới quyền điều hành của Mohamed Mansour, Mansour Group phát triển thành tập đoàn có giá trị hàng tỉ đô la Mỹ, đạt thỏa thuận lớn với hãng xe General Motors và nhà sản xuất thiết bị xây dựng Caterpillar.
Năm 2009, Mansour đầu tư 20 triệu USD vào cổ phiếu Facebook với mức giá 18 USD/cổ phiếu ở giai đoạn tiền IPO của hãng công nghệ Mỹ. Ông không tiết lộ đã bán cổ phiếu Facebook khi nào, nhưng cho thấy đây là khoản đầu tư tốt. Vào năm 2010, sau khi chuyển đến Anh (ông vẫn sinh sống tại đây), ông thành lập quỹ đầu tư tư nhân Man Capital.
Hiện nay, Man Capital chiếm gần 33,33% giá trị tài sản của Mohamed Mansour và 25% khác từ Mantrac. Phần còn lại đến từ tài sản cá nhân và các mảng kinh doanh khác gồm Mansour Automotive and ManFoods, đơn vị vận hành thương hiệu nhượng quyền McDonald’s ở Ai Cập. Hai người anh trai của ông Youssef và Yasseen, những người vận hành một phần Mansour Group, cũng là tỉ phú với giá trị tài sản lần lượt 1,3 tỉ USD và 1,2 tỉ USD.
Từng làm bộ trưởng Giao thông vận tải dưới thời tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ năm 2006 đến 2009, Mohamed Mansour đang trong giai đoạn chiêm nghiệm về cuộc đời của mình. Đây là điều đã trở thành nguồn cảm hứng để ông viết nên quyển sách tiểu sử về bản thân “Drive to Succeed” (Động lực hướng tới thành công).
Giờ đây, Mohamed Mansour ngồi lại và chia sẻ với Forbes về những bài học kinh doanh cũng như thử thách và sự cạnh tranh mà mình đã trải qua.
1. Hứa ít, làm nhiều
Trong những ngày đầu tham gia kinh doanh ô tô, Mansour là cái tên rất nhỏ và không được nhiều người biết đến. Tuy tin tưởng người cha quá cố của ông, nhưng General Motors không biết gì về bản thân Mohamed Mansour. Và các nhà nhập khẩu nước ngoài vẫn còn e dè về dự án quốc hữu hóa doanh nghiệp của cựu tổng thống Ai Cập Abdel Nasser mặc dù khu vực tư nhân nước này đã mở cửa dưới thời tổng thống mới.
Mohamed Mansour nhận thức rõ về tầm quan trọng của chữ tín trong kinh doanh. “Tôi sẽ không hứa hẹn quá nhiều về những gì mình có thể mang lại. Nếu tự tin về khả năng bàn giao 100 chiếc xe, tôi sẽ chỉ nói 50 chiếc,” Mansour nhớ lại cam kết với GM. Và ông vẫn giữ nguyên tôn chỉ này.
2. Lấp đầy khoảng trống trên thị trường
Khi bắt đầu kinh doanh, việc đầu tiên cần làm là tìm ra thị trường còn thiếu điều gì. Tiếp theo, xác định những khả năng hoặc lợi thế sẽ giúp bạn đáp ứng điều còn thiếu đó. Khi Mansour khởi đầu việc kinh doanh từ giữa những năm 1970, ông đã dành nhiều năm sinh sống tại Mỹ và được trang bị kiến thức về hoạt động giao thương giữa Mỹ với Ai Cập. “Ở Ai Cập, không ai có thể sử dụng ngôn ngữ hoặc hiểu rõ cách người Mỹ kinh doanh như ba anh em chúng tôi vào thời điểm đó,” ông cho biết. Trong khi các doanh nhân người Ai Cập khác gặp rào cản về ngôn ngữ và văn hóa, anh em nhà Mansour đã có được thành công.
3. Không ngồi ở vị trí đầu bàn họp
“Khi ở trong phòng họp, tôi sẽ không ngồi ở vị trí đầu bàn. Không ai cao hơn ai cả. Theo Mohamed Mansour, điều này sẽ hình thành tinh thần đồng nghiệp và sự gắn kết giữa ông với những nhân viên, đồng nghiệp. Là người đứng đầu doanh nghiệp, nhưng Mansour không xem mình như nhân tố quan trọng nhất. Thay vào đó, ông nhìn nhận kinh doanh là nỗ lực tập thể, với kỹ năng, kiến thức và sự nhạy bén từ những người đồng nghiệp, nhân viên còn quan trọng hơn. Mansour dựa rất lớn vào chuyên môn và đóng góp từ đội ngũ nhân sự cho thành công chung của cả công ty. “Tôi là một người thiên về tư duy hơn và không nói quá nhiều. Tôi có một đội ngũ giỏi và có thể thông minh hơn cả tôi nữa.”
4. Đừng để thất bại trong quá khứ và trải nghiệm tồi tệ cản trở tiềm năng của bản thân
Khi đã phát triển và khẳng định tên tuổi, các doanh nghiệp thường sẽ định hình một hướng đi duy nhất, hoặc tập trung quá mức vào những gì đã đạt được trong quá khứ. Đây là điều mà Mohamed Mansour muốn tránh. “Tôi không để quá khứ định hình nên con người và quyết định của tôi ở hiện tại,” ông cho biết.
Mansour ưu tiên sự đổi mới và khám phá những giới hạn tiếp theo trong việc kinh doanh, tập trung đầu tư vào các sáng kiến thúc đẩy tương lai như công nghệ. Vượt qua căn bệnh ung thư và chấn thương chân từ thời niên thiếu không khiến ông trở nên cẩn trọng với mọi thứ hơn, trái lại, điều đó còn biến Mansour thành một người chấp nhận đương đầu với rủi ro và luôn nắm bắt cơ hội có được.
Sau cùng, Mansour chủ động tạo sự gần gũi với nhân viên trẻ hơn, những người nhạy bén trong việc nắm bắt xu hướng và đưa ra các ý tưởng mới lạ. “Công ty tuyển chọn những người trẻ có tiềm năng, tư duy và tầm nhìn. Họ có thể dẫn lối công ty,” ông chia sẻ.
5. Thiết lập ranh giới rõ ràng với nhân viên
Vào thời điểm tiếp quản việc kinh doanh từ người cha của ông, Mansour đứng trước hai sự lựa chọn: Tuyển dụng những người có kinh nghiệm, lớn tuổi hơn hoặc những người mà mình trở thành bạn? Ông đã chọn giải pháp thứ hai và lựa chọn này phát huy hiệu quả trong một thời gian. Ông từng áp dụng chính sách văn phòng mở, tạo mối quan hệ bạn bè và thoải mái với nhân viên cả trong và ngoài giờ làm việc.
Nhưng rồi ông nhận ra mình đã mắc sai lầm sau khi nhìn thấy nhân viên chơi bóng đá ngay giữa văn phòng làm việc. “Tôi đã học được từ sai lầm rằng mình cần phải rạch ròi giữa công việc và quan hệ cá nhân. Từ đó, tôi bắt đầu thiết lập ranh giới và mang đến sự khác biệt,” ông cho biết. Đặt ra ranh giới rõ ràng trong quan hệ với nhân viên đã trở thành một phần trong phong cách lãnh đạo của Mohamed Mansour.
6. Không nên xem nhẹ những tác động từ kinh tế vĩ mô
Đối với Mohamed Mansour, kinh tế vĩ mô là yếu tố quan trọng. Mansour thừa nhận trước đây ông từng mắc sai lầm khi không chú ý đến sự thay đổi về chính trị và chuyển đổi lớn trong nền kinh tế ảnh hưởng như thế nào đến việc kinh doanh. Ông đã không nhận thấy đồng nội tệ của Ai Cập rớt giá vào những năm 70.
Việc giá trị của đồng nội tệ Ai Cập đi xuống khiến chi phí nhập phương tiện tăng cao và công ty của ông khó khăn để chi trả nợ. Mọi thứ còn trở nên tồi tệ hơn khi chính phủ Ai Cập tạm thời cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng, bao gồm xe từ nước ngoại. Những điều này từng đẩy Mansour đến nguy cơ phá sản.
7. Biến khó khăn, thách thức thành cơ hội
Mansour từng có một niềm đam mê rất lớn dành cho thể thao. Nhưng sau khi bị tai nạn và phải nằm trên giường điều trị trong thời gian dài, ông đã không thể luyện tập thể thao và tự tìm niềm vui cho bản thân. “Khi tôi còn nhỏ, lúc đó vẫn chưa có máy chơi game Playstation và TV,” ông cho biết. Nhưng điều đó lại giúp ông phát triển theo hướng khác. “Tôi dành thời gian để suy nghĩ và phát triển khả năng tư duy,” Mansour chia sẻ.
Khi gia đình ông mất đi tài sản, Mansour đã học cách trân trọng đồng tiền của mình. Và điều đó giúp ông trở nên kỹ càng trong việc vay tiền và quản lý tài chính tốt hơn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế Ai Cập vào những năm 1980. “Liệu điều đó có giúp tôi trở thành một người tốt hơn không? Chắc chắn là có,” ông cho biết.
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/bay-loi-khuyen-kinh-doanh-tu-nha-dau-tu-ti-phu-mohamed-mansour)
1 tháng trước
“Bí quyết trường thọ” của tỉ phú Úc Harry Triguboff