Hành trình đeo đuổi sự học, biến ước mơ thành hiện thực của bà Nguyễn Thị Hồng Cúc, 69 tuổi, đưa bà vào danh sách 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021 của Forbes Việt Nam.
Trưa ngày 12.5.2020, nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Hồng Cúc từ tốn trình bày kết quả nghiên cứu trong luận án tiến sĩ. Giữa những câu trả lời với thành viên hội đồng mà người lớn tuổi nhất cũng nhỏ hơn bà sáu tuổi, người phụ nữ 69 tuổi, đầu đội nón beret-chiếc mũ khiến bà cảm thấy trẻ trung hơn, luôn miệng mỉm cười, không giấu được niềm vui hoàn tất công trình kéo dài bảy năm.
Ít ai biết được, nữ tiến sĩ ngoài lục tuần ấy một năm trước những tưởng không thể hoàn tất công trình sau cơn tai biến mạch máu não. Tuổi tác, bệnh tật đã chào thua trước đam mê nghiên cứu và nghị lực của bà. Hành trình đeo đuổi sự học, biến ước mơ thành hiện thực của bà là bằng chứng sống động về con người học tập suốt đời để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, khiến bà có tên trong danh sách 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021 của Forbes Việt Nam.
Lịch sinh hoạt đều đặn của bà Cúc trong giai đoạn 2013-2020, sáng đến trường sau khi bà làm việc nhà. Bà đi học đều đặn, xem đó là niềm vui khi “tôi học được nhiều cái mới mỗi ngày.” Ngoài thời gian lên lớp, bà thường đến thư viện đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Khi có thời gian trống, bà tranh thủ dự thính các lớp tiếng Anh để nâng cao khả năng ngoại ngữ. Các giảng viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM nói đùa rằng họ “gặp bà trên từng cây số hội thảo”. Bà Cúc lý giải: “Tôi thích đi gặp và nghe những điều mới từ người này, người kia.” Với bà, bất cứ người nào cũng có cái hay, đáng để học hỏi.
Lý do làm nghiên cứu sinh bắt nguồn từ mối quan tâm của bà Cúc, người có thời gian giảng dạy ở trường đại học Hồng Bàng và đại học Hùng Vương, về chính sách với khối đại học ngoài công lập. Theo lời bà kể, việc nghiên cứu độc lập của bà gặp khó khăn trong việc thu thập thông tin về hoạt động, đầu tư, tài chính hay cơ hội gặp gỡ, trao đổi chính thức với lãnh đạo, quản lý của các trường đại học ngoài công lập cho đề tài “Sự phát triển của các trường đại học ngoài công lập ở TP.HCM (1992-2012).” Vậy là sau 20 năm kể từ khi bảo vệ luận văn thạc sĩ sử học của viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội vùng Nam bộ tại TP.HCM, bà quay lại trường học để làm nghiên cứu sinh tiến sĩ.
Kỳ thi tuyển chọn nghiên cứu sinh, ở phần ngoại ngữ, bà chọn thi tiếng Pháp, ngoại ngữ bà từng học trong chương trình cử nhân triết Đông của trường đại học Văn khoa (nay là đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) trước năm 1975. Quá trình học hỏi không chỉ giúp bà tăng kiến thức, mà còn trao cho bà tấm giấy thông hành để gõ cửa các trường đại học ngoài công lập thu thập tài liệu, phục vụ cho luận án.
Trở lại giảng đường quen thuộc, bà Cúc là nghiên cứu sinh lớn tuổi nhất trong lịch sử của trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, theo thống kê của trường này. GS.TS Võ Văn Sen, nguyên hiệu trưởng trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, người hướng dẫn đề tài nghiên cứu cho bà Cúc nhận xét, bà là người luôn tiếp thu ý kiến đóng góp, có cố gắng thay đổi. Ông nói: “Một sinh viên lớn tuổi như vậy mà có tinh thần lắng nghe ý kiến phản biện, học hỏi và sửa chữa là tinh thần cần có của một người làm nghiên cứu.”
Luận án của bà hoàn tất sau bảy năm, thời gian tối đa cho phép. Một phần vì vấn đề tuổi tác, một phần do bà dành công sức, thời gian để thu thập tư liệu, gặp gỡ, trao đổi với các lãnh đạo, sáng lập các trường đại học, kể cả những sinh viên các trường đại học tư thục giai đoạn trước năm 1975 để có thông tin đa chiều, tiện so sánh, đối chiếu.
“Tôi luôn muốn làm mọi thứ hoàn chỉnh,” bà nói. Một trong những nội dung quan trọng, có tính thời sự là mô hình bất vụ lợi trong đại học tư. Bà tìm gặp giáo sư Trần Hồng Quân, nguyên chủ tịch hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, thẳng thắn đặt các câu hỏi về tính bất vụ lợi.
“Tôi làm nghiên cứu sinh với tinh thần tò mò của một nhà báo,” bà Cúc nói. Giáo sư cũng cởi mở chia sẻ với bà Cúc về tính bất vụ lợi trong đại học tư theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa nghĩa là không có cổ đông, không chia lời và sở hữu là tập thể.
Quá trình thực hiện luận án đối diện khó khăn vào năm 2019, bà Cúc bị tai biến do tuổi cao, không thể đánh máy hay cầm viết. Sau đó, bà tự tập luyện để hồi phục và quay lại giảng đường. Những ngày cuối cùng hoàn thành luận án 179 trang, bà dành một tháng trong chùa để tập trung viết.
Để phần trình bày các tiểu luận trước khi chính thức bảo vệ luận án trước hội đồng được bắt mắt, bà tự mày mò học sử dụng PowerPoint qua các chương trình hướng dẫn có sẵn trên Internet. Sự chăm chỉ và năng lượng tích cực của bà Cúc trong bảy năm học tập truyền cảm hứng cho nhiều nghiên cứu sinh khác.
Một số nghiên cứu sinh khi gặp khó khăn, nản chí trên hành trình nghiên cứu nhiều thách thức thường tìm đến bà xin lời khuyên và để được truyền thêm động lực.
Bà Cúc sống một mình trong căn nhà nhỏ tại trung tâm quận 1 (TP.HCM). Bà có một con gái đang sống tại Đức. Mỗi ngày, người phụ nữ tóc đã bạc trắng viết hoặc dịch ít nhất một trang sách để giữ đầu óc minh mẫn. Bà dự định viết cuốn sách cùng chủ đề với đề tài nghiên cứu tiến sĩ của mình, sử dụng cứ liệu trong luận án. Vật bất ly thân của bà là cuốn sổ tay luôn mang bên mình để bà viết xuống mục tiêu cần hoàn thành và những điều bà suy nghĩ hằng ngày.
Bà Cúc chia sẻ, học và làm việc mỗi ngày giúp bà cảm thấy không bị đào thải: “Nếu tôi sống một ngày mà chỉ ăn, không làm việc, không học được gì thì tôi thấy ngày đó tôi phung phí quá,” bà nói với chất giọng hào sảng và rành mạch, ánh mắt lấp lánh vui vẻ. Một người bạn của bà kể, một tháng sau khi hồi phục từ đợt tai biến, bà Cúc đã tự lái xe máy đổ đèo Tây Bắc Việt Nam.
Đầu năm 2021, bà Cúc ra mắt tạp bút Người thường. Bà đang viết ba cuốn sách khác xoay quanh các vấn đề nhân học, tôn giáo và triết học. Trong buổi chụp hình cùng với các nhân vật trong danh sách, khi được một người ngỏ ý cùng đưa bà lên gác do cầu thang dài, bậc hơi cao, bà từ chối, không quên mỉm cười cảm ơn. Sau đó, người phụ nữ 69 tuổi ấy từ tốn bước từng bước một, chậm và chắc đi lên lầu. Dường như mọi nhọc nhằn hay di chứng tai biến không cản được bà bước lên.
(Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số tháng 4.2021, chuyên đề 20 Phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng năm 2021)
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ba-nguyen-thi-hong-cuc-lay-bang-tien-si-o-tuoi-ngoai-luc-tuan)
2 năm trước
Dự báo tương lai kinh tế Việt Nam hậu đại dịch2 năm trước
Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2022 lên 6,5%3 năm trước
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp và giấc mơ y học tái tạo2 năm trước
Forbes Việt Nam khai mạc Hội nghị đầu tư 2022