Công nghệ

AMD chi 665 triệu USD mua lại startup nghiên cứu Silo AI

4 tháng trước
Tác giả Iain Martin

AMD chi 665 triệu USD mua lại startup Silo AI có trụ sở tại Helsinki, Phần Lan, để tăng khả năng nghiên cứu phát triển phần mềm AI cho các tập đoàn lớn.

Share
this:

Nhà máy giấy cũ nằm ở một thị trấn nhỏ của Phần Lan, cách vòng Bắc Cực chưa đầy 322 km về phía nam, lại là nơi chứa siêu máy tính mạnh nhất châu Âu.

Hầu hết trung tâm dữ liệu hiện nay đều chứa hàng ngàn chip được ưa thích của Nvidia để xây dựng các ứng dụng AI, nhưng bên trong chiếc máy tính trị giá 160 triệu USD Lumi có 12.000 bộ xử lý đồ họa MI250X của đối thủ AMD.

Chính những con chip đó đã thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa AMD và Silo AI, startup nghiên cứu với đội ngũ bao gồm 300 tiến sĩ và nhà nghiên cứu xây dựng phần mềm AI cho các tập đoàn lớn. 

Thông qua sự hợp tác, Silo AI từng nhận khoản đầu tư và được tạo điều kiện để sử dụng siêu máy tính Lumi lẫn chip của AMD. Startup này đã sử dụng sức mạnh tính toán đó cho một dự án huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) nguồn mở dựa trên tiếng Phần Lan và tiếng Anh, cũng như một mô hình khác cho các ngôn ngữ Bắc Âu. 

Peter Sarlin, đồng sáng lập kiêm CEO của Silo AI, chia sẻ với Forbes rằng chip của AMD giúp công ty thực hiện được nhiệm vụ này. Ngoài ra, giá chip còn rẻ hơn.

Sarlin nói với Forbes: “Chip của AMD có thể giúp chúng tôi mở rộng quy mô huấn luyện cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh.”

Lisa Su, chủ tịch kiêm CEO của AMD, phát biểu tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng năm 2023. Ảnh: AFP/ Getty Images/ Forbes 

Sau một thời gian hợp tác, AMD đã thông báo chi 665 triệu USD để mua lại Silo AI. Đây là thương vụ mua lại startup AI lớn nhất ở châu Âu kể từ khi Google mua Deepmind với giá 400 triệu USD hồi năm 2014.

Vamsi Boppana, phó chủ tịch cấp cao của nhóm trí tuệ nhân tạo tại AMD, nói với Forbes rằng kinh nghiệm phát triển phần mềm của Silo AI cho các công ty như Rolls-Royce, Unilever và công ty bảo hiểm lớn nhất châu Âu Allianz sẽ rất hữu ích cho AMD. 

Boppana nói: “Silo AI sẽ giúp chúng tôi đáp ứng được nhu cầu của khách hàng vì hầu hết họ đều hỏi: ‘Cách nào tốt nhất để chạy mô hình này với chip của AMD?’” Boppana nói thêm rằng Silo AI cũng có thể giúp định hình các thiết kế GPU trong tương lai của AMD.  

“Điểm thu hút lớn là chất lượng của đội ngũ, mô hình nghiên cứu được triển khai trên nền tảng AMD,” Boppana cho biết thêm.

Việc mua lại Silo AI có thể giúp công ty đuổi kịp đối thủ lớn nhất Nvidia, đặc biệt về phần mềm. Nvidia có trụ sở tại Santa Clara, California, dẫn đầu về phần mềm sau khi dành gần hai thập niên phát triển CUDA, nền tảng đám mây được hàng triệu nhà phát triển sử dụng để tích hợp các công cụ AI vào những ứng dụng. 

Patrick Moorhead, chuyên gia phân tích của Moor Insight & Strategy, cho biết: “Cuộc đua AI không chỉ dựa vào phần cứng mà phần mềm còn đóng vai trò quyết định.”

Nvidia dẫn đầu cả về phần cứng và phần mềm trong cuộc đua AI, nhờ đó vốn hóa của công ty tăng lên 3 ngàn tỉ USD kể từ khi ChatGPT ra mắt hồi tháng 11.2022. Trong khi đó, giá cổ phiếu AMD tăng hơn 134% so với cùng kỳ, ở mức định giá 286 tỉ USD. 

Ngoài Silo AI, năm 2023, tỉ phú Lisa Su, CEO của AMD, đã đầu tư 125 triệu USD vào Nod AI và Mipsology để cố gắng giúp các nhà phát triển sử dụng chip AI của công ty dễ dàng hơn.

AMD cũng hợp tác với một số công ty lớn nhất ở thung lũng Silicon để hỗ trợ Triton, giải pháp của OpenAI dùng để thay thế CUDA. Những nỗ lực đó dự kiến sẽ góp phần thúc đẩy doanh số GPU của AMD tăng tới 4 tỉ USD trong năm 2024, gấp đôi mục tiêu của năm 2023. Giá cao và những hạn chế trong chuỗi cung ứng của Nvidia cũng khiến nhiều công ty chuyển sang dùng GPU của AMD.

Ngoài công ty của Sarlin, trung tâm nghiên cứu AI Hugging Face gần đây cũng hợp tác với AMD để sử dụng chip của hãng cho các mô hình AI. Meta và OpenAI cũng ký với AMD để mua chip. Ngoài đối thủ Nvidia, Microsoft, Amazon và Alphabet cũng phát triển chip AI tùy chỉnh. 

Năm 2023, Silo AI thu về 22 triệu USD từ dịch vụ tư vấn cho các công ty ở châu Âu. Sarlin cùng 5 doanh nhân và nhà nghiên cứu khác đồng sáng lập công ty hồi năm 2017, với mục tiêu trở thành một trong những phòng thí nghiệm nghiên cứu AI lớn nhất tại châu Âu. Công ty đã huy động 17 triệu USD từ nhà đầu tư cổ phần tư nhân Thụy Điển Altor vào năm 2022.

Boppana nói rằng công ty đạt được thỏa thuận với AMD nhờ đội ngũ chuyên môn cao và kinh nghiệm triển khai các ứng dụng phần mềm cho các công ty lớn. “Xây dựng mô hình tuyệt vời này là một chuyện nhưng triển khai và làm cho mô hình hoạt động hiệu quả lại là chuyện khác,” ông nói. 

Biên dịch: Gia Nhi

———————

Xem thêm:

Lisa Su, người phụ nữ lập kỳ tích cho hãng chip AMD

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/amd-chi-665-trieu-usd-mua-lai-startup-nghien-cuu-silo-ai)