Theo Reuters, nhà đầu tư đã rót con số kỷ lục hơn 600 tỷ USD vào trái phiếu toàn cầu trong năm 2024, tận dụng lợi suất cao nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên bức tranh 2025 có vẻ không chắc chắn.
Lạm phát giảm cho phép các ngân hàng trung ương hạ lãi suất, thúc đẩy nhà đầu tư mạnh tay bỏ tiền vào thị trường trái phiếu, nhất là khi 250 tỷ USD đã rời khỏi các quỹ thu nhập cố định vào năm 2022.
Ông Vasiliki Pachatouridi, chuyên gia chiến lược về thu nhập cố định tại BlackRock nói: “Câu chuyện là thu nhập. Chúng tôi đang thấy thu nhập được đưa trở lại cố định. Chúng tôi không thấy mức lợi suất này trong gần 20 năm.”
Tính đến giữa tháng 12.2024, đã có 617 tỷ USD chảy vào trái phiếu ở các thị trường phát triển và mới nổi, vượt qua mức cao thứ 2 là 500 tỷ USD năm 2021.
Trong cùng thời gian, cổ phiếu cũng hút 670 tỷ USD, khi các chỉ số ở Hoa Kỳ và châu Âu đạt những đỉnh cao mới.
Trái phiếu doanh nghiệp, thường có lợi suất cao hơn so với trái phiếu Chính phủ tương đương, đã tăng giá trong lúc các công ty bớt áp lực do nhiều Ngân hàng Trung ương giảm lãi suất.
Ông Willem Sels, giám đốc đầu tư toàn cầu tại HSBC nói: “Trước khi lãi suất bắt đầu tăng cách đây vài năm, nhiều công ty đã đóng chặt vốn của mình trong thời gian dài. Do đó, tác động của lãi suất cao với doanh nghiệp ít hơn nhiều người nghĩ.”
Trong năm nay, giới đầu tư thể hiện sự ưa thích với các quỹ trao đổi thụ động (ETF), khi đạt 350 tỷ USD dòng tiền chảy vào tính đến hết tháng 11.
Ông Martin Oehmke, chuyên gia tài chính tại trường kinh tế London chia sẻ: “ETF giúp nhà đầu tư tiếp cận một số tài sản trước đây khó giao dịch, bao gồm cả trái phiếu. Ví dụ trái phiếu doanh nghiệp nổi tiếng là không thanh khoản. ETF cung cấp khả năng tiếp cận dễ dàng vào thị trường này ở dạng thanh khoản nhiều hơn.”
Hai công ty quỹ thụ động lớn là BlackRock và Vanguard, đã gặt hái nhiều thành công. Theo Morningstar Direct, riêng hoạt động kinh doanh của BlackRock hút về 111 tỷ USD dòng tiền chảy vào tính đến cuối tháng 10. Các quỹ trái phiếu của Vanguard thì thu về khoảng 120 tỷ USD.
PIMCO cũng có 1 năm thành công. Theo Morningstar, công ty thu hút khoảng 46 tỷ USD vào quỹ trái phiếu, sau khi bán khoảng 80 tỷ USD năm 2022.
Dẫu thị trường tích cực, nhưng nhiều ý kiến nhận xét các hoạt động sẽ chậm lại vào năm 2025. Nghị sự về thuế của ông Trump khiến cổ phiếu Hoa Kỳ tăng vọt, dòng vốn chảy vào cổ phiếu cũng tăng, nên hạn chế sức hấp dẫn của trái phiếu.
Dữ liệu từ EPFR và TD Securities cho thấy, 117 tỷ USD đã chảy vào các quỹ cổ phiếu Hoa Kỳ, chỉ trong 4 tuần sau ngày ông Trump chiến thắng 5.11.2024, cao hơn 4 lần so với 27 tỷ USD chảy vào trái phiếu toàn cầu.
(Biên dịch: NVP)
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/2024-la-nam-thang-loi-cua-trai-phieu)
2 năm trước
Nhiều rủi ro tiềm ẩn với tăng trưởng GDP1 năm trước
Ấn Độ sẽ cấm xuất khẩu đường