Thời điểm Nga tấn công Ukraine, Igor Bukhman, tỉ phú đồng sáng lập công ty game khổng lồ Playrix, có hàng ngàn nhân viên làm việc tại Nga và Ukraine. Cuộc chiến này đã châm ngòi nội chiến tại công ty anh và hiện giờ Bukhman lâm vào tình trạng khó xử.
Igor Bukhman thức dậy buổi sáng ngày 24.2.2022 tại nhà mình ở Tây London thì nhận được tin nhắn văn bản từ người quản lý một trong những studio ở Ukraine của Playrix: “Bắt đầu rồi,” kèm theo bức ảnh vợ của người quản lý đang ôm một khẩu súng ngắn, và con gái của họ trú ẩn trong tầng hầm để tránh các cuộc không kích của Nga.
Bukhman bật TV. Cuộc chiến đang chiếm sóng toàn bộ kênh truyền hình. Anh lướt xem các ứng dụng tin tức trên điện thoại mình. Bukhman, tỉ phú sinh ra ở Nga, có hàng ngàn nhân viên thiết kế các trò chơi di động ở Nga và Ukraine, cho biết: “Chúng tôi thực sự không nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra.” Trong khi anh quay cuồng vì sốc, các nhân viên Ukraine của anh đã bắt tay hành động.
Các kênh Slack thường bận rộn với cuộc trò chuyện tập thể, meme vui nhộn và thông tin cập nhật về trò chơi của công ty giờ đây lại nhộn nhịp với những cuộc thảo luận về việc sơ tán và quyên góp viện trợ. “Chúng tôi không can thiệp trực tiếp vào mọi thứ. Họ bắt đầu phản ứng nhanh hơn nhiều so với chúng tôi,” Bukhman nói về 1.500 nhân viên của mình trong vùng chiến sự. “Tôi có biết về các quyết định chính và cung cấp nguồn lực, nhưng tôi tin rằng mọi việc sẽ kết thúc trong vài ngày tới.”
Igor và em trai anh, Dmitri, cùng quyết định mọi việc tại công ty 18 năm tuổi. Các trò chơi như Fishdom và Gardenscapes đem lại khối tài sản hơn 16 tỉ đô la Mỹ của cả hai. Họ cùng nhau đi dạo trên những con phố lịch sử giữa các khu nhà của họ trong quận Kensington giàu có ở London, trò chuyện để tìm ra giải pháp. Bukhman, 40 tuổi, nói: “Chúng tôi không phải là công ty lớn. Ý tôi là, chúng tôi có doanh thu lớn, nhưng chúng tôi chỉ có hai người, và chúng tôi có các quản lý, nhưng họ đang làm việc để sản xuất các trò chơi. Chúng tôi không có kế hoạch B.”
Vài giờ sau cuộc tấn công, hai anh em họ cho các nhân viên Ukraine được nghỉ phép có lương. Trong hai ngày tiếp theo, họ thiết lập đường dây nóng để giúp nhân viên sơ tán và 48 giờ sau đó trả tiền thưởng tương đương một tháng lương cho toàn bộ lực lượng lao động 4.000 người, bao gồm 1.500 người ở Nga. Bukhman nói khoản chi trả đó giúp trấn an nhân viên về sự ổn định của công ty và hỗ trợ không chỉ người Ukraine ở tiền tuyến mà cả người Nga bị ảnh hưởng vì sự sụp đổ của đồng ruble.
Nhưng tình huống bất lợi lại nhanh chóng xuất hiện. Trong khi hàng trăm đồng nghiệp của họ xoay xở khó khăn để tìm kiếm sự an toàn, các cuộc tranh cãi giữa các nhân viên Playrix nổ ra trên Slack. Sau vài câu chuyện cười qua lại, một nhân viên ở Ukraine phản ứng: “Mọi việc có lẽ rất dễ dàng và thú vị đối với bạn. Bạn không phải thức dậy lúc 5h sáng với tình huống khủng khiếp.”
Vài ngày tiếp theo, những tranh cãi này biến thành “sự thù hận bùng phát không thể kiểm soát giữa các nhân viên,” Bukhman nói. Ban đầu, hai anh em thúc giục chấm dứt các cuộc thảo luận “chính trị.” Những người điều hành của công ty sau đó bắt đầu xóa các bài đăng về cuộc chiến trước khi khóa hoàn toàn các kênh Slack. Một số nhân viên rất tức giận; ít nhất có một người bỏ việc.
“Chúng tôi không cấm ai bày tỏ quan điểm của mình công khai. Chúng tôi chỉ yêu cầu các bạn để lại ít nhất một vài kênh làm không gian cho giao tiếp kinh doanh,” Bukhman đưa ra yêu cầu với nhân viên trong một ghi chú. “Chúng ta đang ở giữa hai đám cháy theo đúng nghĩa đen. Rất khó để đưa ra quyết định, nhưng chúng tôi phải làm điều đó.”
Playrix và hai người sáng lập tỉ phú đang rơi vào tình thế khó khăn, nhưng họ không phải là trường hợp cá biệt. Nhiều doanh nhân chuyển hướng sang Nga và Ukraine trong những năm gần đây để khai thác tài năng công nghệ giá rẻ. Giờ đây, họ chứng kiến doanh nghiệp của mình nằm trong cuộc chiến.
Công ty Grammarly, có trụ sở tại San Francisco nhưng do hai tỉ phú gốc Ukraine, Alex Shevchenko và Max Lytvyn thành lập, mở văn phòng với 128 máy trạm ở Kyiv vào năm 2020. Snapchat và Lyft cũng có văn phòng ở đó, trong khi Ring thuộc sở hữu của Amazon sử dụng hơn 1.000 nhà thầu ở thủ đô Ukraine. IPG Photonics, Ubisoft và nhà phát triển trò chơi World of Tanks Wargaming đã (hoặc từng có) những văn phòng quan trọng ở Moscow.
Nhiều chuyên gia Ukraine nằm trong số 3,7 triệu người đã chạy sang các nước láng giềng, trong khi những người khác, chủ yếu là nam giới, đã rời bàn phím và cầm lấy súng trường Kalashnikov. Một trong những thường dân thiệt mạng sớm nhất là Tatiana Perebeinis, kế toán trưởng của công ty khởi nghiệp tối ưu hóa tìm kiếm SE Ranking có trụ sở tại Palo Alto.
Đồng thời, hàng chục ngàn nhân viên công nghệ Nga – những người phản đối chiến tranh hoặc nhận thấy rằng các lệnh trừng phạt và hạn chế Internet của Nga khiến họ không thể làm việc – đã chuyển đến Armenia, Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ. Bukhman không có kế hoạch rút khỏi Nga nhưng cho biết Playrix đã giúp khoảng 10% trong số 1.500 nhân viên người Nga của mình chuyển ra nước ngoài.
Các công ty khác chọn lối khó khăn hơn. JetBrains, công ty có trụ sở tại Praha sở hữu ngôn ngữ mã hóa quan trọng của Android và do hai tỉ phú người Nga, Sergey Dmitriev và Valentin Kipyatkov điều hành, đóng cửa văn phòng tại Nga vào tháng 3.2022. Nhân viên không chuyển đến cộng hòa Czech hoặc nơi khác sẽ được cho nghỉ việc. JetBrains không cho biết có bao nhiêu trong số 1.900 nhân viên của mình bị ảnh hưởng, nhưng vào tháng tư năm ngoái, công ty thông báo mở rộng khuôn viên 1.000 bàn làm việc ở St. Petersburg, đồng thời mở văn phòng ở Moscow và Siberia.
Công ty khởi nghiệp về không gian làm việc chung Miro có trụ sở tại San Francisco, gọi được 400 triệu đô la Mỹ với mức định giá 17,5 tỉ đô la Mỹ hồi tháng 1.2022, cũng đóng cửa văn phòng tại Nga và chấm dứt hợp đồng lao động với những nhân viên không chịu chuyển công tác. Mikhail Mizhinsky, giám đốc điều hành của Relocode, công ty có trụ sở tại London, cho biết: “Có một cuộc di dời của các công ty công nghệ ra khỏi Nga vì nếu ở lại sẽ bị ảnh hưởng về kinh tế và cũng không an toàn cho tính mạng khi ở đó.”
Nga đang cố gắng ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám bằng đợt giảm thuế mới, miễn thuế thu nhập cho các công ty công nghệ và nhân viên của họ trong ba năm. Chính phủ cũng hứa hẹn miễn trừ quân dịch với nhân viên công nghệ. Nhưng trong tình trạng các lệnh trừng phạt gia tăng và các tuyến đường hàng không ra khỏi Nga bị đóng cửa, có lẽ không đủ lý lẽ để thuyết phục bất kỳ ai ở lại.
Chiến tranh xảy ra rất gần quê nhà một số người, chẳng hạn như Nikolay Storonsky và Vlad Yatsenko, tỉ phú đồng sáng lập ngân hàng kỹ thuật số Revolut của Anh, được định giá 33 tỉ đô la Mỹ gần đây, là một trong những công ty khởi nghiệp có giá trị nhất thế giới. Cha của Storonsky sinh ra ở Ukraine. Anh lớn lên ở Nga nhưng rời đi năm 20 tuổi và hiện 37 tuổi, mang quốc tịch Anh. Quê của Yatsenko ở thành phố Mykolaiv của Ukraine, nơi bị pháo binh Nga phá hủy phần lớn.
Storonsky tổ chức kêu gọi quyên góp được 11 triệu đô la Mỹ từ khách hàng của mình cho hội Chữ thập đỏ Ukraine. Revolut, lúc mới bắt đầu cuộc xung đột có khoảng 50 nhân viên ở Ukraine và một số ít người ở Nga, cũng kêu gọi được hai triệu đô la Mỹ.
Cách Kyiv 2.414km, các văn phòng kín đáo của Playrix trong một khu công nghiệp ở ngoại ô Dublin gần như bị bỏ hoang trong khi những người Ireland bên ngoài kỷ niệm ngày Thánh Patrick. Bukhman kéo rèm che của phòng họp xuống để giảm ánh mặt trời chiếu qua dãy núi Dublin. “Một số người trong chúng tôi làm việc theo lịch của Nga,” anh nhún vai nói.
Playrix tự quảng cáo mình là công ty quốc tế (mặc dù chủ yếu nói tiếng Nga) kể từ khi hai anh em họ chuyển công ty đến vùng Dublin an toàn (và mức thuế thấp) vào năm 2013. Các văn phòng sang trọng thoải mái của công ty hiện nằm giữa các công ty như Microsoft Ireland. Đó là thế giới khác xa với xuất xứ ban đầu của Playrix – trong căn phòng ngủ mà anh em nhà Bukhman cùng lớn lên ở Vologda, thành phố nhỏ của Nga cách Moscow khoảng 482km về phía đông bắc.
Cha của họ học nghề thú y nhưng làm bảo vệ; mẹ làm quản lý tuyển dụng tại một công ty lớn của thành phố, một nhà máy sản xuất vòng bi, phải vật lộn để kiếm sống. Bukhman nói: “Chúng tôi luôn có thức ăn, nhưng đến cuối tháng thì không có tiền.”
Lớn lên trong gia đình thuộc số ít người Do Thái ở thành phố hẻo lánh, nơi mà ngay cả người Nga cũng chủ yếu biết đến qua một bài hát nhạc pop thời Liên Xô cùng tên, khiến Bukhman cảm thấy mình như người ngoài cuộc. “Ở một khía cạnh nào đó, tôi không cảm thấy mình là người Nga,” anh nói. “Thật khó để tôi nói công khai rằng tôi là người Do Thái mặc dù cá nhân chúng tôi chưa bao giờ đối mặt trực tiếp với bất kỳ hình thức bài Do Thái nào, nhưng cha mẹ và ông bà của chúng tôi luôn nói rằng con nên cẩn thận.”
Bukhman bắt đầu lập trình vào năm 2001 khi đang nghiên cứu toán học ứng dụng tại trường đại học ở quê nhà, sau khi một giáo sư cho biết có thể kiếm tiền bằng cách viết phần mềm chia sẻ. Igor cùng em trai mình, Dmitri, lúc đó vẫn đang học trung học, bắt đầu thiết kế trò chơi. Họ viết mã trên máy tính Pentium 100 do ông tặng. Anh nói: “Dĩ nhiên là chúng tôi không đủ tiền để mua máy tính. Khi chúng tôi bắt đầu kiếm ra tiền, một trong những giao dịch mua đầu tiên của chúng tôi là chiếc máy tính khác, giúp tăng gấp đôi năng suất.”
Hai anh em chính thức thành lập Playrix vào năm 2004 và bắt đầu thuê lập trình viên và nghệ sĩ tại quê hương của họ. Công ty chuyển từ việc tạo ra các trò chơi giải đố đơn giản cho máy tính gia đình sang xây dựng các trò chơi xã hội do Facebook cung cấp để cạnh tranh với Farmville nổi tiếng lúc bấy giờ của Zynga rồi cuối cùng lựa chọn chuyên tâm cung cấp các ứng dụng miễn phí vào năm 2009. Trên chặng đường phát triển, họ đã thực hiện một số thương vụ mua lại studio trò chơi độc lập ở Ukraine.
Các trò chơi của Playrix, như game giải đố Homescapes và game xây dựng thành phố Township, nổi bật trong danh sách các trò chơi được tải xuống nhiều nhất của App Annie. Các trò chơi của Playrix đều miễn phí nhưng người chơi trả trung bình năm đô la Mỹ/tháng (gọi là “những giao dịch vi mô” giá khoảng vài đô la Mỹ) cho mỗi trò chơi để mở khóa các cấp độ mới hoặc nâng cấp. Phần lớn doanh thu 2,7 tỉ đô la Mỹ của Playrix đến từ người chơi ở Mỹ, nhưng trò chơi này cũng hoạt động tốt ở Trung Quốc.
Các giao dịch vi mô giúp hai anh em khởi động việc kinh doanh mà không cần nhận bất kỳ khoản đầu tư nào từ bên ngoài. Từ lâu, họ đã khao khát được rời xa quê hương, và rồi tình hình trở nên cấp bách cách đây một thập niên, khi cảnh sát Nga xuất hiện tại văn phòng của họ với những câu hỏi liên quan đến tài chính. Hóa ra đất của họ đã bị một kẻ không có quyền sở hữu bán đi. “Đó không phải vấn đề về tiền. Tôi mất niềm tin vào hệ thống và mất cảm giác an toàn,” Bukhman nói.
Anh và Dmitri nhập cư Israel năm 2016. Sau đó, họ chuyển đến London vào năm 2020. Giống như một số tỉ phú sinh ra ở Nga khác, họ yêu cầu Forbes ghi nhận họ là người Israel chứ không phải người Nga trong bảng xếp hạng tỉ phú.
Playrix bùng nổ trong thời kỳ đại dịch, với doanh thu tăng 53% nhờ hoạt động tiếp thị thông minh giúp thu hút những người chơi đang phải ở yên trong nhà. Hiện giờ Playrix là công ty trò chơi di động lớn thứ tư thế giới (tính theo doanh thu) sau Tencent, NetEase và Activision của Trung Quốc. Giá trị tài sản ròng của anh em nhà Bukhman, những người cùng sở hữu 96% công ty, đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2020.
Nhưng những năm tăng trưởng nhanh chóng kể từ khi chuyển đến Dublin lại không phải bước chuẩn bị tốt cho cuộc khủng hoảng hiện tại. Các công ty công nghệ tinh gọn, non trẻ thường không dành nhiều thời gian để lập các kế hoạch dự phòng về địa chính trị. Tuy nhiên, cũng có một số công ty khởi nghiệp âm thầm lên kế hoạch cho điều tồi tệ nhất.
Trong số những công ty được chuẩn bị tốt nhất, có những công ty xuất phát từ các quốc gia có xung đột. Wix, công ty xây dựng trang web có trụ sở tại Tel Aviv, đã bắt đầu chuyển các nhân viên chủ chốt của Ukraine sang Ba Lan vào tháng 1.2022. Khi căng thẳng gia tăng vào tháng hai, công ty đưa ra đề nghị bất thường, lo chi phí cho toàn bộ 1.000 nhân viên Ukraine để họ cùng gia đình tạm thời chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi quân đội Nga tiến công Ukranie, đoàn xe do Wix thuê đã di dời những người còn lại đến nơi tương đối an toàn ở miền tây Ukraine. Chợ việc làm dành cho những người làm việc tự do Fiverr của Israel, được niêm yết trên sàn Giao dịch chứng khoán New York, từ cuối tháng 1.2022 cũng đã có kế hoạch sơ tán nhân viên sinh sống tại Kyiv ra khỏi Ukraine hoặc giúp đỡ những người ở lại.
Nhiều công ty khởi nghiệp của Israel gắn bó sâu sắc với Ukraine qua hàng chục năm người Do Thái di cư khỏi Liên Xô cũ, và các kế hoạch khẩn cấp của họ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Marian Cohen, CEO của hiệp hội Công nghệ cao Israel cho biết: “Có thể nói rằng, chúng tôi đã quen có kế hoạch dự phòng.”
Trong khi một số ít có chuẩn bị sẵn sàng như những doanh nghiệp trên, số khác lại phản ứng nhanh nhẹn. Các giám đốc điều hành tại Revolut nhanh chóng công khai lên án cuộc chiến và bắt đầu hành động, giúp sơ tán nhân viên và cắt tài khoản của người Nga. Vào giữa tháng 3.2022, họ miễn phí chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng Ukraine và nới lỏng chính sách kiểm tra danh tính đối với những khách hàng mới có thể đã trốn chạy mà không có hộ chiếu hoặc các giấy tờ cần thiết khác.
Snap ngừng bán quảng cáo ở Nga trong vòng một tuần sau cuộc chiến, giúp sơ tán 300 nhân viên sinh sống tại Kyiv (những người đóng góp phần lớn công sức vào việc xây dựng công nghệ AI hỗ trợ bộ lọc selfie của ứng dụng) và quyên góp 15 triệu đô la Mỹ viện trợ cho Ukraine.
Vị thế của anh em nhà Bukhman đã nâng cao đáng kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Khi Dmitri lần đầu tiên nói chuyện với nhân viên sau cuộc tấn công vào ngày 24.2, anh tuyên bố Playrix là “phi chính trị.” Bốn ngày sau, khi họ công bố khoản tiền lương bổ sung cho nhân viên của mình, hai anh em đăng công khai trên Facebook tuyên bố cuộc chiến là một “thảm kịch lớn đối với tất cả mọi người, bao gồm cả công ty của chúng tôi.” Họ kêu gọi chấm dứt cuộc chiến và do đó trở thành một trong những tỉ phú Nga đầu tiên lên tiếng chống lại cuộc chiến, viết rằng “bạo lực không bao giờ có thể là giải pháp cho một vấn đề.”
Điều đó vẫn chưa đủ đối với một số nhân viên Playrix, họ cho rằng tuyên bố này thể hiện quá ít và xuất hiện quá muộn. “Suốt năm ngày, Playrix thậm chí không gọi điều đang xảy ra là chiến tranh,” một nhân viên người Ukraine nói với yêu cầu giấu tên. “Tôi rất tức giận vì công ty không muốn gọi một cái xẻng là một cái xẻng.”
Mặc dù được dự định là một động thái gìn giữ hòa bình, nhưng việc khóa các kênh Slack chỉ làm nhân viên thêm thất vọng. Đối với nhiều nhân viên người Ukraine, Slack là phương tiện duy nhất để liên lạc với các đồng nghiệp ở Nga và Ireland.
Một nhà sản xuất của Playrix vẫn ở lại quê nhà, Kharkiv, mặc dù bị Nga ném bom liên tục, nói rằng anh “run lên vì tức giận” khi chứng kiến công ty xóa các bài đăng của nhân viên người Ukraine. Anh có thể hiểu tại sao Playrix muốn hạn chế thảo luận chính trị gay gắt, “nhưng quan điểm chính trị là vấn đề hoàn toàn khác với chiến tranh,” nhà sản xuất yêu cầu giấu tên nói. Cuối cùng anh đã bỏ việc ở Playrix để phản đối.
Những người khác cho thấy các dấu hiệu sẽ làm giống vậy. Một nhân viên lâu năm của Playrix đã chọn ở lại Ukraine trong suốt cuộc chiến nói rằng cô quyết định sẽ rời đi ngay khi cuộc chiến kết thúc. “Quan điểm của công ty đã trở nên rõ ràng: “Chúng tôi sẽ đưa bạn ra khỏi đất nước, nhưng nếu ai đó muốn ở lại và giúp đỡ hoặc đấu tranh cho tự do của họ, đừng mong đợi bất kỳ sự giúp đỡ nào.”
Những người sáng lập nhận được phản hồi từ nhân viên rằng họ nên có lập trường công khai mạnh mẽ hơn. “Trên mạng xã hội, Dmitri và tôi bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với Ukraine bằng những từ ngữ mà chúng tôi có thể sử dụng,” Igor viết cho các nhân viên vào ngày 4.3. “Nhưng chúng tôi có 16 văn phòng và 1.500 nhân viên ở Nga. Hiện giờ chúng tôi chọn vị thế trung dung bởi vì chúng tôi có trách nhiệm với nhân viên và gia đình của chúng tôi.”
Sau thời gian đầu không khuyến khích nhân viên quyên góp cho các hoạt động của Ukraine và nội bộ băn khoăn về việc hỗ trợ tài chính thêm cho nhân viên trong khu vực chiến sự, Playrix thông báo vào ngày 11.3 rằng họ sẽ quyên góp 500.000 đô la Mỹ cho hội Chữ thập đỏ Ukraine, theo bước của Revolut. Một kênh Slack chung được mở lại và các quy tắc được nới lỏng.
Mọi thứ vẫn còn lâu mới hoàn hảo. Bukhman, người vẫn có nhiều nhân viên lâu năm ở Nga, cho rằng sẽ có thêm nhiều nhân viên nghỉ việc. Các quản lý của anh thậm chí đang tìm cách để giảm thiểu mức độ người Ukraine phải tương tác với những người nói tiếng Nga, bao gồm cả chính Bukhman. Đó chẳng phải là công thức cho sự hài hòa, nhưng có lẽ sự hài hòa là một yêu cầu xa xỉ. “Chúng tôi sẽ không thể tiếp tục làm việc theo cách làm trước đây,” Bukhman nói, “nhưng tôi nghĩ chúng tôi sẽ có thể tiếp tục công việc ở Ukraine.”
Quỳnh Anh biên dịch Theo Forbes Việt Nam số 105, tháng 5.2022
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/xu-huong-nguoi-dung-giua-hai-lan)