Đại dịch COVID-19 khiến người tiêu dùng tìm đến những trang phục đơn giản, thoải mái, tiện dụng, phù hợp với những ngày dài làm việc, học tập và sinh hoạt tại nhà. Uniqlo đang chớp lấy cơ hội từ sự thay đổi đó.
Lần đầu gặp Tadashi Yanai, ít ai nghĩ ông là một tỉ phú của ngành thời trang thế giới. Vẻ ngoài giản dị, mặc vest xám, cà vạt xanh đậm chấm bi và kính chữ nhật gọng trong suốt, vị chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn Fast Retailing xuất hiện tại tầng một cửa hàng Uniqlo đầu tiên ở Việt Nam trước ngày khai trương tháng 12.2019, trả lời phỏng vấn phóng viên Forbes Việt Nam bằng phong thái từ tốn, có phần kiệm lời.
“Từng cửa hàng xuất hiện tại Việt Nam sẽ đều là những cửa hàng lớn và có vị trí quan trọng, vì Việt Nam là một thị trường nhiều tiềm năng,” vị tỉ phú 72 tuổi, người giàu thứ nhì Nhật Bản và thứ 31 thế giới, theo danh sách tỉ phú năm 2021 của Forbes, nói.
Một năm rưỡi hoạt động tại đất nước hình chữ S đã chứng minh cho lời nói của người đứng đầu công ty mẹ của thương hiệu thời trang Uniqlo. Kể từ khi ra mắt cửa hàng đầu tiên diện tích 3.097 m2 nằm trên trục đường Lê Thánh Tôn – Đồng Khởi ở TP.HCM, cách cửa hàng Zara và H&M chỉ vài bước chân, Uniqlo liên tục mở thêm bảy cửa hàng mới. Bảy trên tám cửa hàng của thương hiệu đến từ xứ sở hoa anh đào đều có quy mô từ lớn đến siêu lớn (trên 2.000 m2).
Việt Nam cũng là một trong những cứ điểm sản xuất của Uniqlo với 55 nhà máy đối tác, theo cập nhật đến tháng 3.2021. Tại cuộc họp báo tổ chức cuối tháng 12.2019, chủ tịch Tadashi Yanai cho biết các đối tác sản xuất của hãng tại Việt Nam đã xuất khẩu lượng sản phẩm trị giá hơn ba tỉ đô la Mỹ mỗi năm cho Fast Retailing, trong đó có Uniqlo.
Trong giai đoạn COVD-19 hoành hành, có lúc làm đứt gãy chuỗi cung hay làm giảm nhu cầu tiêu dùng, Uniqlo ở Việt Nam vẫn giữ tần suất mở mới hai tháng một cửa hàng. Fast Retailing đang ráo riết tận dụng thời kỳ biến động để rút ngắn khoảng cách với hai doanh nghiệp đã vào Việt Nam từ trước. Hãng thời trang H&M có 11 cửa hàng sau bốn năm hiện diện, còn Mitra Adiperkasa, công ty phân phối các thương hiệu Zara, Pull&Bear, Massimo Dutti và Stradivarius của Inditex, có năm cửa hàng sau sáu năm hoạt động.
Thời trang là ngành bị ảnh hưởng nặng nề cả ở chuỗi cung ứng lẫn nhu cầu do COVID-19. Báo cáo “Tình hình ngành thời trang năm 2021” của McKinsey ước tính lợi nhuận ngành thời trang toàn cầu lao dốc 93% trong năm 2020, sau khi tăng nhẹ 4% năm 2019. Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo, cũng ghi nhận lợi nhuận năm tài khóa 2020 giảm 42%, xuống còn xấp xỉ 1,4 tỉ đô la Mỹ.
Theo nghiên cứu “Ảnh hưởng kinh tế lan tỏa của virus corona mới lên chuỗi cung toàn cầu” của tác giả Xing Yuqing ra mắt tháng 3.2020, 128 nhà máy sản xuất cho Fast Retailing tọa lạc tại Trung Quốc, chiếm hơn một nửa danh sách các đối tác sản xuất của công ty này.
Bên cạnh đó, khoảng 20% nhà máy may của Uniqlo đặt tại Việt Nam cũng phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu thô từ Trung Quốc. Đợt đóng cửa vì dịch bệnh của quốc gia tỉ dân đã làm gián đoạn nguồn cung vải, khiến các đơn hàng từ Việt Nam bị trì hoãn khoảng hai tuần. Hậu quả là Uniqlo, thương hiệu trụ cột của Fast Retailing, phải lùi việc ra mắt một số dòng sản phẩm mới.
Đòn bẩy để Fast Retailing tăng sự hiện diện là nhu cầu khách hàng đang thay đổi. Dịch bệnh khiến người tiêu dùng quay lưng với các sản phẩm đề cao tính thời trang và tôn vinh cá tính người mặc. Họ bắt đầu tìm đến những sản phẩm mặc nhà thoải mái, tiện dụng cho những ngày làm việc, học tập và sinh hoạt tại nhà. Khi người dùng thay đổi nhu cầu cũng là lúc các lợi thế của Uniqlo tỏa sáng.
“Mã di truyền (ADN) của toàn tập đoàn chúng tôi chính là triết lý LifeWear. Chúng tôi mong muốn mang tới cho mọi người những sản phẩm đẹp, hoàn chỉnh, chất lượng cao,” chủ tịch Tadashi Yanai cho biết. Trong khi các thương hiệu thời trang cùng phân khúc chú trọng cung cấp mẫu mã đa dạng theo mùa, Uniqlo lựa chọn chất lượng thay vì số lượng.
Hãng đề cao công năng sản phẩm, ra mắt hàng loạt dòng quần áo và phụ kiện thời trang tích hợp các công nghệ độc quyền như HEATTECH giúp giữ nhiệt, hay AIRism hỗ trợ thoáng khí, hoặc các loại áo khoác lông vũ siêu nhẹ với khả năng giữ ấm. Các thiết kế của Uniqlo thường có phom dáng đơn giản, dễ phối, ít bị lỗi thời.
Theo số liệu do nền tảng phân tích thị trường Edited tổng hợp và công bố vào đầu tháng 2.2021, 89% các sản phẩm bày bán trên website trực tuyến của Uniqlo Nhật Bản đều là màu trơn, không hoa văn. Số lượng mẫu mã bán online của thương hiệu cũng ít hơn. Theo Barry Schwartz, tác giả Nghịch lý của sự lựa chọn, có quá nhiều mẫu khiến người dùng bối rối, khó lòng đưa ra quyết định. Uniqlo có 6.209 mẫu cho người mua hàng lựa chọn, các con số tương ứng của Zara và H&M lần lượt là 9.198 mẫu và gần 21 ngàn mẫu.
•••
Tiền thân của Fast Retailing là một cửa hàng trang phục nam mang tên Ogori Shoji tại tỉnh Yamaguchi (Nhật Bản). Năm 1972, Tadashi Yanai bắt đầu tham gia vào việc kinh doanh của gia đình. 12 năm sau, cửa hàng Uniqlo đầu tiên được thành lập tại Hiroshima với tên gọi Unique Clothing Warehouse (Tạm dịch: Kho quần áo độc đáo).
Cũng trong giai đoạn này, cái tên Uniqlo ra đời, viết tắt của cụm từ Unique Clothing (Tạm dịch: Phục trang độc đáo), thể hiện tầm nhìn riêng của Tadashi Yanai về thế giới thời trang. Năm 1991, công ty đổi tên thành Fast Retailing. Sau hơn 70 năm phát triển, đến nay tập đoàn sở hữu 3.630 cửa hàng trên toàn cầu với bảy thương hiệu thời trang, trong đó Uniqlo là thương hiệu chính, đóng góp xấp xỉ 82% doanh thu năm 2020.
“Chúng tôi không chạy theo xu hướng. Nhiều người vẫn nhầm tưởng Uniqlo là một thương hiệu thời trang nhanh nhưng không phải vậy,” chủ tịch Yanai nói. Định hướng này đã kéo dài dòng đời bán ra của các sản phẩm Uniqlo. 1/3 các sản phẩm của thương hiệu Nhật Bản thường xuất hiện tại các cửa hàng trong khoảng 6-9 tháng, trong khi 66% sản phẩm của Zara thường chỉ tồn tại được ba tháng trên kệ. Điều này giúp sản phẩm Uniqlo thu hút khách hàng quan tâm tới vấn đề môi trường. Trong thời kỳ dịch bệnh, thương hiệu này cũng đẩy mạnh quảng bá và trưng bày các sản phẩm khẩu trang, đồ mặc nhà, chăn và các trang phục thể thao.
Các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa đã giúp Fast Retailing lấy lại đà tăng trưởng trong nửa đầu năm thứ hai chung sống với đại dịch. Sáu tháng đầu năm tài khóa 2021, lợi nhuận hoạt động của Fast Retailing đã tăng lên 1,5 tỉ đô la Mỹ, cao hơn gần 23% so với cùng kỳ năm trước nhờ sức mua của thị trường Trung Quốc và Nhật Bản hồi phục, song hành cùng sự phát triển mạnh mẽ của mua sắm trực tuyến. Tập đoàn thời trang ghi nhận doanh số online đạt 300 tỉ yen, tương đương 15% tổng doanh thu trong năm 2020 và nhắm tới mục tiêu tăng 30% trong thời gian tới.
Mảng bán lẻ thời trang tại Việt Nam đang chứng kiến “cuộc đua tam mã” của ba doanh nghiệp: Fast Retailing đến từ Nhật, Mitra Adiperkasa của Indonesia và H&M của Thụy Điển. Tại Việt Nam, các thương hiệu Zara, Pull&Bear, Massimo Dutti và Stradivarius không trực thuộc quản lý của công ty mẹ Inditex mà được phân phối bởi tập đoàn Mitra Adiperkasa của Indonesia.
Báo cáo tài chính năm 2020 của Mitra Adiperkasa ghi nhận doanh thu ròng của bốn nhãn hàng tại Việt Nam đạt 930 tỉ rupiah (tương đương 64,2 triệu đô la Mỹ), giảm mạnh so với con số 1.200 tỉ rupiah (tương đương 82,8 triệu đô la Mỹ) của năm 2019 và 1.230 tỉ rupiah (tương đương 83 triệu đô la Mỹ) của năm 2018. Công ty mẹ Inditex cũng có dấu ấn sản xuất tại Việt Nam với tám nhà cung cấp và 143 nhà máy – con số vẫn còn khiêm tốn so với 477 nhà cung cấp và 2.318 nhà máy tại Trung Quốc.
Trong khi đó H&M lại hưởng lợi từ tình hình kiểm soát dịch ổn định tại Việt Nam. Thương hiệu này vốn được biết đến với hàng loạt lựa chọn thời trang luôn được cập nhật theo mùa và các bộ sưu tập kết hợp với các nhà thiết kế và nhãn hàng thời trang cao cấp như Karl Lagerfeld, Stella McCartney, Comme des Garçons, Lanvin.
Năm 2020, tại Việt Nam, hãng thời trang Thụy Điển ghi nhận doanh thu ròng 52,7 triệu đô la Mỹ từ chín cửa hàng, tăng nhẹ 4% so với năm 2019. Sang quý đầu tiên của năm 2021, công ty mở mới thêm hai cửa hàng, đạt doanh thu ròng 17 triệu đô la Mỹ, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Khác với Fast Retailing và Inditex vốn chỉ đang tập trung kinh doanh tại hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM, chuỗi cửa hàng của H&M trải rộng đến cả Cần Thơ, Quảng Ninh và Đà Nẵng.
•••
Đặt chân tới đất nước hình chữ S trễ nhất trong bối cảnh dịch bệnh đầy rủi ro, nhưng Fast Retailing với thương hiệu Uniqlo đang bước đầu gặt hái được những kết quả tích cực. Theo báo cáo tài chính năm tài khóa 2020 của Fast Retailing, trong khi các quốc gia khác trong cùng khu vực châu Á báo cáo kết quả kinh doanh đi xuống, Việt Nam lại ghi nhận lợi nhuận trong giai đoạn tháng 3 đến tháng 8.2020.
Doanh thu của thị trường vẫn tiếp tục vững mạnh và lợi nhuận tăng cao trong sáu tháng đầu năm 2021 nhờ tác động tiêu cực của dịch bệnh ở mức thấp, trong khi mức phổ biến của thương hiệu Uniqlo ngày càng gia tăng. “Phản hồi tích cực và sự ủng hộ của các khách hàng tại Việt Nam đối với các sản phẩm Uniqlo trên thực tế đã vượt ngoài sự mong đợi của chúng tôi,” ông Osamu Ikezoe, tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam cho biết.
Thách thức lớn của Uniqlo không phải là vượt qua những đối thủ cùng ngành, mà là lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu của khách hàng một cách chính xác nhất, đặc biệt là tại một quốc gia có sự đa dạng văn hóa như Việt Nam.
Theo lời ông Ikezoe, bản thân sự khác biệt thời tiết ở Hà Nội và TP.HCM cũng đã tạo ra nhu cầu lựa chọn trang phục rất riêng. “Điều đó thôi thúc chúng tôi không ngừng tận dụng tối đa nhiều kênh khác nhau để lắng nghe ý kiến của khách hàng và đội ngũ nhân viên, từ đó đưa ra danh mục sản phẩm tốt nhất,” tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam nói.
Chia sẻ về chiến lược của Uniqlo tại Việt Nam trong tương lai, ông Ikezoe cho biết, thương hiệu sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua việc khai trương cửa hàng mới theo hình thức và quy mô mới, nhằm phủ rộng hơn nữa các nhóm đối tượng khách hàng và khu vực dân cư, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Uniqlo sẽ tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ nhân viên, tiếp tục phát triển kinh doanh trên nền tảng khách hàng là trọng tâm, đồng thời hướng tới phát triển bền vững. Một trong những chương trình phát triển bền vững đáng chú ý Uniqlo Việt Nam đang thực hiện là Re.Uniqlo, một sáng kiến được giới thiệu từ cuối năm 2020 nhằm thu gom quần áo Uniqlo không được sử dụng, tạo cho chúng vòng đời và giá trị mới.
Còn tại thị trường toàn cầu, tập đoàn mẹ của Uniqlo đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng doanh thu 10%, lợi nhuận hoạt động hợp nhất tăng 70,7% cho cả năm 2021. Để làm điều này, Fast Retailing đã và đang tiếp tục triển khai dự án Ariake, tận dụng sức mạnh của AI (trí tuệ nhân tạo) và big data (dữ liệu lớn) với sự giúp sức của các đối tác như Google Cloud nhằm “tiến hóa” thành một doanh nghiệp điều hướng dữ liệu, theo đó điều chỉnh toàn bộ chuỗi cung ứng và hệ thống phân phối. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng và củng cố hai kênh cửa hàng thực và trực tuyến, hướng tới vị trí nhà sản xuất và bán lẻ thời trang số một thế giới trong trung hạn.
Với chủ tịch kiêm CEO Tadashi Yanai, COVID-19 – cơn ác mộng chưa từng có tiền lệ của ngành bán lẻ thời trang toàn cầu – rồi sẽ có lúc chấm dứt. “Một khi đại dịch đi đến hồi kết, khoảnh khắc quan trọng sẽ đến,” ông nói.
Bản in theo Forbes Việt Nam, chuyên đề Dấu chân tỉ phú ở Việt Nam, số 94 phát hành tháng 5.2021.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/uniqlo-viet-nam-thoi-cua-trang-phuc-thiet-thuc)
3 năm trước
Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế TPHCM 20213 năm trước
Amazon sẽ mở cửa hàng bách hoá