UBS Group AG đã đồng ý mua lại ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse theo mức giá 3,2 tỉ USD với sự hỗ trợ từ chính phủ Thụy Sĩ.
Vào ngày 19.3, UBS Group AG và Credit Suisse thông báo đã hoàn tất thỏa thuận mua bán và sáp nhập (M&A) trị giá hơn 3 tỉ USD. Việc UBS mua lại đối thủ cạnh tranh đang gặp khó khăn về tài chính Credit Suisse diễn ra trong bối cảnh ban lãnh đạo của ngân hàng này và giới chức Thụy Sĩ nỗ lực ổn định thị trường giữa bối cảnh khủng hoảng của ngành ngân hàng toàn cầu xảy ra sau khi hai ngân hàng lớn tại Mỹ phá sản.
Theo đó, UBS đã đồng ý mua lại toàn bộ cổ phần trong Credit Suisse với mức giá 3 tỉ Franc Thụy Sĩ (3,2 tỉ USD), với các cổ đông của ngân hàng Thụy Sĩ sẽ đổi 22,48 cổ phiếu để nhận 1 cổ phiếu UBS. Con số này cao hơn lời đề nghị ban đầu 1 tỉ USD mà Credit Suisse cho là quá thấp.
Thỏa thuận trên thấp hơn đáng kể so với giá trị vốn hóa thị trường của Credit Suisse cách đây hai ngày trước. Theo UBS, lời đề nghị có giá trị tương đương với 0,82 USD/cổ phiếu (0,76 Franc Thụy Sĩ), thấp hơn một nửa mức 2,01 USD/cổ phiếu sau khi Credit Suisse chốt phiên giao dịch hôm 17.3.
Sau khi sáp nhập, hai ngân hàng này sẽ có tổng tài sản đầu tư hơn 5.000 tỉ USD. Trong thông cáo báo chí tối ngày 19.3, UBS kỳ vọng mỗi năm sẽ cắt giảm chi phí hoạt động hơn 8 tỉ USD.
Thương vụ này có sự hậu thuẫn từ chính phủ Thụy Sĩ, với mục tiêu hoàn thành trước khi thị trường chứng khoán Châu Á mở cửa giao dịch sáng ngày 20.3. Trong thông cáo, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) cam kết hỗ trợ khoản vay lên đến 108 tỉ USD để Credit Suisse và UBS hoàn tất thỏa thuận.
Theo New York Times, chính phủ Thụy Sĩ cũng đưa ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ, bằng cách bỏ thời gian chờ đợi 6 tuần trước khi sáp nhập và giới chức nước này cho phép UBS chốt lại thỏa thuận mà không cần phải tiến hành bỏ phiếu từ cổ đông.
“Việc UBS tiếp quản Credit Suisse là giải pháp đảm bảo ninh tài chính và bảo vệ nền kinh tế của Thụy Sĩ trong tình huống đặc biệt này,” SNB cho biết.
Hôm 16.3, Credit Suisse thông báo vay 54 tỉ USD từ SNB để củng cố tính thanh khoản. Tuy SNB vài giờ sau cho biết sẵn sàng hỗ trợ Credit Suisse tăng cường khả năng thanh khoản nếu cần thiết, nhưng cổ phiếu của ngân hàng này vẫn giảm gần 7% trong phiên giao dịch ngày 17.3.
Trong những tuần vừa qua, giá cổ phiếu của Credit Suisse giảm sâu và ngân hàng Thụy Sĩ phải tạm hoãn phiên giao dịch hôm 15.3 sau khi cổ phiếu bốc hơi đến 21% giá trị. Trước đó, vào ngày 14.3, Credit Suisse cho biết đã phát hiện các điểm yếu trong quá trình báo cáo tài chính cho hai năm 2021 và 2022.
Lo ngại về tình hình tài chính của Credit Suisse, cổ đông lớn nhất là Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia thông báo không đầu tư thêm vào cổ phiếu của ngân hàng này. Việc hai ngân hàng lớn tại Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank sụp đổ trong thời gian gần đây, với nguyên nhân do lãi suất cho vay tăng cao dẫn đến nhiều lo ngại về hệ thống dễ bị tổn thương của ngành ngân hàng toàn cầu. Nỗi lo ngại này còn tăng hơn nữa sau khi xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo về “sức khỏe tài chính” của Credit Suisse.
Nhưng sự cố của SVB và Signature Bank không ảnh hưởng trực tiếp đến việc Credit Suisse rơi vào nguy cơ vỡ nợ, mà vấn đề của ngân hàng này từ báo cáo thua lỗ gần 8 tỉ USD trong năm tài khóa 2022.
Credit Suisse và một số thành viên trong ban lãnh đạo đã vướng vào những vụ bê bối trong thời gian gần đây, bao gồm cáo buộc gian lận tài chính và có hành vi rửa tiền.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ubs-group-ag-mua-lai-credit-suisse)