Việc đồng nội tệ naira trượt giá ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và tài chính của các startup tại Nigeria.
Các startup về công nghệ tài chính (Fintech) tại Nigeria đang đối mặt với hai thách thức lớn. Đầu tiên là đợt “hạn hán” nguồn vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn thế giới. Thứ hai, đồng nội tệ naira của Nigeria giảm 43% giá trị trong hơn một năm qua sau khi quốc gia này tiến hành cải cách tiền tệ trong thời gian gần đây.
Nigeria là nền kinh tế lớn nhất châu Phi, với dân số hơn 220 triệu người và là môi trường đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp hàng đầu ở Lục địa đen. Tuy vậy, phần lớn giao dịch tài chính tại đây vẫn dùng tiền mặt. Điều này mở ra cơ hội cho các công ty phát triển nhiều giải pháp tài chính số khác nhau.
“Tình hình bất ổn của Nigeria đang tạo ra những thách thức cho các doanh nghiệp thu phí dịch vụ và sản phẩm bằng đồng naira, cũng như báo doanh thu bằng đồng đô la Mỹ,” Luci Fonseca cho biết. Luci Fonseca là giám đốc có vai trò quan trọng của Base10 Partners, quỹ đầu tư có trụ sở tại San Francisco từng rót vốn cho nhiều công ty ở Nigeria gồm hai startup về thanh toán Nomba, Okra và sàn thương mại điện tử Bumpa.
Gbenga Ajayi, giám đốc của VC QEDQED Investor, nhận định việc đồng nội tệ rớt giá đang tạo áp lực cho các doanh nghiệp theo nhiều hướng khác nhau. Ajayi cho rằng tiếp cận thị trường ngoại hối là một trong những thách thức lớn nhất mà các nhà đầu tư đang phải đối mặt trên thị trường. Tại VC QEDQED Investor, Gbenga Ajayi tập trung đầu tư vào các startup ở châu Phi, bao gồm startup thanh toán Moniepoint và công ty quản lý dược phẩm Remedial Health.
“Việc tiền tệ trượt giá ảnh hưởng đến sức mua, khả năng chi tiêu của người dân tại Nigeria, Ai Cập hay thậm chí là Kenya. Điều này khiến cho tình hình trở nên bất ổn hơn rất nhiều,” Ajayi cho biết.
Theo CB Insights, trong năm 2022, các startup ở châu Phi đã thực hiện 227 vòng huy động vốn, 174 trong số đó dành cho những công ty ở Nigeria. Theo dữ liệu từ PitchBook, hơn 80% dòng vốn đầu tư đổ vào các công ty của Nigeria trong năm 2022 trước thời điểm nước này thay đổi điều luật và quy định về ngoại hối là từ nước ngoài. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của vốn đầu tư nước ngoài đối với môi trường kinh doanh tại Nigeria.
Nhằm kiểm soát rủi ro tiền tệ, các startup đang thực hiện một số chiến lược gồm thu hút thêm khách hàng giao dịch bằng đồng đô la Mỹ; sử dụng khoản dự trữ đồng naira để thanh toán cho nhân viên bản địa, đơn vị bán hàng và đối tác. Bên cạnh đó, các công ty cũng tăng phí dịch vụ đối với khách hàng thanh toán bằng đồng naira.
“Các startup có thể giảm thiểu tác động từ đợt cải cách tiền tệ của Nigeria là những công ty đã có sự chuẩn bị đối với đồng naira trước khi việc này diễn ra,” Mathew Saunders, giám đốc đầu tư của quỹ đầu tư mạo hiểm Future Africa, cho biết. Theo Saunders, một giải pháp khác mà các startup đang áp dụng là “đa dạng hóa cơ sở khách hàng, bao gồm khách hàng quốc tế có thể thanh toán bằng đồng đô la Mỹ.”
Trong năm 2023, đồng nội tệ của các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina nằm trong số những đơn vị tiền tệ trên thị trường đang chịu áp lực giảm giá trị, một phần từ việc đồng đô la Mỹ mạnh trở lại. Nhưng tình hình lại theo chiều hướng khác đối với Nigeria, Ai Cập và Kenya, khi các quốc gia này gặp khó khăn để hấp thụ vốn từ những tiền tệ trú ẩn an toàn như đô la Mỹ, bảng Anh hay euro.
Đối với các quốc gia như Nigeria, nơi đã cung cấp đô la Mỹ cho thị trường ngoại hối để giữ sự ổn định cho đồng nội tệ trong thời gian dài, nguồn dự trữ đồng đô la Mỹ hạn chế khiến ngân hàng trung ương Nigeria (CBN) gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu sử dụng đơn vị tiền tệ này cho giao dịch trong các lĩnh vực như nhập khẩu, do bên cung ứng thường yêu cầu thanh toán bằng đô la Mỹ.
Vào tháng 6.2023, các quan chức của Nigeria đã cho phép đồng naira được tự do giao dịch hơn sau khi nguồn dự trữ ngoại hối giảm từ 39 tỉ USD trong năm 2022 xuống 34 tỉ USD. Theo Abdulazeez Kuranga, nhà chiến lược về kinh tế vĩ mô của Cordros Securitie đặt tại Lagos, với chỉ 35% khoản dự trữ còn lại, “thanh khoản thấp lý giải vì sao nguồn cung ngoại hối của CBN trên thị trường lại bị áp đảo.”
Sau khi phá giá vào ngày 14.6.2023, giá trị của đồng nội tệ naira đã giảm đến 40% so với đồng la Mỹ trên thị trường tiền tệ, nơi diễn ra các hoạt động giao dịch của chính phủ Nigeria. Khi Nigeria ghi nhận lạm phát ở mức 24% vào tháng 7 vừa qua, nhu cầu sử dụng dịch vụ giảm xuống có thể ảnh hưởng đến doanh thu, cũng như định giá của các startup. Điều này đặc biệt đúng với một số công ty có nguồn thu từ đồng naira nhưng lại báo cáo tài chính bằng đồng đô la Mỹ.
Các quan chức tại ngân hàng trung ương Nigeria đều đồng thuận về việc ổn định tỉ giá hối đoái. Tuy nhiên, nếu không thể cải thiện tình hình tiền tệ, các startup nhận vốn đầu tư từ nước ngoài sẽ phải nỗ lực thúc đẩy nguồn thu hơn nữa, hoặc có chiến lược để giảm bớt tác động từ việc đồng naira trượt giá.
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/tinh-hinh-tien-te-cua-nigeria-day-cac-startup-vao-kho-khan)
2 năm trước