Theo thông báo từ chủ tịch Vidjongtius, nhà sáng lập của Kalbe Farma Boenjamin Setiawan đã qua đời vào ngày 4.4 ở tuổi 90.
Tỉ phú Boenjamin Setiawan, được mệnh danh bác sĩ Boen và là nhà đồng sáng lập của công ty dược phẩm đại chúng hàng đầu Indonesia Kalbe Farma, đã qua đời tại bệnh viện Medistra, Jakarta vào lúc 8 giờ 5 phút sáng ngày 4.4 ở tuổi 90, theo chủ tịch của Kalbe Farma Vidjongtius.
Ông Setiawan sẽ được chôn cất tại nghĩa trang San Diego Hills Memorial Park, Tây Java vào ngày 15.4. Sau khi Boenjamin Setiawan mất, gia đình ông còn lại người vợ Poppy Hadiman và hai người con. Con gái Shinta Deviyanti Setiawan nằm trong ủy ban giám sát việc điều hành chuỗi bệnh viện Mitra Keluarga Karyasehat, và con trai Sanadi Boenjamin là thành viên ban lãnh đạo công ty giao dịch Enseval Putera Megatrading. Đây đều là hai doanh nghiệp của gia đình ông Setiawan.
Boenjamin Setiawan và gia đình đứng thứ 8 trong danh sách 50 tỉ phú giàu nhất Indonesia khi Forbes công bố hồi tháng 12.2022, với khối tài sản ròng 4,8 tỉ USD.
Trong thông cáo báo chí, Vidjongtius cho biết “Ông Boen là hình mẫu về tư duy đổi mới và một nhà nghiên cứu không ngừng phát triển. Là thành viên của hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Indonesia, ông ấy đã có đóng góp to lớn trong việc nâng cao năng lực R&D (Nghiên cứu và Phát triển) tại Indonesia. Nghiên cứu của ông sẽ tiếp tục phát triển thông qua quan hệ hợp tác với viện nghiên cứu, khu vực tư nhân, chính phủ và cộng đồng.”
“Việc chú trọng vào lĩnh vực R&D giúp chúng tôi có tốc độ phát triển rất nhanh. Tôi cho rằng đây là chìa khóa dẫn tới thành công,” ông Setiawan ca ngợi thành quả phát triển nhanh chóng trong đổi mới sáng tạo của Kalbe Farma thông qua R&D trong một cuộc phỏng vấn với Forbes Indonesia hồi năm 2012.
Sau khi tốt nghiệp trường y khoa trực thuộc đại học Indonesia vào năm 1958, Boenjamin Setiawan tiếp tục gắn bó với nơi đây trong vai trò giảng viên đến năm 1986. Năm 1961, ông tốt nghiệp đại học California tại San Francisco (Mỹ) với tấm bằng thạc sĩ ngành dược học và cũng có khoảng thời gian ngắn giảng dạy ở đây.
Hành trình khởi nghiệp của Boenjamin Setiawan, còn có tên tiếng Trung là Khouw Lip Boen, bắt đầu từ năm 1966, khi ông cùng 5 anh chị em trong gia đình gồm Khow Lip Tjoen, Theresia Harsini Setiady, Khouw Lip Swan, Maria Karmila và Franciscus Bing Aryanto đồng sáng lập Kalbe Farma trong garage để xe ở Tanjung Priok, Bắc Jakarta.
Từ năm 1991-2008, ông Setiawan giữ chức chủ tịch ủy ban giám sát việc điều hành Kalbe Farma, và đưa công ty lên sở giao dịch chứng khoán Jakarta (JSX) trong năm đầu tiên đảm nhiệm vai trò này. Tính đến tháng 2.2023, gia đình ông Setiawan vẫn nắm 58% cổ phần trong Kalbe Farma thông qua một vài công ty holding.
Trong nhiều qua năm qua, Kalbe Farma đã mở rộng sang các dịch vụ gồm cung cấp thuốc theo toa bệnh và thuốc không kê đơn, nước tăng lực, thực phẩm bổ sung nutri, thiết bị y tế, nha khoa, phân phối, logistics và thương mại điện tử.
Vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, Viện Tế bào gốc và Ung thư (SCCR) của Kalbe Farma đã ra mắt bộ xét nghiệm nhanh bằng nước bọt và dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa Klikdokter, được chính phủ Indonesia lựa chọn để phân phối sản phẩm hỗ trợ điều trị COVID-19.
Kalbe Farma cũng hợp tác với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn cầu, bao gồm công ty cung cấp sản phẩm vitamin và thực phẩm chức năng Blackmores International, cũng như Genexine – công ty công nghệ sinh học (biotech) có trụ sở tại Hàn Quốc.
Hiện nay, Kalbe Farma đang cung cấp sản phẩm tại 43 quốc gia ở khắp Châu Á, Châu Úc, Châu Âu và Nam Mỹ. Trong năm 2022, công ty báo cáo đạt doanh thu 28.900 tỉ rupiah (1,94 tỉ USD), tăng trưởng 11% và lợi nhuận thuần tăng 6,2% lên 33.800 tỉ rupiah (2,26 tỉ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh Kalbe Farma, gia đình ông Setiawan cũng sở hữu Mitra Keluarga Karyasehat, vận hành chuỗi 26 bệnh viện trên toàn Jakarta, Tây Java và Banten.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ti-phu-nganh-duoc-boenjamin-setiawan-qua-doi-o-tuoi-90)
1 năm trước
Rắc rối của tỉ phú Donald Trump1 năm trước
Galy hợp tác với Suzuran dùng bông nhân tạo10 tháng trước
Forbes Việt Nam số 125 & 126: Cơ hội mới, vận hội mới