Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng máy bay tư nhân tại châu Á và Mỹ tăng cao, Thomas Flohr – nhà sáng lập của Vista Global đặt mục tiêu tăng gấp ba lần số lượng chuyên cơ lên 1.000 chiếc vào năm 2030.
Vista Global Holding – công ty cho thuê máy bay tư nhân ghi nhận nhu cầu dành cho dịch vụ VistaJet tại châu Á tăng cao, với các tên tuổi hạng A tại khu vực này như hai ngôi sao K-Pop là Lisa (Blackpink) và V (BTS) đăng tải hình ảnh chụp trên chuyên cơ của VistaJet trong bay đến Paris, Pháp vào tháng 6.2022, cũng như những vị tỉ phú và doanh nhân muốn tránh cảnh ùn ứ tại sân bay và nguy cơ lây nhiễm trong bối cảnh hoạt động đi lại phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service (Moody’s) dự báo, điều này sẽ tạo “đòn bẩy” giúp EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) của Vista trong năm 2022 đạt mức 621 triệu USD, tăng 86% (Vista không công bố thống kê tài chính).
Đặt trụ sở tại Dubai, Vista ghi nhận số lượng chuyến bay tại châu Á trong nửa đầu năm 2022 tăng 77% so với năm 2021. Trong quý 3.2022, số giờ bay trên toàn châu Á tăng hơn 139%, trở thành khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai của Vista. Mỹ là thị trường lớn nhất của công ty. Trong cùng kỳ, số lượng chuyến bay đi/đến Singapore tăng hơn bốn lần khi đảo quốc sư tử tổ chức sự kiện tầm cỡ thế giới là chặng đua xe F1 Singapore Grand Prix.
Chia sẻ trong một buổi họp trực tuyến từ phòng làm việc tại London, Anh, Thomas Flohr (62 tuổi) – nhà sáng lập và chủ tịch của Vista – chia sẻ: “Khách hàng của chúng tôi có nhu cầu rất lớn dành cho các chuyến bay từ Đông Nam Á sang Châu Âu và khắp Thái Bình Dương. Tại châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, muốn kết nối liền mạch với phần còn lại của thế giới.”
Tỉ phú người Thụy Sĩ ca ngợi thành quả tăng trưởng gần đây của Vista tại châu Á từ đội bay Global 7500, máy bay phản lực thương gia lớn nhất thế giới do Bombardier sản xuất. Đây là mẫu máy bay phản lực duy nhất có khả năng bay tối đa 7.500 dặm hải lý (13.900km), phù hợp với những chuyến bay trong và từ khu vực châu Á đến phần còn lại của thế giới.
Đơn cử như đường bay thẳng từ Singapore đến San Francisco. “Sau khi ra mắt chuyên cơ Global 7500, chúng tôi ghi nhận tốc độ tăng trưởng đáng kể tại châu Á, với các chuyến bay thẳng đến Châu Âu và Mỹ thu hút nhiều khách hàng nhất,” Thomas Flohr cho biết.
Vista vận hành chính thức đội bay Global 7500 vào năm 2020, giai đoạn đỉnh dịch COVID-19, và được xem là hãng hàng không cung cấp máy bay phản lực phục vụ chuyến bay đường dài hàng đầu thế giới. Vista hiện đang khai thác hơn 360 chuyên cơ, hơn một nửa trong số đó do Bombardier cung cấp.
Vào cuối năm 2022, công ty sẽ tiếp nhận thêm ba chuyên cơ Global 7500 nhằm đáp ứng nhu cầu từ các khách hàng tại châu Á. Theo Thomas Flohr, Global 7500 là nhân tố chủ chốt trong kế hoạch tăng trưởng của Vista tại châu Á-Thái Bình Dương, khu vực được kỳ vọng đóng góp 20% số lượng hành khách trong nhiều năm tới, tăng từ tỷ lệ 15% hiện nay. Ông cho biết thêm việc Trung Quốc nới lỏng các lệnh hạn chế phòng COVID-19 sẽ đẩy nhanh quá trình tăng trưởng của Vista.
“Tại châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, muốn kết nối liền mạch với phần còn lại của thế giới.”
Nhu cầu từ Vista và các khách hàng khác tăng cao đã thúc đẩy Bombardier đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vào tháng 9.2022, hãng chế tạo máy bay có trụ sở tại Canada đã khánh thành trung tâm dịch vụ mới rộng 50.000m2 tại Melbourne, Úc. Trước đó ba tháng, Bombardier nâng diện tích cơ sơ bảo dưỡng, kiểm tra và sửa chữa máy bay lớn nhất khu vực của công ty tại Singapore lên đến 290.000m2.
“Chúng tôi nhìn thấy những cơ hội tăng trưởng lớn từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương,” Matthew Nicholls, người phát ngôn sinh sống và làm việc tại Montreal, Canada của Bombardier, cho biết qua email.
Không chỉ châu Á, Vista đang hưởng lợi từ việc giới siêu giàu trên thế giới tăng cao. Theo báo cáo Tài sản Toàn cầu (Global Wealth Report) của Credit Suisse công bố hồi tháng 9.2022, số lượng triệu phú toàn cầu cuối năm 2021 đã tăng 9% lên 62,5 triệu người.
Chia sẻ qua email, Steven Langman – đồng sáng lập kiêm giám đốc quản lý của quỹ đầu tư mạo hiểm Rhone Capital có trụ sở tại New York (Mỹ), nhận định “Chúng tôi ghi nhận nhu cầu dành cho các dịch vụ của Vista trên toàn thế giới tăng mạnh. Do đó, chúng tôi tin tưởng rằng công ty sẽ duy trì đà tăng trưởng trong nhiều năm tới.”
Năm 2017, Rhone Capital bỏ ra số tiền 150 triệu USD để mua lại 7,5% cổ phần đầu tiên trong Vista. Thomas Flohr hiện nắm 85% cổ phần trong Vista, công ty có các nhà đầu tư gồm Clearbridge, công ty môi giới Mỹ Jefferies và cả Rhone Capital.
Moody’s dự báo Vista sẽ đạt doanh thu 2,3 tỉ USD trong năm 2022, tăng trưởng 44% và chạm ngưỡng 2,9 tỉ USD vào năm 2023. Tuy vậy, quy mô tăng trưởng trên có thể chững lại do các ngân hàng trưng ương nâng lãi suất cho vay nhằm kìm hãm đà tăng lạm phát. “Những vấn đề về kinh tế vĩ mô và Mỹ đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế, cộng thêm việc lạm phát tăng cao chắc chắn sẽ làm chậm lại đà tăng trưởng của ngành hàng không nói chung và Vista Global nói riêng,” Oliver Giani, nhà phân tích cấp cao làm việc tại Frankfurt, Đức của Moody’s, chia sẻ qua email.
Việc Vista thực hiện kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng cao cũng có thể làm khoản nợ của công ty lớn hơn, sau khi thu về 1 triệu USD từ việc giảm bớt số trái phiếu có rủi ro cao (junk bond) được Moody’s xếp hạng tín nhiệm Caa1. Vista có kế hoạch sử dụng khoản tiền thu về từ số trái phiếu, có mức lãi suất 6,375% do nk of America Securities (BofA) và Jefferies đồng bảo lãnh, còn Barclays và Credit Suisse cùng quản lý, để trả bớt nợ.
“Đòn bảy tài chính ngày càng tăng trong bối cảnh lãi suất cho vay cao hơn sẽ ảnh hưởng đến việc tạo ra dòng tiền và khả năng thanh toán khoản nợ của Vista. Việc Vista có giảm khả năng trả nợ và bị hạ xếp hạng tín dụng hay không tùy thuộc vào quá trình mở rộng quy mô của công ty diễn ra như thế nào,” Giani cho biết.
Theo Flohr, đặt mua chuyên cơ của Bombardier từ năm 2012, Global 7500 là khoản đầu tư xướng đáng mặc dù mẫu máy bay phản lực này có mức giá không hề rẻ khi phải bỏ ra tối thiểu 75 triệu USD/chiếc. “Có những khoản đầu tư tốn kém nhưng mang lại lợi ích rất lớn khi bạn tối ưu hóa đội bay,” Flohr, cũng đầu tư vào các mẫu xe đua và sở hữu chiếc xe từng được tay đua F1 người Đức của đội Ferrari Sebastian Vettel sử dụng trong mùa giải 2017.
Nguồn thu vững chắc của Vista đến từ những chuyến bay chặng dài, với các khách hàng chi trả từ 25.000-30.000 USD cho mỗi giờ đồng hồ thuê chuyên cơ Global 7500. Theo Vista, con số này cao hơn mức phí trung bình 15.000 USD/giờ tùy theo dòng máy bay khác nhau.
“Chúng tôi ghi nhận nhu cầu dành cho các dịch vụ của Vista trên toàn thế giới tăng mạnh.”
Được Flohr thành lập tại Châu Âu vào năm 2004, Vista đã liên tục thực hiện các thương vụ mua lại để mở rộng quy mô trên toàn thế giới. Hai trong số những thỏa thuận thâu tóm lớn nhất của Vista là hãng bay Air Hamburg (Đức) và Jet Edge (Mỹ), hoàn tất trong quý 1.2022 (Vista không tiết lộ các điều khoản trong thỏa thuận).
Việc quy mô đội bay tăng gấp năm lần so với thời điểm 5 năm trước đó đưa Vista thành một trong bốn công ty vận hành máy bay phản lực tư nhân lớn nhất thế giới. Thomas Flohr cho biết ông muốn tăng gấp ba lần số lượng chuyên cơ hiện nay của Vista lên hơn 1.000 vào năm 2030.
Các thương vụ mua lại sẽ giúp Vista rút ngắn khoảng cách với NetJets – công ty hàng đầu thế giới về máy bay tư nhân có trụ sở tại Columbus, Ohio (Mỹ) nhận hậu thuẫn từ tỉ phú Warren Buffett. NetJets vận hành hơn 800 chuyên cơ với hơn 540.000 giờ bay và chiếm 11% thị phần máy bay tư nhân tại khu vực Bắc Mỹ, theo Private Jet Card Comparisons.
Vista đứng thứ tư với 2% thị phần và có hơn 96.000 giờ bay. Còn hai hãng bay Flexjet của Directional Aviation và Wheels Up niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán New York lần lượt xếp thứ hai và ba.
Tốc độ tăng trưởng “thần tốc” của Vista trái ngược với các hãng hàng không thương mại cắt giảm chuyến bay do tác động của đại dịch COVID-19, gây thiệt hại lên đến 190 tỉ USD trong giai đoạn 2020-2022, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết vào tháng 6.2022. “Những lo ngại về vấn đề an toàn và sức khỏe khi đại dịch diễn ra đã thúc đẩy nhu cầu dành cho máy bay tư nhân,” Flohr cho biết.
Quyết định thành lập Vista của Thomas Flohr bắt nguồn từ việc ông cảm thấy thất vọng với dịch vụ từ các hãng cho thuê máy bay tư nhân truyền thống. Do vậy, Flohr đã trở thành người tiên phong trong việc áp dụng mô hình đăng ký trả phí vào dịch vụ máy bay tư nhân, với hợp đồng cho thuê kéo dài trong ba năm tập trung vào số giờ khách hàng có thể sử dụng.
Trong hơn một thập niêm qua, Vista đã đầu tư hơn 4 tỉ USD phát triển mô hình kinh doanh trên quy mô toàn cầu.
Tuy vẫn theo dõi sát sao tình hình hoạt động của các đối thủ cạnh tranh, song Flohr cho biết ông không quá ám ảnh về việc đưa Vista thành công ty cho thuê máy bay tư nhân lớn nhất thế giới. “Tôi không tập trung quá nhiều vào điều đó,” ông cho biết.
Thay vào đó, Flohr tập trung hơn vào việc thuyết phục chủ sở hữu máy bay tư nhân trên thế giới chuyển từ sở hữu sang sử dụng gói dịch vụ của công ty. Qua đó, khách hàng có thể sử dụng máy bay tư nhân trong một năm với chi phí vận hành thấp hơn nhiều so với sở hữu trực tiếp.
Với đội bay của Vista chiếm khoảng 4% trong tổng số 9.000 máy bay phản lực từ tầm trung đến cỡ lớn thuộc sở hữu của doanh nghiệp trên toàn thế giới, Thomas Flohr tin tưởng dư địa tăng trưởng còn rất lớn. “Chúng tôi chỉ mới bắt đầu,” ông cho biết.
DÀN XẾP NỢ
Thị trường máy bay tư nhân được xếp vào nhóm các món đồ xa xỉ dành cho giới thượng lưu của thế giới, những người có khả năng chi trả tối thiểu 375.000 USD cho 15 giờ bay từ Hong Kong đến New York. Tuy vậy, điều gì sẽ xảy ra khi khách hàng không thể thanh toán tiền thuê. Đó là vào năm 2016, khi doanh nhân người Nigeria Kolawole Aluko đã giao lại ngôi dinh thự trị giá 22 triệu USD cho Thomas Flohr để trả khoản tiền thuê máy bay tư nhân mà ông còn nợ Vista Global.
Bốn năm sau, chính phủ Mỹ thông báo tịch thu bất động sản trên, với cáo buộc Kolawole Aluko đã hối lộ một quan chức chính phủ để trúng thầu quyền khai thác dầu, và dùng khoản lợi nhuận thu về để mua ngôi dinh thự bên cạnh các loại tài sản khác có tổng giá trị 165 triệu USD. Tháng 4.2022, Thomas Flohr đã nộp phạt 16 triệu USD cho chính phủ Mỹ để giữ lại dinh thự và không phải chi trả khoản tiền nào khác. Vào tháng 5.2022, Flohr rao bán ngôi dinh thự với mức giá 63 triệu USD.
Hiện tại, ngôi dinh thự này vẫn đang được niêm yết, song mức giá đã hạ xuống còn 58 triệu USD, theo trang web bất động sản Mỹ Zillow. Thomas Flohr và Vista đều từ chối đưa ra bình luận về vụ việc hối lộ của Aluko và khoản dàn xếp, cho biết đây là vấn đề riêng tư.